Hơn 600 triệu lít bia lên kệ

Bia, rượu là một trong những mặt hàng tiêu thụ mạnh dịp Tết. nhưng năm nay, thị trường này là một ẩn số đối với các nhà sản xuất, kinh doanh vì lo lực cầu giảm.

Không lo thiếu hàng...

Dù sức mua không tăng, thậm chí còn giảm nhiều so với năm trước, nhưng các nhà sản xuất bia đều quyết định tăng sản lượng so với năm ngoái. Trong đó, Công ty TNHH MTV thương mại Sabeco đã chuẩn bị 350 triệu lít bia các loại cho mùa vụ Tết, tăng 10% so với năm trước.

Hơn 600 triệu lít bia lên kệ

Bia đã rục rịch tăng giá

Chiếm đến hơn 1/3 sản lượng (125 triệu lít) là nhãn hiệu bia 333. Thương hiệu bia Sapporo sau thời gian thâm nhập thị trường bằng bia nhập khẩu cũng đã công bố sản lượng 2,5 triệu lít bia cho mùa Tết Quý Tỵ 2013. Đây là những sản phẩm được sản xuất tại nhà máy của Công ty TNHH Sapporo Việt Nam đặt ở Long An, được vận hành vào cuối năm 2011.

Không công bố số lượng cụ thể nhưng Công ty TNHH Nhà máy bia Việt Nam (VBL), đơn vị sở hữu các thương hiệu bia Heineken, Tiger, Larue, Bivina... cũng cho biết tăng 20% sản lượng bia Tết dù thị trường hiện rất yếu.

Tết năm ngoái, doanh nghiệp này đã tiêu thụ 600 triệu lít bia các loại. Còn trong dịp Tết Dương lịch vừa qua, sản lượng tiêu thụ của VBL giảm đến 20% so với năm ngoái.

Bên cạnh lượng bia sản xuất trong nước, thị trường còn có sự tham gia khá lớn của bia nhập khẩu. Theo thống kê của giới kinh doanh, hiện có khoảng 50 loại bia nhập từ các nước Bỉ, Hà Lan, Đức, Nhật Bản, Mỹ... được tiêu thụ trên thị trường.

Không chỉ bán tại các đại lý, nhà hàng, khách sạn, bia nhập đã tràn vào các siêu thị, cửa hàng. Trong đó, bia Đức Konigsbacher 5 lít có giá 500.000 đồng/bom, Heineken lon lớn Hà Lan 600.000 đồng/thùng 24 lon, Bitburger nhập từ Đức giá khoảng 598.000 đồng/bom 5 lít, Oettinger tùy hương vị giá từ 30.500 - 41.500 đồng/lon 500ml.

Tuy nhiên, các loại bia được bán phổ biến hiện nay vẫn là Bitburger giá 390.000 đồng/bom 5 lít, bia Leffe (Bỉ) 75.000 đồng/chai, bia Bochka (Nga) 53.000 đồng/chai...

Bên cạnh đó, các loại bia nhập khẩu từ Nhật đang ngày càng phổ biến và được dùng nhiều như: Sapporo, Asahi, Kirin... Hầu hết cửa hàng bia rượu hiện nay đều có bày bán bia Nhật. Điểm đặc biệt là giá cả không quá đắt như các dòng bia Chimay (Bỉ), La Trappe (Hà Lan)...

Tuy nhiên, theo các đại lý kinh doanh bia, dù khá phong phú, bia nhập vẫn không bán chạy bằng một số sản phẩm quen thuộc mà người tiêu dùng hay chọn như Heineken, Tiger, 333...

Hơn 600 triệu lít bia lên kệNhưng... tăng giá

Dù thị trường khá phong phú cả về sản lượng lẫn nhãn hiệu nhưng hiện tại, giá bán nhiều loại bia đã tăng.

