Người đưa Coca-Cola Việt Nam trở lại đường đua với Pepsi
Người đàn ông Ấn Độ này đã làm việc tại tập đoàn của Mỹ 14 năm (từ 1998 đến 2012) và trong cuộc phỏng vấn với chúng tôi, Vamsi cho biết "máu đã dương tính" với Coca-Cola.
Vamsi Mohan chưa từng đến Việt Nam, và ông rất háo hức đến với đất nước hình chữ S bởi: "Đây là một nền kinh tế đang tăng trưởng với tốc độ cao, nhu cầu về nước giải khát không cồn còn rất lớn và ở đó sẽ có rất nhiều cơ hội".
Không có nhiều người biết rằng, việc Coca-Cola thay CEO tại Việt Nam vào năm 2012 bắt nguồn từ một sự thay đổi quan trọng khác: chủ sở hữu với công việc kinh doanh trên đất nước hình chữ S. Trên khắp thế giới, Tập đoàn Coca-Cola (Mỹ) hầu như không trực tiếp kinh doanh mà chủ yếu bán "nước cốt" (nguyên vật liệu đầu vào) cho các đối tác đóng chai, và có thể sở hữu cổ phần ở các công ty này. Trước đó, đối tác đóng chai tại Việt Nam trực thuộc Coca-Cola Singapore do một tập đoàn của Nam Phi sở hữu.
Trước những khó khăn trong hiệu quả kinh doanh của đối tác, làm ảnh hưởng tới thương hiệu Coca-Cola nên Tập đoàn của Mỹ đã mua lại cổ phần để tái cấu trúc hoạt động. Tuy nhiên, việc thay đổi chủ sở hữu diễn ra ở công ty tại Singapore và không làm thay đổi gì về pháp lý tại Việt Nam nên rất ít người biết thông tin.
Trên thế giới, chỉ có 7 công ty mà Tập đoàn nước giải khát số 1 thế giới trực tiếp sở hữu nhà máy đóng chai cũng như kinh doanh. Năm 2012, sau khi đổi chủ sở hữu điều hành công ty tại Việt Nam, Chủ tịch kiêm tổng giám đốc điều hành Coca-Cola tuyên bố sẽ rót thêm 300 triệu USD vào Việt Nam trong 3 năm tiếp theo.
Kể từ khi Vamsi điều hành Coca-Cola Việt Nam, sự thay đổi đặc biệt và dễ thấy tại công ty này diễn ra ở nhà ăn và những chiếc toilet dành cho công nhân. Vị CEO mới yêu cầu phải xây lại nhà ăn và những chiếc toilet đúng theo tiêu chuẩn thế giới để nhân sự tại đây có thể thoải mái trong 2 thời điểm đặc biệt của nhân viên. Đi kèm với đó, các bữa ăn trưa của công nhân cũng được vị CEO dành sự quan tâm đặc biệt. Vamsi lập ra hẳn một hội đồng để tổ chức lại việc này với việc tăng khẩu phần ăn và đặc biệt là kiểm soát rất chặt chẽ nguyên liệu đầu vào, và tỷ lệ dinh dưỡng cho bữa ăn đúng theo chuẩn của Coca-Cola tại Mỹ.
Bên cạnh đó, một sự thay đổi lớn khác cũng đến với đội ngũ bán hàng của Coca-Cola Việt Nam. Nếu như trước đó, hành trang mỗi ngày của họ là một cặp giấy tờ lỉnh kỉnh và tốn rất nhiều công sức cho việc báo cáo, kiểm tra dữ liệu… thì giờ họ chỉ cần một chiếc iPad kết nối 3G. Công việc mỗi ngày của cả nghìn người tại Coca-Cola trở nên đơn giản và thuận tiện hơn trước rất nhiều bởi họ sẽ xem chỉ đạo, báo cáo và tra cứu mọi thứ mình cần với chiếc iPad với tốc độ nhanh hơn và ở mọi lúc, mọi nơi. Tuy nhiên, cũng như sự thay đổi đến từ nhà ăn và chiếc toilet dành cho công nhân, vấn đề không nằm ở chỗ đầu tư vào chiếc iPad.
Ngoài những thay đổi với những nhân viên của Coca-Cola, những đối tác bán lẻ trải rộng khắp Việt Nam cũng cảm nhận rõ điều tương tự. Vamsi đã quyết định đầu tư hàng chục triệu USD để mua cả chục nghìn chiếc tủ lạnh, đặt tại điểm bán của những nhà bán lẻ trên khắp đất nước. "Những sản phẩm của Coca-Cola phải uống lạnh mới ngon và chúng tôi mong muốn tất cả khách hàng của mình thưởng thức nó tốt nhất", Vamsi chia sẻ.
