Thị trường Đông Nam Á trước những làn sóng mới

Cuộc cạnh tranh giữa hai đối thủ truyền kiếp trên thị trường thương mại điện tử thế giới là Amazon và Alibaba lại bước vào một giai đoạn gay cấn mới, khi cả hai đều đang hướng sự chú ý về Đông Nam Á – một thị trường đầy tiềm năng.

Đây không phải là lần đầu tiên Amazon và Alibaba chạm trán nhau. Trong năm qua, Alibaba đã mở một cuộc tấn công khi thách thức Amazon ngay tại thị trường Mỹ, giống như cách Amazon đã làm đối với Alibaba tại thị trường Trung Quốc. Và sau khi tiếp tục đương đầu với nhau trên “chiến trường” Ấn Độ, cả hai đang cùng liếc nhìn về Đông Nam Á.

Tham vọng lớn nơi thị trường mới nổi

Đông Nam Á là ngôi nhà của hơn 600 triệu người tiêu dùng và dù lượng người tiêu dùng trực tuyến chỉ chiếm chưa đầy 5% số lượng giao dịch thương mại, nền kinh tế kỹ thuật số của khu vực này vẫn được dự báo sẽ tăng trưởng đáng kể vào thập niên tới. Alibaba đã có nhiều bước tiến tại đây thông qua các khoản đầu tư vào Lazada, công ty chuyển phát SingPost, công ty thanh toán Ascend Money. Trong khi đó, người khổng lồ Mỹ chưa cung cấp dịch vụ nào ở khu vực này nhưng đang có những bước chuẩn bị thông qua sự có mặt tại Singapore. Tờ TechCrunch tiết lộ rằng Amazon đang âm thầm mua các tài sản, bao gồm cả xe đông lạnh, và tuyển dụng nhân sự mới – phần việc nằm trong sáng kiến do Steven Scrive, người phụ trách khu vực Đông Nam Á của hãng, dẫn đầu. Kế hoạch lúc này của Amazon là cho ra mắt một vài dịch vụ nhất định tại Singapore trong quý đầu tiên của năm 2017, bao gồm các dịch vụ chuyển phát Prime và bán thực phẩm tươi sống Amazon Fresh.

Thị trường Đông Nam Á trước những làn sóng mới

Vào đầu năm 2016 này, Amazon đã đề nghị mua lại Redmart, một công ty khởi nghiệp (startup) chuyên về chuyển phát thực phẩm tại Singapore do đồng sáng lập viên của Facebook là Eduardo Saverin hậu thuẫn. Tuy nhiên, lời đề nghị này đã bị từ chối. Trong khi đó, giới công nghệ cũng truyền nhau thông tin Lazada, công ty thương mại trực tuyến vừa được Alibaba đầu tư 1 tỉ đô la Mỹ, cũng muốn thâu tóm Redmart.

Bên cạnh Singapore, còn có thông tin Amazon muốn mở rộng hoạt động sang Indonesia, quốc gia đông dân thứ tư trên thế giới và là nền kinh tế đông dân nhất ở Đông Nam Á. Tuy nhiên, nguồn tin của TechCrunch cho biết Amazon đang dồn toàn lực vào Singapore tại thời điểm này. Đây là điều dễ hiểu vì Singapore không chỉ là một thị trường nhỏ và dễ phục vụ hơn dưới góc độ kinh doanh mà mức chi tiêu và văn hóa tiêu dùng cũng gần gũi với những thị trường phương Tây nơi Amazon đang thống trị. Amazon vẫn cần thời gian để thích ứng với các thị trường mới nổi, vì vậy, Singapore rõ ràng là điểm xuất phát đáng tin cậy và là trung tâm của khu vực.

Khai thác tối đa thế mạnh riêng

Cùng có tham vọng bá chủ thị trường thương mại điện tử toàn cầu, nhưng hai tập đoàn này có mô hình kinh doanh lại không hề giống nhau.

