2017 smartphone luận chiến
Thị trường smartphone Việt Nam hiện nay đã quá chật chội, nhất là từ khi nhiều hãng sản xuất từ Trung Quốc tràn sang, vậy là cuộc chiến sẽ lại đến từ cả thiết kế, phần cứng cho đến giá cả, và sẽ là một cuộc cạnh tranh khốc liệt. Sẽ có kẻ sống, người chết, kể cả những tên tuổi lớn…
Kẻ cười người sống
Cũng như năm 2016, theo dự đoán của giới chuyên gia về thị trường smartphone, ngôi đầu cũa thị trường smartphone năm 2017 vẫn là Samsung. Cuối năm 2016, sau khi xử lý sự cố Note 7, Samsung đã lấy lại niềm tin của người tiêu dùng bằng sản phẩm Galaxy J7 Prime. Cho đến giữa tháng 2/2017, theo thông tin của các kênh bán lẻ lớn như Thegioididong.com, FPT Shop, Viễn Thông A…, J7 Prime vẫn là sản phẩm bán chạy nhất trên thị trường. Tiếp sau đó, Samsung tiếp tục tung ra những sản phẩm mới như J5 Prime, J2 Prime… Cuối tuần trước, Samsung cùng với các kênh bán lẻ lớn tiếp tục tổ chức những sự kiện xoay quanh hai sản phẩm mới: Galaxy A5 2017 (8,99 triệu đồng) và A7 2017 (10,99 triệu đồng). Theo đại diện Samsung Việt Nam, hiện đã có hơn 14.000 máy của hai sản phẩm trên đã được đặt hàng trước tại các kênh bán lẻ. Ông Đoàn Văn Hiểu Em, Giám đốc kinh doanh của Thegioididong.com, cho rằng, với chiến lược kinh doanh hiện nay của Samsung, khó có nhà sản xuất nào đủ tầm để phế truất ngôi vương của họ. Theo số liệu từ các kênh bán lẻ, năm 2016, thị phần của Samsung nằm trên mức 40%!
Năm 2016, Oppo đã chiếm được vị trí thứ hai với tỷ lệ thị phần khoảng 22%. Năm 2017, tại thị trường Việt Nam, “Oppo không còn chú trọng đến thị phần mà thay vào đó là nâng cấp trải nghiệm cho người dùng”, như lời ông Đặng Quốc Cường, Giám đốc tiếp thị của Oppo Việt Nam. Tháng 4/2017, Oppo Việt Nam sẽ ra mắt chuỗi cửa hàng giới thiệu sản phẩm. Đây là nơi sẽ trưng bày những sản phẩm cao cấp của nhà sản xuất này, cũng như đem đến những động thái trải nghiệm mới cho khách hàng tại thị trường Việt Nam. Ngoài ra, theo lời ông Cường, dù không còn suy nghĩ về thị phần nhưng Oppo sẽ có nhiều sản phẩm mới hơn năm 2016. Trò chuyện với chúng tôi, ông Cường tiết lộ, trong năm 2017, Oppo sẽ “nâng tầm thương hiệu” bằng cách tung ra những sản phẩm có mức giá thuộc phân khúc cao (từ 10 triệu đồng) trở lên.
'
Vị trí thứ 3 thuộc về “quả táo mẻ” với 9,5% thị phần. Việt Nam là thị trường lớn của Apple tại khu vực ASEAN. Nhiều khách hàng kỳ vọng những động thái mới của Apple dành cho thị trường Việt Nam trong năm 2017. Song theo nhiều chuyên gia, Apple sẽ áp dụng chính sách “nhỏ giọt”.
Mobiistar là thương hiệu di động Việt đứng thứ 4 tại thị trường smartphone Việt Nam với thị phần 5%. Trong khi nhiều thương hiệu Việt đã nói lời vĩnh biệt với mặt hàng smartphone, Mobiistar là thương hiệu Việt duy nhất còn “sống sót”. Ông Ngô Nguyên Kha, Giám đốc điều hành Mobiistar, chia sẻ: “Dù biết phía trước là giông bão nhưng phải tìm cách giong buồm mà tiến. Có thể đi chậm nhưng không thể ngừng cuộc chơi được. Còn đó mấy trăm lao động và công sức gầy dựng thương hiệu gần mười năm qua”.
