Các đại gia công nghệ Trung Quốc tiến vào Đông Nam Á

Với tổng cộng 620 triệu dân cư, đông gần bằng gấp đôi nước Mỹ, khu vực Đông Nam Á là một thị trường quá hấp dẫn với bất kỳ một doanh nghiệp nào.

Trong bối cảnh Trung Quốc đang sa sút tăng trưởng, ngày càng thêm nhiều ông lớn công nghệ của nước này chuyển hướng sang các quốc gia láng giềng phía Nam.

Trong thời gian qua, Alibaba và Tencent đã thực hiện hàng loạt thương vụ ở Đông Nam Á với tổng trị giá hơn 1 tỷ USD để phát triển các hoạt động thương mại điện tử và mạng xã hội. Tính cả 2016, giá trị những thương vụ M&A tại Đông Nam Á của các doanh nghiệp công nghệ Trung Quốc đã tăng 10 lần so với 2015, từ 193 triệu USD lên 1,9 tỷ USD (theo số liệu từ Dealogic).

Michael Yeo, chuyên gia nghiên cứu tại IDC Financial Insights, nhận định: “Đông Nam Á là một trong những nơi vừa có giá M&A thấp, lại vừa có tiềm năng tăng trưởng cao”, và cho biết thêm rằng chi phí M&A tại Trung Quốc đang lên cao do gia tăng cạnh tranh.

Trong năm 2016, giá trị những thương vụ M&A tại Đông Nam Á của các doanh nghiệp công nghệ Trung Quốc đã tăng 10 lần so với 2015.

Với tổng GDP 2.500 tỷ USD, các nền kinh tế Đông Nam Á đang ngày càng trở nên hấp dẫn nhờ thu nhập người dân tiếp tục tăng cao và tỷ lệ sở hữu smartphone gia tăng mạnh. Theo dự báo của eMarketer, tổng số người dùng smartphone tại 6 nền kinh tế lớn nhất khối ASEAN sẽ vượt ngưỡng 257 triệu trước năm 2020, cao hơn đáng kể so với mức 241,5 triệu tại Mỹ trong cùng kỳ.

Hồi tháng 4 vừa qua, Alibaba đã thâu tóm trang thương mại điện tử Lazada (Singapore) với giá 1 tỷ USD, từ đó tiếp cận ngay 6 thị trường chủ chốt tại Đông Nam Á: Indonesia, Thái Lan, Singapore, Malaysia, Philippines và Vietnam. Vụ thâu tóm này cũng cho phép Alibaba phát triển một mạng lưới logistics để bán hàng trực tiếp cho các cư dân Đông Nam Á từ các trang thương mại điện tử tại Trung Quốc của hãng.

Theo thông tin từ CEO của Lazada là Maximilian Bittner, hãng này đã gửi hơn 100 nhân viên tới trụ sở của Alibaba để được chia sẻ kiến thức về công nghệ và logistics. Nhờ có lời giới thiệu từ Alibaba, các thương hiệu lớn như Unilever và Mattel cũng đã đồng ý mở cửa hàng trực tuyến trên Lazada.

Trong khi đó, một đối thủ kỳ cựu của Alibaba là Tencent lại chọn hướng tiếp cận là đầu tư vào tập đoàn công nghệ Garena của Singapore, vừa được định giá 3,75 tỷ USD trong năm nay. Garena đang phát triển thương mại điện tử thông qua ứng dụng mua bán trên di động mang tên Shopee, và ứng dụng này đang cạnh tranh quyết liệt với Lazada trên cùng 6 thị trường chủ chốt của Đông Nam Á. Theo chủ tịch của Garena là Nick Nash cho biết, Shopee đang trên đà vượt ngưỡng 2 tỷ USD GMV (gross merchandise value – tổng giá trị hàng hóa được giao dịch) trong năm nay.

Poshu Yeung, Phó Chủ tịch mảng kinh doanh quốc tế của Tencent, cho biết: “Những gì mà chúng tôi đã học được ở Trung Quốc có thể được áp dụng lại nhanh nhất tại Đông Nam Á. Bạn có thể đạt tăng trưởng rất tốt tại Đông Nam Á, đặc biệt là ở Indonesia”.

Các đại gia công nghệ Trung Quốc tiến vào Đông Nam Á

Chính phủ Indonesia đã mời CEO Jack Ma của Alibaba (thứ 2 từ trái sang) làm cố vấn phát triển ngành thương mại điện tử. Ảnh: twitter.com.

Tập đoàn thương mại điện tử lớn thứ nhì Trung Quốc (đứng sau Alibaba) là JD.com cũng đã tiến vào Indonesia hồi năm ngoái, và dự định dùng nơi đây làm bàn đạp để tiến sang các nước Đông Nam Á còn lại, theo CEO Richard Liu cho biết. Ông Liu nói: “Indonesia giống như Trung Quốc 5 năm trước đây: dân số đông, số người dùng internet tăng trưởng rất nhanh và ngành thương mại điện tử vẫn chưa trưởng thành”.

Dù vậy, vẫn phải nhớ rằng có rất nhiều thách thức cho việc mở rộng hoạt động tại Đông Nam Á. Đây là một thị trường mang tính phân mảnh cao, và mỗi nước lại có các quy định và thói quen tiêu dùng khác nhau. Trong năm nay, gã khổng lồ thương mại điện tử Rakuten của Nhật cũng đã buộc phải rút lui khỏi Đông Nam Á. Với các công ty Trung Quốc, họ còn phải tính đến vấn đề hình ảnh: các sản phẩm Trung Quốc vẫn bị xem là có chất lượng và mẫu mã kém.

Tại Indonesia, mức độ cạnh tranh là khá cao, và đã xuất hiện những công ty nội địa khá mạnh như Tokopedia. Để cạnh tranh tại thị trường này, JD.com, Lazada và Shopee đã phải chịu hy sinh lợi nhuận để chạy khuyến mãi liên tục.

Bên cạnh việc phát triển các sàn thương mại điện tử, Alibaba và Tencent còn đang tìm cách đưa các dịch vụ thanh toán Alipay và WeChat Pay vào Đông Nam Á. Alibaba đã đầu tư vào công ty Ascend Money của Thái Lan, vốn đã phát triển một ứng dụng cho phép các du khách Trung Quốc có thể dùng Alipay để thanh toán cho 20.000 cửa hàng tại Thái Lan. Tencent cũng đang tìm cách phát triển mạng lưới thanh toán tại Malaysia và Indonesia, theo thông tin từ ông Yeung.

Dịch vụ gọi xe Didi Chuxing cũng đang gián tiếp tham gia vào thị trường dịch vụ thanh toán ở Đông Nam Á, thông qua khoản đầu tư vào dịch vụ gọi xe Grab (Singapore). Từ tháng 6 năm nay, Grab đã có dịch vụ thanh toán GrabPay, và mới đây lại có thêm GrabPay Credits với tính năng như một ví điện tử.

Tuấn Minh - Công Sang
Nguồn Nhịp cầu Đầu tư