Poster quảng bá du lịch: Tác phẩm mỹ thuật

Vào mùa du lịch, các công ty lữ hành khắp thế giới thường tung ra các poster quảng bá những điểm đến hấp dẫn, những địa danh văn hóa – lịch sử, những thắng cảnh tuyệt mỹ…

Ra đời từ đầu thế kỷ XX, rất nhiều poster du lịch đã có vai trò không nhỏ trong việc thu hút du khách bốn phương. Bản in gốc những poster du lịch (vintage travel poster) được thực hiện từ tranh của họa sĩ nổi tiếng có giá cao như tác phẩm hội họa và được các nhà sưu tập săn lùng.

Ông Mickey Ross, người sáng lập The Ross Art Group, chuyên sưu tầm và kinh doanh bản in gốc các poster du lịch cho biết: “Poster du lịch có một sức quyến rũ tuyệt vời đối với giới sưu tập bởi chúng gắn liền với những điểm du lịch thú vị trong thứ ánh sáng thích hợp nhất của chúng. Các poster du lịch còn tạo cơ hội cho các nhà sưu tập sở hữu tác phẩm của các họa sĩ nổi tiếng với giá thấp, từ đó cũng dẫn tới gia tăng lợi tức của họ”. Trong nửa đầu của thế kỷ XX, khi tivi và computer chưa xuất hiện thì poster là phương thức quảng bá mạnh mẽ và hữu hiệu nhất cho hoạt động du lịch.

Thích hợp để trang trí không gian sống và làm việc

Hơn mười năm nay, ông Ross đã sưu tầm bản gốc poster du lịch, đặc biệt là poster quảng bá du lịch của các hãng hàng không và hãng xe lửa, nên hiểu rõ lịch sử của chúng cũng như cách mà chúng từ một sản phẩm quảng cáo đã lột xác để trở thành một loại hình nghệ thuật thực sự và vì sao chúng có sức hấp dẫn như vậy trong thời hiện đại.

Poster quảng bá du lịch: Tác phẩm mỹ thuật

Poster quảng bá du lịch Angkor với tranh của họa sĩ Pháp George Groslier.

Theo ông, các poster du lịch phổ biến nhất là nhằm quảng cáo cho hoạt động du lịch đường sắt và đường hàng không từ những thập niên đầu tiên của thế kỷ XX. Với du lịch đường sắt, hầu hết các poster quảng bá có kích thước được tính toán khá chuẩn mực bởi chúng thường được trưng bày trong các nhà ga xe lửa, nơi hành khách dễ nhận biết những điểm du lịch nào mà họ có thể đến bằng các tuyến xe lửa một cách nhanh chóng nhất, thuận tiện nhất, hơn bất kỳ phương tiện nào khác. Đó là các điểm tham quan trong các thành phố hay các khu resort cũng như các nơi nghỉ cuối tuần. Đến khi hàng không thương mại ra đời, trở thành một nhân tố tích cực trong hoạt động du lịch từ thập niên 1920 và những thập niên sau đó thì các hãng hàng không đã tiến hành quảng bá du lịch bằng máy bay với những ưu điểm mà du lịch đường sắt không thể bì kịp.

Poster quảng bá du lịch: Tác phẩm mỹ thuật

Tranh Chagall được dùng làm poster quảng bá vở diễn Romeo và Juliet tại Nhà hát opera Paris.

Vào những năm tháng đó, có một số họa sĩ rất nổi tiếng đã thực hiện các poster du lịch như thế và nhiều người đã sưu tầm chúng chỉ vì tên tuổi của tác giả trên các poster. Tất nhiên các poster du lịch được sưu tầm còn bởi chúng được thể hiện sinh động, với những khung cảnh khiến người ta say mê và với bảng màu trác tuyệt. Chúng có thể là biểu tượng của một thời kỳ quan trọng trong cuộc đời một (hay nhiều) người, chẳng hạn đó là chuỗi ngày trăng mật lứa đôi, hay một nơi chốn họ đã để lại nhiều kỷ niệm hoặc đơn giản chỉ là nơi gia đình họ thường lui tới vào những ngày hè hay thời nghỉ đông.

Poster quảng bá du lịch: Tác phẩm mỹ thuật

Poster của Jos Henri Ponchin quảng bá du lịch Huế thời Pháp thuộc.

