Chọn tên “thuần Việt” hay tên “Tây”?

Xây dựng một thương hiệu thì khó và vô cùng tốn kém nên nếu đặt tên thương hiệu không phù hợp với tầm nhìn của DN thì khi phải thay đổi tên gọi hay đặt lại tên mới DN sẽ mất đi khách hàng cũ, tốn thời gian vì phải xây dựng thương hiệu lại từ đầu.

Ngày càng nhiều DN dùng tên nước ngoài để đặt tên cho sản phẩm hay dự án của mình. Một số ý kiến cho rằng đây là trào lưu “sính ngoại”, tuy nhiên nếu xem xét thuần túy từ góc độ xây dựng thương hiệu hay phát triển kinh doanh thì cách thức đặt tên thương hiệu này lại có khá nhiều ưu điểm. Thứ nhất, gia tăng khả năng quan tâm của khách hàng. Về khía cạnh tâm lý thì dường như một tên gọi “Tây” gây được sự chú ý và cảm nhận tốt hơn vì vậy khả năng tiếp cận khách hàng sẽ cao hơn.

Chọn tên “thuần Việt” hay tên “Tây”?

Thứ hai, gia tăng về cảm nhận sản phẩm chất lượng. Giả sử, nếu DNVN sản xuất ra các sản phẩm tốt như các sản phẩm họ đã gia công cho các hãng thời trang nước ngoài này và đặt một tên tiếng Việt liệu người tiêu dùng Việt có chọn mua sản phẩm hay không ? Nếu xét về khía cạnh sản phẩm thuần túy thì có thể hai sản phẩm này hoàn toàn giống nhau, nhưng xét về cảm nhận tâm lý thì hai sản phẩm này sẽ khác nhau “một trời, một vực”. Một chiến lược khá đơn giản mà hiệu quả là phải đặt một tên “Tây” để gia tăng cảm giác tâm lý “chất lượng ưu việt”. Điều này lý giải tại sao nhiều nhãn hiệu thời trang Việt lại mang các tên gọi gợi mở nguồn gốc xuất xứ từ Ý, Pháp hay Mỹ…

Thứ ba, khả năng thâm nhập thị trường nước ngoài. Nếu xét về khía cạnh tầm nhìn của thương hiệu, nhiều DN Việt muốn thương hiệu của mình không chỉ phục vụ thị trường nội địa mà còn phục vụ cho thị trường nước ngoài thì việc đặt một tên “Tây” để khách hàng tại các thị trường khác nhau đều có thể đọc, phát âm và nhớ được là định hướng mang tính chiến lược.

Nhưng điều này không có nghĩa là đặt tên “thuần Việt” sẽ không hiệu quả bằng tên “Tây”. Trong một số trường hợp tên “thuần Việt” có những ưu điểm vượt trội :

Thứ nhất, tiêu chí ngành hàng. Loại sản phẩm hay ngành hàng sẽ ảnh hưởng đến việc đặt tên của sản phẩm.

Thứ hai, nguồn gốc xuất xứ. Xuất xứ là một tiêu chí khác có thể ảnh hưởng đến việc đặt tên thương hiệu. Ở Việt Nam có rất nhiều loại sản phẩm luôn gắn liền với vùng miền nổi tiếng như nước mắm Phú Quốc, Trà Thái Nguyên, Cà phê Buôn Mê Thuột… Vì vậy khi DN kinh doanh một sản phẩm gắn liền với một vùng miền nổi tiếng thì nên đặt tên thương hiệu “thuần Việt” để tạo điểm khác biệt cũng như chuyển tải được một phần bản sắc văn hóa của vùng miền đó.

Thứ ba, đặc tính sản phẩm. Với các sản phẩm có hàm lượng “giá trị văn hóa và truyền thống” cao như thủ công mỹ nghệ, đặc sản, ẩm thực… thì nên đặt tên thuần Việt. Một ví dụ điển hình là phở 24 được đặt tên thuần Việt cho dù kinh doanh tại nước nào trên thế giới. Với các sản phẩm đặc thù này, người ta mua sản phẩm không chỉ là chất lượng mà còn vì mong muốn được hiểu biết và hòa nhập với văn hóa một vùng miền nào đó. Vì vậy, tên thuần Việt sẽ chiếm ưu thế trong trường hợp này.

Nguồn Dùng hàng Việt