Quảng cáo - Xung quanh các câu claim và các công thức khoa học
Phát minh khoa học luôn làm chúng ta khâm phục, nhất là khi chúng ta chỉ là những người "ngoại đạo", không hiểu rõ lắm về khoa học kỹ thuật tiên tiến. Nếu để ý một chút, các bạn sẽ nhận thấy rằng hằng ngày quanh ta có vô số phát minh mới qua các sản phẩm tiêu dùng trong đời sống, từ hệ dưỡng chất mới, phát minh mới, công thức tiên tiến mới cho đến những hình tượng về chất bổ sung mới...
Thử đặt vấn đề có bao nhiêu người trong chúng ta hiểu rõ những công thức, những phát minh mới này được nghiên cứu ra sao và quan trọng là chúng có phải là những phát minh thật sự hay không?
Việc sử dụng các phát minh và công thức luôn nằm trong ranh giới nhạy cảm giữa sử dụng và lạm dụng. Một công thức, một phát minh được thực hiện dựa trên cơ bản hiểu biết nhu cầu, hành vi sử dụng của người tiêu dùng (NTD) là vô giá, vì nó thể hiện được văn hoá lấy NTD làm gốc của các công ty, với mục tiêu cải thiện chất lượng cuộc sống của con người. Làm được như thế, công ty sẽ sở hữu một thế cạnh tranh hùng mạnh không dễ gì so sánh được, nhất là khi đầu tư vào nghiên cứu phát minh mới ngốn một khoản tiền đáng kể.
Việc sử dụng các phát minh và công thức trong các câu claim trên bao bì, trong quảng cáo luôn nằm trong ranh giới nhạy cảm giữa sử dụng và lạm dụng.
Trước tình hình đó, các đơn vị cạnh tranh không có tiềm lực về đầu tư nghiên cứu hoặc cần thiết phải nhanh chóng đối đầu với phát minh mới của đối thủ đã làm gì? Họ cũng đưa ra những phát minh, công thức, hệ dưỡng chất mới để chứng tỏ mình không thua kém đối thủ cạnh tranh. Và dĩ nhiên là những phát minh này chẳng hề được nghiên cứu đầu tư gì cả, chủ yếu là do phòng marketing dựng ra để quảng cáo. Họ làm được điều này vì NTD chưa có khả năng phân biệt đâu là phát minh thật và đâu là dỏm. Cũng dễ hiểu thôi vì các phát minh này đều được quảng cáo hoành tráng và đáng tin như nhau. NTD chúng ta dù có kiến thức nhất định cũng khó mà phân biệt được.
Tự sáng tác ra công thức cho sản phẩm
Cách làm thứ nhất có thể kể đến là tự sáng tác ra công thức. Điều này nghe có vẻ rất khó tin, nhất là đối với những công ty có uy tín trên thị trường. Tuy nhiên có những vấn đề về nghệ thuật marketing mà chỉ có người trong nghề mới rõ thực hư. Giám đốc ngành hàng của một công ty lớn đã vô cùng tự hào trình bày một công thức dinh dưỡng mới do cô và nhóm phụ trách tiếp thị vắt kiệt sức lực, trí não để tìm ra. Công thức được hình thành dựa trên những chữ cái của các từ tiếng Anh mang ý nghĩa của những lợi ích mà nhóm mong muốn mang đến cho khách hàng.
Ý định mang đến lợi ích cho NTD thì tốt đấy, nhưng thực hiện ý định ấy bằng cách nói miệng và sáng tác ra một công thức không dựa trên một nghiên cứu khoa học nào thì liệu có quá đáng hay không? Dĩ nhiên khi công thức này được chuyển thể thành logo mang bề ngoài hiện đại và cao cấp thì sự lột xác này đã xóa sạch quá khứ xấu hổ của một phát minh giả. Chưa hết, logo này được trải qua một hành trình đánh bóng trong các chương trình quảng cáo, một lần nữa chuyển mình từ chú vịt con xấu xí thành một nàng thiên nga rực rỡ. Thử hỏi, với những hành trình giải phẩu thẩm mỹ như thế, NTD nào có thể nhận ra? Một lần nữa, chúng ta lật lại vấn đề về đạo đức nghề nghiệp. Ai có thể "lừa" NTD mãi được?
