Xu hướng báo chí thế giới 2016: Tia hy vọng nào cho báo giấy?
Theo báo cáo từ PageFair, những người dùng lâu năm đang có xu hướng chặn quảng cáo trên ứng dụng và nền tảng có hệ sinh thái quảng cáo khép kín như Spotify, Facebook, Instagram và Apple News.
Dưới đây là những điểm nổi bật từ kết quả nghiên cứu.
Số liệu World Press Trends cho thấy báo chí tạo ra khoảng 168 tỷ USD doanh số phát hành và quảng cáo trong năm 2015. 90 tỷ USD (53%) đến từ báo in và ấn phẩm số, trong khi 78 tỷ USD đến từ quảng cáo.
Cùng với tạp chí, báo giấy và điện tử đứng thứ 3 trong số các ngành công nghiệp văn hóa và sáng tạo, tạo ra khoảng 2,9 triệu việc làm trên toàn thế giới. Năm 2015, tổng doanh thu báo chí toàn cầu giảm 1,2% so với 1 năm trước và giảm 4,3% trong vòng 5 năm qua.
Hiện có hơn 2,7 tỷ người trưởng thành trên toàn cầu đang đọc báo in trong khi số lượng độc giả của báo điện tử đang ngày một tăng lên. Tại một số nền kinh tế phát triển nhất, độc giả báo điện tử đã vượt qua số lượng độc giả báo in, ước tính có ít nhất 40% người dùng Internet toàn cầu đọc báo trực tuyến.
Thách thức đối với ngành báo hiện nay vẫn là việc kết hợp đo lường tầm với và ảnh hưởng của nội dung trên mọi nền tảng với các phương pháp đo lường mới.
Cuộc khảo sát cho thấy:
Đối với một số nhà xuất bản, xem báo bằng điện thoại di động chiếm vị trí số 1 trong số các hình thức tiếp cận nội dung, nhưng với một số nhà xuất bản khác, điện thoại di động là hình thức xem báo duy nhất
- Thị trường điện thoại thông minh toàn cầu ước tính bán được 1,4 tỷ chiếc trong năm 2015, khiến năm này trở thành năm kỷ lục về số lượng bán ra, trong khi khoảng 30% dân số thế giới hiện đang sở hữu ít nhất một điện thoại thông minh.
- Tăng trưởng di động mang lại cơ hội rất lớn cho các tờ báo và hãng tin. Tại Mỹ, hiện có hơn 80% người dân đang đọc báo điện tử, hơn 70% người Úc và Canada đọc báo thông qua thiết bị số. Các hãng tin tức tiếp cận tới 70% dân số Anh qua Internet, máy tính bảng và điện thoại di động. Theo Hiệp hội báo chí Mỹ, hơn một nửa số độc giả báo điện tử chỉ sử dụng các thiết bị di động (smartphone hay máy tính bảng).
- 10 tờ báo điện tử hàng đầu ở Mỹ có trung bình 37% độc giả chỉ truy cập qua điện thoại di động và 31% khác truy cập qua cả điện thoại di động và máy tính để bàn. Ở các thị trường như Pháp, Đức, Nhật Bản, Úc và Canada, hơn 1/3 dân số trưởng thành sử dụng điện thoại di động để truy cập tin tức - và con số này đang tăng trưởng rất nhanh.
- Số độc giả truy cập tin tức qua máy tính để bàn tiếp tục giảm. Thời gian sử dụng điện thoại thông minh để xem báo nay đã vượt quá thời gian xem báo trên máy tính ở Mỹ, Canada, Anh và Ý.
- Sự gia tăng của điện thoại thông minh và máy tính bảng cũng đang thúc đẩy việc sử dụng các ứng dụng dữ liệu chuyên sâu như video. Cisco dự đoán tỷ lệ sử dụng dữ liệu di động vào năm 2019 sẽ đạt 66%. Trong nhóm độc giả xem báo trực tuyến từ 16-34 tuổi, có gần 95% xem nội dung qua video, thậm chí trong nhóm độc giả lớn tuổi nhất được theo dõi bởi Chỉ số Web toàn cầu (từ 55-64 tuổi), cũng có 8/10 người theo dõi nội dung qua video. Hàng ngày có 8 tới 9 tỷ video được theo dõi trên Facebook, tương tự 8 tỷ video được theo dõi trong một ngày trên Snapchat và 4 tỷ video một ngày trên YouTube.
Hàng ngày có 8 tới 9 tỷ video được theo dõi trên Facebook, 8 tỷ video được theo dõi trên Snapchat và 4 tỷ video trên YouTube.
- Tỷ lệ người dùng sử dụng ứng dụng ở Mỹ chiếm khoảng 75% số độc giả truy cập tin tức bằng di động. 5 ứng dụng hay nhất chiếm 88% phần trăm thời gian sử dụng ứng dụng của người dùng, theo comScore. Tuy nhiên, thời gian sử dụng ứng dụng trên điện thoại thông minh tập trung chủ yếu qua các nền tảng truyền thông xã hội và thương hiệu giải trí.
