Vì sao Facebook hầu như không bị rò rỉ thông tin?
Mark Zuckerberg luôn rất cởi mở với các nhân viên về các vấn đề của Facebook. Tuy vậy, thông tin gần như không bao giờ bị rò rỉ ra ngoài.
Một chiều thứ Sáu, tháng 7/2015, Mark Zuckerberg đứng trước hàng trăm nhân viên ở trụ sở Facebook tại Menlo Park, California. Ở đó có một chiếc camera thu lại lời của anh để gửi cho hàng nghìn nhân viên trên toàn cầu.
Zuckerberg, vốn là một người hướng nội trầm tính, đã tỏ ra rất tức giận.
Các tin tức về trợ lý ảo của Facebook, M, đã bị tiết lộ trước đó cho giới báo chí. Mark hứa với các nhân viên rằng: "Nếu tìm được người làm rò rỉ thông tin, người đó sẽ bị sa thải".
Chỉ một tuần sau đó ở cuộc gặp công ty, Zuckerberg thông báo thủ phạm đã bị tóm và sa thải. Rất nhiều nhân viên tham gia đã tán dương điều này.
Cả việc rò rỉ thông tin lẫn truy tìm người gây ra điều đó là rất hiếm gặp ở Facebook. Không như các công ty công nghệ khác như Apple và Snapchat thường giấu giếm nhân viên về các tham vọng và dự án của mình, Facebook chia sẻ mọi loại bí mật với nhân viên ở các buổi Q&A (hỏi đáp) chiều thứ Sáu mà Zuckerberg đã thực hiện trong cả thập niên.
Điều đáng ngạc nhiên nhất là thông tin hầu như không bao giờ bị rò rỉ.
Các nguồn tin cho biết Zuckerberg sử dụng các buổi gặp mặt hàng tuần để cho 16.000 nhân viên biết chi tiết về các sản phẩm chưa được ra mắt, như app đọc báo Paper hay Slingshot, đối thủ cạnh tranh với Snapchat – và M, trợ lý ảo.
Anh sẽ nói về chiến lược sản phẩm của công ty, chia sẻ quan điểm cá nhân về các công ty đối thủ như Snapchat và Twitter, và thậm chí là về hội đồng quản trị của Facebook.
Mọi thứ sẽ không đi quá giới hạn. Gần như không gì bị rò rỉ ra ngoài, mặc dù toàn bộ nhân lực của Facebook – kể cả thực tập sinh – đều được tham gia các buổi gặp mặt.
"Việc để mọi thứ quá lộ liễu như thế này ban đầu có vẻ rất đáng lo ngại", một cựu nhân viên nói. "Nhưng việc được đối xử thoải mái như thế này có gì đó rất đặc biệt".
Và cảm giác đặc biệt đó – rằng nhân viên có thể nắm được các thông tin, cũng như được trao đổi với một Zuckerberg cởi mở - giữ cho mọi thứ luôn chỉ nằm trong khuôn khổ các buổi gặp mặt. Thường là vậy.
"Để thực hiện văn hóa mở như vậy, phải có một thỏa thuận (xung quanh việc không làm rò rỉ thông tin)", một cựu nhân viên khác giải thích.
Facebook cho các nhân viên mới qua tập huấn truyền thông và cảnh báo rằng họ có thể bị sa thải do làm rò rỉ thông tin của công ty. Zuckerberg cũng thường nhắc nhở nhân viên Facebook rằng các buổi Q&A hàng tuần có tính nội bộ.
Một nguyên nhân khác khiến việc rò rỉ thông tin không xảy ra, đó là sự hổ thẹn.
Chính sự thoải mái của Zuckerberg là một trong những lý do mà nhân viên vẫn luôn muốn nghe ngóng thông tin từ anh, và tại sao họ lại kín tiếng về những điều mà anh nói.
Chúng tôi đã nói chuyện với hơn 6 nhân viên và cựu nhân viên. Hầu hết đều nhắc tới áp lực bình đẳng (peer pressure) và xem nó như một chìa khóa để giữ bí mật.
"Mọi người sẽ rất tức giận nếu ai đó làm rò rỉ thông tin", một cựu nhân viên giải thích. "Người ta không phản bội lại gia đình của mình".
Các buổi Q&A toàn công ty không phải chỉ có ở Facebook. Chúng đã trở thành chuẩn mực chung của ngành công nghệ, một truyền thống mà khi nhắc tới người ta thường nghĩ ngay đến Google cùng những buổi gặp mặt hàng tuần mang tên TGIF. Twitter, Uber và Nextdoor cũng có những buổi gặp gỡ như vậy.
Nhưng tiếng tăm của Zuckerberg cùng sự lớn mạnh và ảnh hưởng của Facebook mới là điều khiến các buổi gặp hàng tuần trở nên khác biệt. Zuckerberg đã bắt đầu thực hiện các buổi Q&A với người dùng Facebook trên các thành phố khác nhau.
Một số người tin rằng Zuckerberg cũng học hỏi được nhiều thứ từ những sự kiện này tương tự như các nhân viên. Những cuộc gặp cho anh một cơ hội để nghe ngóng thông tin từ họ, nhưng cũng là cơ hội để anh cải thiện khả năng thuyết trình trước đám đông (Zuckerberg vốn là một người thuyết trình rất tệ khi công ty còn đang ở những ngày đầu phát triển, nhưng điều này đã được cải thiện đáng kể trong nhiều năm trở lại đây).
