Nhanh thắng chậm
Chỉ mất bảy năm, chưa bằng số lẻ 113 năm của Ford, Công ty Uber đã đạt mốc 62,5 tỉ đô la Mỹ, vượt qua cả Ford lẫn GM về giá trị công ty (lần lượt là 55,48 tỉ và 55,15 tỉ - theo Statista).
Đều với mục đích phục vụ nhu cầu đi lại của con người nhưng cách tiếp cận của Uber và Ford hoàn toàn trái ngược nhau. Ford với bề dày hơn trăm năm lịch sử thực hiện sứ mệnh đặt cả nước Mỹ trên một chiếc xe bốn bánh, hay nói cách khác làm thế nào để mỗi người dân Mỹ đều có thể sở hữu một chiếc xe hơi. Đây là tầm nhìn không chỉ của Ford mà còn chung cho hầu hết các hãng xe hơi trên hành tinh này cho đến khi Uber xuất hiện. Uber tự đặt cho mình và mọi người một câu hỏi: Tại sao mỗi người phải sử dụng một chiếc xe riêng trong khi thực tế thống kê cho thấy thời gian sử dụng của một chiếc xe chưa đến 20%, 80% còn lại là đứng yên trong garage hay bãi đỗ xe? Liệu có thể chia sẻ cùng sử dụng tài nguyên chung là chiếc xe được không?
Xuất phát từ câu hỏi này, Uber - một công ty cũng có xuất xứ từ Mỹ đã tiến hành một cuộc cách mạng trong ngành công nghiệp vận tải. Điều đặc biệt, Uber không sở hữu một chiếc xe nào, họ cũng không có một đội ngũ lái xe nhưng họ đang phục vụ việc đi lại tại 66 quốc gia và vùng lãnh thổ, ở 545 thành phố trên thế giới (số liệu này tính đến tháng 8-2016). Điều kỳ diệu gì khiến Uber làm được điều này? Đó chính là sự kết hợp của việc vận dụng nền kinh tế chia sẻ (sharing economy), công nghệ Internet và điện thoại thông minh. Chỉ cần một ứng dụng miễn phí cài đặt trên điện thoại di động với kết nối Internet, người cần di chuyển dễ dàng kết nối với các lái xe cộng tác với Uber và việc thỏa thuận vận chuyển được kết nối nhanh chóng với cách tính cước công khai, phương pháp thanh toán thuận tiện cho cả khách đi lẫn người lái...
Không phủ nhận, ý tưởng sử dụng nguồn lực chung trong nền kinh tế chia sẻ của Uber là tuyệt vời, nhưng nếu không có công nghệ điện thoại thông minh, không có các ứng dụng tiện lợi bao gồm bản đồ, định vị toàn cầu và không có khả năng kết nối Internet tốc độ cao dễ dàng mọi lúc mọi nơi như ngày hôm nay có lẽ Uber đã không thể phát triển thần kỳ đến như vậy. Chính khả năng phát triển và ứng dụng công nghệ là con át chủ bài biến một công ty khởi nghiệp mới bảy năm dù đang trong tình trạng lỗ vẫn được các nhà đầu tư đánh giá cao hơn nhiều đế chế doanh nghiệp có lịch sử hàng trăm năm tuổi.
Chúng ta đang sống trong giai đoạn lịch sử của nhân loại, thời điểm của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư với mối liên kết giữa thực tế thật và thực tế ảo với trí tuệ nhân tạo AI (artificial intelligence). 2016 là năm đánh dấu nhiều điểm mốc mà máy móc đã làm được những việc mà trước đây chỉ thấy trong các phim khoa học viễn tưởng của Hollywood. Chương trình AlphaGo của DeepMind - một công ty con của Google đã đánh thắng kiện tướng cờ vây thế giới Lee Sedol hồi đầu năm 2016. Hay chiếc xe điện Tesla đã bật chế độ tự lái đưa một người bị cơn đau tim đột ngột tới bệnh viện an toàn mà theo lời kể của nạn nhân - anh Joshua Neally, nếu không có hệ thống lái tự động này, chắc anh khó qua nổi cơn hiểm nguy.
