Hoá mỹ phẩm: lối đi hẹp dần
“Từ đầu năm đến nay, doanh số bán các mặt hàng hoá mỹ phẩm của nhà sản xuất 100% vốn Việt Nam trong hệ thống Co.opmart đã tăng bình quân 40% so với cùng kỳ. Trong đó tăng mạnh là sản phẩm dầu gội (tăng 50%), nước rửa chén (tăng 60%)…”, bà Bùi Thị Hạnh Thu, phó tổng giám đốc hệ thống siêu thị Co.opmart nói. Theo bà Nguyễn Phương Thảo, giám đốc siêu thị Maximark, trong cơ cấu bán sản phẩm tẩy rửa, tỷ lệ hàng của nhà sản xuất 100% vốn trong nước tăng gấp đôi so với hai năm trước. Tính ra, cứ 10 sản phẩm thuộc nhóm này bán ra ở Maximark, có tới sáu mặt hàng trong nướ
Lợi điểm giá rẻ
Bà Ý Nhi, ngụ tại quận 3, hiện đang sử dụng dầu gội của Thorakao nói: “Tôi chọn mua sản phẩm này vì chất lượng thật sự đúng như giới thiệu”. Với thu nhập mỗi tháng khoảng 10 triệu đồng thuộc nhóm trung lưu, bà Nhi không phải quá đặt nặng vấn đề giá. Bà cho biết, yếu tố chính khiến bà chọn sản phẩm trong nước là do “cảm thấy yên tâm trước thông tin về thành phần, tác dụng, bao bì”.
Theo bà Hạnh Thu, trước đây nhóm hàng hoá mỹ phẩm của nhà sản xuất trong nước khó bán ở siêu thị hơn vì hai yếu tố: bao bì và khuyến mãi. Trong năm 2012, theo bà Thu, hơn 50 nhà cung cấp Việt Nam đưa ra bao bì mới, cùng với các chương trình khuyến mãi theo tuần, theo tháng. Bà Thu nói: “Người tiêu dùng mua hàng Việt Nam vì họ thấy có lợi hơn, chất lượng tương đương lại được giá rẻ”.
Trong mặt hàng dầu gội, theo ông Trịnh Thành Nhơn – tổng giám đốc công ty ICC, các nhà sản xuất trong nước chiếm thị phần khá mạnh ở các tỉnh thành, tương đương 40% lượng tiêu thụ của cả nước. Ông Nhơn cho biết: “Về các tỉnh thành nhỏ, người tiêu dùng vẫn ưa chuộng sản phẩm giá rẻ, nên hàng của các công ty nhỏ vẫn có cơ hội bán tốt”. Ông Lương Vạn Vinh, chủ tịch hội đồng quản trị công ty Mỹ Hảo cho biết, trong bảy tháng qua, doanh số chất tẩy rửa của Mỹ Hảo tăng 15% nhờ phát triển thị trường nông thôn, các đô thị nhỏ, đang phát triển. Theo ông Vinh, người tiêu dùng ở đó chọn hàng Việt Nam vì so với sản phẩm liên doanh, dầu gội – sữa tắm của doanh nghiệp trong nước có giá bình quân khoảng 50.000 đồng/lít (giá đã có bao bì), thấp hơn sản phẩm cùng loại của liên doanh từ 20 – 30%.
Mở đường về tỉnh
Ông Lương Vạn Vinh đánh giá: “Cơ hội cho hàng Việt Nam đang ở các vùng nông thôn và các vùng đô thị đang phát triển”. Tiếng là cơ hội nhưng trong đó còn có lý do khác. Ông Trịnh Thành Nhơn nói: “Cuộc cạnh tranh giữa các nhà sản xuất hiện nay chủ yếu nằm ở khâu phân phối. Mạng lưới phân phối của doanh nghiệp đa quốc gia bao phủ quá kín đến độ sản phẩm ICC muốn tìm chỗ tốt trên kệ trưng bày siêu thị, hay góc nhỏ trong tiệm tạp hoá cũng khó”. Ông Nhơn cho biết thêm: “Tôi mang hàng đến tận sạp chợ, đến tận tiệm tạp hoá mà tiểu thương cũng không chịu nhận vì quầy sạp họ đầy hàng liên doanh, không còn chỗ mà nhét thêm nữa”.
Thua sút về độ phủ của kênh phân phối siêu thị, các điểm bán lẻ, lại không đủ tiền thực hiện các chiến dịch quảng cáo tính bằng đơn vị triệu USD, ông Nhơn nói, doanh nghiệp như ICC đành chọn cách bán hàng “sơn đông mãi võ” bằng các đội bán hàng đến từng khu phố rao hàng, trình diễn sản phẩm, mời khách dùng thử... Ông Nhơn nói: “Sau vài lần, khách chọn mua, người bán hàng lúc đầu rất bực vì bị cạnh tranh, sau thấy khách hỏi, mới chịu lấy hàng của ICC vào”.
Cách làm này, theo ông Sơn, là lối thoát rất hẹp để kem đánh răng Dạ Lan, hay bột giặt Bay có thể tìm đến với từng người lao động bình dân. Cũng như ICC, bản đồ phân phối ở tỉnh của Mỹ Hảo được chia nhỏ để quản lý và hỗ trợ nhà phân phối bán hàng. Ông Vinh nói: “Biết thế yếu chi phí quảng cáo, Mỹ Hảo thuyết phục người mua bằng giá cả sản phẩm rẻ hơn, chăm sóc khách hàng chu đáo hơn…”
Ông Mai Tấn Dũng, phụ trách kinh doanh công ty Lan Hảo cho biết: “Do người tiêu dùng nông thôn vẫn còn chịu ảnh hưởng từ người bán hàng nên công ty tổ chức các chuyến bán hàng đến từng chợ, từng khu vực ở các tỉnh”. Theo ông Nhơn, mạng lưới chợ và cửa hàng truyền thống vẫn đang chiếm đến 80% thị phần bán lẻ, nên ICC vẫn còn cơ hội để bán hàng.
Theo số liệu do một số công ty cung cấp: quy mô thị trường dầu gội Việt Nam hiện nay khoảng 3.000 tỉ đồng – với khoảng 60.000 tấn các loại, hàng Việt Nam chiếm tỷ lệ hơn 50% sản lượng, nhưng chỉ gần 40% giá trị. Tiêu thụ bột giặt tại Việt Nam hiện khoảng hơn 4.000 tỉ đồng – với 200.000 tấn/năm, hàng Việt Nam chiếm tỷ lệ khoảng 40% với các nhãn hiệu Lix, Net, Bay, Vì Dân… Nhu cầu tiêu dùng kem đánh răng trên toàn quốc hiện khoảng 80 triệu tube/năm, trong đó hàng Việt Nam có tỷ lệ gần 20%.