Bán hàng online: Kẻ chết yểu, người bội thu

Bán mình cho đối tác nước ngoài, bỗng nhiên đóng cửa hay hoạt động thua lỗ là tình trạng hoạt động của nhiều sàn thương mại điện tử năm 2016.

Triển vọng của thương mại điện tử còn rất lớn, chính vì thế, đây vẫn là kênh bán lẻ được nhiều doanh nghiệp hướng tới.

Kết cục của kẻ “đốt tiền”

Thị trường bán lẻ trực tuyến tại Việt Nam luôn được đánh giá khá hấp dẫn trong con mắt của nhiều nhà đầu tư. Theo báo cáo của Nielsen, 9/10 người tiêu dùng tại Việt Nam (91%) sở hữu điện thoại thông minh, so với 82% năm 2014, và việc lên ngôi nhanh chóng của các thiết bị kết nối (đặc biệt là điện thoại thông minh và máy tính bảng) là các yếu tố đặc biệt quan trọng góp phần chuyển dịch nhu cầu tiêu thụ hàng hóa qua mạng.

Giám đốc Bộ phận Cho thuê tại JLL Việt Nam, bà Trang Bùi, đánh giá, số lượng người sở hữu thẻ tín dụng gia tăng cũng là yếu tố làm thay đổi hành vi của người tiêu dùng, khi mà họ sẵn sàng xuống tiền mua nhiều hàng hóa hơn khi có thẻ trong tay và ít dè dặt như trước đây.

Những phân tích trên chính là mảng sáng của thị trường bán lẻ trực tuyến, nhưng đằng sau đó là một cuộc chơi không dành cho các đối thủ thiếu tiềm lực. Giám đốc một công ty bán lẻ còn ví von rằng thương mại điện tử chẳng khác gì những kẻ “đốt tiền”.

Bán hàng online: Kẻ chết yểu, người bội thu

Các sàn thương mại điện tử đua nhau mở ra, âm thầm đóng cửa.

Đầu tháng 8 này, website Lingo.vn đột nhiên ngừng hoạt động mà không hề có bất kỳ thông báo nào. Được cho là kinh doanh không hiệu quả, nhà đầu tư đã không tiếp tục rót vốn vào lingo.vn.

Từng đặt mục tiêu trở thành website thương mại điện tử số 1 Việt Nam khi được tập đoàn quốc tế Yellow Star Investment đầu tư, nhưng chỉ trong thời gian ngắn Lingo lỗ khoảng 150 tỷ đồng và lâm vào cảnh thua lỗ. Kết thúc không có hậu của Lingo cũng giống như Deca.vn, Beyeu.com, Lamdieu.com, Foreva.vn lặng lẽ biến mất khỏi thị trường.

Trong khi đó, các đối thủ khá nặng ký như Zalora hay Lazada cũng không tốt hơn. Tháng 4/2016, Rocket Internet, chủ sở hữu Zalora Việt Nam, đã bán lại sàn thương mại điện tử này cho Central Group (Thái Lan). Tương tự, Alibaba (Trung Quốc) đã chính thức làm chủ sàn thương mại điện tử Lazada tại Đông Nam Á, sau khi hoàn tất thương vụ trị giá 1 tỷ USD.

Có nhiều nguyên nhân dẫn tới các trang thương mại điện tử hoạt động không hiệu quả như kỳ vọng. Một trong những yếu tố tác động là sự bùng nổ của Facebook, bất cứ ai cũng có thể tự mở và kinh doanh trên mạng xã hội này mà không hề mất chi phí.

Facebook đang dấn thân sâu hơn vào thương mại điện tử với việc ra mắt ứng dụng cho phép người dùng trao đổi, mua bán hàng hóa với những người khác trong cộng đồng. Công ty không có kế hoạch thu phí giao dịch và đây là ưu điểm nổi trội của Facebook so với các đối thủ cạnh tranh.

Người thắng cuộc?

Trong cuộc cạnh tranh, kẻ thua cuộc rời bỏ thị trường, tất nhiên sẽ có người chiến thắng. Theo một thông báo của Thế giới di động, doanh số bán Iphone 7 trên trang trực tuyến của họ đã tăng gấp 3 lần so với trước đây. Kết quả kinh doanh 11 tháng đầu năm 2016 ghi nhận doanh thu Online đạt 2,944 tỷ đồng.

Bán hàng online: Kẻ chết yểu, người bội thu

Người mua hàng vẫn còn nhiều e ngại với loại hình bán lẻ hiện đại này.

Với việc đặt kế hoạch doanh thu năm 2017 lên tới gần 2,8 tỷ USD, Thế giới di động sẽ trở thành đối thủ cạnh tranh danh hiệu "doanh nghiệp có doanh thu lớn nhất trên thị trường chứng khoán Việt Nam".

Mảng bán lẻ trực tuyến “thập cẩm” có đại gia Adayroi của Vingroup, Sendo của FPT và Tiki. Các ông lớn này đang đua nhau mở rộng thị trường. Tháng 12/2014, Sendo tiếp nhận đầu tư chiến lược từ nhà đầu tư Nhật Bản. Hiện có khoảng 80.000 cửa hàng đang kinh doanh với hơn 3 triệu sản phẩm thuộc 14 ngành hàng khác nhau.

Tiki nhận được đầu tư "khủng" lên tới 18 triệu USD. Từ "nhà sách online", hiện tại trang TMĐT này đã phát triển với 10 nhóm mặt hàng chính với khoảng 100.000 loại mặt hàng.

Adayroi, mô hình đại siêu thị điện tử - "tất cả trong một" của Vingroup đặt mục tiêu trở thành hệ thống bán lẻ số một tại Việt Nam, tiến đến vươn ra thị trường khu vực và thế giới.

Cơ hội cho các doanh nghiệp bán lẻ trực tuyến vẫn còn khá lớn. Theo ông Trần Trọng Tuyến, CEO Công ty CP Công nghệ DKT, hiện 75% thị phần thương mại điện tử đang tập trung ở Hà Nội và TP.HCM; 61 tỉnh, thành còn lại chỉ chiếm 25%.

Trong vòng 3-5 năm tới, nếu như thị trường TMĐT tại những tỉnh, thành lân cận phát triển đạt được mức độ gần tương đương với Hà Nội và TP.HCM hiện nay thì chắc chắn, quy mô thị trường TMĐT Việt Nam có thể tăng từ 3-5 lần. Điều đó có nghĩa, doanh số từ TMĐT mang lại cho các doanh nghiệp bán lẻ có thể tăng lên khoảng 5 lần.

Đại diện Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam cho biết, từ năm 2016, TMĐT Việt Nam chuyển sang giai đoạn mới với điểm nổi trội là tốc độ phát triển nhanh và ổn định, khép lại giai đoạn 2 của quá trình phát triển TMĐT Việt Nam, kéo dài từ năm 2006-2015, còn gọi là giai đoạn phổ cập TMĐT.

Lãnh đạo Hiệp hội dự đoán, vào giai đoạn mới, khởi đầu từ năm 2016 đến năm 2020 (thậm chí có thể kéo dài đến năm 2025), TMĐT Việt Nam sẽ phát triển nhanh hơn với tốc độ phát triển thị trường khoảng trên 30%/năm.

Nam Hải
Nguồn Vietnamnet