Thị trường M&A 2016 và xu hướng 2017: Bán lẻ, địa ốc khuynh đảo sân chơi
Thị trường mua bán – sáp nhập (M&A) năm 2016 đã qua đi với nhiều thương vụ khủng, gây bất ngờ. Bán lẻ, bất động sản tiếp tục dẫn dắt thị trường “vượt đỉnh” 5,3 tỷ USD.
Những ngày cuối năm 2016 và đầu năm 2017, thị trường M&A đang dõi theo một thương vụ bán vốn trong lĩnh vực hàng tiêu dùng. Tập đoàn sản xuất đồ uống Singapore Fraser & Neave (F&N), thuộc sở hữu của tỷ phú Thái Lan Charoen Sirivadhanabhakdi đang “khớp lệnh” mua đấu giá qua sàn 78,38 triệu cổ phần của Vinamilk. Nếu đấu giá thành công, F&N sẽ phải chi tối thiểu 11.300 tỷ đồng, tương đương hơn 500 triệu USD. Và nếu thương vụ này thành công, tỷ lệ sở hữu của F&N tại Vinamilk sẽ tăng từ 11% lên 16,4%.
Bán lẻ, hàng tiêu dùng vẫn dẫn dắt thị trường
Tỷ phú Thái Lan Charoen Sirivadhanabhakdi không phải là cái tên xa lạ. Quý III/2016, Tập đoàn TCC cũng thuộc sở hữu của nhà tỷ phú này đã hoàn tất việc mua lại toàn bộ cơ sở bán buôn của Tập đoàn Metro Cash & Cary tại Việt Nam, gồm 19 trung tâm và các bất động sản liên quan trị giá 655 triệu Euro (tương đương 848 triệu USD).
Một thương vụ đình đám nhất năm 2016 cũng đến từ Thái Lan là thương vụ Tập đoàn Central Group của gia đình ông Tos Chirathivat đã chi 1,14 tỷ USD mua lại Big C Việt Nam từ Casino Group. Với thương vụ này, toàn bộ 32 siêu thị, trung tâm thương mại tại các địa điểm “vàng” của Big C Việt Nam đã thuộc về tay Central Group.
Một thương vụ tỷ USD theo hình thức M&A đình đám khác là Singha trở thành đối tác chiến lược của Masan với giá trị 1,1 tỷ USD thông qua việc nắm giữ 25% cổ phần của Masan Consumer Holding và 33% cổ phần Masan Brewery.
Ngoài ra, Masan Nutri-Science (công ty con của Masan) cũng mua lại 24,9% của Vissan (trị giá gần 97 triệu USD) và mua thêm 30% cổ phần của Công ty cổ phần Dinh dưỡng nông nghiệp quốc tế ANCO, tăng sở hữu của công ty này từ 70% lên 100%, hoàn thành thâu tóm ANCO. Hoặc như thương vụ Vingroup mua lại hệ thống siêu thị Maximark tuy không được tiết lộ giá trị, nhưng theo giới chuyên môn, đây cũng là một thương vụ có giá trị khủng… đã cho thấy M&A trong lĩnh vực bán lẻ, hàng tiêu dùng “nở rộ” trong năm 2016.
Ông Đặng Xuân Minh, Trưởng nhóm nghiên cứu MAF nhận xét, M&A trong ngành bán lẻ và hàng tiêu dùng với mục tiêu thâm nhập và mở rộng thị trường là xu hướng nổi bật nhất trong năm 2016.
Sự gia tăng đột biến về số lượng các nhà bán lẻ nước ngoài gia nhập thị trường, các cơ sở bán lẻ của nhà đầu tư nước ngoài mới được mở, nhất là sự thâm nhập của Thái Lan thông qua các thương vụ M&A trong khoảng 3 năm gần đây và đặc biệt là các thương vụ trong năm 2016 khiến ngành bán lẻ trở thành một hiện tượng điển hình trên thị trường M&A Việt Nam.
