Cuộc chiến thị phần ở thị trường bán lẻ Việt

Tiềm năng thị trường bán lẻ Việt Nam đang hút các nhà đầu tư và cuộc chiến thị phần đang diễn ra gay gắt giữa hai khối nội - ngoại.

Doanh nghiệp nội thay đổi toàn diện

Ngày 7/1, Saigon Co.op đã đưa vào hoạt động mô hình kinh doanh mới: chợ ẩm thực và mua sắm hiện đại Sense Market tại khu B Công viên 23 tháng 9. Đây là mô hình vừa đáp ứng đa dạng nhu cầu mua sắm, giải trí của khách hàng trong nước, vừa đáp ứng nhu cầu thưởng thức các món ngon châu Á của khách du lịch quốc tế.

Sense Market gồm khu ẩm thực Asiana Food Town với diện tích trên 1.500m2, tái hiện không gian văn hóa ẩm thực đường phố châu Á xưa với gần 100 gian hàng ẩm thực đường phố của Việt Nam, Nhật, Thái, Lào, Campuchia, Ấn Độ..., và khu mua sắm Taka Plaza rộng gần 2.000m2 với hơn 400 gian hàng. Bên trong Sense Market còn có cửa hàng thực phẩm Co.op Food, quầy dịch vụ viễn thông, chuyển đổi ngoại tệ...

Trước đó, vào cuối tháng 12/2016, Saigon Co.op đã đưa vào hoạt động mô hình cửa hàng tạp hóa hiện đại Co.opSmile có diện tích từ 20 - 200m2. Theo đại diện của Saigon Co.op, đến cuối tháng 1/2017, Saigon Co.op sẽ có 20 cửa hàng Co.opSmile và tăng lên 200 - 300 cửa hàng vào cuối năm 2017.

Cuộc chiến thị phần ở thị trường bán lẻ Việt

DN trong nước hoàn thiện mô hình kinh doanh để cạnh tranh với DN FDI. Ảnh: X.Th.

Cùng với hệ thống phân phối hiện hữu, Sense Market và Co.opSmile là sự đa dạng mô hình bán lẻ của Saigon Co.op. Chia sẻ tại lễ ra mắt thương hiệu Co.opSmile, ông Nguyễn Thành Nhân - Tổng giám đốc Saigon Co.op cho biết: “Nhằm đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu đa dạng, đa phân khúc của người tiêu dùng, bên cạnh đẩy mạnh phát triển nhanh mạng lưới kinh doanh hiện hữu, Saigon Co.op nghiên cứu phát triển các mô hình phân phối mới”.

Hai doanh nghiệp (DN) trong khối nội khác là Vingroup và Tổng công ty Thương mại Sài Gòn (Satra) cũng đang hoàn thiện các kênh mua sắm. Trong đó, Vingroup có chuỗi trung tâm công nghệ và điện máy Vinpro và Vinpro+, siêu thị Vinmart (tính đến cuối tháng 6/2016 có 50 siêu thị Vinmart, 825 cửa hàng tiện lợi, siêu thị mini Vinmart+) và 26 trung tâm thương mại.

Cùng với việc mở chuỗi, Vingroup còn đầu tư vào nông nghiệp với các chương trình trồng rau an toàn, xây dựng chuỗi cung ứng khép kín làm thế mạnh cạnh tranh. Satra cũng đa dạng các loại hình kinh doanh và chỉ riêng hệ thống cửa hàng tiện lợi Satrafoods từ đầu năm đến nay đã có thêm 26 cửa hàng.

Theo đại diện của Satra, trong tháng 1/2017, Satra sẽ đưa Satrafoods đến Cần Thơ và trong năm nay sẽ có thêm 55 cửa hàng ra đời, trong đó có 45 cửa hàng tại TP.HCM.

Thống kê của Bộ Công Thương cho thấy, thị trường bán lẻ Việt Nam trị giá khoảng 110 tỷ USD mỗi năm, tuy nhiên mới chỉ có 1/4 trong số này được thông qua kênh bán lẻ hiện đại.

