Chuyện SCIC nhìn từ Vinamilk
“Con bò sữa” là cụm từ chính xác nhất để nói về khoản đầu tư của SCIC tại Vinamilk hiện nay. Tương lai của SCIC sẽ ra sao nếu vào một ngày đẹp trời đơn vị này không còn được quản lý hơn 375 triệu cổ phiếu của Vinamilk?
Cái tên Mai Kiều Liên, Chủ tịch Hội đồng Quản trị kiêm Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Sữa Việt Nam (Vinamilk) vừa được Tạp chí Quản trị Doanh nghiệp châu Á - Corporate Governance Asia vinh danh với giải thưởng “Các CEO xuất sắc của châu Á” trong lĩnh vực phát triển quan hệ với nhà đầu tư. Giải thưởng này gắn liền với thành tích tổng doanh thu năm 2012 đạt 1,3 tỉ USD (hơn 27.000 tỉ đồng), lợi nhuận sau thuế gần 5.800 tỉ đồng, tăng 40% so với 2011 của Vinamilk. Các cổ đông lớn của công ty sữa này lại có thêm một năm bội thu. Trong đó, Tổng Công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC), cổ đông lớn nhất của Vinamilk, chắc chắn sẽ vui nhất.
Lãi to với Vinamilk
Nếu lấy giá cổ phiếu của Vinamilk là 98.000 đồng chốt tại phiên giao dịch cuối ngày 24.1.2013 thì con số hơn 375 triệu cổ phiếu VNM mà SCIC đang sở hữu tương đương 36.750 tỉ đồng. Con số này tương đương gần 75% tổng giá trị danh mục đầu tư của đơn vị này, gồm khoảng 416 doanh nghiệp mà SCIC đang đại diện phần vốn Nhà nước.
Theo báo cáo kết quả kinh doanh năm 2012 của Vinamilk, doanh thu bán hàng và lợi nhuận sau thuế năm 2012 của họ đều tăng, lần lượt là 23% và 39%. Với kết quả kinh doanh tích cực trong năm 2012, thu nhập trên mỗi cổ phiếu (EPS) của VNM đạt mức khá cao, 6.940 đồng/cổ phiếu.
Như vậy, từ thời điểm niêm yết cổ phiếu trên sàn TP.HCM (HoSE) vào tháng 1.2006 đến nay, lợi nhuận sau thuế của Vinamilk đã tăng gấp 8,7 lần, từ 660 tỉ đồng lên 5.786 tỉ đồng. Giá cổ phiếu cũng tăng gấp 10 lần. Với hơn 375 triệu cổ phiếu đang sở hữu, quả không ngoa khi gọi Vinamilk là con bò sữa của SCIC.
Mới đây, báo cáo kết quả kinh doanh năm 2012 được đăng tải trên trang web của SCIC cho thấy, tổng lợi nhuận sau thuế của đơn vị này đạt gần 3.900 tỉ đồng, tăng 30% so với 2011. Nếu tính 1.000 tỉ đồng cổ tức mà Vinamilk trả cho SCIC trong năm 2012 thì chỉ riêng đại gia sữa này đã đóng góp hơn 25% lợi nhuận sau thuế của SCIC. Trong báo cáo của mình, SCIC cũng vinh danh Vinamilk như một khoản đầu tư thành công điển hình, với mức lũy kế cổ tức đạt hơn 2.600 tỉ đồng, gấp 3 lần số vốn Nhà nước đầu tư ban đầu.
Với đà tăng trưởng đó, Vinamilk tiếp tục đặt ra đích doanh thu 3 tỉ USD vào năm 2017. Nếu chiến lược này được thực thi, Vinamilk có thể sẽ tiếp tục là “vua” trên sàn chứng khoán và cũng là con bò sữa của SCIC ít nhất trong vòng 3-5 năm nữa.
Thành lập vào tháng 8.2006, tuổi đời của SCIC còn khá non so với các tập đoàn, tổng công ty nhà nước, nhưng hiệu quả hoạt động của nó rất khá hoành tráng, theo báo cáo tổng kết năm 2012 của đơn vị này. Lợi nhuận sau thế gần 3.900 tỉ đồng, tăng 30%, tỉ suất lợi nhuận trên vốn đạt 22%, tăng 32% so với 2011 là những con số trong mơ trong bối cảnh kinh tế năm 2012.
Tuy nhiên, nếu soi kỹ vào danh mục đầu tư năm qua của SCIC sẽ thấy tiềm ẩn các yếu tố rủi ro.
Tính đến ngày 31.12.2012, SCIC nắm giữ vốn nhà nước tại hơn 400 doanh nghiệp với tổng giá trị sổ sách hơn 14.000 tỉ đồng, nhưng giá trị thị trường lên tới khoảng 50.000 tỉ đồng. Danh mục đầu tư của SCIC hiện được chia thành 3 nhóm chính. Nhóm đầu tư chiến lược là 10 công ty niêm yết với các cổ phiếu có giá trị thị trường lớn nhất như Vinamilk (SCIC sở hữu hơn 45%), Tổng Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam - VCG (58%), Dược Hậu Giang - DHG (43%), Tổng Công ty Cổ phần Tái Bảo hiểm Quốc gia - VNR (40%), Bảo hiểm Bảo Minh - BMI (51%)…Tiếp đến là nhóm đầu tư linh hoạt và sau cùng là nhóm thoái vốn đầu tư.
