Facebook bắt đầu cảnh báo tin giả trong bảng cấp tin
Rốt cuộc thì Facebook cũng đã bắt đầu tung ra những cảnh báo tin giả đã hứa hẹn với người dùng trong nhiều tháng qua.
Theo trang tin Softpedia, với những nội dung xuất hiện trên bảng cấp tin (News Feed) của Facebook, nếu thuộc diện nghi vấn, Facebook sẽ có thêm nhãn "disputed" (đang bị tranh cãi) phía dưới thông tin đó, kèm theo một đường link dẫn đến nội dung phản bác lại các thông tin đó.
Trên thực tế Facebook đã suy tính về việc áp dụng một biện pháp như vậy kể từ khi cuộc bầu cử tổng thống Mỹ bị lũng đoạn vì nạn tin tức giả.
Trong vài tháng qua Facebook đã nhiều lần giải quyết vấn đề này và cho biết họ cũng đã áp dụng một số biện pháp để ngăn không cho các tin tức giả xuất hiện trên mạng xã hội này.
Tháng 12 năm ngoái Facebook tuyên bố đã hợp tác với ABC News, Politifact, FactCheck, Snopes và AP để kiểm chứng thông tin.
Mặc dù việc tiến hành gắn những cảnh báo đối với các bản tin đáng ngờ trên Facebook cũng đã là biện pháp rất tốt, nhưng xem ra quá trình ngăn chặn tin giả bị phát tán vẫn còn khá chậm.
Quá trình kiểm chứng tin giả được thực hiện theo "quy trình" như sau: Trước hết người dùng phải gửi thông báo về một bản tin họ cho là giả hoặc phần mềm của Facebook phát hiện thông tin không đúng về bản tin nào đó.
Sau đó các tổ chức kiểm chứng tin tức mới bắt tay vào xem xét nội dung bản tin, so sánh với các thông tin khác để quyết định xem có đúng bản tin bị báo cáo đó là giả hay không.
Cần phải có ít nhất hai trong số các cơ quan kiểm chứng tin tức khẳng định đó là tin giả thì thông tin đó mới được công bố tới mọi người.
Quá trình kiểm chứng này có thể mất tới vài ngày và trong khoảng thời gian đó, nhiều khả năng bản tin giả đã kịp phát tán tới hằng hà sa số người đọc, và đương nhiên dẫu có bị phanh phui thì cũng coi như việc "được vạ thì má đã sưng".
Từ thực tế này người ta hy vọng Facebook sẽ sớm mở rộng thêm danh sách các đối tác tham gia kiểm chứng tin tức để có thể đẩy nhanh hơn tốc độ kiểm chứng thông tin.
Tuy nhiên có một điều vẫn cần phải chờ xem là không biết người dùng Facebook có quan tâm tới các nhãn cảnh báo tin giả không, hay họ vẫn sẽ chỉ chọn xem những thông tin họ muốn tin như nhiều người vẫn thường làm trong quá khứ?
D. Kim Thoa
Nguồn Tuổi Trẻ Online