Amazon, dưới sự dẫn dắt của Giám đốc điều hành (CEO) Jeff Bezos, bán hàng hóa trực tiếp cho người tiêu dùng và lưu giữ hàng hóa trên mạng lưới kho bãi của mình. Trong khi đó, Alibaba, thuộc sở hữu của tỉ phú Jack Ma, giống như một ngôi chợ điện tử. Trang bán hàng lớn nhất của công ty, Taobao, cung cấp nền tảng cho người bán và người mua trao đổi hàng hóa, tương tự như eBay ở Mỹ. Trang web này không lấy hoa hồng từ người bán nhưng nếu muốn được xếp hạng cao hơn trên trang web, người bán phải trả một khoản phí nhất định cho Taobao. Alibaba cũng sở hữu Tmall, nơi những người bán buôn trên toàn thế giới có thể giao thương, mua hàng từ các đại lý ở Trung Quốc. Alibaba cũng không sở hữu nhà kho nào vì thế việc mở rộng quy mô đơn giản hơn.

Alibaba giữ 80% doanh số bán hàng trực tuyến ở Trung Quốc còn Amazon chiếm 60% ở Mỹ. Bước tiếp theo của cả hai người khổng lồ này đều là chinh phạt thế giới.

Trong vòng vài năm trở lại đây, Amazon đã chuyển hướng sang việc mở các chợ điện tử, nơi công ty có thể kiếm tiền hoa hồng từ doanh số. Nhiều người bán có thể lưu giữ hàng hóa tại các kho của Amazon để vận chuyển nhanh chóng tới tay người tiêu dùng.

Cả hai công ty đều nắm giữ thị phần rất lớn tại quê nhà, cụ thể là Alibaba giữ 80% doanh số bán hàng trực tuyến ở Trung Quốc còn Amazon chiếm 60% ở Mỹ. Bước tiếp theo của cả hai người khổng lồ này đều là chinh phạt thế giới.

Đó là lý do vì sao hai tập đoàn này tìm cách mở rộng ra bên ngoài lãnh thổ quê nhà và thậm chí là lấn sang sân của đối thủ. Alibaba mở dịch vụ điện toán đám mây để cạnh tranh với dịch vụ tương tự của Amazon là Amazon Web Services (AWS). Còn về phần mình, Amazon tung dịch vụ vận chuyển hàng Amazon Prime kèm theo dịch vụ truyền nội dung số (streaming) trực tuyến (nhạc và video) ngay trên đất Trung Quốc. Sau đó, chiến trường được chuyển tới Ấn Độ, nơi Amazon cạnh tranh khốc liệt với hai công ty thương mại điện tử được Alibaba “chống lưng” là Paytm và Snapdeal cũng như một đối thủ nội địa quan trọng khác là Flipkart.

Đối mặt với muôn vàn khó khăn

Theo sự đánh giá của các chuyên gia kinh tế, Đông Nam Á chắc chắn sẽ không phải là một đấu trường đơn giản đối với cả Amazon lẫn Alibaba. Đây là một thị trường có nền văn hóa tiêu dùng đa dạng và manh mún với mỗi quốc gia lại có những đặc tính riêng. Điều này yêu cầu rất nhiều sự điều chỉnh từ hai người khổng lồ thương mại điện tử để phù hợp với văn hóa địa phương cũng như phải sử dụng rất nhiều chiến lược tiếp thị khác nhau. Các quy định về nhập khẩu của từng quốc gia cũng có sự khác biệt, tỷ lệ tham nhũng tại các nền kinh tế thành viên còn cao và cơ sở hạ tầng yếu kém khiến việc vận chuyển và giao hàng bị chậm và tốn kém. Việc giao hàng lại càng khó khăn hơn khi phải đi qua hàng ngàn hòn đảo như ở Indonesia và Philippines, thế nhưng đây cũng là khu vực rất đông dân.

