Ông chủ của Unilever muốn cứu thế giới bằng cách nào?

Bước vào nhà máy của Unilever ở bên ngoài Liverpool, thuộc miền Bắc nước Anh, dây chuyền lắp ráp tự động sáng choang ánh đèn. Hàng ngàn chai chạy xuống băng chuyền tạo thành một vệt tím sáng cùng những âm thanh lách cách.

Nhìn kỹ hơn, có một chi tiết cực kỳ quan trọng. Những chai mới này dáng “khom” hơn so với kiểu chai cũ cao hơn trên một dây chuyền lắp ráp khác. Trên chai có dán nhãn ghi rằng đây là loại nước xả vải Comfort cho 38 lần giặt, thay vì chỉ 33 lần giặt của loại nước xả vải thế hệ mới nhất. Thông điệp rất rõ ràng: người tiêu dùng cần tiết kiệm một trong những nguồn tài nguyên quý giá nhất trái đất: nước.

Điều này nghe có vẻ như là chiêu trò marketing của một trong những công ty hàng tiêu dùng lớn nhất thế giới. Nhưng đối với Unilever, loại nước xả vải đậm đặc, cải tiến này là một trong nhiều nỗ lực quan trọng được Công ty triển khai tại hơn 300 nhà máy trên khắp thế giới, vốn cho ra hơn 400 nhãn hàng. Trọng tâm của những thay đổi này là một thông điệp mà Unilever chuyển đến cho nhà đầu tư và các công ty khác: các tập đoàn lớn cần nhanh chóng thay đổi cách họ làm kinh doanh, nếu không sẽ từ từ co cụm và diệt vong.

Người đặt tất cả tâm huyết vào sứ mệnh cứu rỗi thế giới là Paul Polman, đã lèo lái Unilever trong suốt 8 năm qua. Tháng 11 năm ngoái, Chính phủ Pháp đã phong tặng hiệp sĩ cho ông không phải vì khả năng tạo ra lợi nhuận mà vì những nỗ lực toàn cầu không ngừng nghỉ của ông trong việc chống biến đổi khí hậu.

Ông chủ của Unilever muốn cứu thế giới bằng cách nào?Mới đây, Unilever đã công bố lãi ròng năm 2016 đạt 5,7 tỉ USD nhưng doanh số bán đang tăng trưởng chậm lại. Điều này dường như càng khiến ông tin rằng phải nỗ lực hơn nữa trong công cuộc bảo vệ môi trường nếu không muốn lợi nhuận doanh nghiệp bị ảnh hưởng. Ông cho biết, hơn 160 triệu trẻ em trên thế giới bị suy dinh dưỡng. 8 triệu người chết sớm mỗi năm do ô nhiễm. 1 tỉ người giàu nhất thế giới tiêu thụ 75% tài nguyên thiên nhiên. “Chúng ta đang lãng phí 30-40% thực phẩm trong khi hàng triệu người đi ngủ với cái bụng đói”, ông nói.

Tâm huyết của Polman có lẽ là lý do vào năm 2012, Ban Ki-moon, khi đó là Tổng thư ký Liên hiệp Quốc, đã đưa ông vào nhóm 26 người soạn ra 17 mục tiêu cho tổ chức thế giới này và ông cũng là nhà điều hành doanh nghiệp duy nhất trong nhóm. Năm 2015, Các Mục tiêu phát triển bền vững của Liên hiệp Quốc đã ra đời, trong đó có một số nội dung quan trọng như xóa nghèo và bất bình đẳng giới tính. Khi được hỏi làm thế nào cân bằng thời gian điều hành Unilever với các hoạt động môi trường, ông cho biết: “Tôi không tách bạch 2 điều này. Tôi nghĩ đó là một phần không thể thiếu trong cách chúng ta làm ăn kinh doanh”.

Thực tế, hầu hết các doanh nghiệp dành riêng hoạt động môi trường và chống đói nghèo vào một “ngăn” gọi là các chương trình trách nhiệm xã hội doanh nghiệp (CSR), tách bạch khỏi các mảng tạo ra nguồn thu. Đối với Polman, sự tách bạch này không có ý nghĩa. Năm 2009, khi ông rời khỏi Nestlé để về làm CEO cho Unilever, ông đã xóa sổ phòng CSR, thay vào đó hướng dẫn 169.000 nhân viên đưa các cam kết xã hội sâu rộng của Unilever vào các mục tiêu kinh doanh của họ. Chiến lược này được mở rộng ra toàn bộ Tập đoàn, “đến mọi nhãn hàng, mọi thị trường. Không có ngoại lệ nào cả”, Keith Weed, đứng đầu chương trình bền vững của Unilever, cho biết.

