Hiệu ứng IKEA: Cho người khác thấy bạn nỗ lực thế nào, họ sẽ không bao giờ phụ lòng bạn
Trong rất nhiều lý do khác nhau đằng sau sự thành công toàn cầu của IKEA, hiệu ứng IKEA chắc chắn là một trong số đó.
Mặc dù ở Việt Nam chưa có cửa hàng IKEA nhưng sự phổ biến của IKEA là không thể phủ nhận. Năm 2015, có hơn 545 triệu người ghé thăm cửa hàng IKEA và 217 triệu bản catalog được phân phối trên toàn thế giới. IKEA đã trở thành nhà bán lẻ đồ nội thất lớn nhất bằng cách dạy cho thế giới cách tự lắp ráp nội thất thay vì mua sẵn.
Trong rất nhiều lý do khác nhau đằng sau sự thành công toàn cầu của IKEA, hiệu ứng IKEA chắc chắn là một trong số đó. Năm 2012 bài viết về Tâm lý người tiêu dùng, các nhà nghiên cứu Michael Norton, Daniel Mochon và Dan Ariely đã cho thấy rằng mọi người sẵn sàng trả nhiều hơn 63% cho đồ nội thất mà họ tự lắp ráp so với đồ được lắp sẵn. Hiệu ứng IKEA mô tả sự thiên vị về nhận thức của một người đánh giá cao điều mà người đó bỏ nhiều nỗ lực và cố gắng vào đó. Đó là một mô hình kinh doanh thiên tài cho IKEA: khách hàng tự hoàn thành công việc cho họ và nhận giá trị lớn hơn chỉ bằng điều đó.
Theo đuổi hiệu ứng IKEA trong doanh nghiệp hàm ý rằng nhân viên nhận được nhiều giá trị hơn từ những gì họ tạo ra tại nơi làm việc từ đó dẫn đến hạnh phúc và gắn kết với công ty. Học hỏi những kinh nghiệm IKEA xây dựng hơn 30 năm qua sẽ mang lại lợi ích tối đa trong doanh nghiệp.
1. Nhu cầu thực sự
Khách hàng tự lắp ráp đồ đạc không chỉ vì muốn trải nghiệm hiệu ứng IKEA. Họ làm vậy vì họ muốn một cái bàn ăn, một cái giường để ngủ hay một cái bàn để làm việc. Tương tự như vậy, các doanh nghiệp cần bắt đầu từ việc đặt ra nhu cầu rõ ràng của công ty từ việc gắn kết nhân viên và đánh giá cao những đóng góp của họ trong công việc. Cũng giống như việc các tổ chức phụ thuộc vào việc giải quyết vấn đề nhóm, nhu cầu cá nhân và nhu cầu doanh nghiệp cần được tích hợp một cách sáng tạo, cùng với văn hoá doanh nghiệp là hệ thống tổ chức vô hình dưới cơ sở của mục tiêu thích hợp.
2. Cho tất cả mọi người
Triết lý của IKEA là “Hãy làm cuộc sống tốt đẹp hơn từng ngày cho tất cả mọi người”. Cũng tương tự như vậy, việc hoà nhập và khai thác tốt trí tuệ của bất kỳ ai không phân biệt chức năng hay cấp bậc là một điều rất quan trọng trong mỗi công ty. Tập đoàn Dorel Juvenile, ông lớn trong ngành sản xuất các sản phẩm chất lượng cao, an toàn và thời trang dành cho trẻ em, gần đây đã áp dụng nguyên tắc “cho tất cả mọi người” vào công ty.
Với những thay đổi quan trọng trên thị trường, nhiệm vụ của Dorel Juvenile là chuyển hướng từ một công ty định hướng sản phẩm sang một công ty định hướng dịch vụ nhiều hơn. Thay vì chỉ hỏi ý kiến từ đội ngũ sáng tạo về giải pháp trong tương lai, tập đoàn này cho ra mắt Dorel Insight Activation Studio kết nối tất cả nhân viên trên tất cả 13 văn phòng để hiểu hơn về nhu cầu khách hàng và chia sẻ những ý tưởng thú vị và suy nghĩ trong tương lai.
3. Chỉ dẫn rõ ràng
Nội thất IKEA luôn đi kèm với một cuốn chỉ dẫn. Việc hướng dẫn rõ ràng rất quan trọng trong việc ngăn chặn những sự thất vọng, và khiến công việc được hoàn thành nhanh chóng mà không mắc lỗi.
Adobe hiểu rất rõ tầm quan trọng của chỉ dẫn rõ ràng. Trong một nỗ lực đổi mới theo hướng dân chủ hoá, bất cứ nhân viên nào cũng có thể nhận được Kickbox tại bàn tiếp tân. Đây là một chương trình khuyến khích sự sáng tạo. Mỗi chiếc hộp đỏ này chứa một thẻ tín dụng trả trước 1000 USD, một thẻ tham khảo nhanh chứa một danh sách hành động mà người sáng tạo phải hoàn thành để đạt đến cấp tiếp theo trong tất cả 6 cấp, tài liệu như bảng điểm, khung việc làm, các bài tập để phát triển ý tưởng, thẻ quà tặng Starbucks và một thanh kẹo để khuyến khích những ý tưởng đột phá.
4. Dấu ấn cá nhân
Nếu có một điều mọi người không thích về IKEA thì đó là tất cả mọi thứ đều được chuẩn hoá quá mức. Điều đó đã khiến IKEA đưa ra Mykea và nó đang được yêu chuộng. Với khẩu hiệu “nói không với nội thất đơn thuần”, Mykea khuyến khích mọi người tạo dấu ấn cá nhân và sáng tạo cho sản phẩm IKEA yêu thích của họ.
Áp dụng hiệu ứng IKEA vào doanh nghiệp: Trong khi các công cụ cung cấp cho nhân viên để chia sẻ ý tưởng và cùng sáng tạo thường chuẩn hoá và có khả năng mở rộng, hãy đảm bảo nhân viên có quyền tự do cần thiết để phát triển sản phẩm cuối cùng được cá nhân hoá và thực sự độc đáo.
5. Sẵn sàng cho người khác thấy
Đồ nội thất được sản xuất ra là để được chú ý. Nó có vai trò của riêng nó trong cuộc sống hàng ngày của mỗi người, để được nhìn thấy, chạm vào và sử dụng bởi các thành viên và khách. Hãy đảm bảo rằng những đóng góp của nhân viên được chia sẻ, chú ý và công nhận để đạt được ích lợi tốt nhất từ hiệu ứng IKEA. Sau cùng thì chúng ta là những con người của xã hội luôn muốn mọi người xung quanh tôn trọng và công nhận.
Diệu Bảo
Nguồn Trí thức trẻ