Baker McKenzie: Bất kể bất ổn toàn cầu, nước ngoài vẫn chi hơn 1 tỷ USD cho các thương vụ M&A doanh nghiệp Việt năm 2017
Theo Baker McKenzie, trong năm 2017, châu Á sẽ tiếp tục là điểm đến hấp dẫn đối với các nhà đầu tư nước ngoài, nhất là với những ai muốn đặt chân vào các thị trường có tiềm năng tăng trưởng cao hơn các khu vực khác.
Trong báo cáo vừa mới công bố của Baker McKenzie, tổ chức này dự đoán tổng giá trị hoạt động M&A doanh nghiệp nước ngoài thâu tóm doanh nghiệp Việt Nam (inbound M&A) trong năm nay sẽ đạt 1 tỷ đô.
Mặc dù các bất ổn trong nền kinh tế toàn cầu có thể ảnh hưởng tiêu cực và làm suy giảm động lực, mức độ M&A nhưng 2017 vẫn sẽ là một năm sôi động các hoạt động này tại Việt Nam.
Ông Seck Yee Chung - luật sư điều hành Baker McKenzie tại Việt Nam nhận định: "Trong viễn cảnh bất ổn chính trị địa lý đang xảy ra tại Mỹ và EU, tôi cho rằng hoạt động M&A xuyên quốc gia tại Việt Nam năm 2017 sẽ không còn mạnh mẽ như năm 2016. "
Trong 2015, Việt Nam ghi nhận 3,9 tỷ đô giá trị các thương vụ DN nước ngoài M&A DN Việt Nam. Đến 2016, con số này đã sụt giảm xuống còn 2,3 tỷ đô.
Trong quý 4 năm 2016, các nhà đầu tư Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc và Hồng Kông là những người hoạt động mạnh mẽ nhất tại thị trường Việt. Trong quý này, thương vụ lớn nhất là khoản đầu tư 50 triệu USD của quỹ UOB Venture trực thuộc ngân hàng United Overseas Bank và ORIX Corporation đến từ Nhật Bản vào công ty năng lượng Bitexco. Theo sau là Công ty UTC của Hàn Quốc mua 62,5% cổ phần của VNPT EPay với số tiền khoảng 34 triệu USD.
Tại Việt Nam năm qua, vụ Central Group đổ 1,1 tỷ đô mua lại chuỗi siêu thị BigC là thương vụ có giá trị khủng nhất.
Những sự kiện toàn cầu khó lường năm qua đã có ảnh hưởng không nhỏ tới hoạt động M&A. Tuy vậy, Baker Mckenzie vẫn lạc quan về thị trường châu Á Thái Bình Dương. Trong quý vừa rồi, toàn khu vực chứng kiến các thương vụ M&A xuyên quốc gia có tổng trị giá 93,9 tỷ USD.
"Khu vực này sẽ tiếp tục và điểm thu hút các nhà đầu tư nước ngoài nhằm tìm kiếm chỗ đứng trong nền kinh tế có tiềm năng tăng trưởng cao hơn các khu vực khác. Một số thương vụ dự kiến hoàn tất trong 2017 sẽ đẩy giá trị các thương vụ M&A tại Việt Nam năm nay vượt con số 1 tỷ USD năm thứ ba liên tiếp" - ông Chung chia sẻ thêm.
Thái Lan là nhà đầu tư năng nổ nhất trong năm vừa qua tại Việt Nam, khi Central Group, TCC Holding hay Fraser and Neave (F&N) chiếm 3 trong tổng số 5 thương vụ có giá trị lớn nhất. Việc F&N bỏ ra 500 triệu đô mua lại một phần phần thoái vốn Nhà nước tại CTCP Sữa Việt Nam (VNM) cũng là thương vụ thoái vốn lớn nhất Đông Nam Á năm qua. Ông Chung cho rằng, đợt thoái vốn của Nhà nước khỏi các công ty lớn sẽ tạo nên cơ hội khiến thị trường sôi động.
Tổng cộng giá trị các giao dịch IPO rơi vào khoảng 172 triệu đô năm 2016, nhưng con số này được kỳ vọng sẽ đạt mức 410 triệu đô trong năm nay và tiếp tục đi lên trong 2 năm tới.
Hoài Thu / Dealstreetasia
Nguồn Trí thức trẻ