Giám đốc Shopee: Người Việt vẫn thấy bất an khi mua sắm online
Tâm lý người tiêu dùng Việt vẫn thấy thiếu an toàn khi mua sắm online, dẫn đến không chịu thanh toán online cũng như không mua mặt hàng giá trị lớn qua kênh trực tuyến. Doanh nghiệp nào đưa ra được chính sách đảm bảo sự an toàn cho khách hàng sẽ giành ưu thế lớn.
Chưa có tên tuổi đủ lớn dẫn dắt thị trường
Theo đánh giá của ông Pine Kyaw, Giám đốc Điều hành Shopee Việt Nam, 2016 là một năm nhiều biến động của thị trường thương mại điện tử (TMĐT) Việt Nam.
Sự thay đổi liên tục của các gương mặt tham gia cuộc đua không chỉ phản ánh tiềm năng của thị trường mà còn thể hiện mức độ khốc liệt trong cạnh tranh. Tuy có tên tuổi phải rời bỏ cuộc chơi trong tiếc nuối, rào cản thị trường vẫn còn khá thấp cho phép nhiều mô hình khác biệt có cơ hội tham gia cuộc đua giành miếng bánh thị phần trong thị trường đang ngày một lớn tại Việt Nam.
Những tên tuổi mới đến từ Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản có cơ hội học hỏi từ những thách thức mà người đi trước gặp phải để xây dựng chiến lược phù hợp cho riêng mình.
Ông Pine Kyaw cho rằng, năm 2017 sẽ là cột mốc định hình thị trường TMĐT. Một trong những đặc điểm của TMĐT Việt Nam là chưa có một tên tuổi đủ lớn để dẫn dắt thị trường, các doanh nghiệp vẫn trong quá trình thử nghiệm các giải pháp phù hợp.
Tuy nhiên, trong giai đoạn 2017 - 2019, những mô hình phù hợp nhất sẽ được chứng minh, định hướng cho toàn bộ các doanh nghiệp trong cuộc đua TMĐT. Một số doanh nghiệp sẽ nhanh chóng thích ứng, chiếm lĩnh thị phần và tạo ra những quy tắc chung của cuộc đua, phần còn lại sẽ phải chấp nhận hoặc tham gia vào trật tự này hoặc từ bỏ.
Tỷ lệ sử dụng Internet và smartphone ở Việt Nam đang nằm trong top đầu khu vực và liên tục gia tăng. Mức độ tiếp cận và sử dụng các ứng dụng trên di động tại Việt Nam cũng vượt trội so với nhiều nước lân cận.
Sự tăng trưởng TMĐT tại Việt Nam là một sự thật không thể phủ nhận. Câu hỏi quan trọng đặt ra với các tên tuổi lớn là làm sao kết nối, cho phép mua bán trực tuyến giữa các lãnh thổ một cách dễ dàng trên toàn bộ khu vực ASEAN thậm chí là Trung Quốc. Doanh nghiệp giải quyết được bài toàn này sẽ trở thành người chiến thắng.
“Trong bối cảnh đó, Shopee đặt cược vào thương mại điện tử trên di động. Chúng tôi khởi đầu từ nền tảng di dộng, với các tính năng xã hội như chat và trả giá, được thiết kế ngay từ ban đầu để giúp việc mua và bán trên di động dễ dàng hơn bao giờ hết. Hiện nay nhiều doanh nghiệp đã nhận ra tầm quan trọng của di động và phát triển các ứng dụng cho kênh này, tuy nhiên không nhiều đơn vị thật sự tập trung vào định hướng này”, đại diện Shopee cho hay.
Người tiêu dùng vẫn thấy bất an khi mua sắm online
Cũng theo Giám đốc Điều hành Shopee Việt Nam, ông Pine Kyaw, TMĐT Việt Nam đang tồn tại hai vấn đề khá đặc trưng. Thứ nhất, tỷ lệ lựa chọn thanh toán khi giao hàng của người dân Việt Nam là gần 65%, gấp hơn 8 lần so với mức trung bình trên thế giới (chỉ khoảng 8%), trong khi đó, tỷ lệ thanh toán bằng thẻ ghi nợ và thẻ tín dụng gần như không đáng kể.
Cùng đó, tỷ trọng bán lẻ TMĐT mới chiếm 2,8%. Năm 2015, tổng giá trị giao dịch của TMĐT Việt Nam tăng 37% so với năm trước, đạt hơn 4 tỷ USD, tuy nhiên chỉ chiếm 0,26% thế giới.
Thứ hai là vấn đề giành được niềm tin khách hàng. Tâm lý người tiêu dùng Việt cảm thấy rất thiếu an toàn khi mua sắm trực tuyến, dẫn đến không chịu thanh toán online cũng như không mua các mặt hàng giá trị lớn qua kênh trực tuyến.
Nếu một doanh nghiệp có thể đưa ra chính sách đảm bảo sự an toàn cho khách hàng thì đó sẽ là một trong những ưu thế lớn.
Ví dụ như Shopee đang có chính sách “Shopee đảm bảo”, dù là thanh toán trực tuyến hay thanh toán khi nhận hàng, chỉ khi nào khách hàng xác nhận sản phẩm đúng như đã đặt thì người bán mới nhận được tiền. Chính sách này đang giúp người dùng cảm thấy an toàn hơn khi mua sắm và thanh toán.
Việt Nam là thị trường khá đặc thù, có sự phân hóa khá rõ ràng về văn hóa cũng như hành vi mua sắm giữa các vùng miền.
Theo nhận định của Giám đốc Điều hành Shopee Việt Nam, ông Pine Kyaw, Việt Nam là thị trường khá đặc thù, có sự phân hóa khá rõ ràng về văn hóa cũng như hành vi mua sắm giữa các vùng miền. Đây cũng là thị trường duy nhất Shopee cần có hai văn phòng đại diện. Sự phân hóa này tạo ra thách thức cho tất cả các doanh nghiệp khi tiếp cận và phát triển thị trường toàn quốc.
Một thách thức khác tại Việt Nam đó là TMĐT vẫn ở giai đoạn đầu. Cả doanh nghiệp và người tiêu dùng đều đang trong quá trình trải nghiệm đầy đủ về lợi ích của mô hình này.
Người tiêu dùng mong đợi được duy trì mức giá hấp dẫn với nguồn sản phẩm đa dạng, cũng như đạt được sự an toàn trong trải nghiệm. Đối với doanh nghiệp, tuy trong ngắn hạn, giảm giá hay voucher vẫn là phương thức phổ biến để thu hút người tiêu dùng nhưng câu hỏi lớn cuối cũng vẫn là làm sao duy trì được mô hình TMĐT có hiệu quả kinh doanh.
Tuy nhiên, hệ sinh thái của TMĐT Việt Nam đang phát triển nhanh chóng và khá toàn diện theo chiều hướng tích cực. Các ngân hàng liên tục thúc đẩy các công cụ thanh toán trực tuyến thay thế dần dần COD (nhận hàng mới thanh toán). Các doanh nghiệp vận chuyển, cả trong và ngoài nước liên tục mở rộng thị phần và cải tiến dịch vụ.
Sự cạnh tranh tích cực này cuối cùng sẽ dấn đến tăng cường chất lượng dịch vụ mà người tiêu dùng được hưởng với mức giá ngày càng hợp lý hơn.
Nguyên Đức
Nguồn ICT News