Bàn tay Midas của vua bánh mì
Từ một thiếu gia trở thành phu kéo xe, ông Kao Siêu Lực đi bán gạo, bột mì… rồi thành danh với Đức Phát và cũng tan nát vì Đức Phát, nhưng rồi, ông lại trở thành vua bánh mì với ABC nhờ bàn tay và khối óc thiên phú.
Đang làm bánh bông lan, ông Kao Siêu Lực mướn thầy làm bánh mì để học nghề. Vậy mà, ông thầy cứ giấu nghề, gạt ông.
“Mỗi ngày mình chuẩn bị đầy đủ hết nguyên liệu, nhưng cứ đến phần hấp dẫn nhất là ông ta sai mình đi lấy cái này, cái khác, làm mình nóng mặt. Mình là chủ, họ nhỏ tuổi hơn mà lại sai mình”.
Vậy là phải tìm cách. Ông kể, ngày hôm sau, ông cẩn thận cân hết nguyên liệu trước khi xài, ghi lại thật chi tiết. Sau khi họ làm xong, ông cân lại, “trừ ra số đã dùng để tìm ra công thức, rồi tự mình làm”.
Vậy mà, không ngờ, chiêu đó thành công. Ông thầy giấu nghề, nhưng mà ông chủ là học trò cũng moi được.
Câu chuyện của ông vua bánh mì Kao Siêu Lực đầy những chi tiết hấp dẫn và kịch tính. Xuất thân trong một gia đình khá giả, ba ông là nhà kinh doanh kiếng nổi tiếng ở Campuchia, nhưng cuộc nội chiến ở đây đã đẩy gia đình ông vào hoàn cảnh khó khăn, toàn bộ trường học bị đóng cửa.
Ông Lực xin cha cho đi học nghề cơ khí. Nhưng chỉ được hai ngày ông… đổi ý, vì sư phụ đánh học trò rất dữ. Ngày hôm sau, cha ông đã dắt tới giao cho người thợ cả cùng một… bao thơ: “Ông dạy nó thì dạy, không dạy đừng có uýnh nó nha”. Người thợ cả rất tận tình chỉ hết bí quyết nghề nghiệp.
Bốn tháng sau ông làm được năm sản phẩm, rất vui đưa cho thầy coi. Ông thầy lấy thước đo, nói “Đẹp rồi đó, ăn cháo đi con”. Ông không hiểu, về hỏi ba, ba nói “Con làm chậm quá, không đủ tiền ăn cơm thì ăn cháo chứ sao”.
Bức xúc vì câu nói đó, hôm sau, ông quyết đi làm sớm, và làm nhanh hơn. Bốn tháng tay nghề lên được 20 sản phẩm, sáu tháng sau lên 100 cái. Ông thầy cuối tháng đưa bao thư, nói tiền lương của con. 15 tuổi cầm số tiền đầu tiên mồ hôi nước mắt rất vui mừng chạy về: “Ba ơi con đã nhận được tiền lương đầu tiên”.
Ba nói: “Thực sự ba cũng mừng cho con”. “Nhưng tôi không biết ba đã mất bao nhiêu tiền hối lộ cho thầy”, ông kể.
Thời đó, Campuchia đang dưới thời Pôn Pốt. Gia đình ông Lực bị lọt vào danh sách đen vì là dân tư sản, “không biết chết lúc nào, tính mạng luôn bị uy hiếp”. Ngày ngày đi qua cái hố được thông báo trước là sẽ chôn gia đình mình, ông vô cùng chán nản, sợ hãi. Và thế là, ông trôi dạt đến Việt Nam “đúng một tháng đi bộ”. Lúc đó ông 24 tuổi.
Bước chân tới Sài Gòn không một đồng xu dính túi, không giấy tờ tuỳ thân, không bạn bè anh em bà con, không biết nói tiếng Việt Nam. Khó khăn lắm ông mới xin được chân phu xe ở bến xe Miền Tây. Nhưng do không biết tiếng, “cứ ngơ ngơ khờ khờ”, nên là “vừa đúng một ngày bị nghỉ”!
Mấy tháng sau, ông theo chân mấy người bán gạo, tìm hiểu người ta mua gạo ở đâu, kiếm chợ nào vắng vắng bỏ hai thau gạo xuống bán. Không có cân, chỉ có cái lon sữa bò gạt ngang. Cũng may gạo hồi đó dơ, ông biết cách sàng lại cho đẹp, người mua thấy là lạ, bắt đầu mua thử.
Thấy ông làm sạch sẽ, người mua dần tăng lên, rồi mở rộng, bỏ mối cho các cửa hàng làm hủ tíu, rồi mối bán lẻ, bán sỉ.
“Trước đó đâu có cơm ăn, toàn ăn cháo, ăn bánh mì, thậm chí còn chưa dám ăn sáng nữa. Giờ thì đã có cơm ăn!”
