Cả thế giới mua sắm nằm trong chiếc điện thoại
Trong dịp Black Friday diễn ra hôm 25-11 vừa qua, người tiêu dùng Mỹ đã bỏ ra tới 1,2 tỉ đô la để mua sắm hàng hóa thông qua điện thoại thông minh và máy tính bảng. Cùng với sự phát triển mạnh mẽ của thương mại điện tử, thế giới mua sắm dường như đã được thu vào trong một chiếc điện thoại nhỏ gọn.
Theo dữ liệu của hãng nghiên cứu thị trường Adobe, vào ngày Black Friday năm nay, lần đầu tiên trong lịch sử ngành bán lẻ của Mỹ, doanh số mua sắm qua thiết bị di động vượt mức 1 tỉ đô la trong một ngày. Ngày này còn chứng kiến một mốc quan trọng nữa, đó là tổng doanh số bán hàng đã tăng 21%, đạt 3,34 tỉ đô la. Trong cả hai dịp mua sắm vào ngày lễ Tạ ơn (Thanksgiving Day) và Black Friday, người mua sắm trực tuyến tại Mỹ đã chi tới 5,27 tỉ đô la. Nhà bán lẻ trực tuyến khổng lồ Amazon cho biết họ đã chứng kiến sự tăng trưởng tương tự trong doanh số bán hàng qua điện thoại di động. Ngày Lễ Tạ ơn đã nhanh chóng trở thành một trong những ngày mua sắm qua thiết bị di động nhộn nhịp nhất trên Amazon ở Mỹ, và theo Amazon, các đơn đặt hàng qua điện thoại di động từ khách hàng của họ trong năm nay đã vượt cả dịp Lễ Tạ ơn và Cyber Monday của năm 2015.
Trên thực tế, mặc dù Mỹ được xem là quốc gia có nền thương mại điện tử phát triển nhất thế giới, thế nhưng được mệnh danh là cường quốc về doanh số mua bán trực tuyến thông qua thiết bị di động lại là Trung Quốc – quốc gia đông dân nhất thế giới. Trong ngày Lễ Độc thân (Singles Day) ở quốc gia này diễn ra hôm 11-11 vừa qua, đối thủ kỳ cựu của Amazon là Alibaba đã công bố doanh thu với con số gây kinh ngạc: 17,7 tỉ đô la, trong đó 80% đến từ các đơn đặt hàng thông qua thiết bị di động.
Việt Nam nhộn nhịp theo thế giới
Theo kết quả cuộc nghiên cứu của hãng công nghệ tiếp thị Criteo, ở Việt Nam tính đến tháng 10 vừa qua, cứ 10 người thì có 7 người mua hàng trực tuyến thông qua các thiết bị di động. Criteo cho biết, trong giai đoạn 2011-2015, số máy tính bảng và điện thoại di động được sử dụng trong hộ gia đình ở Việt Nam tăng mạnh so với các thiết bị điện tử khác như máy tính để bàn hay máy tính cá nhân xách tay (laptop). Điều này có được là nhờ việc có hơn 94% dân số được phủ sóng mạng 3G vào năm 2015, so với tỷ lệ bình quân ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương là khoảng 80%.
Phần lớn người tiêu dùng Việt Nam cho biết điện thoại thông minh hoặc máy tính bảng là thiết bị mà họ thích sử dụng để tìm kiếm và cập nhật thông tin về các món hàng mới, so với máy tính xách tay hoặc máy tính để bàn. Trên khía cạnh về tỷ lệ các đơn hàng thành công, máy tính xách tay hiện là thiết bị dẫn đầu trong vai trò công cụ hỗ trợ việc mua sắm (43%), theo sau là thiết bị di động (40%). Những yếu tố hàng đầu ảnh hưởng đến hành vi mua sắm trực tuyến là sự tiện lợi, tính phổ biến và giá cả.