Chia sẻ với chúng tôi về những thay đổi mà vị CEO người Ấn Độ tạo ra tại đây, bà Lê Từ Cẩm Ly, Giám đốc Đối ngoại và pháp lý Coca-Cola Đông Dương nói: "Vamsi không làm gì gây sốc hoặc bất thường, mà chỉ thực hiện những thay đổi đơn giản, dễ hiểu và đều tập trung vào con người, cả bên trong lẫn bên ngoài". Bà Ly cũng cho biết thêm, sau khi tìm hiểu kỹ, vị CEO thấy rằng để tăng trưởng cao, hiệu quả với thị trường Việt Nam thì không cần thiết phải có những điều chỉnh quá lớn về chiến lược kinh doanh mà điều quan trọng là cách làm và giúp cho đội ngũ say mê với công việc.
Chưa hết, một điểm khác biệt nữa của Vamsi Mohan là chính sách ưu tiên các tài năng bản địa. Mỗi năm, công ty này chi hàng triệu đôla, cử hàng trăm nhân viên Việt Nam ra nước ngoài đào tạo các khóa học về quản lý của tập đoàn. Chỉ một thời gian không lâu sau khi CEO người Ấn đến đây, Coca-Cola chỉ còn 2 người nước ngoài là Vamsi và giám đốc tài chính, gần 2.500 nhân viên còn lại đều là người Việt Nam. Bên cạnh đó, hàng trăm nhân viên cũ (đã rời Coca-Cola để sang nơi khác làm việc) lại quay trở về…
Tại Việt Nam, nghi án chuyển giá là một câu chuyện không mong muốn của Coca-Cola. Chi phí nguyên vật liệu đầu vào mua từ công ty mẹ chiếm tỷ lệ cao trong giá bán và lỗ liên tục trong gần 20 năm nhưng doanh thu liên tục tăng trưởng cao là nguyên nhân chính của nghi án. Thế nhưng, trong suốt thời gian làm CEO tại Việt Nam, Vamsi Mohan chưa một lần lên tiếng giải thích với công chúng về điều này. Trong lần hiếm hoi trả lời báo chí về nghi án chuyển giá, ông Nguyễn Khoa Mỹ - Giám đốc đối ngoại của Coca-Cola khu vực Đông Dương chỉ tuyên bố ngắn gọn là công ty này tuân thủ đúng các quy định về tài chính nhưng không giải thích gì thêm.
Trong buổi trả lời phỏng vấn chúng tôi khi đã trở thành CEO của Coca-Cola toàn khu vực Đông Dương và Myanmar (Vamsi được thăng chức vào cuối năm 2016 sau những thành công tại Việt Nam), vị CEO người Ấn Độ nói: "Chúng tôi đã cố gắng làm tốt những yêu cầu phải làm, tuân thủ các quy định của Nhà nước Việt Nam. Khi nhận được câu hỏi từ phía chính quyền, chúng tôi trả lời rất minh bạch, đầy đủ chứ không phải khi có sức ép dư luận thì mới làm".
Sau đó, Vamsi Mohan cười và nói vui: "Thực ra, tôi cũng hiểu là tin tức nghi vấn Coca-Cola chuyển giá thì mới được quan tâm còn việc đăng Coca-Cola tuân thủ đúng pháp luật có lẽ không có nhiều người đọc". Trong khi đó, ông Nguyễn Khoa Mỹ - Giám đốc đối ngoại Coca-Cola khu vực Đông Dương tiết lộ: "Khi những nghi vấn chuyển giá nổ ra, chúng tôi không thể cung cấp các thông tin tại thời điểm đó bởi các quy định về công bố thông tin của một tập đoàn được niêm yết trên thị trường chứng khoán".
Trong khi đó, bà Lê Từ Cẩm Ly, Giám đốc Đối ngoại và pháp lý Coca-Cola Đông Dương cho biết: "Những người tại Coca-Cola đều hiểu rằng, nguyên nhân gây lỗ liên tục là do các dây chuyền sản xuất chưa vận hành đủ công suất mà vẫn chịu những khoản chi phí khấu hao lớn. Chỉ cần đẩy mạnh việc mở rộng thị trường, nâng công suất lên là điều này được giải quyết được bài toán này".