- Một số nhà xuất bản báo giấy truyền thống lớn đã tăng được lượng khách truy cập trực tuyến hơn 20% trong năm 2015, do sự phát triển của điện thoại di động. Tờ Bưu điện Washington đã tăng lượng độc giả 78% so với năm trước, và Dow Jones & Company (nhà xuất bản của Nhật báo phố Wall) đã tăng trưởng độc giả tới 58%.
Doanh thu từ báo điện tử đang tăng trưởng
- Số lượng báo in phát hành ra tăng 4,9% trên toàn cầu trong năm 2015 so với một năm trước đó và cho cả giai đoạn 5 năm là 21,6%, phần lớn là nhờ sự tăng trưởng của báo chí phát hành tại Ấn Độ, Trung Quốc và các nơi khác ở châu Á, do tỷ lệ biết chữ tăng lên, kinh tế phát triển và giá báo thấp. Đáng ngạc nhiên là, Ấn Độ và Trung Quốc chiếm một tỷ lệ tới 62% lượng báo phát hành trung bình hàng ngày trên toàn cầu trong năm 2015, tăng từ 59% trong năm 2014.
- Lượng báo phát hành tăng 7,8% ở châu Á trong năm 2015 so với năm trước; giảm 2,4% ở Bắc Mỹ, 2,7% ở Mỹ Latinh, 2,6% ở Trung Đông và châu Phi, 4,7% ở Châu Âu và 5,4% ở Úc và Châu Đại Dương. Trong vòng hơn 5 năm qua, số lượng báo in phát hành tăng 38,6% ở châu Á nhưng giảm ở những nơi khác: 1,2% ở Trung Đông và châu Phi, 1,5% ở Mỹ Latinh, 10,9% ở Bắc Mỹ, 23,8% ở châu Âu, và 22,3% ở Úc và Châu Đại Dương.
- Doanh thu báo điện tử tiếp tục tăng trưởng ở mức 2 con số, 30% trong năm 2015 và 547% trong vòng 5 năm qua. Với doanh thu hơn 3 tỷ USD, báo điện tử hiện đang dần bù đắp cho doanh thu báo giấy đang thu hẹp ở nhiều thị trường. Trong số độc giả xem báo trực tuyến, cứ 5 người thì có 1 người trả tiền cho nội dung điện tử, tại các quốc gia tham gia khảo sát.
- Ở các thị trường phát triển nhất, doanh số của báo in đang dần ổn định như một yếu tố quan trọng của hỗn hợp sản phẩm (báo in và báo giấy). Các ấn phẩm báo in thành công nay có kích thước nhỏ hơn, tập trung vào cộng đồng, các mối quan tâm, đáp ứng nhu cầu và thói quen của nhiều đối tượng cụ thể khác nhau.
Doanh thu chủ yếu vẫn đến từ báo in, trong khi các nhà xuất bản tiếp tục đa dạng hóa sản phẩm và nguồn thu
- Như đã nói ở trên, trong năm 2015 toàn ngành công nghiệp báo chí tạo ra 90 tỷ USD từ phát hành nội dung, trong khi 78 tỷ USD từ đến từ quảng cáo. Số liệu thị trường báo chí toàn cầu cho thấy, trên 92% doanh thu toàn ngành báo vẫn đến từ báo in. 7 thị trường báo chí lớn nhất vẫn là Mỹ, Nhật Bản, Đức, Trung Quốc, Anh, Ấn Độ và Brazil. Theo đó, 7 thị trường này chiếm hơn một nửa doanh thu ngành báo toàn cầu và khoảng 80% lượng báo phát hành toàn cầu.
- Trong khi quảng cáo trên báo điện tử vẫn chỉ chiếm một phần nhỏ doanh thu ngành báo nói chung, thì người ta vẫn hy vọng sẽ phát triển nó như một nguồn doanh thu quan trọng trong tương lai. Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng kép hàng năm (CAGR) của nó đã giảm xuống mức dưới 10%. Tốc độ này đã tăng 7,3% trong 2015 và 51% trong vòng 5 năm, theo Báo cáo triển vọng truyền thông và giải trí toàn cầu của PwC giai đoạn 2016-2020.
