Toshiba: Từ tượng đài công nghệ 140 năm của Nhật Bản đến sự sụp đổ
Là thương hiệu Nhật Bản có lịch sử hơn 140 năm tuổi, Toshiba hiện ngập trong nợ nần, lục đục nội bộ, thua lỗ, Chủ tịch từ chức và đối mặt với nguy cơ phá sản.
Toshiba là cái tên vô cùng quen thuộc đối với người Việt Nam, từ những chiếc ti vi đến tủ lạnh và máy giặt, hầu như mỗi chúng ta đều đã từng sử dụng một món đồ gia dụng của Toshiba trong đời. Đó là bởi vì thương hiệu Toshiba từng là tượng đài của làng công nghệ Nhật Bản.
Cái tên Toshiba đã từng được nhắc đến rất nhiều trong những năm 90 của thế kỷ trước. Đi cùng với cái tên này là sự đảm bảo về chất lượng của các thiết bị điện tử, đi đầu trong nhiều công nghệ và là niềm tự hào của đất nước Nhật Bản.
Tượng đài 140 năm của công nghệ Nhật Bản
Toshiba có tiền thân là nhà máy Tanaka Seizo-sho, được thành lập vào năm 1875 bởi Hisashige Tanaka. Đây cũng là công ty Nhật đầu tiên làm thiết bị điện báo. Vào năm 1904, nhà máy này được đổi tên thành Shibaura Seisakusho.
Suốt nửa đầu thế kỷ 20 , Shibaura Seisakusho trở thành một công ty lớn sản xuất máy móc điện tử nặng trong khi Nhật Bản, được hiện đại hóa vào thời kỳ Minh Trị (Meiji Tennō), trở thành một cường quốc thế giới về công nghiệp.
Tosbiba được thành lập vào năm 1939 bởi sự hợp Nhất của Shibaura Seisaku-sho và Tokyo Denki. Tokyo Denki, mới đầu gọi Hakunetsusha, được thành lập vào năm 1890 và là công ty Nhật đầu tiên sản xuất bóng đèn nóng sáng. Công ty này đa dạng hóa và bắt đầu làm những sản xuất tiêu dùng, và năm 1899 nó đổi tên thành Tokyo Denki.
Toshiba đã chế tạo nhiều loại thiết bị đầu tiên của Nhật Bản, bao gồm radar (1942), máy tính số TAC (1954), máy thu hình bán dẫn và lò vi sóng (1959), điện thoại hình màu (1971), máy xử lí chữ Nhật (1978), hệ thống MRI (1982), Máy tính xách tay (1986), NAND EEPROM (1991), Đĩa DVD (1995) và đĩa HD DVD (2005)
Toshiba có 39 cơ sở nghiên cứu và phát triển trên khắp thế giới với khoảng 4.180 nhân viên. Toshiba đầu tư tổng cộng 46 tỷ USD vào nghiên cứu và phát triển trong năm tài chính tới ngày 31/3/2012. Toshiba đã đăng ký tổng cộng 2.483 bằng sáng chế ở Mỹ trong năm 2011, đứng thứ 5 trong số những công ty có nhiều bằng sáng chế nhất (sếp sau IBM, Samsung Electronics, Canon and Panasonic).
Toshiba cũng đi đầu trong rất nhiều công nghệ mới, như TV 3D không cần kính và TV độ phân giải 4K Ultra HD. Trước đó, Toshiba cũng đi tiên phong trong việc chế tạo những chiếc đầu đĩa HD DVD, với loại đĩa DVD dung lượng lớn và có thể lưu trữ được những bộ phim có chất lượng cao.
Vào năm 2010, Toshiba là công ty máy tính cá nhân lớn thứ năm thế giới về doanh thu (xếp phía sau Hewlett-Packard, Dell, Acer và Lenovo). Vào cùng năm đó, Toshiba cũng trở thành công ty sản xuất chất bán dẫn lớn thứ tư thế giới về doanh thu (xếp phía sau Intel, Samsung và Texas Instruments).
Tính đến nay Toshiba đã hoạt động được trên 140 năm và các sản phẩm đồ điện tử của hãng như tivi, điều hòa, tủ lạnh từng được coi là biểu tượng của Nhật Bản và được sử dụng rộng rãi trên toàn thế giới.
Và sự sụp đổ
Vụ bê bối kế toán năm 2015 của Toshiba đã gây chấn động cả thế giới. Vụ việc bê bối của Toshiba được xem là lớn nhất trong lịch sử các doanh nghiệp Nhật Bản kể từ sau bê bối của Tập đoàn Olympus hồi năm 2011.
Được biết với mục đích hoàn thành chỉ tiêu đặt ra, cả 3 đời chủ tịch Toshiba là ông Hisao Tanaka, Norio Sasaki và Atsutoshi Nishida đều đã gây áp lực với cấp dưới để gian lận kết quả kinh doanh. Trên thực tế, Toshiba trong tình trạng làm ăn bết bát từ nhiều năm nay.
Gần nhất là kết quả kinh doanh năm 2014 cho thấy họ thua lỗ 37,8 tỷ yên (tương đương 318 triệu USD). Trong khi 1 năm trước đó nhà sản xuất này vẫn công bố thu về lợi nhuận 60,2 tỷ yen (496,9 triệu USD) (thời điểm trước khi tiến hành cuộc điều tra về bê bối gian lận).
Trong báo cáo quý tài chính mới đây nhất, Toshiba tiết lộ khoản lỗ khổng lồ lên đến 6,3 tỷ USD. Hiện tại Chủ tịch Tập đoàn Toshiba là ông Shigenori Shiga đã phải nhận trách nhiệm, từ chức, và công ty có thể phải đối mặt với nguy cơ phá sản vì số tiền lỗ quá lớn.
Trường hợp của Toshiba kể trên có thể xem là bài học xương máu dành cho các doanh nghiệp. Từ một gian lận nhỏ, Toshiba đã rơi tiếp tục đi theo vết xe đổ và chìm sâu hơn vào sai lầm. Khi mọi việc đã bị phanh phui, họ không còn đường thoái lui và loay hoay trong vòng xoáy nợ nần, nội bộ lục đục và án phạt.