Facebook, Google đang mắc nợ báo chí
Tiền quảng cáo đang đổ về Facebook và Google, khiến báo chí ngày càng teo tóp. Hơn bao giờ hết, những gã khổng lồ công nghệ đang mắc nợ báo chí chính thống.
Không cần đợi Facebook hay Google, tình trạng ảm đạm của báo chí, điển hình là ở Mỹ, đã xảy ra từ khi Internet bùng nổ. Khi đó, báo trực tuyến lên ngôi, báo giấy và tạp chí ngày càng giảm số phát hành và liên tục gặp khó khăn về tài chính. Trong gần một thập kỷ qua, nhà báo luôn nằm trong top những nghề cực khổ, nguy hiểm và... nghèo nhất ở nước này.
Tuy nhiên, thời hoàng kim của báo trực tuyến cũng không kéo dài bao lâu. Facebook và Google là hai cái tên đang tích cực "hút máu" giới truyền thông. Theo The New York Times, tính riêng năm 2015, 59 tỷ USD đã chi ra cho ngành quảng cáo kỹ thuật số ở Mỹ và 36 tỷ USD trong số đó thuộc về Google, Facebook.
Borrell Associates, một công ty phân tích truyền thông hàng đầu ở Mỹ, chỉ ra rằng 25% thu nhập quảng cáo kỹ thuật số của Facebook đến từ các doanh nghiệp địa phương - khách hàng chính của quảng cáo trên báo chí, truyền hình.
Theo đó, việc quảng cáo trên mạng xã hội có phần rẻ hơn và hiệu quả hơn so với quảng cáo trên các phương tiện truyền thông đại chúng. Nói một cách khác, Facebook và Google bán quảng cáo "thông minh" hơn, đánh trúng những đối tượng tiềm năng với chi phí hợp lý nhất.
Ngoài Facebook và Google, giới công nghệ Mỹ cũng sở hữu hai "tay chơi" có phong cách khó chịu không kém: Verizon và Apple. Nhà mạng Mỹ vừa mua được các sản phẩm trực tuyến của Yahoo, hứa hẹn mang về 10% doanh thu quảng cáo kỹ thuật số mỗi năm. Trong khi đó, Apple lại tổn hại đến báo chí theo cách khác.
Apple, đi theo lời thề "vì người dùng", đang xúc tiến các công nghệ chặn hoặc loại bỏ quảng cáo trên các website - thứ sẽ giết chết báo chí. Táo khuyết tự phát triển Apple News, một công cụ tổng hợp tin tức từ nhiều nguồn báo khác nhau, nó mang lại traffic (lượng truy cập) cho các tờ báo, nhưng không đi kèm doanh thu.
Điều này cũng lặp lại với Google AMP hay Facebook Instant Articles. Các tờ báo hợp tác với Apple, Google, Facebook để mang đến tốc độ tải trang nhanh hơn, được nhiều độc giả hơn, nhưng không mang lại khả năng kiếm tiền từ nó.
Chưa dừng ở đó, bên trong iOS còn có tính năng chặn quảng cáo trên Safari. Với số lượng thiết bị khổng lồ bán ra trên toàn cầu, Apple có đủ khả năng gây ảnh hưởng đến nền công nghiệp báo chí nếu người dùng có thói quen bật các công cụ chặn quảng cáo hiển thị trên trang báo.
Ăn mười đồng vàng, trả một cắc bạc
Giành miếng ăn của báo chí, nhưng các ông lớn công nghệ dường như chưa có dấu hiệu "lại quả" xứng đáng. Steven Waldman, cây viết tự do quen thuộc trên The New York Times, đưa ra một vài con số từ Media Impact Funders để chứng minh rằng giới báo chí Mỹ nhận được rất ít hỗ trợ từ các tổ chức trong nước, trong đó có các ông trùm công nghệ tham ăn nhưng keo kiệt.
Cụ thể, tổng số tiền các quỹ hỗ trợ cho báo chí điều tra ở Mỹ trong năm 2015 và 2016 là 13,4 triệu USD, chiếm một phần nhỏ trong tổng lợi nhuận 1,6 tỷ USD của các toà soạn báo.
Trong đó, cả Apple, Google, Verizon và Apple (gọi tắt là nhóm Big Four) tài trợ cho báo chí điều tra không bằng một góc so với Tulsa Community Foundation - tổ chức từ thiện lớn ở Mỹ. Quỹ liên kết với bốn ông lớn này cũng "vắng mặt" trong danh sách 89 tổ chức tài trợ cho báo chí trong 2 năm qua.
