Sabeco tăng trưởng phi mã, lợi nhuận của Habeco vẫn "dậm chân tại chỗ" suốt 8 năm
Báo cáo tài chính năm 2016 cho biết lợi nhuận trước thuế của Habeco chỉ là 997 tỷ đồng, mức thấp nhất trong vòng 7 năm trở lại đây. Ở chiều hướng ngược lại, Sabeco vừa công bố mức lãi cao nhất lịch sử.
Báo cáo tài chính vừa được công bố của 2 “đại gia” ngành bia Việt Nam là Sabeco và Habeco đã phác họa nên những hình ảnh hoàn toàn đối lập. Trong khi Sabeco ghi nhận những con số kỷ lục kể từ khi thành lập với doanh thu thuần 30.642 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 5.707 tỷ đồng thì Habeco dường như đang rơi vào một cuộc khủng hoảng nghiêm trọng.
Theo đó, lợi nhuận trước thuế năm 2016 của Habeco chỉ là 997 tỷ đồng, mức thấp nhất trong vòng 7 năm trở lại đây. Cần lưu ý, đà tăng trưởng của Habeco trong vài năm qua đã chững lại đáng kể khi lợi nhuận chỉ quanh ngưỡng 1.000 tỷ đồng dù thị trường bia Việt Nam liên tục tăng trưởng.
Việc kết quả kinh doanh Habeco ngày càng sa sút cũng không quá bất ngờ khi nhìn vào thực trạng tiêu thụ bia của doanh nghiệp này. Nếu như trước đây, bia Hà Nội là sự lựa chọn hàng đầu của người dân miền Bắc thì sản phẩm này hiện đang mất dần vị thế ngay trên sân nhà trước áp lực cạnh tranh mạnh mẽ từ các đối thủ.
Không chỉ Sabeco, các tên tuổi lớn trên thế giới như Heineken, Carlsberg, Sapporo, AB Inbev… đều đã hiện diện tại Việt Nam và “cướp” đi miếng bánh của Habeco. Theo báo cáo của Euromonitor, thị phần tiêu thụ bia của Habeco tại Việt Nam chỉ khoảng 16%, xếp sau 2 đối thủ là Heineken (hơn 17%) và Sabeco (46%).
Ngoài ra, phân khúc sản phẩm của Habeco phần lớn là ở mức trung bình, giá rẻ dẫn tới biên lợi nhuận thấp. Trong khi đó, Sabeco, Heineken, Carlsberg… đều tập trung ở phân khúc trung bình khá, cao cấp. Việc mức sống người dân ngày càng nâng cao như hiện nay đã dẫn tới nhu cầu sử dụng các sản phẩm chất lượng cao hơn và do đó bài toán tiêu thụ sản phẩm của Habeco lại thêm phần khó khăn.
Chưa tận dụng tốt cơ hội từ sự kiện Tổng thống Mỹ
Bỏ qua yếu tố về chất lượng, việc sản phẩm tiêu thụ được hay không còn có vai trò lớn đến từ hoạt động truyền thông. Tuy vậy, so với các đối thủ như Sabeco và đặc biệt Heineken, có thể thấy Habeco hoàn toàn lép vế.
Theo số liệu công bố, trong năm 2015, ngân sách dành cho hoạt động quảng cáo của Habeco lên tới 256 tỷ đồng nhưng cũng chỉ bằng 1/5 so với Sabeco. Còn với Heineken, dù không có con số cụ thể nhưng nhìn vào tần suất quảng cáo dày đặc trên truyền hình hay các event thì chắc chắn số tiền Heineken chi ra là không hề nhỏ.
Thua thiệt so với đối thủ về nhiều mặt nhưng Habeco bất ngờ nhận được “món quà” trong năm 2016 đến từ…cựu Tổng thống Mỹ Obama. Vào cuối tháng 5, ông Obama (khi đó vẫn là Tổng thống) đã ghé thăm Việt Nam và sử dụng bia Hà Nội. Ngay lập tức, “bia Hà Nội”, “Habeco” trở thành từ khóa “hot” trên các phương tiện truyền thông và trở thành cơ hội PR tuyệt vời cho Habeco.
Dù vậy, số liệu được công bố cho thấy Habeco có vẻ đã không tận dụng tốt “món quà” này. Bằng chứng là chi phí quảng cáo trong quý 4/2016 của Habeco chỉ là 162 tỷ đồng, giảm tới 113 tỷ đồng so với cùng kỳ năm trước. Đáng chú ý, quý 4 thường là khoảng thời gian các doanh nghiệp chi nhiều hơn cho hoạt động quảng cáo nhân dịp mùa mua sắm cuối năm. Có lẽ, nếu như “mạnh tay” hơn cho hoạt động quảng cáo trong quý 4 để tranh thủ nhu cầu tiêu dùng cuối năm tăng cao cũng như tận dụng hình ảnh ông Obama thì kết quả kinh doanh của Habeco đã có phần khởi sắc hơn.
Carlsberg, người hỗ trợ hay cản đường?
Trong cơ cấu cổ đông của Habeco, ngoài Bộ Công thương đại diện phần vốn Nhà nước nắm giữ 81,79% cổ phần còn có sự hiện diện của cổ đông chiến lược Carlsberg với tỷ lệ sở hữu 17,5%.
Đầu tư vào Habeco từ năm 2009, Carlsberg với vị thế tên tuổi hàng đầu ngành bia thế giới được kỳ vọng hỗ trợ Habeco phát triển, đào tạo nhân lực, chuyển giao công nghệ, thiết bị, mở rộng thị trường, nâng cấp quản trị doanh nghiệp. Dù vậy, sau 7 năm hiện diện tại Habeco, Carlsberg đã không làm được gì nhiều cho doanh nghiệp và thậm chí kết quả kinh doanh, thị phần ngày càng đi xuống kể từ khi đại gia bia này xuất hiện.
Khi ký kết thỏa thuận hợp tác chiến lược với Habeco, Carlsberg đã đạt được điều khoản ưu tiên mua cổ phần khi Nhà nước thoái vốn. Với điều khoản này, Carlsberg hoàn toàn có thể “ép giá” khi Nhà nước muốn thoái vốn khỏi Habeco. Bằng chứng là Carlsberg chỉ sẵn sàng chi trả 48.000 đồng cho mỗi cổ phần Habeco, thấp hơn rất nhiều so với mức giá 130.000 đồng đang giao dịch trên thị trường.
Có thể nói, sự hiện diện của Carlsberg tại Habeco mang đậm ý đồ thôn tính hơn là hỗ trợ, song hành cùng doanh nghiệp. Do đó, kết quả kinh doanh tụt dốc của doanh nghiệp này cũng là điều không quá bất ngờ.
Hoàng Anh
Nguồn Trí thức trẻ