Đấu trường cho vay tiêu dùng

Thị trường cho vay tiêu dùng với quy mô 15 tỉ USD (năm 2015) đang tiến đến điểm bùng nổ khi ngày càng có nhiều sự tham gia của tổ chức được các định chế tài chính “chống lưng”.

Nếu như lãi suất trả góp 0% sản phẩm là đại tiệc cho người dùng thì đó lại là đấu trường đối với các công ty tiêu dùng khi so kè nhau giảm từng phần trăm lãi suất, thời gian xét duyệt hồ sơ lẫn cạnh tranh điểm bán. Những người đến muộn trong bữa đại tiệc sẽ phải làm gì và liệu miếng bánh thị trường có đủ cho tất cả?

Điểm bùng nổ

Sự tham gia của MCredit trực thuộc Ngân hàng Quân Đội khiến thị trường tín dụng tiêu dùng vốn đang nóng dần kể từ 3 năm trở lại đây thêm phần sôi động. Giống như trường hợp của HDBank bán lại 49% cổ phần cho đối tác Nhật, MCredit cũng hy vọng giá trị mà tập đoàn tài chính Shinsei mang lại là một thị phần vững chắc ở thị trường Việt Nam. Tuy nhiên, chiến lược nào để người đi sau MCredit có thể thành công ở thị trường này vẫn còn là một dấu hỏi.

MCredit ra đời trong trào lưu các ngân hàng mua lại công ty tài chính. Sắp tới đây, công ty tài chính của Ngân hàng SHB cũng đưa vào hoạt động, sau khi đã được cơ quan quản lý chấp nhận thương vụ ngân hàng này mua lại Công ty Tài chính Vinaconex - Viettel. Trước đó nữa là thương vụ Ngân hàng Techcombank mua Công ty Tài chính Hóa chất, Maritime Bank mua Công ty Tài chính Dệt May nhưng hai ngân hàng này có vẻ kín tiếng hơn. Trào lưu này xuất hiện sau văn bản pháp lý buộc các ngân hàng tách mảng cho vay tiêu dùng nhỏ lẻ ra khỏi các hoạt động khác của ngân hàng.

Thị trường cho vay tiêu dùng đạt quy mô 15 tỉ USD vào năm 2015, tăng 44,1% so với năm trước đó.

Thị trường cho vay tiêu dùng tăng truởng khá nhanh trong những năm gần đây. Theo số liệu khảo sát của StoxPlus, năm 2015 thị trường đạt quy mô 15,1 tỉ USD, tương ứng với 7,9% GDP, tăng trưởng 44,1% so với năm trước đó, cao hơn nhiều so với mức tăng trưởng bình quân 13,2%/năm giai đoạn 2009-2015. Cũng cần lưu ý trong số này bao gồm cả tín dụng tiêu dùng từ hệ thống ngân hàng. Tuy nhiên, thị phần của nhóm ngân hàng năm 2013 đã bị thu hẹp còn 87% từ mức 91%.

Báo cáo về thị trường tài chính tiêu dùng của Ngân hàng LienVietPostBank cho biết, thị phần của nhóm công ty tài chính tiêu dùng chiếm khoảng 12% trong số này, tức tương ứng khoảng 39.500 tỉ đồng. Dẫn đầu thị trường hiện nay là FE Credit với dư nợ ước khoảng 20.208 tỉ đồng (năm 2015), theo báo cáo trên, tương ứng chiếm khoảng 53%. Tiếp đến là Home Credit (khoảng 16%) và Prudential Finance (11%). Báo cáo không nhắc đến HD Saison, nhưng theo báo cáo thường niên 2015 của HDBank, dư nợ cho vay được tổng kết là gần 4.700 tỉ đồng, tức chiếm khoảng 12% thị trường. Các công ty tài chính nước ngoài như Prudential Finance, Toyota Finance và JACCS, Mirae Asset thì khá hiếm hoi số liệu.

Với sức mua mạnh mẽ, thị trường tiêu dùng tăng trưởng nhanh chóng là điều kiện cần để các hoạt động tín dụng đi theo phục vụ. Rõ ràng, khách hàng chưa có thu nhập, hoặc thu nhập thấp có nhu cầu mua sắm rất chuộng các công ty tài chính vì mức độ tiện lợi: không cần chứng minh thu nhập, quy trình xét duyệt nhanh chóng. Công ty tài chính còn đặt quầy tư vấn tại nơi làm việc của các doanh nghiệp, chứ không chỉ ở các quầy bán sản phẩm. Khách hàng ngày nay thậm chí cũng có thể trả tiền góp thông qua các công ty công nghệ tài chính (fintech) hiện đại như Momo hay Payoo.

Chạy đua sản phẩm

Các điểm bán ngày nay đã được lấp đầy hơn nhiều so với trước kia. Vì thế, nếu muốn tham gia thị trường, công ty tài chính cần phải tăng cường các chính sách ưu đãi. Tháng 4 năm ngoái, Home Credit bắt đầu triển khai sản phẩm trả góp lãi suất 0% với mảng điện máy gia dụng, điện tử. Tháng 9 năm nay, Công ty đã triển khai trong mảng xe máy. Theo mô hình này, công ty tài chính sẽ lấy tiền từ chiết khấu doanh số từ người bán, chứ không phải do người tiêu dùng trả khoản lãi.