Chúng ta đều biết tham vọng sản xuất xe điện tự lái Tesla của tỉ phú Elon Musk. Thử tưởng tượng điều gì sẽ xảy ra với nhân loại nếu như xe điện tự lái Tesla kết hợp với hệ thống Uber. Hai tài xế có thể không hiểu được tư duy và ý định của nhau, nhưng hai cỗ máy chung một hệ điều hành chắc chắn sẽ hiểu nhau và biết được ý định của nhau. Đương nhiên mức độ an toàn sẽ tăng lên rõ rệt, nạn kẹt xe cũng được cải thiện đáng kể, khi các xe có thể thông báo cho nhau lưu lượng trên các tuyến đường, ý định đi và từ đó máy tính giúp cho mỗi chiếc xe chọn cho mình những lộ trình, tốc độ, giờ khởi hành phù hợp tối ưu nhất...
Trí tuệ nhân tạo và thực tế ảo ngày càng đạt được những bước tiến mạnh mẽ trong thời gian qua. Các chuyên gia dự báo, có thể sắp tới đây không những các tài xế truyền thống sẽ thất nghiệp mà kể cả những nghề như kế toán, nhân viên ngân hàng, tính lương, tính bảo hiểm... cũng sẽ có nguy cơ bị máy móc cạnh tranh. Trò chơi kết hợp thực tế thật và ảo Pokemon đã mở ra rất nhiều ý tưởng phát triển cho công nghệ này. Bạn thử tưởng tượng đang ngồi chơi cờ hay uống trà, uống bia trò chuyện với bất kỳ người nào mình yêu thích chỉ với một cái kính 3D trong một quán cà phê hay quán bar. Còn nếu bạn để trí tưởng tượng mình bay xa nữa, có lẽ không biết rồi mai đây có còn cái gì là độc quyền của con người nữa hay không...
Trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư này, có lẽ sẽ không còn là “cá lớn nuốt cá bé” mà là “cá nhanh thắng cá chậm”...
Có lẽ điểm khác biệt và độc quyền của con người chính là cảm xúc và tư duy tưởng tượng. Máy móc chắc còn lâu mới đạt được khả năng cảm xúc và tư duy tưởng tượng như con người. Đặc điểm của máy móc với trí tuệ nhân tạo là tổng hợp những gì của quá khứ để đưa ra đề xuất cho tương lai. Con người với cảm xúc có lẽ sẽ tạo ra những sự đột phá trong suy nghĩ, trong hành động mà máy móc chưa theo kịp. Nhưng nếu chúng ta nhìn lại quãng đường phát triển của máy móc và trí tuệ nhân tạo, quả thực đã có một bước tiến rất lớn mà cách đây chừng 10, 20 năm chúng ta không thể hình dung ra. Và thực sự cũng không chắc chắn những gì chúng ta suy đoán sẽ đúng, rằng máy móc không thắng được con người về cảm xúc và trí tưởng tượng...
Hãy nuôi dưỡng cảm xúc và để cho tư duy tưởng tượng của bạn dẫn dắt, nhưng dù thế nào đi nữa chúng ta cũng cần làm tất cả mọi việc một cách rất rất nhanh. Trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư này, có lẽ sẽ không còn là “cá lớn nuốt cá bé” mà là “cá nhanh thắng cá chậm”...
Để kết thúc, xin mượn một ý của Thomas Friedman, tác giả cuốn Thế giới phẳng dựa theo tục ngữ châu Phi từng viết:
“Mỗi sáng ở châu Phi, một con linh dương thức dậy.
Nó biết rằng nó phải chạy nhanh hơn cả con sư tử nhanh nhất nếu không nó sẽ bị giết.
Mỗi sáng một con sư tử thức dậy.
Nó biết rằng nó phải chạy nhanh hơn con linh dương chậm nhất hoặc nó sẽ bị chết đói.
Điều quan trọng không phải việc bạn là sư tử hay linh dương.
Khi mặt trời mọc, bạn nên bắt đầu chạy”.
Nguyễn Tân Kỷ
Nguồn The Saigon Times