Ô tô giảm giá - cuộc chiến giành thị phần?
Hai tháng đầu năm 2017, thông tin giảm giá của nhiều mẫu xe khiến thị trường ô tô Việt Nam không khỏi xáo động.
Thuế không phải là nguyên nhân chính, do vậy việc giảm giá cho thấy thị trường đã dần lộ rõ cuộc chiến giành thị phần, nâng cao sản lượng bán hàng của các hãng xe. Nhờ đó thị trường ôtô đang có một mặt bằng giá mới, thấp hơn trước.
Mặt bằng giá mới
Đầu tháng 2, Công ty ôtô Toyota Việt Nam (TMV), liên doanh sản xuất ôtô lớn nhất Việt Nam, nắm quyền sản xuất, kinh doanh 2 thương hiệu ôtô du lịch lớn là Toyota và Lexus đã chính thức công bố bảng giá mới cho các mẫu xe của mình tại Việt Nam. Không giống như quan điểm “nhất quyết không giảm giá” trước đây của TMV, nhiều mẫu xe đã được giảm giá.
Trong đó, mức giảm nhiều nhất là 164 triệu đồng thuộc về mẫu xe Land Cruiser Prado phiên bản TX-L; mức giảm thấp nhất là 44 triệu đồng thuộc về mẫu hatchback cỡ nhỏ Yaris phiên bản E.
Mức giảm lớn hơn được áp dụng cho các mẫu xe sang mang thương hiệu Lexus với mức giảm giá lớn nhất là mẫu SUV cỡ lớn LX570 (giảm 210 triệu đồng); mức giảm giá thấp nhất là mẫu sedan ES350 (50 triệu đồng).
Thị trường ôtô chịu tác động hơn cả khi Công ty CP ôtô Trường Hải (Thaco), DN ôtô lớn nhất trong nước, nắm quyền sản xuất, kinh doanh tới 3 thương hiệu ôtô du lịch tại Việt Nam là Mazda, Kia và Peugeot, cũng đã đưa ra bảng giá bán lẻ mới từ tháng 2.
Đáng lưu ý là trước đó Thaco đã có những đợt khuyến mại, giảm giá sản phẩm khá lớn. Với bảng giá mới này, nhiều mẫu sản phẩm của Thaco tiếp tục có mức giảm khá đáng kể.
Đối với thương hiệu Kia, mức giảm giá thấp là xe cỡ nhỏ Kia Morning (3 triệu); mức giảm giá lớn nhất là Kia Sedona (95 triệu đồng). Đối với thương hiệu Mazda, mẫu SUV 5 chỗ ngồi CX-5 có mức giảm giá nhiều nhất (từ 35-50 triệu đồng); mẫu xe bán tải BT-50 phiên bản 2.2 lít số tự động có mức giảm giá thấp nhất (14 triệu đồng). Đối với thương hiệu Peugeot mức giảm cao nhất là Peugeot 2008 (giảm 70 triệu đồng); Peugeot 208 FL có mức giảm thấp nhất (30 triệu đồng).
Hai ông lớn giảm giá sản phẩm, các doanh nghiệp khác đương nhiên không thể đứng yên. Trong tháng 2, thị trường ôtô liên tiếp đón nhận các thông tin giảm giá, khuyến mại.
Đơn cử như khách hàng mua xe Mitsubishi trong tháng 2/2017 sẽ nhận được giá đặc biệt lên đến 60 triệu đồng cùng với nhiều khuyến mãi và quà tặng hấp dẫn.
Cuộc đua giảm giá có thể nhìn thấy rõ nhất trong phân khúc SUV với những mẫu xe đang được khách hàng quan tâm như Honda CR-V, Mazda CX-5, Nissan X-Trail và Hyundai Tucson.
Mẫu xe mẫu Honda CR-V đang được Honda Việt Nam áp dụng chương trình khuyến mại với tổng trị giá khoảng 45 triệu đồng (gồm 1 cây vàng và bộ phụ kiện); Nissan X-Trail cũng không kém cạnh khi được Công ty TNHH TCIE Việt Nam (TCIEV) khuyến mại với tổng giá trị lên đến 70 triệu đồng.
Tuy nhiên trên thực tế mức giá đàm phán giữa khách hàng và đại lý vào thời điểm này còn giảm hơn nữa khiến 2 mẫu xe này ước tính có thể giảm tới 100 triệu đồng. Cũng được giảm giá là mẫu Tucson với mức giảm 30 triệu đồng cho cả 2 phiên bản, áp dụng theo chương trình khuyến mãi chung của Hyundai và Mazda CX-5, mức giảm từ 35 đến 50 triệu đồng (so với giá tháng 1).
Chiến lược của ông lớn
Có thể khẳng định việc giảm thuế nhập khẩu ôtô trong khu vực tác động rất ít tới động thái giảm giá ôtô trên thị trường Việt Nam những tháng đầu năm.
Thực tế cho thấy với lợi thế nắm trong tay tới 3 thương hiệu ôtô du lịch lớn, đang chiếm lĩnh vị trí thứ 2 trên thị trường ôtô du lịch, Thaco đã và đang dần trở thành người nắm “quyền” điều tiết giá sản phẩm trên thị trường ôtô hiện nay. Chiến lược giảm giá đang được Thaco sử dụng một cách triệt để nâng cao sản lượng, chiếm lĩnh thị phần.
