Vì sao cánh cửa nhượng quyền thương hiệu chưa mở?
Có lẽ chưa bao giờ 2 từ “khởi nghiệp” được người Việt nhắc đến nhiều như thời gian vừa qua, nhưng nhượng quyền thương hiệu - một cánh cửa để người dân nhiều nước bước vào thương trường thì vẫn chưa mở với những người bắt đầu kinh doanh ở Việt Nam.
Vì lý do này mà ở nhiều lĩnh vực, trong khi tại các nước Đông Nam Á hoạt động nhượng quyền thương hiệu đã phổ biến thì tại Việt Nam chỉ mới đếm được một vài trường hợp.
Thị trường dược không dành cho người mới bắt đầu
Tốt nghiệp trường dược 5 năm, lấy được chứng chỉ ngành nghề dược tư nhân và có số vốn gần 300 triệu đồng, chị Nguyễn Ngọc Hiền muốn quản lý một nhà thuốc của riêng mình. Nơi chị tìm mở cửa hàng là các khu dân cư tại quận 7, TP.HCM. Sau 2 tháng khảo sát, chị tìm được một số cửa hàng có ý định sang lại với giá phù hợp với số vốn chị có. Đây là các cửa hàng nhỏ, nằm ở khu vực dân cư có quy mô 500 - 1.000 hộ.
Tuy nhiên khi tìm hiểu kỹ hơn, Ngọc Hiền thấy mình đang đứng trước lựa chọn khó khăn: làm chủ một tiệm thuốc nhỏ bằng đồng vốn của mình nhưng mức độ cạnh tranh sẽ rất gay gắt (các khu dân cư như trên ở TP.HCM thường có ít nhất 4, 5 nhà thuốc hoạt động), hoặc đầu tư hẳn một nhà thuốc lớn, hiện đại với chi phí cả tỷ đồng.
Dù thị trường dược phẩm Việt Nam đang có mức tăng trưởng cao nhất Đông Nam Á, khoảng 15% mỗi năm nhưng việc kinh doanh tại các nhà thuốc nhỏ tại TP.HCM lại ngày càng gặp nhiều khó khăn. Sự mở rộng của các chuỗi nhà thuốc hiện đại, chuyên nghiệp thời gian qua đã khiến lợi nhuận của nhiều cửa hàng nhỏ bị giảm sút hẳn.
Trước các quy định ngày càng siết chặt của ngành y tế và trước yêu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng, nhiều cửa hàng bán thuốc lẻ muốn tồn tại phải lên kế hoạch tự đầu tư bài bản hơn; hoặc còn một lựa chọn khác là tham gia vào mô hình chuỗi nhà thuốc của những đơn vị đã có tên tuổi, lựa chọn nào cũng đòi hỏi số vốn tiền tỷ.
Giữa tháng 6/2016, hệ thống nhà thuốc Phano đã khai trương nhà thuốc thứ 60 tại TP.HCM, cũng là nhà thuốc đầu tiên hoạt động theo mô hình nhượng quyền kinh doanh.
Dù về quy mô, thị trường dược Việt Nam không nhỏ hơn Philippines, nhưng xét về tính chuyên nghiệp hiện đại của hệ thống bán lẻ, Việt Nam đang đi sau Philippines một bước. Philippines hiện có 5 chuỗi cửa hàng bán thuốc đã thực hiện rộng rãi nhượng quyền thương hiệu. Trong đó chuỗi lớn nhất là Mercury đã mở 700 nhà thuốc trên khắp đất nước này.
Công ty IMS Health của Mỹ (chuyên cung cấp thông tin, dịch vụ và công nghệ cho ngành công nghiệp chăm sóc sức khỏe toàn cầu) dự báo giá trị tiêu thụ thuốc tại Việt Nam sẽ tăng lên khoảng 10 tỷ USD vào năm 2020 so với 3,3 tỷ USD năm 2013. Tuy nhiên phần tăng trưởng hấp dẫn của miếng bánh trên sẽ hầu như không dành cho những người bắt đầu kinh doanh ít vốn như chị Ngọc Hiền.
Thị trường dược Việt Nam không nhỏ hơn Philippines, nhưng xét về tính chuyên nghiệp hiện đại của hệ thống bán lẻ, Việt Nam đang đi sau Philippines một bước.
Thực tế, nhiều doanh nghiệp Việt Nam có thương hiệu trong lĩnh vực bán lẻ dược phẩm, chăm sóc sắc đẹp từ lâu muốn thực hiện nhượng quyền thương hiệu nhưng kết quả không như ý muốn. Lý do thường là tài chính của người mua nhượng quyền thương hiệu không đảm bảo.
Bà Nguyễn Phi Vân - cố vấn về nhượng quyền cho Chính phủ Malaysia cho biết tại các nước phát triển, nhượng quyền là một trong những ngành được các ngân hàng, tổ chức tài chính tích cực cho vay tín chấp, từ cho vay vốn đầu tư dự án (lên đến 70% tổng vốn đầu tư) tới cho vay vốn lưu động để phát triển kinh doanh.
