5 xu hướng + 10 quảng cáo hàng đầu Tết Đinh Dậu 2017 trên YouTube
Google vừa công bố danh sách 10 Quảng cáo hàng đầu trên YouTube (YouTube Ads Leaderboard) dịp Tết Đinh Dậu 2017 tại Việt Nam. Bất ngờ nhưng cũng không quá ngạc nhiên khi dẫn đầu danh sách là quảng cáo và cũng là MV "Đi để trở về" của Soobin Hoàng Sơn và nhãn hàng Biti's - một thương hiệu mới lần đầu tham gia "cuộc chiến quảng cáo Tết". OMO và Neptune, 2 tay chơi "gạo cội" của quảng cáo Tết năm nay chỉ đứng thứ 8 và thứ 9.
Dẫn đầu danh sách này là bài hát dài hơn 3 phút gây cảm hứng cho giới trẻ do Soobin Hoàng Sơn thể hiện nhằm chuyển tải thông điệp “Đi để trở về” của nhãn hàng Biti’s. Điều này khá bất ngờ đối với 1 thương hiệu mới lần đầu tham gia cuộc chiến quảng cáo Tết, nhưng không quá ngạc nhiên bởi thương hiệu này thừa hưởng sự thành công và cộng hưởng từ chiến dịch khá nổi trội trước đó. Bài hát này khuyến khích giới trẻ chu du, khám phá thế giới và phá vỡ giới hạn bản thân, để cuối cùng cảm thấy hạnh phúc trọn vẹn khi trở về. Biti’s và các nhãn hàng khác trong danh sách này đã tạo ra những video quảng cáo vô cùng sáng tạo và hấp dẫn để thu hút lượt xem của người Việt, thậm chí vài video đạt được con số hàng triệu lượt xem.
Danh sách các video quảng cáo hàng đầu trên YouTube cho thấy những video trực tuyến đang đóng một vai trò vô cùng quan trọng trong các dịp lễ Tết này. Sự lên ngôi của thiết bị di động cho phép người dùng dễ dàng xem và chia sẻ các video yêu thích của mình khi đang trên đường về nhà, đang họp mặt gia đình, bạn bè trong những ngày lễ Tết.
1. Đi để trở về | SOOBIN Hoàng Sơn | Biti's Hunter
2. Hài Tết 2017 – Chúc Tết cực nhắng | Mirinda (Suntory Pepsico)
3. Nhẹ Nhàng Đón Xuân - Minh Hằng & Hương Giang | Tea+ (Suntory Pepsico)
4. Khai Xuân Đón Lộc 2017 – Đông Nhi & Isaac | Nescafe (Nestle Việt Nam)
5. Đón Tết Cùng Nhau | Nestle Việt Nam
6. Cùng Comfort Tết Trọn Ngàn Hương | Comfort (Unilever)
7. Tết ngon tự nhiên – Cả nhà góp sức | Maggie (Nestle)
8. "Tết xa nhà" - Neptune Tết 2017 | Neptune (Wilmar Calofic)
9. OMO "Trao áo xuân cho vạn trẻ em" | OMO (Unilever)
10. Cùng Con Bò Cười trao nhau tiếng cười Tết | Phô mai Con bò Cười
Vậy các nhãn hàng làm cách nào để thu hút người xem? Dưới đây là 5 xu hướng chính có thể rút ra từ danh sách 10 video quảng cáo YouTube hàng đầu trong dịp Tết:
- Làm việc tốt trong ngày Tết: Tết là thời gian để làm việc tốt cho cộng đồng, là thời gian người Việt Nam thường nghĩ đến những việc tốt như quan tâm đến người lạ hay chia sẻ yêu thương với những người thân yêu gần gũi nhất. Các nhãn hàng đã sớm nhận ra điều này, vì vậy 8 trong số 10 video quảng cáo đã truyền tải thông điệp về làm việc tốt, trong đó có 2 video quảng cáo có cách thể hiện vô cùng nổi bật: Đó là quảng cáo của Nestlé, ở vị trí số 5, Nestlé kể câu chuyện về những người đàn ông cố gắng làm việc nhà nhiều hơn để cả gia đình cùng tận hưởng thời gian ngày Tết. Quảng cáo còn lại là của Omo, ở vị trí số 9, kể câu chuyện về một cô bé tìm cách giúp đỡ người hàng xóm kém may mắn của mình.