Theo đại diện Home Credit, chương trình mang lại lợi ích rõ rệt. Tính đến cuối tháng 11.2016, doanh số cho vay của Home Credit trong mảng cho vay hàng điện máy, điện tử và tiền mặt đều tăng hơn gấp đôi so với năm 2015, trong khi mặt hàng xe máy tăng 50%. Còn chuỗi cửa hàng bán lẻ Thế Giới Di Động dự đoán sản phẩm trả góp với lãi suất 0% sẽ chiếm đến 70% doanh thu bán hàng trong năm 2016.

Tuy doanh số tăng lên, nhưng dễ thấy tỉ suất sinh lợi của hoạt động này sẽ giảm. Lãi suất cho vay bình quân của Home Credit vào khoảng 40%, theo đại diện Công ty, nhưng phần chiết khấu theo doanh số từ nhà sản xuất hẳn khó vượt qua con số thông thường từ 5-10%, chưa kể cắt một phần cho nhà bán lẻ như Thế Giới Di Động. Tuy nhiên, điểm lợi của chương trình này là mức độ rủi ro sẽ giảm và công ty tài chính cũng có thể thu thập được thông tin khách hàng tốt. “Điều quan trọng hơn hết là lượng khách hàng của chúng tôi cũng tăng đáng kể, mỗi tháng cơ sở dữ liệu khách hàng của Công ty đều tăng thêm khoảng 250.000. Tính đến nay chúng tôi đã có hơn 4,7 triệu khách hàng trong cơ sở dữ liệu của mình”, ông Ivo Slanina, Giám đốc Điều hành Home Credit Việt Nam, cho biết.

Đấu trường cho vay tiêu dùng

Theo số liệu khảo sát của StoxPlus, năm 2015 thị trường tài chính tiêu dùng đạt quy mô 15,1 tỉ USD. Ảnh: FE Credit.

Khi cạnh tranh đã lan rộng từ điểm bán sang các chính sách ưu đãi thì cuộc chiến tiếp theo giữa các công ty tài chính tiêu dùng sẽ nằm ở mặt trận sản phẩm. Trong giai đoạn đầu, tín dụng tiêu dùng được hiểu là cho vay mua điện máy, điện gia dụng, xe máy và ô tô. Tuy nhiên, các sản phẩm này đã trở nên bão hòa và đã đến lúc các công ty tài chính tiêu dùng tìm kiếm những thị trường mới. Năm ngoái, FE Credit và JACCS (Nhật) bắt đầu phát hành thẻ tín dụng.

Dù nhiều công ty tài chính lấn sân sang mảng truyền thống của ngân hàng, như phát hành thẻ tín dụng, cho vay mua ô tô nhưng cái khác là công ty tài chính tiêu dùng vẫn tập trung vào nhóm đối tượng dưới chuẩn so với ngân hàng. Chẳng hạn, thẻ FE Credit chỉ yêu cầu mức thu nhập 3 triệu đồng mỗi tháng, trong khi tại phần lớn ngân hàng thì mức thấp nhất cũng phải từ 5 triệu đồng trở lên.

HD Saison, dưới sự hỗ trợ của đối tác Nhật, cũng đưa ra những sản phẩm như cho vay đi du lịch, hay mua nội thất. Công ty này tiếp thị khá mạnh ở các điểm bán, tương tự Home Credit. Trong khi đó, FE Credit lại có ưu thế về cho vay tiền mặt. Các công ty tài chính tiêu dùng cũng chịu khó đi săn lùng nhóm khách hàng mới, thậm chí tiếp cận từng doanh nghiệp trong các khu công nghiệp để đặt vấn đề hợp tác, đặt điểm tư vấn hoặc bán sản phẩm cụ thể nào đó.

Xu hướng ngày nay là tìm kiếm những chân trời mới. Theo ông Kalidas Ghose, Tổng Giám đốc FE Credit, Công ty sẽ mở rộng và cải thiện các dòng sản phẩm để đáp ứng nhu cầu đa dạng của khách hàng. Gần nhất, FE Credit vừa triển khai gói sản phẩm vay mua bảo hiểm. Trong năm sau, công ty này còn dự định lấn sân sang lĩnh vực chăm sóc sắc đẹp với sản phẩm vay mua mỹ phẩm. “Mục tiêu của FE Credit là duy trì tốc độ tăng trưởng các sản sản phẩm cho vay tiền mặt, vay mua xe máy và hàng điện tử như năm 2015”, ông Kalidas nói.

