Ngân hàng “đối mặt” fintech

Nhờ sự giao thoa giữa các dịch vụ tài chính và công nghệ, các công ty fintech (financial technology) đã tạo nên những thay đổi lớn trong chuỗi giá trị dịch vụ ngành tài chính - ngân hàng, gây áp lực buộc các mô hình kinh doanh tài chính truyền thống phải thay đổi và dẫn dắt xu thế đầu tư mới.

Áp lực lớn nhất từ các công ty Fintech lên ngành tài chính - ngân hàng truyền thống là sự đổi mới hướng vào việc giảm chi phí vận hành, gây áp lực lên biên lợi nhuận hoặc thu hẹp thị phần. Một khảo sát do PwC thực hiện quí I-2016 với 544 lãnh đạo doanh nghiệp tại 46 thị trường, 83% doanh nghiệp tài chính truyền thống cho rằng một phần hoạt động kinh doanh có nguy cơ rơi vào tay fintech, với lĩnh vực ngân hàng tỷ lệ này là 95%. Các công ty chuyển tiền và thanh toán cho rằng trong năm năm tới họ có thể mất 28% thị phần vào fintech; các ngân hàng ước mất 24%; tỷ lệ này là 22% trong lĩnh vực quản lý tài sản và 21% trong lĩnh vực bảo hiểm.

Đi theo xu hướng

Ước tính của PwC là từ 3-5 năm tới, tổng đầu tư vào fintech trên toàn cầu vượt 150 tỉ đô la Mỹ, các định chế tài chính và công ty công nghệ sẽ cùng nhau giành giật cơ hội tham gia cuộc chơi này. Theo ông Manoj Kashyap, lãnh đạo toàn cầu dịch vụ tài chính Fintech của PwC, để cạnh tranh, các doanh nghiệp buộc phải thay đổi cách tư duy, cập nhật công nghệ và tích hợp quá trình số hóa vào ADN doanh nghiệp; các định chế tài chính buộc phải gắn kết công nghệ vào từng khía cạnh hoạt động để khai thác được tiềm năng của fintech.

Ngân hàng “đối mặt” fintech

Theo báo cáo của KPMG, nguồn vốn mạo hiểm vào ngành công nghiệp fintech toàn cầu năm 2015 lên mức kỷ lục 13,8 tỉ đô la Mỹ (tăng 100%) cho 653 giao dịch và thúc đẩy khởi nghiệp trong lĩnh vực này. Một động lực đầu tư nữa là các ngân hàng trước áp lực cạnh tranh đã buộc phải cộng tác với ngành công nghiệp mới nổi này để mở rộng dịch vụ. Tại Việt Nam, ước gần 50 fintech hoạt động dưới các mô hình khác nhau nhưng chủ yếu vẫn đang là “kênh tiêu tiền” để khai phá thị trường.

Những mô hình fintech manh nha tại Việt Nam từ 10 năm trước và ngày càng nhiều dịch vụ ra đời theo xu thế toàn cầu. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, chúng vẫn còn rất sơ khai. Năm 2016, lĩnh vực fintech được khuấy động với thương vụ Momo nhận đầu tư 28 triệu đô la Mỹ để mở rộng độ phủ - là nguồn đầu tư được công bố lớn nhất đến nay. Tuy nhiên, trong một lớp ngầm vận hành khác, Payoo với sự hậu thuẫn mạnh mẽ của NTT-Data đã dẫn dắt thị trường với thế mạnh trong kênh tiện ích và hệ thống kết nối rộng lớn nhất hiện nay, đặc biệt thông qua thị trường bán lẻ hiện đại đến tận người dùng cuối. Dù không công bố nguồn vốn nhưng nhìn vào hệ thống đã tạo lập, có thể dự đoán nhà đầu tư đến từ Nhật đã kỳ vọng lớn vào cuộc chơi tại Việt Nam.

Tại diễn đàn thanh toán điện tử mới đây, các chuyên gia nhận định toàn bộ mô thức cung ứng dịch vụ tài chính đang thay đổi. Dù muộn hơn, Việt Nam cũng không thể nằm ngoài làn sóng này. Cho đến nay, 16 tổ chức được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chính thức cấp phép cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán... cùng với vài chục nhà cung cấp đang chờ được cấp phép. Tính đến cuối tháng 9-2016, hơn ba triệu ví điện tử được phát hành với hơn 40 ngân hàng tham gia hợp tác với các nhà cung ứng trung gian này.

Thách thức với nhà hoạch định chính sách là khung pháp lý cần cải tiến để thích ứng với các thay đổi “vừa chấp nhận đột phá, vừa kiểm soát được các biến động, đồng thời bảo vệ người tiêu dùng và duy trì tính thống nhất của các thị trường”.

Vụ trưởng Vụ Thanh toán NHNN Bùi Quang Tiên cho biết, theo đề án phát triển và đa dạng hóa dịch vụ thanh toán, NHNN đang cho phép thí điểm một số mô hình thanh toán hiện đại nhưng dễ sử dụng, phù hợp với địa bàn nông thôn, trên cơ sở liên kết giữa mạng lưới ngân hàng với các tổ chức kinh doanh như các cửa hàng xăng dầu, đại lý viễn thông, hệ thống bưu cục... “Sẽ dần hoàn thiện hành lang pháp lý cho các tổ chức phi ngân hàng tham gia hoạt động thanh toán, thúc đẩy các ứng dụng công nghệ phục vụ tài chính phát triển”, ông Tiên nói.