Ngược về quá khứ, 145 triệu USD đến từ 374 quỹ đã tài trợ cho báo chí điều tra từ năm 2009 đến 2016. Nhóm Big Four chỉ bỏ ra vỏn vẹn 10.000 USD tiền tài trợ cho Bronx News Network - một hệ thống tạp chí lâu đời tại Mỹ.
Trong năm 2016, nhóm Big Four lãi ròng 88 tỷ USD. Trong đó, Google lãi 19,4 tỷ USD, Facebook kiếm được 10,2 tỷ USD, đại gia nhà mạng Verizon khấm khá hơn với 13 tỷ USD và Apple hốt bạc với 41 tỷ USD.
Trong khi đó, tổng lợi nhuận thu về của ba ông trùm truyền thông Mỹ là The New York Times, Gannett (sở hữu USA Today, USA Weekend...) và McClatchy (sở hữu Sun Herald, The Telegraph... cùng hàng chục tờ báo địa phương khắp nước Mỹ) ở mức 41 tỷ USD. Nói đơn giản, báo chí Mỹ kiếm tiền chỉ bằng một nửa so với nhóm Big Four.
Những điều mới mẻ sắp đến
Tuy keo kiệt tiền bạc với báo chí chính thống, nhưng Google và Facebook đều có những dự án hướng đến báo chí thế hệ mới. Google News Lab cung cấp công cụ, dữ liệu cho các toà soạn. Chương trình mang tên "Digital News Initiative" cũng tiêu tốn 40 triệu USD cho các phương tiện truyền thông mới ở châu Âu.
Gần đây, Mark Zuckerberg cũng đưa cái gọi là "Facebook Journalism Project" nhằm mang đến cho các toà soạn báo một định dạng kể chuyện mới. Đó có thể là nền tảng sẵn có để người làm báo xây dựng các bài Longform hay Interactive, tích hợp sẵn các công cụ của Facebook như Live video, ảnh 360 độ...
Bên cạnh đó, Facebook cũng hứa kết hợp chặt chẽ hơn với các tờ báo địa phương để giúp họ tiếp cận tốt hơn với độc giả. Mạng xã hội này đang tìm mô hình kinh doanh báo chí dựa trên Instant Articles.
Tuy nhiên, Steven Waldman cho rằng điều thiết thực chất báo chí đang cần là tiền bạc. Ông đưa ra ví dụ về Andrew Carnegie, tên cướp lẫy lững ở thế kỷ 19, đã cho đi phần lớn tài sản của mình trong những năm tháng cuối đời. "Sự giàu có và thặng dư là một niềm tin thiêng liêng khiến người sở hữu nó có trách nhiệm buộc mình với lợi ích của cộng đồng", Carnegie từng nói.
Cây viết tự do hay xuất hiện trên The New York Times cho rằng nếu các công ty công nghệ trích ra 1% lợi nhuận mỗi năm trong 5 năm, nền báo chí Mỹ có thể lột xác. Số tiền này có thể lên đến 4,4 tỷ USD, đủ để tài trợ 200 triệu USD hàng năm. Số tiền này gấp 15 lần những khoản tài trợ cho báo chí trước đây và đủ để trả lương cho 50 phóng viên điều tra mới ở mỗi tiểu bang.
Trong thời kỳ đầu của cách mạng Internet, Craig Newmark, người sáng lập Craigslist - trang web rao vặt hàng đầu thế giới, cũng trở thành "tội đồ" trong mắt báo chí vì phần lớn quảng cáo đổ về trang này. Newmark tuy bảo vệ Craigslist nhưng cũng thừa nhận rằng số phận của báo chí là quan trọng đối với nền dân chủ Mỹ. Vì vậy, ông tài trợ hàng triệu USD cho các dự án báo chí.
Không thể phủ nhận cách mạng kỹ thuật số - với sự giúp sức rất lớn của nhóm Big Four - đã giúp các nhà báo tác nghiệp đơn giản, đa dạng hơn. Nhưng về lâu về dài, bấy nhiêu là chưa đủ.
"Họ có tiền, các bí quyết và nghĩa vụ" - Steven Waldman khẳng định về vai trò của Google, Facebook và những ông lớn công nghệ ở Mỹ trong việc bảo vệ sự sống còn của báo chí Mỹ.
Duy Tín
Nguồn Zing News