Nguyên nhân được xác định là do tỷ lệ bán lẻ hiện đại của Việt Nam ở mức rất thấp (hiện chưa đạt 30% từ siêu thị, đại siêu thị, trung tâm mua sắm, các chuỗi cửa hàng tiện lợi…) tạo ra sự hấp dẫn cho nhà đầu tư ngoại. Bên cạnh đó, Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) với quy mô hơn 600 triệu dân, hàng rào thuế quan với nhiều mặt hàng sẽ được gỡ bỏ. Bên cạnh đó, ngành bán lẻ nội địa Thái Lan đã trưởng thành, có lợi thế hơn các nhà bán lẻ ngoại khác và đây là thời điểm thích hợp để họ mở rộng kinh doanh bán lẻ ở nước ngoài, đặc biệt là ở các nước như Việt Nam, nơi có thị trường gần 100 triệu dân.
Một yếu tố chủ quan có thể là do nền kinh tế tăng trưởng chững lại, khiến các ông chủ Thái Lan khao khát bành trướng ra nước ngoài để thông qua M&A mở rộng thị phần, bù đắp sự thiếu hụt từ thị trường nội địa.
Bất động sản làm nóng thị trường
Tuy không có thương vụ nào trị giá tỷ USD, nhưng lĩnh vực bất động sản vẫn nóng nhất của thị trường M&A, với sự tham gia mạnh mẽ của các nhà đầu tư nước ngoài đến từ Hàn Quốc, Nhật Bản và Singapore.
Đáng chú ý nhất là thương vụ Mirae Asset bắt tay với Tập đoàn AON BGN rót tổng cộng 382 triệu USD mua lại Keangnam Landmark 72; Mapletree Investments tuyên bố đã mua lại Dự án Kumho Asiana Plaza tại quận 1, TP.HCM từ liên doanh Hàn Quốc là Kumho Industrial và Asiana Airlines với giá 215 triệu USD; Tập đoàn Mitsubishi đã ký kết thành lập Liên doanh với Bitexco để phát triển Dự án phức hợp Khu đô thị The Manor Central Park của Bitexco, ước tính tổng số tiền đầu tư đầu tiên là khoảng 290 triệu USD; New Life RE mua lại Khách sạn Duxton Hotel (quận 1) từ Low Keng Huat với mức giá 49,2 triệu USD…
Còn ở trong nước, các thương vụ do khối nội thực hiện cũng sôi động không kém như: TNR Holdings mua lại Tòa tháp văn phòng TNR Tower Hà Nội từ Vingroup với mức giá 110 triệu USD; Tập đoàn Mường Thanh đã công bố chi tới 1.500 tỷ đồng để sở hữu 95% cổ phần của Công ty Cienco 5 Land, chủ đầu tư Dự án Thanh Hà Cienco 5 Land (Hà Đông); Hải Phát chi 700 tỷ đồng để mua lại 4,7 ha quỹ đất thành phẩm (tương đương khoảng 35% quỹ đất) của Dự án Phú Lương; Tập đoàn Rạng Đông thâu tóm tổ hợp nghỉ dưỡng 5 sao để làm Dự án Ocean Dunes tại Bình Thuận; Novaland chính thức nhận chuyển nhượng Dự án Khu đô thị quốc tế Đa Phước rộng hơn 180 ha, có tổng vốn đầu tư ban đầu là 250 triệu USD từ tay Deawoo…
Khối ngoại vẫn tiếp tục là những nhà mua lại đáng chú ý nhất trong năm 2016. Với nền kinh tế đang tăng trưởng ổn định, các hợp tác đa phương đang được thực hiện cùng với quy định của luật mới cho phép khối ngoại được sở hữu và đầu tư địa ốc tại Việt Nam… “làn sóng” M&A bất động sản vẫn tiếp tục được duy trì trong năm 2016 – 2017.