Tại trụ sở Faceook, Q&A thường diễn ra như thế này:
Mỗi buổi chiều thứ Sáu, 4 giờ, Zuckerberg sẽ nói khoảng 1 tiếng tại căng tin nằm trong tòa nhà mới xây của Facebook ở Menlo Park. Những nhân sự cấp cao như COO Sheryl Sandberg, giám đốc sản phẩm Chris Cox và CTO Mike Schroepfer sẽ ngồi ở hàng ghế đầu được sắp sẵn cho nhân viên phòng trường hợp Zuckerberg muốn hỏi gì đó.
Các buổi gặp mặt thường chỉ giới hạn trong các nhân viên Facebook. Tuy nhiên, một số người khác cũng đã từng xuất hiện. Thành viên hội đồng quản trị như Peter Thiel, Susan Desmond-Hellmann và Don Graham đều đã từng tham dự các buổi Q&A. Jay-Z cũng đã từng tham dự vào hè 2013, dù chẳng ai nhớ được tại sao anh ta lại ở đó. Nếu bạn làm việc tại một văn phòng ở xa, Q&A sẽ được phát trực tiếp và đăng tải lên cổng nội bộ của Facebook trong thời gian ngắn để mọi người có thể xem lúc thuận tiện.
Zuckerberg bắt đầu với màn chào hỏi trước, sau đó xem xem có nhân viên nào có kỷ niệm thời gian làm việc ở Facebook trong tuần này không (những buổi kỷ niệm này thường được gọi là "Faceversary"). Thường nếu bạn ở đó đủ lâu, bạn sẽ được lên và chia sẻ một câu chuyện yêu thích về thời gian của mình ở Facebook.
Tiếp đến, Zuckerberg sẽ chỉ ra "fix of the week," thường để ghi nhận một thành công nhỏ hoặc một sự khắc phục lỗi kỹ thuật mà người khác có thể không để ý tới. Đây là một động thái nhỏ nhằm giữ "gene hacker" cho Facebook, dù công ty đang tăng trưởng rất mạnh mẽ.
Sau đó Zuckerberg sẽ đi sâu vào các câu hỏi được nhân viên gửi tới, bắt đầu với những câu hỏi phổ biến nhất được người dùng hỏi và bỏ phiểu xuyên suốt tuần sử dụng một nhóm nội bộ của Facebook (câu hỏi không được gửi ẩn danh). Một bức hình của việc bỏ phiếu được trang Gizmodo đưa ra đầu năm có các câu hỏi trải dài từ chiến lược kinh doanh của Snapchat đến việc liệu nhân viên có nên ngăn cản chiến dịch bầu cử của ông Donald Trump hay không.
Sau khi xong, Zuckerberg sẽ lấy các câu hỏi chưa được lọc của những người ở đó trong thời gian còn lại.
Có rất nhiều chủ đề được nói đến. Zuckerberg thường sẽ không nhận xét về các đối thủ trước công chúng, nhưng ở buổi Q&A, anh ta sẽ nói một cách thẳng thắn về Twitter và Snapchat. Anh ta cũng đã nói về Elon Musk và tham vọng tên lửa của Elon nhiều lần. Zuckerberg cũng từng được hỏi về việc Kanye muốn vay anh ta 1 tỷ đô trên Twitter. "Nếu anh ta hỏi tôi trên Facebook thì có thể sẽ được đấy", một nhân viên kể lại câu đùa của Zuckerberg.
"Người ta đến làm việc ở Facebook vì họ muốn làm cho Zuckerberg."
Tuy vui vẻ là vậy, phần hỏi đáp cũng có thể diễn ra không kém phần nghiêm túc. Zuckerberg phản đối kịch liệt việc Marc Andreessen, một thành viên hội đồng quản trị, so sánh ý định đưa trang Internet.org đến Ấn Độ của công ty với chủ nghĩa thực dân. Anh cũng đưa ra một bài phát biểu về Black Lives Matter (một động thái quốc tế nhằm chống lại việc phân biệt chủng tộc đối với người da đen) sau khi một tài liệu nội bộ được đưa lên mạng.
Thường, Zuckerberg rất thoải mái. Chính sự thoải mái của Zuckerberg là một trong những lý do mà nhân viên vẫn luôn muốn nghe ngóng thông tin từ anh, và tại sao họ lại kín tiếng về những điều mà anh nói.
"Đây là một mặt của Mark Zuckerberg mà thế giới bên ngoài không được thấy", một nhân viên giải thích.
Nhưng sự ủng hộ đối với Zuckerberg có vẻ đang phải chịu rất nhiều áp lực. Kể từ sau cuộc bầu cử 2016 nhiều bất đồng đã xảy ra giữa người dùng Facebook. Đáng chú ý nhất là khi một nhóm nhỏ nhân viên lập ra một lực lượng để điều tra vai trò của Facebook trong việc truyền bá các tin tức giả trước thềm bầu cử. Động thái này cùng việc công khai chống lại Zuckerberg khiến rất nhiều cựu nhân viên được phỏng vấn bị sốc.
Dù đây là một biến cố nhỏ hay là sự trưởng thành của cả một tập thể công ty, tất cả vẫn sẽ liên quan tới Zuckerberg.
"Người ta đến làm việc ở Facebook vì họ muốn làm cho Zuckerberg", một cựu nhân viên nói.
Phương Nam
Nguồn VnReview