Ở Việt Nam, hầu hết người tiêu dùng – đặc biệt là thế hệ Millennials (những người sinh ra trong giai đoạn từ đầu thập niên 1980 đến đầu thập niên 2000, là thế hệ đầu tiên lớn lên cùng các phương tiện truyền thông xã hội, chiếm hơn 35% dân số) – đã dần chuyển từ các thiết bị máy tính cố định sang các thiết bị xách tay và điện thoại di động. Kết quả là, những cuộc trải nghiệm thương mại điện tử đầu tiên của nhiều người tiêu dùng đều diễn ra trên các giao diện trang web được chạy trên điện thoại di động hoặc các phần mềm ứng dụng bán lẻ, và đây cũng là kênh mua hàng trực tuyến của phần lớn người tiêu dùng.
Ở Việt Nam tính đến tháng 10 vừa qua, cứ 10 người thì có 7 người mua hàng trực tuyến thông qua các thiết bị di động.
“Quan trọng hơn, những kết quả nghiên cứu cũng chứng minh rằng điện thoại di động hiện nay phục vụ cho cả việc mua sắm và tìm kiếm. Điều này có nghĩa là các doanh nghiệp thương mại điện tử có cơ hội rất lớn để tăng doanh số thông qua các khoản đầu tư đúng đắn vào các giải pháp ứng dụng và tối ưu hóa công nghệ di động”, ông Alban Villani, Giám đốc về thương mại khu vực Đông Nam Á, Hồng Kông và Đài Loan của hãng Criteo, nhận định.
Kết quả cuộc nghiên cứu cũng cho biết, gần chín trên mười khách hàng tìm kiếm các món hàng và dịch vụ mua hàng trực tuyến khi họ đang ở trong các cửa hàng. Con số này nhấn mạnh rằng “showrooming” đang là một xu hướng chính tại Việt Nam. Showrooming được định nghĩa là việc đến thăm một cửa hàng truyền thống để kiểm tra mặt hàng trước khi đặt mua hàng trực tuyến. Khi đến các cửa hàng, 58% số người tiêu dùng cho biết họ đồng thời đọc các lời nhận xét trực tuyến trên mạng về mặt hàng và so sánh giá cả để đưa ra quyết định mua hàng. Trong khi đó, có tới 76% “showrooming” để chọn mua hàng trực tuyến thay vì mua ngay tại các cửa hàng.
Sự tác động lớn của xu hướng showrooming đã củng cố tầm quan trọng của việc bán lẻ đa kênh. Các nhà bán lẻ mong muốn giữ chân khách hàng phải tìm đến các kênh tiếp thị qua thiết bị di động để tiếp tục duy trì sự tương tác với khách hàng trong hoặc sau khi họ đến thăm cửa hàng, ông Villani nhận xét.
Cuộc nghiên cứu cũng nhấn mạnh rằng các phần mềm ứng dụng mua sắm được sử dụng bởi 97% số người địa phương, trong đó 88% đã thực hiện giao dịch mua hàng thông qua các ứng dụng này. Ở Việt Nam, các nhà bán lẻ hàng đầu như Lazada, Zalora và Tiki… đang đầu tư khá mạnh cho các ứng dụng mua sắm của riêng mình.
“Thương mại điện tử trên nền tảng di động ở Việt Nam được dự đoán sẽ vượt qua số lượng đơn hàng được thực hiện trên các thiết bị cố định như máy tính khi các nhà bán lẻ tiếp tục đầu tư vào công cụ mua hàng trên điện thoại di động trong những tháng tới. Chìa khóa để thành công là việc đảm bảo nội dung quảng cáo thương mại điện tử được sàng lọc và phù hợp với từng cá nhân”, ông Villani kết luận.
Thanh toán trực tuyến vẫn là yếu tố then chốt
Hãng nghiên cứu thị trường Nielsen Việt Nam cũng vừa công bố cuộc khảo sát về dịch vụ ngân hàng di động tiến hành ở 63 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới với sự tham gia của hơn 30.000 người.