Doanh nghiệp ngoại tăng đầu tư

Trong khi các DN trong nước phát triển mạng lưới, đa dạng hóa loại hình kinh doanh thì các DN nước ngoài thay đổi thương hiệu, tăng vốn đầu tư vào thị trường bán lẻ. Tháng 12/2016, Central Group cùng với Nguyễn Kim đã cùng lúc khai trương thêm 14 trung tâm mua sắm.

Thị trường bán lẻ Việt Nam trị giá khoảng 110 tỷ USD mỗi năm, tuy nhiên mới chỉ có 1/4 trong số này được thông qua kênh bán lẻ hiện đại.

Đây là một trong những hoạt động nhằm cụ thể hóa chiến lược mà Central Group Việt Nam và Big C công bố trong tháng 11/2016: đầu tư 30 triệu USD để nâng cấp 13 trung tâm bán lẻ Big C (trong số 34 siêu thị Big C hiện hữu) thành các trung tâm thương mại lớn để đón đầu nhu cầu của người tiêu dùng hiện đại.

Hướng đầu tư này sẽ giúp Tập đoàn tăng diện tích mặt bằng cho thuê lên gấp đôi so với diện tích hiện có là 470.000m2. Central Group Việt Nam và Big C Việt Nam cũng đặt mục tiêu đến năm 2021 đạt mức tăng trưởng gấp đôi về doanh số và số lượng siêu thị so với hiện nay, vì vậy, sẽ tập trung vào các chính sách cốt lõi về giá, khuyến mãi, sản phẩm đa dạng, phong phú.

Để hiện thực hóa kế hoạch này, Central Group Việt Nam và Big C Việt Nam sẽ tập trung vào các chính sách nền tảng, làm đòn bẩy thúc đẩy quan hệ hợp tác và phát triển cùng các DN như ký hợp đồng có thời hạn tối thiểu 3 năm với các DN vừa và nhỏ, hỗ trợ để sản phẩm của DN được phân phối ở tất cả các đơn vị trực thuộc Central Group Việt Nam (gồm Big C Việt Nam, Lan Chi, Nguyễn Kim, Robins, Zalora Việt Nam), bảo lãnh giúp DN nhỏ tiếp cận nguồn vốn vay ngân hàng với lãi suất ưu đãi.

Ông Philippe Broianigo - TGĐ Central Group Việt Nam và Big C cho rằng: “Sự phát triển của Central Group tại Việt Nam hoàn toàn dựa trên mối quan hệ với các đối tác và nhà cung cấp. Do đó, Tập đoàn phải xây dựng nền tảng hoạt động bền vững tại Việt Nam và việc này không thể nào thành hiện thực nếu thiếu tư duy hợp tác đôi bên cùng có lợi, đặc biệt là với các doanh nghiệp nhỏ và vừa”.

Một DN khối ngoại khác là Tập đoàn TCC (Thái Lan), sau 2 năm hoàn thành việc chuyển giao từ Tập đoàn Metro đã đổi tên và khai trương siêu thị MM Mega Market tại An Phú, TP.HCM vào ngày 10/1.

Ông Phidsanu Pongwatana - Giám đốc Điều hành Công ty TNHH MM Mega Market Việt Nam cho biết: “Tiếp nối những nỗ lực của Metro trong hơn 10 năm tại Việt Nam, chúng tôi đã và đang tiếp tục cải thiện kinh doanh đồng thời cam kết đồng hành cùng các nhà cung cấp, nông dân, người dân, khách hàng nhằm nâng cao tính hoạt động chuyên nghiệp của toàn chuỗi cung ứng để phục vụ người tiêu dùng ngày càng tốt hơn”.

Với thực tế đang diễn ra, tờ Nikkei (Nhật Bản) cho rằng thị trường bán lẻ Việt Nam sẽ đạt 150 tỷ USD vào năm 2020. Còn theo sự báo của Bộ Công Thương, đến năm 2020, Việt Nam sẽ có 1.300 siêu thị và 180 trung tâm thương mại...

Minh Hào
Nguồn Doanh Nhân Sài Gòn