- Các “ông lớn” chi tiêu nhiều cho quảng cáo trên báo điện tử tiếp tục là truyền thông xã hội và các công ty công nghệ. Google chiếm phần lớn nhất, 67 tỷ USD, bao gồm cả doanh thu từ Google Search và YouTube. Google gần đây đã giới thiệu liên kết sâu cho các ứng dụng di động, nhằm mục đích giúp dễ truy cập tới nội dung di động hơn trong lúc tìm kiếm. Ngoài ra, hãng cũng đang tập trung vào việc cải thiện doanh thu từ quảng cáo hiển thị video của YouTube và nền tảng quảng cáo hiển thị tự động. Năm 2015, khoảng 13 tỷ USD (80%) doanh thu quảng cáo của Facebook đến từ điện thoại di động, trong khi tăng trưởng gần đây chủ yếu đến từ các ứng dụng di động gốc. Tại Trung Quốc, Tencent và Baidu, nền tảng xã hội và công cụ tìm kiếm hàng đầu đóng góp 56% tăng trưởng doanh thu quảng cáo của các công ty lớn trên thị trường trực tuyến.
Trong năm 2015 toàn ngành công nghiệp báo chí tạo ra 90 tỷ USD từ phát hành nội dung, trong khi 78 tỷ USD từ đến từ quảng cáo.
- Dù tổng doanh thu quảng cáo Internet đạt 170 tỷ USD trong năm 2015, song tiềm năng của nó vẫn chưa được khai thác hết, khi người tiêu dùng quay sang chặn quảng cáo để tránh tác động đến thời gian tải trang và lượng dữ liệu sử dụng. Tích cực hơn, quảng cáo hiển thị tự động đang phát triển nhanh chóng, với hơn một nửa số quảng cáo kỹ thuật số tại các thị trường phát triển được giao dịch tự động - mở đường để nhắm tới mục tiêu quảng cáo cao cấp. Giao dịch tự động rõ ràng là một lợi ích lớn cho các chủ phương tiện truyền thông, người tiêu dùng và nhà quảng cáo. Có thể xem đây là một lĩnh vực cần phải đưa yếu tố định tính vào thuật toán: niềm tin, bối cảnh và thiết kế. Kinh doanh mà tiếp tục bỏ qua các biện pháp này sẽ có nguy cơ tạo ra các quyết định mua và lập kế hoạch ngắn hạn thuần tuý, mà cuối cùng sẽ làm hỏng thương hiệu và đẩy giá thành đi xuống.
- Theo báo cáo mới nhất từ PageFair, ít nhất 419 triệu người (22% trong tổng số 1,9 tỷ người sử dụng điện thoại thông minh trên thế giới) đang chặn quảng cáo trên các trang web di động. Chặn quảng cáo trên web di động đã tăng 90% trên toàn cầu trong năm 2015. Những người dùng lâu năm đang có xu hướng chặn quảng cáo trên ứng dụng và nền tảng có hệ sinh thái quảng cáo khép kín như Spotify, Facebook, Instagram và Apple News.
"Khi nói đến chặn quảng cáo, chúng ta phải đối mặt với thực tế là chúng đã đóng góp rất nhiều vào tiếng tăm tiêu cực của quảng cáo kỹ thuật số và quảng cáo trên di động," chuyên gia Peyrègne nói. "Nhưng cuộc khủng hoảng này lại chứa những mầm mống của cơ hội. Các mối đe dọa chặn quảng cáo mang lại cho các nhà xuất bản một cơ hội tuyệt vời để nhìn lại văn hóa người dùng của họ, cho phép xác định lại hoạt động quảng cáo và cách chúng ta áp dụng kiến thức về người dùng để cải thiện sản phẩm và trải nghiệm".
TV chiếm miếng bánh quảng cáo lớn nhất, nhưng Internet và điện thoại di động cũng đang tăng trưởng
- Theo số liệu từ Zenith Optimedia, truyền hình vẫn tiếp tục duy trì thị phần lớn nhất của doanh thu quảng cáo toàn cầu, ở mức xấp xỉ 37%, tiếp theo là máy tính để bàn và Internet di động với gần 30%, báo với 12,7%, tạp chí 6,5%, quảng cáo ngoài trời và đài phát thanh với khoảng 7%, và điện ảnh với 0,6%.
- Doanh thu quảng cáo toàn cầu giảm 7,5% trong năm 2015 và giảm 24% trong vòng 5 năm qua. Kể từ lúc ban đầu vào giữa những năm 1990, doanh thu quảng cáo Internet (cả máy tính để bàn và di động) đã tăng chủ yếu nhờ chi phí in ấn. Quảng cáo trên máy tính để bàn và Internet di động đã tăng 18,7% trong năm 2015 và 102% trong vòng 5 năm.
- Năm 2015, quảng cáo trên báo in chỉ tăng duy nhất ở châu Mỹ Latinh, với tốc độ khiêm tốn là 0,3%, nhưng giảm ở tất cả các khu vực khác: 15,5% ở Úc và châu Đại Dương, 9,7% ở châu Á và Thái Bình Dương, 7,2% ở Bắc Mỹ, và 6,2% ở châu Âu.
Thu Hà / WAN-IFRA
Nguồn Người Đưa Tin