Giấc mơ Mỹ của Vinamit

Đến Mỹ từ năm 1995, nhưng rồi phải tháo chạy và quyết tâm thâm nhập và bén rễ thị trường Trung Quốc với các sản phẩm nông sản sấy khô, Vinamit bỗng dưng rẽ hướng, và ông chủ Vinamit khởi nghiệp lần hai với sản phẩm organic và thị trường Mỹ.

Đến Mỹ lần này, ông Nguyễn Lâm Viên, Tổng giám đốc Vinamit, đón nhận tin vui. 54 sản phẩm organic của công ty này đã được Control Union, một tổ chức kiểm định và đánh giá độc lập uy tín hàng đầu thế giới, trụ sở chính tại Hà Lan, cấp giấy chứng nhận theo tiêu chuẩn USDA (Mỹ) và EU cho cả sản phẩm tươi và sản phẩm chế biến.

Chưa kịp cầm chứng nhận trên tay thì đã có chừng dăm siêu thị lớn ở Mỹ, ngay lập tức tìm đến đặt hàng, trong đó chỉ một đơn hàng thôi: 30 tấn/tháng. Rằng vui thì thật là vui “nhưng lấy đâu ra chừng đó mà bán”?

Cánh cửa giấc mơ Mỹ

Hành trình chinh phục nước Mỹ của vị doanh nhân gắn bó với cây trái từ nhiều năm nay bắt đầu từ năm 1995, khi Vinamit đưa sản phẩm vào và lập công ty ở đây nhưng chỉ sau hai năm… thì “thất trận, bỏ chạy”.

20 năm sau, điều đó mới lặp lại với một công ty mới: Vinatural, một động thái mà ông Viên cho rằng mình “tự tin hơn”.

“Cánh cửa đã mở khi Vinamit có thực phẩm organic. Tôi cảm thấy rất hưng phấn để quay trở lại thị trường Mỹ lần thứ hai. Cuộc cách mạng này với Vinamit mới là giai đoạn mở đầu, cần 5 – 10 năm nữa sẽ bùng nổ”, ông Viên nhận định.

Giấc mơ Mỹ của Vinamit

Các sản phẩm như chuối, mít, hồi, quế… “bẩm sinh đã là organic rồi, vì người dân đâu cần cho phân bón gì đâu”. Và vì thế, nông nghiệp organic chẳng phải thứ gì xa lạ, mà “rất phù hợp với Việt Nam”.

Tiêu chuẩn sản xuất thực phẩm hữu cơ được xem là tiêu chuẩn chất lượng cao cấp nhất hiện nay trên thế giới, vì quy trình sản xuất tuân theo các quy định vô cùng nghiêm ngặt: hoàn toàn không có sự can thiệp của hoá chất, thuốc kháng sinh, hormone tăng trưởng hay sử dụng các thành phần biến đổi gen…

Nhờ vậy, các loại thực phẩm organic rất giàu các chất dinh dưỡng tự nhiên, đảm bảo an toàn tuyệt đối cho sức khoẻ của người sử dụng và nhờ vậy trở nên phổ biến ở các thị trường Âu – Mỹ.

Nhưng với những người làm nông nghiệp Việt Nam, thực hành hữu cơ đòi hỏi sự kiên nhẫn và cả máu liều nữa.

Kiên nhẫn là phải nghiên cứu và đầu tư bài bản, từ cải tạo đất, tạo hệ sinh thái cân bằng, tạo nguồn dinh dưỡng hữu cơ cho đến trồng trọt, thu hoạch, bảo quản và chế biến.

Cuộc hành trình tưởng đơn giản đó cần phải tuân thủ nghiêm ngặt chừng hơn 500 chỉ tiêu.

Liều lĩnh là vì sự gian khổ đó mà không ít người hoài nghi cho rằng organic là phi hiện thực, đặc biệt là trong một nền nông nghiệp đang tràn ngập thực phẩm bẩn, với một năm ngốn hơn 100.000 tấn thuốc bảo vệ thực vật và 12 triệu tấn phân hoá học như Việt Nam hiện tại.

Người làm organic nhận không ít gạch đá. Giá bán, dĩ nhiên sẽ phải cao, vì thế, đầu ra cần phải tính toán.

“Cách đây vài năm, tôi có nói con đường nông nghiệp Việt Nam chỉ có cơ hội duy nhất lọt vào thế giới bằng kênh organic. Cũng giống như thị trường bán lẻ, những kênh bán lẻ lớn thế giới đã chiếm lĩnh hết rồi, vậy còn cơ hội nào lọt vào nếu không tìm ra thị trường ngách? Nếu Việt Nam phát triển canh tác organic theo tiêu chuẩn quốc tế mới có hy vọng bước vào kênh đó. Đó là lý do Vinamit nỗ lực mấy năm qua”.

