Hàng không giá rẻ: Sẽ còn rẻ hơn?
Vietjet Air không còn một mình trong cuộc chiến giá rẻ ở những đường bay nội địa khi Jetstar bắt đầu cất cánh sau thời gian chạy đà.
Câu chuyện hy hữu hàng không “cướp khách” của tàu hỏa đang nổi lên trong thời gian gần đây, khi các hãng hàng không được cấp phép bay nhiều hơn trong dịp Tết Nguyên Đán. Liệu ai sẽ còn đi tàu hỏa ở những chặng đường xa? Câu hỏi này dễ trả lời nếu nhìn vào giá vé. Ví dụ, tuyến TP.HCM - Đà Nẵng có giá vé giường nằm cao nhất 1 triệu đồng, trong khi mức vé thấp nhất của Vietjet Air là 299.000 đồng, Jetstar Pacific 280.000 đồng chưa tính phụ phí.
Rõ ràng, các hãng tàu, xe vận chuyển hành khách có lý do để lo ngại những “đối thủ trên trời”. Trong cuộc đua này không chỉ có Vietjet Air vốn nổi tiếng giá rẻ, mà còn động lực quan trọng từ Jetstar Pacific. Tham gia thị trường từ năm 2011, Vietjet Air tạo sóng trên thị trường hàng không với mô hình giá rẻ độc nhất ở các chuyến bay nội địa. Vietnam Airlines mua lại cổ phần của Jetstar Pacific từ năm 2012 (chiếm 70%, còn lại là Qantas), nhưng phải 2 năm sau đó, mới có một chiến lược hoàn chỉnh cho Jetstar Pacific. Vietjet Air vì thế có thời gian để độc chiếm thị phần giá rẻ này trong nhiều năm qua.
Đến năm 2014, khi Vietjet Air đã chiếm được nửa thị trường, Vietnam Airlines mới quyết định đẩy mạnh mở rộng Jetstar Pacific nhằm đối phó với sự bành trướng nhanh chóng của Vietjet Air. Theo đại diện Vietnam Airlines, thế mạnh của cặp đôi Vietnam Airlines - Jetstar Pacific là “thương hiệu kép”, một xu hướng được nhiều hãng hàng không trên thế giới áp dụng, đặc biệt là trong khu vực Đông Nam Á. Chiến lược này là sự phân bổ nguồn lực cho nhau, phối hợp toàn diện trên nhiều lĩnh vực như hợp tác liên danh (codeshare), bán, tiếp thị, chương trình khách hàng thường xuyên và quảng cáo truyền thông. Năm 2015, Vietnam Airlines đã chuyển giao cho Jetstar Pacific khai thác 3 đường bay Hà Nội/TP.HCM - Tuy Hòa và TP.HCM - Chu Lai.
Hiện nay, xét ở nhiều đường bay nội địa, giá vé Jetstar Pacific rẻ hơn Vietjet Air, dù đôi khi chỉ nhỉnh hơn một chút. Nếu Vietjet Air thành công với chiến lược “giá rẻ 12h hằng ngày”, thì Jetstar tung ra chương trình “Giá vé rẻ mỗi ngày” lúc 11h. Trước đây, Vietjet Air khuấy động thị trường với giá vé 9.000 đồng, Jetstar nay đưa ra giá vé 11.000 đồng.
Đây không phải là lần đầu tiên Jetstar Pacific kích hoạt chiến lược giá rẻ. Khi ngày đầu mới chập chững về với Vietnam Airlines, hãng này nhận lại đường bay của hãng hàng không Air Mekong (đã phá sản) từ TP.HCM, Vinh đi Buôn Ma Thuột. Sau đó, Jetstar Pacific liền tung ra chương trình vé rẻ 199.000 đồng. Tuy nhiên, chiến dịch này không tạo được hiệu ứng lớn.