Rủi ro môi trường và đói nghèo là những vấn đề căn cơ của gần như mọi hoạt động doanh nghiệp từ lưu trữ dữ liệu, sản xuất bột giặt cho đến trồng trà. Ông tin rằng, ngày càng nhiều khách hàng bắt đầu tẩy chay những doanh nghiệp không nắm bắt được xu hướng này, trong khi các doanh nghiệp thực hiện bình đẳng giới và bảo vệ môi trường sẽ càng trở nên sinh lợi hơn. Ở góc nhìn này, ông nghĩ rằng Unilever có thể đóng một vai trò quan trọng trong việc cho các doanh nghiệp thấy được con đường tốt đẹp nhất ở phía trước. “Ở đây chúng ta không nói đến chuyện từ thiện. Chúng ta đang điều hành một lĩnh vực kinh doanh”, ông nói.

Việc ông Polman đặt trọng tâm vào tính bền vững như một nguyên tắc quản trị cốt lõi đã giúp nâng cao tiếng tăm trên toàn cầu của Unilever. Tập đoàn xếp thứ 38 năm nay trong danh sách Top 50 công ty được ngưỡng mộ nhất thế giới của Fortune, từ vị trí 41 của năm 2016. Đây là năm thứ 6 liên tiếp Unilever có mặt trong danh sách này.

Ông chủ của Unilever muốn cứu thế giới bằng cách nào?

Nhưng trong mắt của nhà đầu tư, ý định tốt đẹp của Polman không có nhiều ý nghĩa so với lợi nhuận kiếm được. Trong 12 tháng qua, cổ phiếu của Unilever đã giảm hơn 2% trong khi chỉ số S&P đã tăng mạnh 25%. Martin Deboo, chuyên gia phân tích tại Jefferies, cho biết: “Một số nhà đầu tư mà tôi nói chuyện cũng tỏ ra quan tâm đến “Kế hoạch sống bền vững của Unilever” (gọi tắt là USLP, được Polman ra vào năm 2010 gồm 50 mục tiêu như giảm phân nửa lãng phí nước trong nhà máy, đào tạo 5 triệu phụ nữ...)”.

Tuy nhiên, khi sự ảm đạm của nền kinh tế toàn cầu tác động đến tăng trưởng của Unilever trong suốt 2 năm qua, Deboo cho biết, một số nhà đầu tư đã bắt đầu đặt dấu hỏi liệu chiến lược này có “ăn” vào các yếu tố khác. Unilever cho biết 80% nhà đầu tư xem phương thức tiếp cận này như một cách đẩy tăng giá trị lâu dài của Tập đoàn. Nhưng Deboo cho rằng dường như Polman đã dành tâm huyết giải quyết các vấn đề toàn cầu nhiều hơn là quan tâm chi tiết đến hoạt động kinh doanh của Tập đoàn. Polman cũng nói như thế: “Tôi thực sự hứng thú hơn vào công cuộc phát triển. Không có cách nào tốt hơn là sử dụng những công ty như thế để thúc đẩy phát triển”. Ông cũng từng nói “chưa bao giờ muốn trở thành CEO và thực sự không quan tâm về điều đó”.

Điều này có thể khiến cho nhà đầu tư nghĩ rằng Polman không tập trung hoàn toàn sức lực vào công ty của mình. “Mọi người chiều ý Unilever về kế hoạch USLP trong những năm đầu tiên khi các con số kinh doanh đang rất tốt. Giờ họ muốn biết rõ hơn về lợi nhuận”, Deboo nói.

Liệu Polman, sau gần 1 thập niên cầm cương tại Unilever, có thể cứu rỗi thế giới mà vẫn mang về kết quả kinh doanh đủ làm hài lòng cổ đông? Và liệu “phiên bản Unilever” của ông có trở thành mô hình mới cho các tập đoàn đa quốc gia?

Polman nhấn mạnh các mục tiêu phát triển kinh tế của ông sẽ thúc đẩy lợi nhuận của Unilever vì Tập đoàn phụ thuộc vào hàng trăm triệu người có đủ tiền để mua hàng hóa của mình. “Nếu 800 triệu người không còn bị đói thì sẽ có cơ hội rất lớn để chúng ta bán lương thực. Nếu chúng ta đấu tranh vì họ và làm tốt việc đó thì cổ đông cũng sẽ như vậy”, ông nói. Nhưng chắc chắn nỗ lực của ông sẽ mất thêm nhiều năm nữa .

Ngô Ngọc Châu / Fortune
Nguồn Nhịp cầu Đầu tư