Trao đổi với phóng viên, ông Trần Bá Dương- Chủ tịch HĐQT Thaco không hề giấu giếm chiến lược giảm giá xe để gia tăng sản lượng. Chiến lược của hãng là lấy doanh số bù lợi nhuận trên mỗi xe, vì thế khi quy mô sản xuất càng tăng, hãng càng có cơ sở giảm giá bán. Giá xe giảm, doanh số tăng lại thúc đẩy sản xuất tăng hơn nữa. Chiến lược này tạo thành vòng tròn khiến lượng xe sản xuất và bán hàng của Mazda, Kia tăng liên tục.
Nhìn lại thấy Trường Hải bắt đầu chiến lược này từ khoảng 2014, 2015 khi đều đều hàng tháng Kia và Mazda thay nhau giảm giá xe hoặc tặng kèm các gói bảo hành, sửa chữa.
Tuy nhiên thời điểm đó, Thaco chủ yếu giảm giá những mẫu xe có sức tiêu thụ kém. Bước sang 2016, chiến lược giảm giá của Thaco là áp dụng vào những mẫu xe có doanh số bán chạy để đạt doanh số tổng lực, chiếm lĩnh thị phần.
Sự gia tăng thị phần nhanh chóng của Thaco khiến TMV, liên doanh đang dẫn đầu thị trường ôtô du lịch Việt Nam không thể đứng yên. Vốn rất “kiên định” trong việc không giảm giá, TMV cũng đã có động thái giảm giá đối với 2 mẫu xe bán chạy của mình trên thị trường là Altis và Vios (mức giảm 60 triệu đồng vào tháng 7/2016). TMV rõ ràng đã bị tác động với cuộc chiến giảm giá khuyến mại của các mẫu xe Mazda.
Chiến lược của Thaco, động thái của TMV đương nhiên tác động tới các DN khác như Hyundai, Honda, Ford... Các chương trình giảm giá, khuyến mại của các thương hiệu này lần lượt xuất hiện để giữ chân khách hàng. Và đương nhiên hãng chiếm thị phần nhỏ như Chevrolet, Suzuki, Mitsubishi, Nissan cũng phải “theo” nếu không muốn “bỏ cuộc chơi”.
Năm 2017, Thaco đang phấn đấu mục tiêu đưa sản lượng bán hàng của Mazda đến mốc 50.000 chiếc/năm. Với sản lượng này tập đoàn Mazda sẽ tiến hành chuyển giao công nghệ, hỗ trợ nhà máy để có thể nâng tỷ lệ nội địa hóa vượt mức 40%, qua đó hưởng mức thuế suất 0% khi xuất khẩu sang các nước Đông Nam Á.
Không chỉ với thương hiệu Mazda, Thaco quyết tâm tăng sản lượng bán hàng các mẫu sản phẩm khác mang thương hiệu Kia, Peugeot.
Thời gian qua tỷ giá đồng Yên Nhật giảm và lợi thế kinh tế nhờ quy mô lớn là những yếu tố giúp Trường Hải có lợi thế tiếp tục giảm giá sản phẩm. Do vậy ngay từ đầu năm 2017, với bảng giá mới được áp dụng với mức giảm đáng kể cho nhiều mẫu xe.
Việc giảm giá sản phẩm của TMV, cũng trong tháng 2 này, được nhận định cũng chịu sự tác động không nhỏ từ chiến lược giảm giá sản phẩm của Thaco. Mặc dù khẳng định “đây là hoạt động trong kế hoạch thường niên của TMV” song trả lời câu hỏi phỏng vấn của phóng viên về lý do điều chỉnh giảm giá, đại diện TMV cho biết: Có nhiều yếu tố liên quan đến sự thay đổi giá mà doanh nghiệp cần phải cân nhắc như nhu cầu thị trường, chi phí sản xuất, chính sách thuế thay đổi, tỷ giá thay đổi, chi phí vận chuyển…
Với động thái điều chỉnh giá của 2 ông lớn này, thị trường ôtô Việt Nam đang dần thiết lập một mặt bằng giá mới.
Ông Trần Bá Dương - Chủ tịch HĐQT Thaco:
Khi sản lượng sản xuất và bán hàng lớn thì doanh nghiệp sẽ tăng được tỷ lệ nội địa hóa, hạ giá thành sản phẩm trên thị trường. Lợi ích kép là trong khi doanh nghiệp thuận lợi hơn trong sản xuất, kinh doanh thì người tiêu dùng cũng được hưởng lợi về giá và chất lượng sản phẩm.
Đây cũng chính là điểm tựa để Thaco sẵn sàng đánh đổi lợi nhuận lấy sản lượng trong thời gian qua và tới đây, ít nhất là đến trước thời điểm ngày 1/1/2018 khi thuế suất thuế nhập khẩu ôtô nguyên chiếc từ Đông Nam Á còn 0%.
Nguyễn Hà
Nguồn Báo Hải Quan