Bắt đầu từ ngày 1/1/2013, giá nhiều loại bia sản xuất trong nước đã được điều chỉnh giá. Tại các đại lý, giá bia Sài Gòn đỏ đã tăng từ 118.000 đồng lên 125.000 - 126.000 đồng/thùng, thậm chí, có nơi lên đến 130.000 đồng.

Bia 333 từ 189.000 tăng lên 195.000đ/thùng, Saigon Special từ 160.000 đồng tăng 175.000 - 178.000 đ/thùng, bia Tiger từ 258.0000 lên 260 - 275.000 đ/thùng...

Không chỉ bia nội, các loại bia ngoại, đặc biệt là các loại bia đóng thùng theo dạng quà biếu cũng đã được bán với giá mới.

Trong đó, tăng mạnh nhất là Heineken Skyfall chai 1 lít. Cách đây một tháng, loại bia này giá chỉ 300.000 đồng/chai nhưng nay đã tăng lên 550.000 đ/chai.

Thừa nhận giá bia tăng, đại diện Sabeco - nhà cung cấp các mặt hàng bia Sài Gòn, 333... cho biết, Công ty bắt đầu áp dụng giá mới từ ngày 15/1. Theo đó, giá mới tăng thêm 5% do thuế tiêu thụ đặc biệt mặt hàng bia tăng từ 45% lên 50% từ 1/1/2013.

Tuy nhiên, giá bán mới chỉ áp dụng đối với những lô hàng sản xuất từ ngày 1/1/2013 trở đi. Với những lô hàng sản xuất trước đó thì vẫn giữ giá cũ.

Trong khi đó, tuy sản phẩm của VBL chưa áp giá mới theo thuế nhưng giá bán trên thị trường cũng đã được điều chỉnh. Trong đó, bia Tiger, Heineken... đã áp giá tăng từ 5.000 - 10.000 đ/thùng so với trước.

Theo lý giải của nhiều đại lý, ngoài sự điều chỉnh của nhà sản xuất, giá bia tăng là do sự điều chuyển của thị trường. Hiện tại, dù nhà sản xuất công bố tăng số lượng nhưng để "yên tâm vào giờ chót", nhiều đại lý đang bắt đầu trữ hàng.

Còn "Giá cả từ nay đến cận Tết có tiếp tục tăng hay không thì không thể biết được vì phụ thuộc vào nguồn cung cũng như nhu cầu của thị trường", chủ một đại lý bia khá lớn cho biết.

Trước diễn biến của thị trường, ông Nguyễn Văn Bửu, Phó tổng giám đốc VBL cho rằng, những năm trước, Tết Tây vừa kết thúc thì Tết ta cũng liền kề nên nhìn vào thị trường Tết Tây có thể đoán được sức mua của thị trường Tết.

Nhưng năm nay, khoảng cách giữa hai cái Tết khá xa nên không một nhà kinh doanh nào dám dự đoán sức mua dù nhà sản xuất nào cũng tăng sản lượng. "Sức mua của thị trường năm nay là một ẩn số đối với nhà sản xuất, kinh doanh", ông Bửu nói.

39%

- Kinh tế khó khăn nhưng nam giới vẫn chịu chi cho bia, rượu và các loại thức uống nhiều hơn. Đó là kết quả khảo sát của Công ty Nghiên cứu thị trường FTA trên 300 NTD nam giới (18 - 49 tuổi) tại TP.HCM, Hà Nội và Đà Nẵng vào tháng trước.

Trong các loại đồ uống như bia, rượu, nước tăng lực, ép trái cây, cà phê... thì mối quan tâm nhiều nhất của nam giới vẫn dành cho đồ uống có cồn. 39% NTD nam giới ở TP.HCM chi tiền uống bia nhiều hơn năm ngoái, so với Hà Nội là 27% và Đà Nẵng là 36%.

Nam giới tại TP.HCM chi cho mỗi lần uống bia là 100.000 - 200.000 đồng trong khi tại Hà Nội và Đà Nẵng là 100.000 đồng trở lại.

Nguồn Dùng hàng Việt