Home Credit cũng kỳ vọng giữ mức tăng trưởng tương tự trong năm sau. Theo ông Ivo Slanina, Home Credit Việt Nam, Công ty vẫn tập trung nhiều vào các sản phẩm tiêu dùng truyền thống. “Hiện nay thị trường bất động sản đang phát triển tốt, nhiều dự án căn hộ đang hình thành. Do vậy, những mặt hàng gia dụng sẽ rất cần thiết và đây thực sự là một thị trường rất tiềm năng cần được khai thác”, ông Ivo nói.

Home Credit cũng đang tiến mạnh vào phân khúc cho vay tiền mặt. Mới đây, Công ty giới thiệu giải pháp cho vay tiền mặt trực tuyến. Theo đó, các khách hàng có thể đăng ký vay trên website, hoặc ứng dụng của Home Credit, sau đó có thể ký hợp đồng điện tử thay vì tại điểm bán như trước đây. Sau 90 phút, người vay có thể rút tiền ở ngân hàng hoặc các điểm chi trả của MoMo. Để giảm rủi ro, sản phẩm này mới đầu chỉ cung cấp cho những khách hàng hiện hữu của Home Credit. “Có đến 78% khách hàng được mời vay tiền mặt muốn ký hợp đồng trực tuyến, theo khảo sát của Home Credit”, ông Ivo cho biết.

Đấu trường cho vay tiêu dùng

Ảnh minh họa: baophapluat.vn.

Trong khi các đối thủ hiện hữu ra sức lấn lướt, các đối thủ mới vẫn không hề ngần ngại. “Tầm nhìn của MCredit là sẽ trở thành công ty tài chính tiêu dùng hàng đầu được tin cậy tại Việt Nam, phục vụ quy mô hàng triệu khách hàng”, bà Nguyễn Minh Châu, Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng Quân đội kiêm Phó Chủ tịch thường trực Hội đồng Thành viên MCredit, chia sẻ với báo giới. Trong khi đó, ông Yukio Nakamura, Phó Chủ tịch Ngân hàng Shinsei, đối tác của Ngân hàng Quân Đội, thì cho rằng dư địa thị trường còn rất lớn.

Rõ ràng, Ngân hàng Quân Đội đang mong đợi việc bắt tay với một nhà đầu tư Nhật sẽ mang lại những đóng góp đáng giá về mặt sản phẩm, tương tự như danh mục sản phẩm phong phú mà đối tác Credit Saison mang lại cho công ty tiêu dùng liên doanh với HDBank. Trên thực tế, ngoài vấn đề sản phẩm thì yếu tố công nghệ, quy trình quản lý và nguồn vốn đầu vào cũng là nguồn lực quan trọng mà những công ty trong nước đặt nhiều kỳ vọng vào các đối tác nước ngoài.

Theo đại diện của MCredit, ngoài vốn góp, Ngân hàng Shinsei và Công ty Tài chính Shinsei cam kết hỗ trợ toàn diện cho hoạt động cho vay cá nhân không bảo đảm. Ngoài ra, MCredit có lợi thế “chống lưng” từ cổ đông chiến lược quan trọng Viettel, một tập đoàn có quy mô doanh thu hơn 10 tỉ USD.

Một ngân hàng khác cũng đang tỏ ra háo hức là SHB. Chia sẻ trên báo giới, ông Nguyễn Văn Lê, Tổng Giám đốc Ngân hàng SHB, cho rằng có không ít thách thức trên thị trường, nhưng SHB đã có chiến lược phát triển riêng với những sản phẩm tập trung vào phân khúc người có thu nhập từ 3-7,5 triệu đồng/tháng, đồng thời là những người có nhu cầu vay nhỏ lẻ từ vài triệu đồng cho đến vài chục triệu đồng.

Công ty tài chính SHB chưa ra đời nhưng hiện nay đã có một số đối tác đặt vấn đề tham gia. Hội đồng Quản trị của SHB đang cân nhắc lựa chọn đối tác theo tiêu chí: có uy tín, có kinh nghiệm thành công, phù hợp với đặc điểm tiêu dùng châu Á, ông Lê chia sẻ.

Tìm đối tác nước ngoài dường như là điểm mấu chốt ở thị trường Việt Nam. Credit Saison được giới thiệu là tổ chức phát hành thẻ tín dụng lớn nhất Nhật, còn Ngân hàng Shinsei sở hữu công ty con về cho vay tiêu dùng có thị phần lớn ở thị trường Nhật. Các ngân hàng còn lại cũng đang tìm kiếm đối tác chiến lược bằng cách rao bán 49% cổ phần.

“Khi ngành tài chính tiêu dùng phát triển, khách hàng sẽ được hưởng lợi nhờ tiếp cận được các giải pháp tài chính dễ dàng hơn với chi phí thấp hơn. Nhờ đó, người tiêu dùng và công chúng cũng có cái nhìn đúng đắn hơn về sản phẩm và bản chất của ngành, bức tranh ngành tài chính tiêu dùng trong tương lai sẽ khả quan hơn”, ông Kalidas Ghose kết luận về áp lực cạnh tranh đang ngày càng mạnh mẽ trên thị trường.

Việt Dũng
Nguồn Nhịp cầu Đầu tư