Đánh mạnh quảng cáo trên những tính năng sẵn có của sản phẩm
Một cách làm nữa cũng khá thịnh hành trên thị trường hiện nay là sử dụng những chất hoặc tính năng có sẵn trong sản phẩm để làm rình rang lên như là một phát minh hay một chất bổ sung đặc biệt. Ai hên tung ra sản phẩm trước thì được nói nhiều hơn và nói trước để có thể "sở hữu" được chất đó.
Ví dụ như trong lá trà xanh thiên nhiên luôn có chất catechin, là một hoạt chất chống oxy hoá và đã được chứng minh có công dụng giúp giảm stress và giảm nguy cơ mắc bệnh mạch vành. Vì vậy, các nhãn hiệu trà xanh đều sử dụng chất này để quảng cáo bằng nhiều cách khác nhau. Người thì vẽ thành hình logo có lợi cho sức khỏe, người khác lại vẽ thành hình logo có chất bổ sung. Sự thật là hoạt chất này có sẵn trong trà xanh thiên nhiên chứ không phải chỉ tồn tại trong một số nhãn hiệu đặc biệt nào đó.
Cuộc chiến tranh tung hỏa mù để dẫn dắt những con chiên tiêu dùng vào con đường sùng bái nhãn hiệu của mình vẫn hàng ngày tiếp diễn trên thị trường. Trong thời buổi thật hư khó phân biệt, NTD cần tỉnh táo đánh giá để không phải mua lầm sự thật.
Một ví dụ nữa là sữa bột nguyên kem. Bản thân thành phần sữa đã chứa rất nhiều các vitamin cần thiết cho cơ thể như A, D, Canxi... Tuy nhiên, các thành phần này được đưa lên bao bì và các ấn phẩm quảng cáo như là những chất bổ sung của riêng nhãn hiệu nào đó. Đây là chiêu nói mập mờ để NTD tự động hiểu lầm chứ nhà sản xuất chẳng bao giờ khẳng định như thế cả. Đã thế thì đổ lỗi cho ai và phàn nàn được với ai? Tại bạn tự hiểu lầm đó thôi. Có những trường hợp cũng là một chất nhưng mỗi hãng đặt một tên khác nhau để quảng cáo, vì đối với ngành hàng đó nếu không nói chất này thì chẳng biết nói chất nào khác. NTD mua sản phẩm cũng vì tin tưởng vào những chất ngoạn mục này mà ra. Dân trong nghề thì hiểu ngầm với nhau là mình cùng quảng cáo một thứ dưới những hình hài khác nhau.
Tuy nhiên, chỉ trích nhau sẽ không có lợi cho ai cả vì bể ra thì ai cũng "ê" mặt, chứ không riêng cá nhân hay tổ chức nào. Một giám đốc nhãn hiệu đã "tâm sự" chuyện này và đưa ra ví dụ về một chất đề kháng có trong sản phẩm sữa của mình và cũng tồn tại trong sản phẩm của đối thủ cạnh tranh dưới một cái tên khác. Cả hai đều quảng cáo mạnh chất này như "độc chiêu" của nhãn hiệu mình để lôi kéo lòng tin của NTD. Vậy tin ai và tin vào cái gì là câu hỏi mà NTD phải tự mình tìm ra lời đáp.
Một hãng kem dưỡng da thì nói có hai công dụng. Hãng khác liền nói bảy công dụng. Thấy thế, hãng cạnh tranh bèn ra một quảng cáo phủ đầu bằng tám công dụng.