Nếu nhóm đầu tiên, dẫn đầu bởi VNM, đang là các cỗ máy kiếm tiền tỉ cho SCIC (chiếm hơn 80% tổng giá trị đầu tư, hơn 60% lợi nhuận sau thuế) thì kẻ tội đồ chính là nhóm thoái vốn với 254 doanh nghiệp được SCIC đăng ký bán phần vốn nhà nước trong năm 2012. Tuy nhiên, tình hình kinh tế vĩ mô không thuận lợi thời gian qua đã làm cho phần vốn nhà nước tại các công ty thuộc nhóm cuối này, hầu hết là có liên quan đến bất động sản, trở nên kém hấp dẫn trong mắt người mua. “Nhìn đâu cũng thấy bất động sản như cơn ác mộng”, một quan chức SCIC (không muốn nêu tên) phân trần về tình trạng không thể thoái vốn.
Vị quan chức này cho biết, vướng mắc lớn nhất chính là quy định không được bán vốn nhà nước với giá dưới giá trị sổ sách, ngoại trừ các doanh nghiệp lỗ 3 năm liên tiếp, làm cho cả doanh nghiệp và SCIC đều tiến thoái lưỡng nan. “Hiện trên cả 2 sàn đều đầy rẫy những cổ phiếu với giá quanh quẩn mức 5.000 - 7.000 đồng/cổ phiếu. Số cổ phiếu thấp hơn giá trị sổ sách thì đếm không xuể. Các cổ phiếu SCIC muốn bán làm sao có đủ sức cạnh tranh với “mùa khuyến mãi” của cả 2 sàn?”, vị này nói.
Thông tin mới nhất từ SCIC cho biết, đơn vị này đang chờ nghị định về một khung pháp lý mới để có thể cải thiện hiệu quả hoạt động trong tương lai. Trong lúc chờ đợi khung pháp lý này, mới đây đã xuất hiện xu hướng quay trở lại bộ chủ quản của một số doanh nghiệp nhà nước, tiêu biểu là sự kiện 6 tổng công ty của Tập đoàn Xây dựng Công nghiệp vừa được tách ra và giao về lại cho Bộ Xây dựng quản lý.
Tương lai nào cho SCIC?
Với tổng giá trị đầu tư và mức lợi nhuận sau thuế mang về áp đảo so với toàn danh mục, SCIC chắc chắn không muốn rời xa “con bò sữa” Vinamilk, kể cả trong trường hợp SCIC sẽ hoạt động dưới mô hình mới. Đối với Vinamilk, mặc dù làm ra tiền tỉ hàng năm cho SCIC, nhưng một nguồn tin của NCĐT cho biết, hầu như họ không nhận được bất kỳ sự hỗ trợ nào từ phía SCIC là cổ đông sáng lập hiện nắm giữ hơn 45% cổ phần. Thậm chí, trước đây, khó khăn lớn nhất của Vinamilk trong quá trình triển khai chiến lược phát triển vùng nguyên liệu sữa là tìm quỹ đất để đầu tư 5 trang trại bò sữa tại một số tỉnh thành thì SCIC vẫn đứng ngoài cuộc.
Vì vậy, thời gian qua, một số chuyên gia kinh tế đã đặt vấn đề về vai trò và tiếng nói của SCIC mạnh cỡ nào khi đại diện phần vốn nhà nước tại hơn 400 doanh nghiệp.
Thực tế cho thấy, SCIC chỉ mới tiếp nhận khoảng 3% tổng vốn nhà nước ở hơn 400 đơn vị. Nếu so với 1.309 đơn vị quốc doanh, nơi Nhà nước đang sở hữu 100% vốn, quy mô của SCIC thậm chí chỉ tương đương 1 doanh nghiệp trong số này.
Trở lại câu chuyện của Vinamilk, với tham vọng đạt mức doanh thu 3 tỉ USD vào năm 2017, chắc chắn một trong những chiến lược cốt lõi mà đại gia này phải nhắm tới là mở rộng cơ cấu vốn bằng cách mở thêm room cho nhà đầu tư nước ngoài. Tuy nhiên, do room dành cho khối nước ngoài tại Vinamilk đã đụng trần nên cách khả dĩ nhất là giảm số lượng cổ phần sở hữu của các cổ đông khác. Trong đó, con số hơn 45% cổ phần của SCIC hiện nay có nhiều khả năng sẽ được cân nhắc.
Xa hơn, khi bàn về tương lai của SCIC, có ý kiến cho rằng cứ nhìn vào Temasek để đoán tương lai của SCIC, vì cả 2 đều là mô hình quỹ đầu tư quốc gia. “Tuy nhiên, điểm khác biệt lớn giữa SCIC và Temasek là SCIC chưa đảm bảo được tính minh bạch và chuyên nghiệp cao như Temasek”, chuyên gia kinh tế Lê Hồng Giang cho biết.
Theo đánh giá của nhà nghiên cứu Edward Truman, thuộc Viện Nghiên cứu Peterson về Kinh tế Quốc tế, chỉ số minh bạch của Temasek xếp thứ hai châu Á và là một trong những quỹ đầu tư quốc gia có chỉ số minh bạch thuộc hàng cao trên thế giới. Mức độ minh bạch của Temasek thể hiện qua việc tự nguyện công bố báo cáo tài chính hàng năm, dù họ không có nghĩa vụ công bố vì không phải là công ty đại chúng.
Đối với SCIC, đến nay, ngoài một số rất ít thông tin công bố, đơn vị này vẫn không công khai báo cáo tài chính định kỳ, không có kiểm toán độc lập và đặt biệt là không phân biệt ranh giới giữa quyết định thương mại và quyết định chính sách. Vì vậy, sự xuất hiện của SCIC trong thị trường đầu tư vào doanh nghiệp rất có thể gây hiệu ứng chèn ép các nguồn vốn khác từ các quỹ nước ngoài hay các công ty tư nhân lớn có tiềm lực.