Cuối năm 2016, Huawei đã nằm trong nhóm 5 với thị phần 4%. Nhiều nhà bán lẻ nói rằng, nếu Huawei giữ được “phong độ” như những tháng cuối năm 2016, thì trong năm 2017, Huawei sẽ đạt được tỷ lệ 7 – 8%. Nói với chúng tôi về chiến lược năm 2017, ông Shawn Shu, Tổng giám đốc nhóm kinh doanh tiêu dùng của Huawei Việt Nam, cho biết, hãng sẽ chú trọng phân khúc trung và cao cấp, truyền thông hướng tới giới trẻ, mở rộng kênh phân phối và xây dựng hệ thống bảo hành tại Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ…
Trong khi đó, một tên tuổi lừng lẫy một thời là HTC lại chọn chuyển hướng: bỏ hẳn dòng trung và thấp cấp, tập trung vào dòng cao cấp. Ông Lê Hồng Châu, CEO HTC Việt Nam nói thêm rằng, trong năm 2017, với ba yếu tố: thiết kế, điều khiển sản phẩm bằng giọng nói và trí tuệ nhân tạo, HTC U với hai phiên bản là U Ultra và U Play sẽ là tên tuổi mới trên thị trường smartphone, sẽ thành công vì hiện nay, các dòng smartphone cao cấp không có nhiều lựa chọn. Thế Giới Di Động là nhà bán lẻ độc quyền các sản phẩm HTC U tại thị trường Việt Nam với giá U Ultra – 18,49 triệu đồng, còn U Play là 11,49 triệu đồng.
“HTC từng là một nhà sản xuất luôn tung ra thị trường những sản phẩm có những điểm mới về công nghệ cũng như các phân khúc giá nhưng không có lãi. Nay, chỉ còn phân khúc giá cao, dù bán ít hàng nhưng HTC sẽ có lợi nhuận”, ông Châu nói.
Một nhà bán lẻ nhận định rằng, việc chuyển hướng của HTC là “cú giãy cuối cùng trước khi lìa đời”, vì HTC là một thương hiệu mạnh nhưng không biết cách kinh doanh từ nhiều năm nay. Nhà bán lẻ này đưa ra bằng chứng, cuối năm 2016, thị phần của HTC chỉ còn 1,2%!
Những thân phận còn lại
Còn vài chục tên tuổi đã tồn tại hàng chục năm tại thị trường thiết bị di động Việt Nam. Có nguồn tin nói rằng, Sony sẽ không còn mặn mà với smartphone. “Có thể trong năm nay Sony sẽ giảm nhiệt khá mạnh với nhóm sản phẩm này”, một nguồn tin tiết lộ. Q (trước đây là Q-Mobile), một thương hiệu di động Việt của ABTel đã được chuyển giao vào cuối tháng 12/2016 cho một doanh nghiệp Việt khác, vốn không có hiểu biết gì về sản phẩm và thị trường smartphone. Theo một nguồn tin riêng, Q vẫn giữ quyền sở hữu thương hiệu, còn đối tác chịu trách nhiệm về kinh doanh. Riêng lượng hàng trước đây mang tên Q sẽ do Thế Giới Di Động bao tiêu.
Asus tỏ vẻ mệt mỏi với nhóm hàng smartphone tại thị trường Việt Nam. Dù có cấu hình mạnh, giá rẻ nhưng cuối năm 2016, thương hiệu này chỉ chiếm 2,27%. Microsoft khá chật vật trên thị trường với 1,49%.
Cuối năm 2016, Xiaomi đã ra mắt diễn đàn, nhưng cho đến nay vẫn chưa thấy động thái nào thêm về việc sản phẩm sẽ xuất hiện. Được xem là ẩn số chính là sự quay trở lại của tên tuổi Nokia với những dòng smartphone chạy hệ điều hành Android. Có nhiều thông tin nói rằng, tháng 1/2017, Nokia sẽ chính thức ra mắt sản phẩm đầu tiên nhưng cho đến nay vẫn “im hơi lặng tiếng”!
Trong những thương hiệu mới tại thị trường Việt Nam, tính đến cuối năm 2016, Vivo và Coolpad đang so kè nhau ở tỷ lệ 1,3%. Trong đó, Vivo được đánh giá tích cực hơn. Nhưng cả hai thương hiệu này khó làm nên chuyện như Oppo đã từng làm vì sản phẩm không có tính đột biến, còn cách thức tiếp thị chưa chú ý đến người tiêu dùng mà chỉ biết bung tiền để lấy lòng các kênh bán lẻ, từ cửa hàng cho đến hệ thống.
Trọng Hiền
Nguồn Tiếp Thị Thế Giới