Chương trình hiện nay của Jetstar Pacific được thực hiện bài bản hơn. Bên cạnh việc thiết lập mức vé giá rẻ, Jetstar Pacific đồng thời nhanh chóng mở rộng số tàu bay và đường bay. Hiện nay, Jetstar Pacific có danh mục 16 sân bay nội địa, còn Vietjet Air có 18. Điều này đồng nghĩa đường bay Vietjet Air cho đến thời điểm hiện tại vẫn đa dạng hơn, ví dụ Jetstar chưa có đường bay đến Cần Thơ. Tuy nhiên, Jetstar cũng sở hữu đường bay mà Vietjet Air chưa có, như đường bay Nha Trang - Vinh. Sở dĩ như vậy vì Jetstar Pacific được sự hỗ trợ chuyển giao đường bay từ phía Vietnam Airlines. Năm 2015, Jetstar Pacific mở thêm 13 đường bay nội địa mới trên tổng số 24, trong số này một vài đường bay nhỏ được Vietnam Airlines chuyển giao.
Nhờ những nỗ lực mở rộng, năm 2015 ghi nhận tốc độ tăng trưởng cao nhất của Jetstar Pacific sau khi hãng này đi theo chiến lược giá rẻ hoàn toàn. Thống kê của Trung tâm Hàng không châu Á - Thái Bình Dương (CAPA) cho thấy lưu lượng hành khách của Jetstar Pacific đã tăng 38% trong năm 2015, đạt 3,6 triệu lượt. Dù vậy, với thị phần hiện nay khoảng 15%, Jetstar Pacific vẫn cần phải tiếp tục bổ sung năng lực.
Jetstar Pacific và Vietjet Air nằm trong số các hãng hàng không Đông Nam Á phát triển nhanh nhất năm 2015.
Theo báo cáo về tiềm năng của mô hình hàng không giá thấp (LCC) của World Bank, để có giá thấp, LCC cung cấp dịch vụ hữu hạn (trả thêm để dùng), cấu trúc lại mạng lưới đường bay hiệu quả dựa trên tần suất sử dụng máy bay, số lượng chuyến bay mỗi ngày, cấu hình đội bay (phù hợp với độ dài đường bay), marketing (giá cả), kênh phân phối vé và người lao động. Mô hình hàng không giá rẻ dường như khá hữu dụng ở Việt Nam, nơi phần lớn người dân không có đủ thu nhập để tiếp cận hình thức di chuyển hiện đại.
Theo đánh giá của CAPA, Jetstar Pacific và Vietjet Air nằm trong số các hãng hàng không Đông Nam Á phát triển nhanh nhất trong năm 2015. Theo đó, công suất ghế của Vietjet Air tăng 74% trong khi Jetstar tăng 52% so với năm ngoái.
Từ năm 2015 cho đến nay, Jetstar và Vietjet Air cũng phát triển các đường bay quốc tế. Bởi vì triển vọng lợi nhuận từ thị trường quốc tế có vẻ hứa hẹn với các hãng hàng không. “Hãng đang triển khai phương án hợp tác liên danh trên đường bay quốc tế cho Jetstar Pacific khai thác, dự kiến đưa vào áp dụng trong những tháng đầu năm 2017”, đại diện Vietnam Airlines cho biết. Tuy nhiên, với thị trường nội địa, các hãng hàng không cần phải có chỗ đứng vững chắc. Lợi thế giá rẻ giúp các hãng lấp đầy người trên các chuyến bay, vừa để tiết kiệm chi phí, vừa để làm thương hiệu. Tuy nhiên, mô hình giá rẻ có nhiều rủi ro kinh doanh khác, chẳng hạn chi phí nguyên liệu thường chiếm 30% đến 60% tổng chi phí hoạt động.
Theo báo cáo của CAPA, thị trường trong nước khó có thể mang lại lợi nhuận cho Jetstar Pacific trong ngắn hạn và trung hạn. Với thị phần vững chắc, trong vòng 1 năm trở lại đây, Vietjet Air bận rộn với kế hoạch phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) và kế hoạch xây dựng thương hiệu hơn là việc quảng bá cho chiến lược giá rẻ. Nhưng khi Vietjet Air cảm nhận được nguy cơ mất thị phần, cuộc cạnh tranh vé giá rẻ sẽ nhanh chóng được đẩy lên cấp độ cao hơn và như thế, giá vé có thể sẽ còn rẻ hơn.
Việt Dũng
Nguồn Nhịp cầu Đầu tư