Organic theo kiểu… ông bà

Organic hay tự nhiên, là điều mà chỉ mới mấy chục năm trước còn là điều phổ biến của ngành nông nghiệp, thì nay, giống như một giấc mơ. Những người như ông Viên đang muốn thúc đẩy lại nghề cũ.

Vậy mà ông bảo, “trở ngại lớn nhất với ông là làm việc với nông dân và… các kỹ sư canh tác”.

Giấc mơ Mỹ của Vinamit

Ông Nguyễn Lâm Viên, Tổng giám đốc Vinamit.

Ông kể, hai câu hỏi mà ông thường được hỏi nhiều nhất là không phun thuốc thì làm sao tránh sâu bệnh, không bón phân hoá học thì làm sao cho cây đủ dinh dưỡng?

Để trả lời, ông lấy chuyện ông bà ra: “Ngày xưa có miếng hoá học nào đâu, chỉ lấy phân từ chính mảnh vườn để trả lại cho đất. Ông bà ngày xưa nuôi giun đất, nuôi bò, bộ tiêu hoá của giun đất và con bò là hai bộ tiêu hoá tuyệt vời nhất mà chúng ta cần học hỏi. Chỉ khác là bây giờ, thay vì cho đất nghỉ một vụ, chúng ta phải ủ những chất đạm để bù lại cho đất sẽ hồi phục nhanh hơn.

“Ông bà phòng bệnh bằng cách nào? Tập mắc mùng cho các loại cây. Giờ xịt thuốc lại làm chết những côn trùng có lợi. Phải nuôi dưỡng hết các loài côn trùng, đất tốt thì muôn loài mới về, thiên địch lẫn nhau. Cách tốt nhất là kiểm soát thiên địch, giăng mùng cho cây khi còn bé quá, chưa thích nghi được”.

Nông dân thì sáng nói một đằng, chiều về làm khác. Kỹ sư thì… cũng chùn tay. Mắc mùng cho cây là một ví dụ. Vậy những cây cao như cây xoài thì làm sao mắc mùng?

Ông bảo, cao thì cắt ngọn cho thấp lại. Nhưng khi ông nói với các kỹ sư điều đó, chẳng ai dám làm, chưa làm tay đã run vì “nhỡ cây chết thì sao”?

Vậy là, đích thân ông Viên phải xách rựa đi chặt. Cây chẳng những không chết mà cành lá còn mọc sum suê. Nhờ đó, các kỹ sư thấy mới tin.

Một điều nữa trong thực hành nông nghiệp organic nữa là tạo tán lá để cho cây tiếp cận ánh sáng nhằm diệt sâu bệnh. Đấy là một cách dùng tự nhiên thay cho thuốc bảo vệ thực vật.

Tên gọi mỹ miều bảo vệ thực vật, nhưng kỳ thực, loại thuốc này là tiêu diệt sâu bệnh và tiêu diệt luôn cả những ký sinh trùng, vi khuẩn tốt. Vậy nên, dùng cách tự nhiên như tạo ánh sáng là rất tốt, bên cạnh các loài thiên địch.

Ông Viên bảo rằng cách tốt nhất là đừng đuổi con nào hết, tự nhiên sẽ có cách của tự nhiên. Nghĩa là nếu có chuột thì tạo cơ hội cho thiên địch rắn mối, thế là chuột hết. Có loại chim phá hoại thì có diều hâu diệt, khi chưa có diều thiệt thì chỉ cần tạo hình nộm thôi, chim phá hoại cũng bay đi.

Giấc mơ Mỹ của Vinamit

“Thiên địch luôn đối kháng nhau, phải tìm sự đối kháng đó để canh tác. Phải biết suy luận, ứng phó mới gọi là nông nghiệp tự nhiên. Đó là cuộc cách mạng để thay đổi tương lai chúng ta”.

Rất khó thay đổi tập quán canh tác đã ăn sâu vào máu, cho dù máu của người nông dân về nông nghiệp tự nhiên đã có từ rất lâu, vậy là Vinamit phải tự tay làm, thuê đất của nông dân và làm. Vinamit xây dựng đội canh tác, đội quản lý ngay tại từng địa phương.

Nhà máy của Vinamit trải dài từ miền Đông đến miền Tây Nam bộ, có người chỉ huy từng địa phương. Ông Viên bảo Vinamit đang tận dụng cây trái tự nhiên rất tốt, từ những rừng chuối tự nhiên kéo dài từ U Minh thượng tới U Minh hạ, trái không to, “người ta chê nhưng tôi rất thích”.