Hợp tác hay cạnh tranh

Dưới góc nhìn của ngân hàng, theo ông Phan Thanh Sơn, Phó tổng giám đốc Techcombank, dù nhiều tiềm năng nhưng các fintech Việt Nam vẫn trong giai đoạn “trứng nước”, các sản phẩm còn khá sơ khai và tập trung chủ yếu vào mảng thanh toán - là phần rất nhỏ trong sân chơi tài chính công nghệ. Hệ thống pháp lý chưa theo kịp đà phát triển là rào cản lớn với fintech. Từ năm 2009, loại hình ví điện tử đã được thí điểm nhưng đến năm 2015 mới được cấp phép chính thức. “Tuy nhiên, những rào cản sẽ nhanh chóng bị phá vỡ khi lĩnh vực này ngày càng được sự quan tâm của nhà đầu tư, sự năng động và nhanh chóng đổi mới của chính các fintech là “mối đe dọa cho các định chế tài chính truyền thống”, theo ông Sơn.

Ông Sơn cho rằng các fintech và ngân hàng sở hữu những thế mạnh riêng và bổ sung cho nhau, việc hợp tác sẽ giúp ngành tài chính - ngân hàng “lột xác”. Tuy nhiên, ngân hàng với nền tảng khách hàng hiện tại và mạng lưới chi nhánh rộng khắp sẽ là một lợi thế lớn, nhất là khi việc sử dụng tiền mặt vẫn là thói quen chủ yếu tại Việt Nam. Ngân hàng còn là kênh trung gian giúp Nhà nước quản lý, ban hành và thực hiện chính sách kinh tế vĩ mô, đảm bảo tính trọn vẹn và ổn định của nền kinh tế. “Techcombank xem fintech như cánh tay nối dài giúp đưa ra giải pháp tiên tiến hơn cho các sản phẩm và dịch vụ, đặc biệt là trong lĩnh vực thanh toán, chuyển tiền và ngân hàng điện tử”.

Trong khi đó, ở góc độ nhà cung cấp fintech, theo ông Nguyễn Hòa Bình, Chủ tịch NextTech, fintech tạo ra các giá trị mới, mang đến cả thách thức lẫn cơ hội cho các tổ chức tài chính - ngân hàng truyền thống nếu được nhận diện đúng. Nếu fintech không thay thế được các giá trị cũ của ngành tài chính - ngân hàng truyền thống thì cũng sẽ kéo khách hàng tập trung về tay một vài tổ chức. Ông Bình so sánh: “Quan hệ ngân hàng - fintech cũng sẽ đi qua một giai đoạn tương tự cái nhìn “thù địch” của ngành vận tải truyền thống đối với Uber hay ngành khách sạn đối với Airbnb”.

Ngân hàng “đối mặt” fintechTheo ông Bình, Nhà nước cần khuyến khích thí điểm các thành tựu ứng dụng fintech có lợi trên thế giới tại Việt Nam để thúc đẩy sự năng động của thị trường. Lĩnh vực fintech tại Việt Nam phát triển chưa như kỳ vọng do hiện mới là giai đoạn phát triển sớm, vừa chịu sự chi phối của yếu tố cung - cầu vừa thiếu sự cởi mở và hợp tác từ các tổ chức tài chính ngân hàng truyền thống vì e ngại hoặc chưa nhận thức đủ về sự cần thiết phải “hợp tác với các fintech để chống lại chính các nguy cơ đến từ fintech”.

Theo ông Ivan Mortimer-Schutts - chuyên gia Ngân hàng Thế giới, công nghệ ngày nay được ứng dụng trong tất cả các lĩnh vực phi ngân hàng, từ truyền thông, giải trí, giao thông, điện nước, đến khoa học nông nghiệp, logistics... Điều này đã làm tăng tính tương tác, thay đổi hành vi tiêu dùng và cách sử dụng dịch vụ của khách hàng theo hướng kỹ thuật số, khiến nhu cầu về các dịch vụ tài chính cũng phải thay đổi để thích ứng theo. Đây cũng chính là những yếu tố quan trọng thúc đẩy fintech phát triển cả về cung lẫn cầu.

Fintech sẽ dẫn đến các thay đổi mang tính cấu trúc và cách thức vận hành, quá trình biến đổi của thị trường sẽ không suôn sẻ và việc tích hợp fintech phải đối mặt với rất nhiều thách thức, từ chính sách, quy định quản lý đến vai trò của cơ sở hạ tầng và các dịch vụ công đều cần được lưu tâm. Chuyên gia này cho rằng thách thức với nhà hoạch định chính sách là khung pháp lý cần cải tiến để thích ứng với các thay đổi “vừa chấp nhận đột phá, vừa kiểm soát được các biến động. đồng thời bảo vệ người tiêu dùng và duy trì tính thống nhất của các thị trường”.

Hoàng Duy
Nguồn The Saigon Times