Ông Stephen Wyatt, Tổng giám đốc Công ty JLL Việt Nam cho biết, ngoài các nhà đầu tư đến từ Nhật Bản, thì các nhà đầu tư từ Hàn Quốc, Hồng Kông, Singapore đang tích cực tìm kiếm để sở hữu dự án bất động sản tại Việt Nam, đặc biệt trong bối cảnh Việt Nam đang được nhìn nhận là thị trường hấp dẫn nhất khu vực. Thông qua JLL, nhiều quỹ đầu tư nước ngoài đã “đánh tiếng” muốn gia tăng sự hiện diện của họ tại Việt Nam dưới hình thức hợp tác đầu tư hay mua lại các dự án sẵn có, đặc biệt là các dự án đã sinh lời.
Hứa hẹn năm 2017 “cất cánh”
Với hàng loạt thương vụ M&A khủng trong quý I và II/2016, có giá trị vượt mức 3 tỷ USD, GS-TS Christopher Kummer, Chủ tịch Viện Sáp nhập, Mua lại và Liên kết Thụy Sỹ (IMAA) đưa ra dự báo rất lạc quan rằng “số lượng giao dịch có thể phá vỡ kỷ lục mới trong năm nay, đạt mức 600 giao dịch với tổng giá trị 6 tỷ USD” tại Diễn đàn M&A 2016, hồi tháng 8/2016.
Đến nay, dù chưa có tổng kết chi tiết các số liệu về quy mô, số thương vụ, nhưng Nhóm nghiên cứu MAF (M&A Forum) thuộc Diễn đàn thường niên M&A Việt Nam cho biết, giá trị thương vụ năm 2016 sẽ “vượt mốc kỷ lục” năm 2015, nghĩa là sẽ vượt mốc 5,2 tỷ USD của năm 2015.
Đánh giá về xu hướng, tiềm năng thị trường M&A năm 2017, ông Chris Freund, Tổng giám đốc Công ty Tư vấn quản lý Quỹ Mekong Capital cho rằng: “Dựa vào các cuộc họp với các nhà đầu tư chiến lược nước ngoài, tôi nhận thấy, xu hướng M&A sẽ tiếp tục sôi động”. Theo đó, sự sôi động đang trải đều ở tất cả các lĩnh vực, trước hết là bất động sản, rồi đến nông nghiệp, sản phẩm tiêu dùng, bán lẻ, dược phẩm… Tất cả khách hàng nước ngoài mà Mekong Capital gặp gỡ đều quan tâm đến những lĩnh vực này”.
Còn ông Alex Crane, Tổng giám đốc Cushman & Wakefield Việt Nam dự đoán, năm 2017, xu hướng M&A để thúc đẩy thị trường bán lẻ vẫn sẽ tiếp tục bùng nổ.
“Hiện nay, khá nhiều doanh nghiệp nước ngoài chưa tham gia thị trường bán lẻ tại Việt Nam, mà nguyên nhân chính là do giá thuê mặt bằng cao. Vì thế, phương án tốt nhất để thâm nhập thị trường là thông qua M&A, thông thường là qua việc liên doanh với một doanh nghiệp Việt Nam. Tôi hy vọng rằng, trong năm 2017 sẽ xuất hiện các thương vụ lớn”, ông Alex Crane nói.
Tuy nhiên, theo nhận định của ông Đặng Xuân Minh, năm 2017, thị trường M&A đang đối diện với nhiều thách thức. Đó là sự thay đổi trong chính sách của Mỹ và sự chờ đợi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP); những trở ngại từ cổ phần hóa tại Việt Nam; chất lượng doanh nghiêp và quy mô nền kinh tế…
“Để giá trị M&A đạt được ít nhất bằng năm 2016, đòi hỏi sự mạnh mẽ của Nhà nước trong việc thoái vốn các tập đoàn, tổng công ty lớn”, ông Minh nhận xét.
Hữu Tuấn
Nguồn Báo Đầu Tư