Theo bản báo cáo này, châu Á - Thái Bình Dương là khu vực có tỷ lệ người tiêu dùng mua sắm trực tuyến cao nhất toàn cầu, trong đó bốn quốc gia có tỷ lệ cao nhất là Trung Quốc với 50% số người được hỏi, Ấn Độ 49%, Hàn Quốc 47% và Việt Nam 46% cho biết họ đã mua một món hàng hoặc dịch vụ bằng thiết bị di động trong sáu tháng vừa qua.
Theo cuộc khảo sát, những giao dịch qua dịch vụ ngân hàng trực tuyến trên thiết bị di động phổ biến tại Đông Nam Á và Việt Nam chủ yếu là truy cập thông tin tài khoản ngân hàng, chuyển tiền, thanh toán hóa đơn hoặc đặt vé xem phim, vé máy bay, đặt phòng khách sạn...
“42% người Việt cho biết trong sáu tháng vừa qua họ có sử dụng thiết bị di động để kiểm tra số dư tài khoản ngân hàng hoặc xem các giao dịch họ đã thực hiện trong thời gian gần nhất; 35% nói họ sử dụng thiết bị di động để đặt vé xem phim, vé máy bay hoặc phòng khách sạn, 33% thanh toán hóa đơn trực tuyến và 31% thực hiện các giao dịch chuyển khoản ngân hang”, bản báo cáo của Nielsen cho hay.
Hãng này dự báo các hoạt động này sẽ có khả năng tăng mạnh hơn nữa trong thời gian tới: với 53% người tiêu dùng cho biết họ sẽ sử dụng thiết bị di động để kiểm tra số dư tài khoản cũng như lịch sử giao dịch, 39% cho biết họ sử dụng ứng dụng trên thiết bị di động để mua sắm và 38% có khả năng sẽ thực hiện các giao dịch chuyển khoản trong vòng sáu tháng tới.
“Ngày càng có nhiều người tiêu dùng sử dụng điện thoại như là một công cụ giúp họ mua sắm, tìm kiếm thông tin, so sánh giá cả của các mặt hàng và dịch vụ...”
“Ngày càng có nhiều người tiêu dùng sử dụng điện thoại như là một công cụ giúp họ mua sắm, tìm kiếm thông tin, so sánh giá cả của các mặt hàng và dịch vụ...”, người đại diện của Neilsen cho biết.
Các chuyên gia thương mại điện tử cũng cho rằng việc mua sắm trên toàn cầu ngày càng thay đổi nhanh chóng, đặc biệt khi người tiêu dùng ngày càng sử dụng thiết bị di động có kết nối Internet nhiều hơn để tìm kiếm món hàng, phiếu giảm giá... Người tiêu dùng cũng có xu hướng ngày càng mua sắm nhiều hơn những mặt hàng và dịch vụ trên mạng từ bất kỳ cửa hàng nào ở bất cứ đâu trên thế giới. Chính thiết bị di động cũng đang làm thay đổi ngành tài chính - ngân hàng và cũng đang tạo ra nhiều cách thức để chúng ta tiết kiệm và năng động hơn trong việc chi trả phí. Công nghệ di động đang cung cấp giải pháp tài chính cho khoảng 2 tỉ người không sử dụng dịch vụ ngân hàng trên toàn cầu. Theo ước tính của tổ chức Demand Institute (Mỹ), trong một thập niên tới, các giao dịch thanh toán không sử dụng tiền mặt sẽ đạt con số 10.000 tỉ đô la trên toàn cầu.
Mặc dù tỷ lệ mua sắm trực tuyến qua mạng, qua thiết bị di động tăng cao ở Việt Nam thời gian gần đây, tuy nhiên, do hạ tầng dịch vụ yếu, nên tính bảo mật trong các giao dịch ngân hàng bằng thiết bị di động của Việt Nam đang bị đánh giá kém trong các nước châu Á. Ngoài ra, chất lượng hàng hóa, chất lượng dịch vụ mua bán trực tuyến và mua bán qua thiết bị di động cũng khá thấp. Tỷ lệ khách hàng phản hồi về lỗi, không hài lòng có xu hướng tăng và đây sẽ là sự thách thức không nhỏ cho ngành thương mại điện tử trong nước.
Ngọc Ánh
Nguồn The Saigon Times