Đối mặt với nhiều điều thách thức là vậy nhưng Giám đốc điều hành của Alibaba, Jack Ma, đã lựa chọn được một giải pháp khá tốt để bước vào Đông Nam Á: mua bán và sáp nhập (M&A). Thông qua cánh tay tài chính Ant Financial, công ty quản lý phần mềm ứng dụng ví điện tử Alipay, Alibaba đầu tư vào M-Daq của Singapore. M-Daq là công ty vừa tung một sản phẩm ngoại hối dành cho thương mại điện tử, từ đó giúp hoạt động giao dịch xuyên biên giới đỡ tốn kém hơn nhiều. Cách đây một tháng, Alibaba đầu tư tiếp vào một công ty khởi nghiệp chuyên về thanh toán của Thái Lan với tên gọi Ascend Money. Công ty này hoạt động không chỉ ở Thái Lan mà còn ở Philippines, Indonesia, Myanmar, Cambodia và Việt Nam.

Alibaba cũng thâu tóm SingPost vì một lý do hiển nhiên là công ty Singapore này giàu kinh nghiệm về vận chuyển hàng hóa xuyên châu Á. Về phương diện bán hàng, Alibaba đã âm thầm xây dựng một đế chế bằng cách mua lại số cổ phần đủ để nắm quyền điều khiển Lazada của Rocket Internet và sau đó là đồng ý với một bản thỏa thuận mua lại cửa hàng thực phẩm trực tuyến của Redmart.

Thị trường Đông Nam Á trước những làn sóng mới

Đông Nam Á chắc chắn sẽ không phải là một đấu trường đơn giản đối với cả Amazon lẫn Alibaba.

Lazada, hay còn được gọi là Amazon của Đông Nam Á, đứng đầu trong cả sáu thị trường mà hãng đang hoạt động là Indonesia, Malaysia, Philippines, Singapore, Thái Lan và Việt Nam, với trung tâm phân phối đặt tại Hồng Kông. Trong khi đó, Redmart lại rất mạnh về mảng kho vận. Nắm trong tay những công ty bản địa này, tập đoàn thương mại điện tử của Trung Quốc lại có thêm lợi thế.

Còn Amazon, với lời dự đoán sẽ khởi đầu cuộc chiến bằng Amazon Fresh, một dịch vụ cung cấp thực phẩm tiêu dùng, có vẻ như đang lựa chọn quân cờ đầu tiên là nhóm mặt hàng thực phẩm trong cuộc đấu với Alibaba.

Cả hai tập đoàn đều có một năm kinh doanh thành công. Trong quý 3-2016, doanh thu của Alibaba đạt 5,1 tỉ đô la và lợi nhuận đạt 1,1 tỉ đô la. Với doanh thu 32,7 tỉ đô la trong cùng kỳ, dường như Amazon đã bỏ xa Alibaba. Thế nhưng dù có doanh thu lớn như vậy, Amazon chỉ thu về khoản lợi nhuận thực 252 triệu đô la. Điều đó đồng nghĩa với việc sáu quý liền Amazon làm ăn không có lãi. Chấp nhận làm ăn không có lãi trong nhiều năm, Amazon đang chơi một cuộc chơi dài hạn, tập trung vào việc tăng thị phần thay vì lợi nhuận và tái đầu tư số tiền kiếm về.

Mặc dù Amazon có thể kiếm tiền từ các cửa hàng, dịch vụ Prime hay AWS, Alibaba lại có điểm mạnh là sự đa dạng, khả năng kiếm tiền từ mảng quảng cáo, tiền hoa hồng và tiền đầu tư. Điều này giúp Alibaba không gặp phải các rủi ro khi nền kinh tế bản địa bị chao đảo cũng như cung cấp cho công ty này thêm nhiều sức mạnh trong cuộc đấu ở Đông Nam Á.

Xét về tổng thể, cả hai đều sở hữu kinh nghiệm sâu sắc về thương mại điện tử và hậu cần, quy mô lớn cũng như túi tiền đầy, nên chắc chắn cuộc cạnh tranh ở Đông Nam Á sẽ tạo sự sôi động cho hoạt động giao thương trực tuyến của cả khu vực này.

Minh Anh / TechCrunh
Nguồn The Saigon Times