Một đặc điểm cần ghi nhận nữa là các poster quảng bá du lịch đường sắt hay hàng không thời đó có kích thước rất thuận lợi để ngày nay người sưu tập có thể trưng bày chúng trong nhà mình. Kích thước trung bình của chúng khoảng 75 x 100cm, cỡ một bức tranh khổ vừa, thích hợp ngay cả với các căn hộ chung cư loại nhỏ, khi cần dễ dàng di chuyển để làm mới không gian. Ông Ross cho biết, theo thời gian The Ross Art Group có thêm nhiều khách hàng mua các poster du lịch bản in gốc, người thì thích giá trị trang trí của chúng, người lại muốn tìm hiểu lịch sử hoạt động du lịch hoặc ý nghĩa đặc biệt của các điểm đến hay sự tiến hóa về mặt nghệ thuật của chúng… Khách hàng của The Ross Art Group còn là các công ty, họ mua poster du lịch để treo trong phòng làm việc, phòng hội nghị, nơi tiếp khách…, coi chúng chẳng khác gì các tác phẩm hội họa.

Những tác phẩm tiêu biểu

Đã có những thay đổi về phong cách của poster du lịch trong thời gian chúng xuất hiện nhiều nhất, từ 1900 đến 1940. Khi trào lưu nghệ thuật Art Deco phổ biến từ khoảng 1915 đến 1939, nó có ảnh hưởng đến hầu hết các poster du lịch được thực hiện trong thời gian này, còn vào thập niên 1900 thì ảnh hưởng của trào lưu Art Nouveau rất rõ nét.

Poster quảng bá du lịch: Tác phẩm mỹ thuật

Poster quảng bá du lịch mùa hè ở Monte-Carlo của họa sĩ Pháp Jean-Gabriel Domergue.

Một trong những họa sĩ Pháp đã vẽ rất nhiều poster du lịch là Jean-Gabriel Domergue (1889-1962). Tốt nghiệp Trường Quốc gia Cao đẳng Mỹ thuật Pháp, đoạt giải Khôi nguyên La Mã năm 1911, Domergue được biết đến rộng rãi với tranh chân dung các phụ nữ Paris quyến rũ và gợi cảm. Những hình ảnh người nữ yêu kiều đó thường xuyên xuất hiện trong các poster của Domergue quảng bá các điểm đến du lịch hàng đầu ở Pháp như Côte D’Azur, Monte-Carlo, Saint-Tropez… Bản in gốc các poster du lịch với tranh của Domergue được The Ross Art Group rao bán trên mạng với giá gần 2.000 USD/bức.

Poster quảng bá du lịch: Tác phẩm mỹ thuật

Tranh của họa sĩ Pháp Jean Leger trên poster quảng bá du lịch mùa đông.

Để quảng bá cho du khách đến với vở opera Romeo và Juliet tại Nhà hát opera Paris vào năm 1965, người ta còn dùng tranh Marc Chagall vẽ trên trần nhà hát này để in poster. Bản in gốc poster này có giá 3.600 USD. Song giá cao nhất có lẽ thuộc về bản in gốc poster quảng bá tuyến du lịch đường sắt vượt biển Manche từ Oostende (Bỉ) tới Dover (Anh) đi qua Dunkerque và Calais (Pháp), với tranh của họa sĩ Bỉ gốc Thụy Sĩ Leo Marfurt (1894-1977), người nổi tiếng bậc nhất với tranh poster được thể hiện theo phong cách Art Deco. The Ross Art Group đã rao bán một bức poster thuộc loại hàng độc và hiếm này với giá 10.000 USD. Họa sĩ người Anh Samuel Colville Bailie (1879-1926) cũng rất quen thuộc với poster du lịch bằng tàu biển. Poster in tranh Bailie được rao bán trên eBay với giá gần 4.000 USD.

Poster quảng bá du lịch: Tác phẩm mỹ thuật

Poster quảng bá du lịch đường biển từ Oostende (Bỉ) tới Dover (Anh) do họa sĩ Leo Marfurt thực hiện có giá 10.000 USD.

Thuở Việt Nam và xứ Đông Dương thuộc Pháp, có nhiều poster du lịch của các họa sĩ Pháp quảng bá vùng đất còn lạ lẫm này với du khách phương Tây. Nổi tiếng bậc nhất là tranh của họa sĩ George Groslier (1887-1945), người gần như dành cả cuộc đời mình cho xứ Khmer và để lại nhiều tác phẩm về đất nước này. Còn họa sĩ Jos Henri Ponchin (1897-1981) có rất nhiều poster về Việt Nam. Ông là con trai của họa sĩ Antoine Ponchin (1872-1933), một trong những người thành lập Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương tại Hà Nội. Hai cha con Antoine và Jos Henri Ponchin còn được Chính phủ Pháp giao công việc trang trí phủ Toàn quyền Đông Dương tại Hà Nội lúc bấy giờ.

Lê Bản
Nguồn Doanh nhân Cuối tuần