Nỗi khổ của chuỗi bán lẻ

Khi các hãng sản xuất trực tiếp nắm các kênh bán lẻ, nhà bán lẻ cũng chịu nhiều áp lực hơn như chịu giám sát về hình ảnh, cam kết số lượng bán hàng, tốn tiền và đổ công sức nhiều hơn trong việc xây dựng kho bãi, vận chuyển, huấn luyện nhân viên từ bán hàng đến chăm sóc khách hàng, xây dựng thương hiệu, kỹ năng quản lý hàng tồn kho…

Ông Lý Dũng, giám đốc ngành hàng di động của FPT Shop, dẫn chứng, Apple đang giám sát các nhà bán lẻ Việt Nam (là đại lý chính thức) bằng cách dùng đội ngũ giám sát của họ tại Việt Nam để đánh giá về năng lực của nhà bán lẻ. Nếu nhà bán lẻ đạt chuẩn mới được nhận tiền thưởng. Nếu không đạt, không được nhận số tiền trên.

Ông Đặng Trần Hải Đăng, phó giám đốc trung tâm nghiên cứu VietinBankSc, cho rằng, khi nhà bán lẻ tham gia phân phối trực tiếp từ nhà sản xuất sẽ gặp nhiều rủi ro như thời gian nhập từ nhà sản xuất lâu hơn so với nhà phân phối, độ trễ này sẽ khiến nhà bán lẻ chịu các rủi ro về biến động giá, về thay đổi công nghệ và những thay đổi xu hướng tiêu dùng, vòng quay hàng tồn kho chậm và kinh nghiệm xử lý hàng tồn kho…

Ông Đăng còn chỉ ra hai điểm yếu của nhiều kênh bán lẻ hiện nay, đó là khả năng thực hiện các nghiệp vụ kho bãi và năng lực phân phối các mặt hàng mới trên thị trường, do không có kinh nghiệm tiếp thị các nhãn hàng mới.

Những quan sát của ông Đăng là đúc rút thực tế trên thị trường bán lẻ từ nhiều năm nay. Nhiều chuỗi bán lẻ đã có những tham vọng lớn hơn năng lực thực tế của họ như WonderBuy, Home One, Best Carings, TopCare… đã phải phá sản sau vài năm tồn tại.

Nỗi khổ của chuỗi bán lẻ

Chuỗi bán lẻ của Thế Giới Di Động, FPT Shop phải tốn khá nhiều tiền của và công sức để hoàn thiện hệ thống quản trị mới trưởng thành như ngày hôm nay.

Viễn Thông A, Nguyễn Kim cũng đã có một thời lao đao. Thế Giới Di Động, FPT Shop phải tốn khá nhiều tiền của và công sức để hoàn thiện hệ thống quản trị mới trưởng thành như ngày hôm nay.

Một chuyên gia phân tích về bán lẻ nói rằng: “Tác động của nhà phân phối trung gian vào những hệ luỵ của các nhà bán lẻ điện máy rất nhỏ. Điều quan trọng nhất chính của nhiều nhà bán lẻ đã “chạy trước khi biết đi”, không chịu được những áp lực của cạnh tranh thị trường, không đủ sức để chơi cuộc đua đường trường…”

Năm 2017 sẽ có những cuộc chiến mới giữa các nhà bán lẻ hàng điện máy nói chung. Nguyễn Kim và Điện máy Xanh trong ngành hàng điện máy. Thegioididong.com và phần còn lại của nhóm bán lẻ hàng kỹ thuật số. Đó là thân phận của FPT Shop cũng còn nhiều ngổn ngang. Viễn Thông A chấp nhận vị thứ của mình.

Nói thì dữ dằn nhưng chuỗi bán lẻ của Mobifone chỉ là món hàng trang sức. Còn Viettel Store tiếp tục điệp khúc “lặng lẽ… chiều thu”!

Minh Tú
Nguồn Tiếp Thị Thế Giới