- Sáng tác bài hát và nhảy theo: Trong khi bạn bè và người thân đang luyến tiếc về những ngày tháng đã qua và đang mong chờ những điều sắp đến trong dịp Tết, thì lúc này âm nhạc cần được vang lên. Các nhãn hàng như Tea+ và Con Bò Cười đã nhận ra điều này và đã tận dụng sức mạnh của âm nhạc, bài hát để chia sẻ cảm xúc và truyền đi thông điệp của mình.
- Những hương vị ngày Tết: Người Việt Nam thường ăn Tết trong nhiều tuần với âm nhạc truyền thống, đốt pháo hoa, múa lân và tụ họp vui vẻ với bạn bè và người thân. Các video quảng cáo trong danh sách này cũng thể hiện bầu không khí lễ hội đầy màu sắc cùng những câu chuyện ấm áp về sum họp gia đình.
- Quảng cáo thời lượng dài: Chiếm phần lớn trong danh sách này là những video quảng cáo của thời đại kĩ thuật số, với những format (hình thức quảng cáo) được tạo ra đặc biệt phục vụ cho đối tượng khán giả trên YouTube. Nếu chúng ta nhìn vào thời lượng của các video quảng cáo sẽ thấy tất cả chúng đều có thời lượng dài hơn 30 giây của một video quảng cáo trên truyền hình. Khán giả cũng sẽ nán lại xem quảng cáo của các nhãn hàng với thời lượng dài hơn với điều kiện các nhãn hàng phải kể cho họ nghe những câu chuyện thật sự thú vị.
- Giải trí trước, bán hàng sau: Mọi người lên YouTube là để giải trí, các nhãn hàng đã sớm nhận ra điều này và ưu tiên việc kể lại một câu chuyện hay hoặc những câu chuyện hài hước, vui nhộn hơn là nỗ lực để bán hàng. Điều này sẽ giúp nhãn hàng chiếm được trái tim của những khán giả trên YouTube. Những nhãn hàng như Mirinda, Nescafé hay Neptune cũng nhận ra điều này và đã tạo ra những quảng cáo để giải trí hơn là mang mục đích thương mại, bán hàng.
YouTube là là kênh có tính linh hoạt cao cho phép nhãn hàng chia sẻ thông điệp với thời lượng hay phong cách kể chuyện mà họ tự do lựa chọn. Như vậy, điều duy nhất có thể thách thức nhãn hàng đó chính là khả năng sáng tạo của họ.
Nitin Gajria, Giám Đốc Quốc Gia phụ trách Việt Nam, Campuchia, Lào của Google Châu Á – Thái Bình Dương, chia sẻ:
“Với thực tế lượng thời gian dành cho việc xem video trên YouTube tăng 100% trong năm qua nên không có gì bất ngờ khi người Việt Nam đang dần xem YouTube như lựa chọn đầu tiên cho hoạt động giải trí và cập nhật thông tin.
Tất cả các nhãn hàng muốn người xem ngồi xuống và chú ý đến quảng cáo của mình, và 10 nhãn hàng trong danh sách này cho thấy họ đã thành công như thế nào. Từ những giai điệu bắt tai đến những câu chuyện chạm vào lòng người, các video quảng cáo trong danh sách cho thấy các nhãn hàng tại Việt Nam là những người kể chuyện rất thông minh và hoàn toàn làm chủ được sức mạnh của hình ảnh, âm thanh và hiệu ứng mà một video quảng cáo trên YouTube có thể mang lại.
YouTube là một bức vẽ canvas có tính linh hoạt cao cho phép nhãn hàng chia sẻ thông điệp của mình với thời lượng hay phong cách kể chuyện mà họ tự do lựa chọn. Như vậy, chỉ còn một điều duy nhất có thể thách thức nhãn hàng trên nền tảng YouTube, đó chính là khả năng sáng tạo của họ mà thôi."
Huy Kim
Nguồn Google