Doanh nghiệp nhựa năm 2017: Cẩn trọng với sự dòm ngó của người Thái!

Là một ngành khá non trẻ so với các ngành công nghiệp khác trong nước, nhưng với tốc độ tăng trưởng 16% - 18% trong 5 năm trở lại đây, ngành nhựa hiện chỉ đứng sau viễn thông và dệt may.

Kết quả kinh doanh ấn tượng trong 9 tháng đầu năm

Trong 9 tháng đầu năm, kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp nhựa đều ở mức ấn tượng. Điều này đến từ việc giá nhựa hồi phục trở lại từ quý III/2016. Giá hạt nhựa giảm giúp cải thiện biên lợi nhuận gộp cho các doanh nghiệp nhựa nội địa.

Ở mảng nhựa bao bì, hiện có 12 doanh nghiệp niêm yết thuộc nhóm ngành nhựa bao bì niêm yết trên thị trường chứng khoán, trong đó, doanh nghiệp với quy mô lớn nhất về doanh thu và lợi nhuận là CTCP Nhựa và Môi trường xanh An Phát (mã AAA) và CTCP Công nghiệp – Dịch vụ - Thương mại Ngọc Nghĩa (mã NNG) với tỷ lệ doanh thu chiếm cùng 23% nhóm doanh nghiệp nhựa bao bì; lợi nhuận sau thuế chiếm lần lượt 39% và 19%.

Nhóm ngành bao bì xây dựng nhìn chung đều tăng trưởng so với cùng kỳ cả về doanh thu và lợi nhuận với tỷ lệ tăng tương ứng là 9,42% và 41,2%. Trong đó, nổi bật nhất là CTCP Vicem Bao bì Bỉm Sơn (mã BPC) với mức tăng trưởng lợi nhuận cao nhất so với cùng kỳ (93,5%).

Doanh nghiệp nhựa năm 2017: Cẩn trọng với sự dòm ngó của người Thái!

Ở mảng nhựa xây dựng, các doanh nghiệp nhựa xây dựng chiếm ưu thế hơn về quy mô trên thị trường nhựa với tổng vốn hóa hơn 20.500 tỷ đồng. Trong đó, CTCP Nhựa Tiền Phong (mã NTP) và CTCP Nhựa Bình Minh (mã BMP) có doanh thu chiếm đa số với tỷ lệ là 40% và 32%; tỷ lệ lợi nhuận sau thuế đóng góp lần lượt là 30% và 58%.

Cùng với doanh thu và lợi nhuận tốt, cổ phiếu ngành nhựa cũng có sự bứt phá mạnh mẽ.

Triển vọng và thách thức trong năm 2017

Theo VCBS, tiềm năng của ngành nhựa còn rất lớn, với chỉ số tiêu thụ nhựa bình quân đầu người của Việt Nam chỉ mới đạt mức 41 kg/năm, còn khá thấp so với mức bình quân của châu Á là 48kg/năm và của thế giới là 70kg/năm. Các hiệp định thương mại quốc tế như Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – Liên minh châu Âu (EVFTA), Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) cũng đem lại kỳ vọng lớn cho các doanh nghiệp nhựa trong nước.

VCBS lạc quan cho rằng, với diễn biến kinh doanh tích cực trong 9 tháng đầu năm, xuất khẩu sản phẩm nhựa sẽ tiếp tục duy trì đà tăng trong năm sau, thị trường trọng điểm là Nhật Bản và Mỹ. Trong khi đó ở thị trường Châu Âu, diễn biến không thuận lợi của đồng EURO sẽ gây thiệt hại về số lượng đặt hàng và các doanh nghiệp nội còn chịu cạnh tranh từ chính hàng hóa sản xuất tại khu vực này do chi phí nguyên liệu giảm khi đồng EURO xuống thấp.

Sự phát triển của nhựa bao bì phụ thuộc lớn vào ngành end – product như thực phẩm, đồ uống. Trong tương lai, tình hình kinh tế khởi sắc sẽ gia tăng tầng lớp trung lưu và tốc độ đô thị hóa. Đây là nhân tố tích cực để ngành công nghiệp thực phẩm phát triển. Theo BMI Reasearch, ngành công nghiệp thực phẩm được dự báo sẽ tăng trưởng kép hằng năm cho giai đoạn 2015 – 2020 là 10,9%. Ngành đồ uống với các sản phẩm trà xanh đóng chai, trà thảo mộc, nước tăng lực dự kiến tăng trưởng hằng năm kép 2015 – 2019 lần lượt là 17,8%, 27,6%, 24,7%. VCSC khẳng định, đây chính là tiền đề cho sự phát triển của ngành bao bì nhựa.

Tiềm năng của ngành nhựa còn rất lớn, với chỉ số tiêu thụ nhựa bình quân đầu người của Việt Nam chỉ mới đạt mức 41 kg/năm, còn khá thấp so với mức bình quân của châu Á là 48kg/năm và của thế giới là 70kg/năm.

Với nhựa xây dựng, bất động sản và xây dựng ấm lên hỗ trợ lớn cho sự phát triển của ngành. Cùng với đó nhựa tái chế cũng là xu hướng mới trong tương lai.

Tuy nhiên, công ty chứng khoán này cũng cảnh báo rằng, các doanh nghiệp nhựa cũng sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức trong tương lai gần như mức thuế xuất khẩu hạt nhựa PP sẽ tăng lên 3% bắt đầu từ năm 2017, quy mô doanh nghiệp kinh doanh nhỏ, rải rác cũng như kỹ thuật lạc hậu, thô sơ,… cũng là điểm yếu khi cạnh tranh với các doanh nghiệp ngoại trên thị trường trong nước.

Đặc biệt, các doanh nghiệp cần hết sức cẩn trọng với sự dòm ngó thâu tóm của người Thái.

Nổi bật nhất phải kể đến tập đoàn SCG đến từ Thái Lan. Tính đến thời điểm hiện tại, SCG đã chi khoảng 121 triệu USD đầu tư vào 7 doanh nghiệp nhựa Việt Nam. Đối với phân khúc bao bì nhựa, SCG đã chi 44 triệu để thâu tóm bao bì Tín Thành (Batico), một trong năm doanh nghiệp lớn nhất ngành bao bì nhựa. Công ty Nhựa Tín Thành cũng đã bất ngờ bán lại 80% cổ phần cho Tập đoàn SCG với giá 44,4 triệu USD.

Không chỉ có vậy, SCG còn thâm nhập sâu vào ngành nhựa xây dựng Việt Nam khi sở hữu 23,8% cổ phần Nhựa Tiền Phong và 20,4% Nhựa Bình Minh. Theo VCBS, làn sóng thâu tóm các doanh nghiệp từ việc mua vốn SCIC và mua đứt các doanh nghiệp nhỏ sẽ tiếp tục diễn ra trong tương lai. Điều này có thể dễ thấy qua việc một số doanh nghiệp Thái đã đánh tiếng muốn mua lại toàn bộ cổ phần nhà nước thoái vốn tại các công ty nhựa trong năm 2016.

Ngọc Đỗ
Nguồn BizLive