Có khi cũng là bao nhiêu công dụng và lợi ích đó thôi, nhưng các hãng do cạnh tranh giành giựt khách hàng của nhau mà liên tục tung ra các chiêu "nhiều hơn". Những ngành hàng cạnh tranh kiểu này nhiều nhất là kem dưỡng da và sữa bột. Một hãng kem dưỡng da thì nói có hai công dụng. Hãng khác liền nói bảy công dụng. Thấy thế, hãng cạnh tranh bèn ra một quảng cáo phủ đầu bằng tám công dụng. Cuối cùng thì có bao nhiêu công dụng trong cùng một loại sản phẩm? Ai có tâm lý ít tiền mua được nhiều thứ thì cứ thế mà xông vào. Sữa bột cũng vậy. Hãng thì bổ sung 1 - 2 chất, hãng thì bổ sung 7 - 8 chất, có hãng bổ sung đến 31 chất. Cuối cùng khi con số chất này lên đến cỡ không tìm ra thêm chất để đưa vào thì các hãng chuyển hướng bổ sung đầy đủ tất cả các chất và thay tên các chất bằng những công thức khoa học. Cuối cùng thì có bao nhiêu chất có thể được bổ sung trong một sản phẩm và chúng giúp ích gì cho NTD?
Đã đến lúc cần phải thay đổi
Đối với doanh nghiệp, có lẽ đã đến lúc nên nhìn thực tế hơn vào vấn đề và thay đổi tận gốc rễ cách thức phát triển kinh doanh của doanh nghiệp mình. Việc tạo ra một công thức mới hay một icon hình ảnh mới để quảng cáo không phải là cách làm có chiến lược để đảm bảo sự phát triển lâu dài của doanh nghiệp. Cái mới phải bắt nguồn từ việc nghiên cứu đối tượng tiêu dùng và tìm ra những nhu cầu cần được đáp ứng, từ đó nghiên cứu ra sản phẩm/dịch vụ đáp ứng nhu cầu đó.
Chúng ta hãy nhìn vào một số điều kiện tiên quyết mang lại sự thành công của một số sản phẩm và thương hiệu nổi tiếng nhất được bình chọn trên thế giới để học hỏi xem họ có phát minh ra công thức khoa học hay không.
Tại sao thương hiệu Apple trở thành một trong những thương hiệu hàng đầu thế giới?
- Liên tục tung ra thị trường các sản phẩm thiết kế độc đáo, có khả năng xây dựng thị trường mới dựa trên nền tảng/kỹ thuật hiện hữu
- Có khả năng tạo ra nhu cầu mới trên nền tảng hiểu biết nhu cầu hiện tại và dự đoán nhu cầu tương lai của khách hàng
- Tung sản phẩm nhanh chóng và kịp thời
- Xây dựng văn hóa công ty luôn khuyến khích sáng tạo và chấp nhận những rủi ro liên quan
Tại sao thương hiệu Samsung trở thành một trong những thương hiệu hàng đầu thế giới?
- Thách thức thị trường với các thiết kế sản phâm độc đáo và bám sát nhu cầu khách hàng
- Tung sản phẩm mới nhanh chóng trên thị trường
- Xây dựng từ công ty điện tử giá thấp chất lượng thấp lên thành công ty điện gia dụng hàng đầu trên thế giới trong vòng 10 năm
Tại sao thương hiệu Honda trở thành một trong những thương hiệu hàng đầu thế giới?
- Cách tiếp thị và giới thiệu sản phẩm mới lấy khách hàng làm nền tảng với mục tiêu thu hút khách hàng tiếp tục cho những lần sau
- Trình độ cơ khí và khả năng thiết kế tạo ra các sản phẩm hấp dẫn, đáp ứng nhu cầu khách hàng
- Cam kết bền bỉ về chất lượng
- Ứng dụng công nghệ tự động hoá
Tất cả những ví dụ trên không dựa trên nền tảng công thức khoa học gì ghê gớm và khó nhớ. Ngược lại các thương hiệu này đều dựa trên một yêu cầu hết sức đơn giản, dễ hiểu mà ai cũng có thể nói được nhưng ít người thực hiện được: hiểu biết nhu cầu khách hàng, đáp ứng nhu cầu và xây dựng nhu cầu mới. Có lẽ đã đến lúc vấn đề xây dựng thương hiệu nên được đơn giản hóa tại thị trường Việt Nam để doanh nghiệp có thời gian tập trung vào giải quyết vấn đề đáp ứng nhu cầu khách hàng trước đã.
Brands Vietnam