Các loại chuối ở Tây Bắc càng tốt vì mọc dài, chẳng cần phân bón, hay khoai lang ở Tây Nguyên cũng tự nhiên… Chỉ có vài loại khiến cho đội ngũ Vinamit “đau khổ nhiều nhất” và phải đích thân canh tác là xoài và thanh long.

Sở dĩ hai loại trái cây này gây khổ sở chính là thị trường Việt Nam lẫn Trung Quốc, nơi Vinamit hoạt động rất mạnh, có thói quen ưa chuộng trái cây “da phải láng, mịn”.

Vậy là người trồng cứ phải phun thuốc lên. Điều oái oăm là càng phun thì nấm bệnh càng nhiều, nấm bệnh càng nhiều thì lại càng phải phun nhiều.

Hệ quả là nấm bệnh chết hoặc kháng thuốc, các sinh vật tốt cũng chết theo. Vậy là phải cứ đi tìm vùng trồng mới, hết Cam Ranh tới Phan Thiết, Phan Rang… Vinamit hiện có năm nhà máy chế biến, sản lượng mỗi năm khoảng 5.000 tấn thành phẩm, tương đương vài chục ngàn tấn nguyên liệu.

Năm tới, Vinamit dự tính sẽ mở thêm một số nhà máy mới tại Bến Tre, Đồng Tháp và Lâm Đồng bên cạnh các nhà máy hiện tại ở Dăk Lăk, Đồng Nai và Kiên Giang.

Hiện tại, diện tích canh tác của công ty độ chừng hơn 20.000ha, vì thế dùng rất nhiều phân hữu cơ như phân xanh, phân chuồng. Tính trung bình mỗi hecta, Vinamit mỗi năm xài khoảng 30 tấn phân, tổng cộng, mỗi năm cần đến 60.000 tấn, một con số không hề nhỏ.

Vậy mà, công ty tự sản xuất nguồn phân này. Vinamit cũng không tiếc tiền nhập những chiếc máy cắt có trị giá cả 10.000 USD để gắn vào các máy cày công suất lớn với nhiệm vụ: băm nát cỏ để làm phân.

Sau đó, nguyên liệu này được trộn vào ủ với phân bò, cộng thêm các dăm bào, xơ dừa nữa là ra thành phẩm.

Giấc mơ Mỹ của Vinamit

Cỏ thì trên nông trại, xơ dừa thì từ nhà máy của Thành Thành Công, phân bò thì giàu PK, còn N (nitơ) thì mua đầu cá trộn bổ sung vào. Để nâng chất tăng trưởng thì dùng dịch trùn quế hay sữa bột organic để phun lên lá. Tất cả nhằm bảo đảm đúng tiêu chuẩn organic.

Ông bảo, với các sản phẩm như chuối, mít, hồi, quế… “bẩm sinh đã là organic rồi, vì người dân đâu cần cho phân bón gì đâu”. Và vì thế, nông nghiệp organic chẳng phải thứ gì xa lạ, mà “rất phù hợp với Việt Nam”. Vì sao?

“Thứ nhất đó là bẩm sinh nông nghiệp tiểu nông, nhỏ bé. Thứ hai là cá tính con người Việt Nam nếu độc lập sản xuất rất thông minh, tinh xảo. Điểm thứ ba nền nông nghiệp Việt Nam hướng theo khoa học mới phát triển. Nền nông nghiệp trong thời gian qua đang tạo ra một trào lưu khi rất nhiều “đại gia” nhảy vào tham gia. Nhưng ông Viên lại tỏ ra thận trọng.

“Tôi nói ra đôi khi bị phản ứng, nông nghiệp organic thì không cơ giới hoá. Hoặc cơ giới hoá được thì phải bảo đảm cho sinh học cân bằng”. Lý do, cơ giới hoá thì rất dễ rơi vào tình trạng sử dụng phân hoá học, thiếu đi yếu tố tự nhiên…

Vậy là, ông bảo, ưu điểm của người Việt là xây dựng tinh hoa của từng cá nhân trên những cánh đồng nhỏ, tích cóp lại thành sức mạnh mới, có giá trị cao hơn cho người nông dân, vì thị trường tự nhiên chấp nhận trả giá cao hơn cho người canh tác tự nhiên.

“Tôi tin điều đó hơn là tạo những cánh đồng lớn quy tụ người dân lại. Vì tất cả tinh hoa của nông dân chỉ có thể phát huy trên cánh đồng của riêng họ, chứ không thể phát huy trên cánh đồng mẫu lớn”.

Xuân Phương
Nguồn Tiếp Thị Thế Giới