Trong nhiều trường hợp, doanh nghiệp nhượng quyền cho đối tác nhận nhượng quyền vay vốn khi họ cần thúc đẩy sự phát triển của hệ thống. Trong khi đó tại Việt Nam, hiện chưa có một tổ chức tín dụng nào công bố cho vay tín chấp trong lĩnh vực nhận nhượng quyền thương hiệu. Và có rất ít trường hợp ngân hàng cho vay mua tài sản theo hình thức thế chấp bằng tài sản mua bằng tiền vay. Đây là một khó khăn cho những người muốn khởi nghiệp trong lĩnh vực này.
Ngoài ra, chi phí bỏ ra khá cao nhưng người nhận nhượng quyền thường không được cam kết cụ thể nào về tỷ lệ thành công.
Bà Phi Vân cũng phân tích thêm: “Nếu một chi nhánh nhượng quyền chỉ đạt mức lợi nhuận ròng 15%, sau khi thu phí cấp phép và các chi phí nhượng quyền hằng tháng, thông thường ở mức 10%, cộng với giá bán nguyên vật liệu cao hơn, nếu không có sự phân tích tài chính hợp lý, chi nhánh nhận quyền có thể thu được lợi nhuận rất thấp, có khi thấp hơn lãi suất tiết kiệm ngân hàng và không đạt hiệu quả đầu tư, hoàn vốn chậm hoặc không có khả năng hoàn vốn.
Kinh doanh lữ hành càng khó nhượng quyền
Ngành du lịch lữ hành dù khá sôi động trong những năm qua nhưng cũng chỉ mới có một trường hợp nhượng quyền thương hiệu đáng chú ý giữa Lufthansa City Center và Công ty Global Holiday Tour tại TP.HCM. Ông Lưu Đình Thịnh - Giám đốc điều hành Global Holiday Tour (GHT) – Lufthansa City Center (LCC) cho biết lý do GHT tham gia vào hệ thống toàn cầu của LCC vì ông nhận thấy tình hình cạnh tranh giữa các doanh nghiệp ngày càng gay gắt theo chiều hướng không lành mạnh. Nhiều đối tác vào làm ăn tại Việt Nam bị lúng túng: chọn công ty lớn thì giá cao, chọn công ty nhỏ thì không an tâm về chất lượng, sản phẩm du lịch thì sao chép lẫn nhau mà không theo một tiêu chuẩn cụ thể nào.
Sau khi trao đổi với đồng nghiệp tại Thái Lan, Anh, Singapore, Đức, ông Lưu Đình Thịnh cho rằng trước tiên mình phải có một cái tên nghe gần gũi với bạn bè thế giới hơn, sau đó phải theo một số tiêu chuẩn quốc tế nào đó. Gia nhập các hiệp hội du lịch như PATA (Hiệp hội Du lịch châu Á – Thái Bình Dương), JATA (Hiệp hội Du lịch Nhật Bản) hay ASTA (Hiệp hội Du lịch Hoa Kỳ) thì nhiều hãng lữ hành lớn ở TP.HCM đã làm từ hàng chục năm trước nhưng hiệu quả không lớn.
Tham gia các liên minh du lịch như BCD Travel, Amex, CWT… là cách làm mới nhưng cũng có không ít khiếm khuyết.
Quyết định gia nhập LCC, GHT phải trả khoản tiền không nhỏ, năm đầu tiên chi phí lên đến hơn 10.000 USD. Đổi lại, LCC phải cử người sang Việt Nam kiểm tra năng lực, kiểm tra về tiêu chuẩn văn phòng, nhân viên, gửi phiếu đánh giá chất lượng dịch vụ của 40 khách hàng trong thời gian gần nhất.
Gia nhập LCC, ngoài việc giúp tăng lượng khách châu Âu vào Việt Nam, GHT còn tận dụng được mạng lưới LCC trên 87 quốc gia để tạo lợi thế cạnh tranh về giá cũng như chất lượng tour cho khách Việt Nam đi du lịch các nước. Chẳng hạn chuyện cần tìm một vé xe lửa ở Argentina hay đặt một nhà hàng ở Úc, hay cần phòng VIP cho giải bóng đá ngoại hạng châu Âu không còn mất quá nhiều thời gian nữa.
Ông Lưu Đình Thịnh nhận xét rằng khi mức độ cạnh tranh ngày càng cao hơn và thị trường cần những hãng lữ hành chuyên nghiệp theo tiêu chuẩn quốc tế thì hình thức nhượng quyền sẽ phổ biến hơn. Tuy nhiên, ông cũng cho là nhượng quyền chỉ phổ biến hơn chứ khó thịnh hành được. Nguyên nhân nằm ở phí nhượng quyền cao và tâm lý ngại thay đổi của các doanh nghiệp Việt Nam.
Cẩm Tú
Nguồn Doanh Nhân Sài Gòn