Chuyên gia pháp lý này cũng bổ sung, ngoài việc cung cấp số liệu cho các cơ quan quản lý của Việt Nam, Coca-Cola chủ động mời kiểm toán độc lập - một hãng thuộc Big 4 (4 công ty kiểm toán lớn và có uy tín nhất trên thế giới) thực hiện các báo cáo độc lập. Sau đó, Coca-Cola cũng chuyển bản báo cáo đó cho các cơ quan có liên quan tham khảo. "Kinh doanh có lãi, nộp thuế ngày càng nhiều hơn và những báo cáo kiểm toán độc lập của một hãng kiểm toán uy tín về nghi vấn chuyển giá là những câu trả lời rõ ràng", bà Ly chia sẻ.
Trên thực tế, kết quả kinh doanh không tốt của Coca-Cola tại Việt Nam thuộc sở hữu của nhà đóng chai là một công ty Nam Phi. Công ty này từng thành công ở những khu vực khác khi hợp tác với Tập đoàn Coca-Cola (Mỹ) nhưng họ không đạt được thành công ở Việt Nam do việc vận hành kinh doanh không phù hợp. Đây cũng là lý do công ty Nam Phi phải bán lại mảng kinh doanh và đóng chai tại Việt Nam cho Tập đoàn Coca-Cola nhằm tránh tổn thất thêm.
Năm 2011, một năm trước khi Vamsi Mohan trở thành CEO tại Việt Nam, thị phần nước giải khát không cồn của Coca-Cola từ vị trí thứ 3 có nguy cơ tụt xuống thứ 4 (Pepsi đứng số 1, thứ 2 là Tân Hiệp Phát – Việt Nam và thứ 4 là URC của Philippines). Trong cuộc trả lời phỏng vấn với chúng tôi, Vamsi Mohan nói: "Tôi không thích những điều đã xảy ra trong quá khứ nhưng đó là một phần của lịch sử".
Vị CEO người Ấn Độ ví von: "Chúng tôi coi việc kinh doanh giống như một cuộc đua marathon chứ không phải là chạy 100m kiểu Usain Bolt (vận động viên chạy nhanh nhất thế giới người Jamaica). Coca-Cola đã 130 tuổi nhưng rất trẻ và còn nhiều mục tiêu để phấn đấu. Tại Việt Nam, chúng tôi khởi động hơi chậm nhưng sẽ tăng tốc và về đích tốt".
Năm 2013, chỉ một năm sau khi CEO Ấn Độ điều hành, Coca-Cola Việt Nam lần đầu tiên trong lịch sử hàng chục năm có mặt tại Việt Nam có lợi nhuận và liên tục có lãi những năm sau đó. Và theo tiết lộ của vị CEO này: "Toàn bộ lợi nhuận được tạo ra đều được tái đầu tư cho thị trường Việt Nam chứ không chuyển ra nước ngoài".
Trong buổi trả lời phỏng vấn với chúng tôi, Vamsi Mohan chia sẻ: "Khi mới đến Việt Nam, tôi luôn đặt câu hỏi với các đồng nghiệp của mình: ‘Tại sao Coca-Cola là công ty nước giải khát số 1 thế giới mà ở đây chúng ta lại không thể làm được như vậy?’ Thực tế thì chúng tôi đã gặp phải những sai lầm, thấm thía được nhiều bài học từ đó và đang phấn đấu để kinh doanh hiệu quả hơn. Và đến thời điểm này, tôi tin rằng Coca-Cola có thể đạt được vị trí số 1 trong 5-10 năm tới".
Tổng giám đốc Coca-Cola khu vực Đông Dương và Myanmar tính toán: "Tại Việt Nam, mỗi người dân sử dụng bình quân 20 sản phẩm Coca-Cola/1 năm; ở Nhật Bản con số này là 200 và ở Mexico là 800. Như vậy, thị trường còn tiềm năng để chúng tôi xây dựng mỗi tỉnh một nhà máy Coca-Cola trên khắp Việt Nam". Tuy nhiên, trên đất nước hình chữ S, Coca-Cola vẫn đứng thứ 3 về thị phần nước giải khát không cồn và còn khoảng cách rất xa so với người đứng đầu (Pepsi lớn gấp 2,5 lần). Và sau khi Vamsi Mohan rời đi, trách nhiệm đưa Coca-Cola lên vị trí số 1 tại Việt Nam sẽ để lại cho vị CEO mới (ông Sanket Ray) cùng các đồng sự.
Hoàng Ly / Ảnh: Thanh Vũ / Thiết kế: 7pm
Nguồn Trí thức trẻ