Cuộc chiến cấu hình đang làm khó smartphone cao cấp
Smartphone cao cấp không còn lợi thế về cấu hình, sức mạnh khi chính người dùng cũng ít quan tâm đến chúng. Trong khi đó, nhóm tầm trung với lợi thế về giá đang phát triển mạnh mẽ.
Trong chưa đầy 5 năm, đường ranh giữa điện thoại "cao cấp" và "trung cấp" đã trở nên mờ nhạt.
Màn hình HD siêu lớn, camera với số chấm khủng, RAM dung lượng lớn, chip nhiều nhân... từng là đặc quyền của thiết bị cao cấp nhiều năm qua. Đi kèm với đó là mức giá "chát".
Câu chuyện đã thay đổi. Vào năm 2016, với mỗi thiết bị cao cấp ra mắt, một đối thủ với cấu hình cạnh tranh, nhưng giá chỉ phân nửa xuất hiện.
Với sự bùng nổ của các OEM hiện tại, với năng suất ra mắt thiết bị gấp trước đây nhiều lần, mức giá gần như là điểm duy nhất để phân biệt hai phân khúc.
Và giá tiền ngày càng quan trọng hơn đối với khách hàng. Một nghiên cứu nhanh vào giữa năm của công ty OnePulse từ Anh cho thấy giá tiền là yếu tố quan trọng nhất được người dùng cân nhắc, trước cả thương hiệu và lượng pin, thiết kế chỉ đứng hạng 4, trước cả bộ nhớ, camera, các bài đánh giá, phụ kiện...
Những yếu tố thường được các thương hiệu cao cấp "khoe khoang" dường như trở thành "không liên quan" với người dùng. Theo đó, người dùng đa số (trên 80%) chỉ hiểu các khái niệm liên quan bộ nhớ, kích thước màn hình và camera. Đến 40% không biết pixel hiển thị là gì, 47% không hiểu khái niệm RAM, thậm chí, đến 61% chẳng hiểu về vi xử lý.
Các ông lớn dường như nhận ra điều này, những lời giới thiệu của họ ngày càng mơ hồ, những thông tin thực tế về thông số, số liệu ngày càng ít xuất hiện ở các buổi ra mắt, thay vào đó là những lời tự tán dương.
Chúng ta nghe đến nhàm tai những lời giới thiệu gần đây cho thiết bị cao cấp của mình, "điện thoại mạnh mẽ nhất lịch sử", "những công nghệ tân tiến nhất", "chất lượng camera đứng đầu thế giới".
Dễ hiểu, các ông lớn đã mất nhiều năm nghiên cứu, đầu tư để đạt được cấu hình bão hòa, nhưng chỉ trong khoảng 1 năm, các thiết bị trung cấp đã bắt kịp.
"Bên ngoài Trung Quốc, nhiều thương hiệu gần như không có tên tuổi, nhưng họ vẫn phải đặt quyết tâm bắt kịp Apple, Samsung nếu muốn tiến vào các thị trường đã bão hòa như Mỹ hoặc Tây Âu", Anthony Scarsella, chuyên gia nghiên cứu mảng Di động của IDC nói trên TechSpot.
Các con số thống kê đang chống lại những ông lớn. Tháng 4, IDC cho thấy doanh số, thị phần của Apple, Samsung sụt giảm. Nhưng tên tuổi smartphone tầm trung, phần nhiều đến từ Trung Quốc, vươn lên với con số tăng trưởng trên 100%.
Chuyên gia từ Gartner cũng đồng quan điểm. "Các thương hiệu lớn gặp bão hòa, trong khi các tên tuổi tầm trung mới lên đang gặm nhấm thị phần của họ", Anshul Gupta, giám đốc nghiên cứu Gartner nói. Từ con số gần bằng 0, ba thương hiệu Trung Quốc đã chiếm được 17% thị phần toàn cầu, tính đến quý I/2016.
Câu chuyện không chỉ dừng lại ở một chiếc smartphone. Những thương hiệu mạnh về nhóm trung cấp đang đón đầu những người dùng chuyển từ điện thoại cơ bản, và thu hút họ bằng những thiết bị cao cấp về sau.
Trong cuộc chiến này, những tên tuổi cũ đang rơi rụng dần. Hai cái tên đứng đầu nhóm cao cấp đang chật vật. Apple rơi rụng doanh số iPhone cao cấp, nguồn thu nhập chủ yếu của họ. Nỗ lực tiến đánh thị trường tầm trung là iPhone SE không thành công.
Ở đầu bên kia, nhóm trung cấp của Samsung đang chịu sự tấn công dữ dội của các tên tuổi mới, thậm chí mất vị trí lợi nhuận cao nhất nhóm Android vào tay Huawei.
Giá thành trở thành lợi thế, khoảng cách chất lượng được rút ngắn, cộng với việc nhiều thương hiệu cao cấp ngày càng tỏ ra hụt hơi trong việc giữ được "đẳng cấp". Điện thoại tầm trung có nhiều cơ hội vươn lên. Các smartphone cao cấp sẽ cần làm nhiều hơn để tạo ra sự khác biệt so với những đối thủ ở mức giá rẻ hơn.
Lê Phát
Nguồn Zing News