“Thị trường thức ăn nhanh nói không biết ai là Đức Phát, ai là ABC, chỉ biết Kao Siêu Lực. Tôi có thương hiệu riêng, trở thành một người có uy tín trên thị trường...”
Thời đó, nhiều quốc gia viện trợ bột mì. Thế là ông thu bột mì đổi gạo, rồi chào bán bột mì cho các mối làm mì sợi, bánh mì, bánh bông lan. Nhờ đó mà ông hiểu bột mì, biết cái nào làm bánh bông lan, cái nào làm bánh mì, cái nào làm mì sợi. Đó là năng khiếu trời phú, chỉ cần sờ là biết bột nào. Đứng giữa mì và gạo, ông chọn bột mì, bỏ gạo, dù hơi tiếc.
Nhiều lần, đi bỏ mối bột mì, ông thấy người ta đánh trứng bằng thủ công. Ông nghĩ, phần này có thể làm máy được mà. Nghề cơ khí học hồi nhỏ phát huy tác dụng, ông phác hoạ nên cái máy đánh trứng, rồi đi mua linh kiện, mày mò ráp thành cái máy.
Vậy mà, khi bỏ trứng vào đánh, đánh hoài không nổi. Buồn quá, ngồi chồm hổm dòm lên thấy cái quạt máy cánh đâu có bằng, mà xéo xéo, để tạo áp lực xuống, ông chợt hiểu lý do. Lấy kềm bẻ phần chân vịt xuống, bấm máy, vậy là máy chạy ro ro, cảm giác “trúng số cũng không bằng”.
Thế là vừa bỏ mối bột mì vừa làm bánh, khách hối làm không kịp. Ông trèo lên cân, thấy mình chỉ còn 45 ký. Hoảng quá, cuối cùng phải chọn một, đành bỏ bột mì, tập trung làm bánh.
Nghề bánh không xa lạ, vì ông bỏ bột cho Kinh Đô. Nhưng làm bánh bằng than lâu quá, nên lọ mọ tự xây một cái lò lớn. Xây lò xong xuôi, mừng lắm đi ngủ, nhưng không ngủ được. Sáng sớm dòm nguyên cái lò sụp xuống, ông nhìn mà không tin vào mắt mình nữa, “muốn bệnh luôn”.
Lại nghĩ ra trò khác, lọ mọ dọn cái cũ, xây lại cái mới, bánh nướng ra “đẹp ngoài sức tưởng tượng”. Mối lái tìm đến tận nhà, xếp hàng đầy. Ông phấn khởi, xây thêm lò, làm thêm máy, tăng cường sản xuất. Năm 1984 đánh dấu cửa hàng đầu tiên của ông mang tên Đức Phát ở đầu đường 3/2, quận 11.
Năm 1994, Nhà nước bắt đầu mở cửa, ông mua máy móc thiết bị của Nhật về để mở thêm cửa hàng. Lần đầu tiên có cơ hội học làm bánh ở Nhật, nhờ được chỉ dẫn tận tình, ông đã thổi một luồng gió mới vào thực đơn bánh của người Sài Gòn. Những loại bánh mới thơm, mềm, hoàn toàn khác, chinh phục thị trường khủng khiếp.
Người ta gọi ông là “vua bánh Sài Gòn”. Đức Phát phát triển lên cửa hàng thứ 5. Vậy mà, đùng một cái, cớ sự gia đình đẩy ông vào sự trắng tay với cuộc ly hôn của hai vợ chồng Đức Phát.
“Năm 2005, lúc đó hai vợ chồng tôi phát triển rất tốt thương hiệu Đức Phát. Tôi lo sản xuất, vợ lo quản lý sổ sách, văn võ song toàn. Nhưng gia đình tôi lại phát sinh không may mắn, ngoài ý muốn. Tôi chia tay vợ, đề xuất ly dị. Cuối cùng toà án đồng ý. Tôi lại trở thành hai bàn tay trắng một lần nữa, mất thêm thương hiệu”.
Cuộc chia tay cao thượng của ông khiến ông mất đi đứa con tinh thần, nhưng ba đứa con ruột thịt của ông đang học ở nước ngoài đã đi theo ông. Và thế là, ABC, tên của ba người con đã được ông Kao Siêu Lực, đặt tên cho doanh nghiệp mới, một thương hiệu mới. Đó là Angiela, con gái thứ Kao Huy Minh; Bruch, con trai út Kao Hớn Phong; và Christine, con gái đầu Kao Huy Phương. Tên được nhiều người biết hơn là Asia Bakery Confectionery.
Lần dựng nghiệp thứ hai của ông Lực ông có trong tay số vốn ít 400 USD tiền mặt, mười cửa hàng với một cái xưởng ở vị trí không thuận lợi, nên “tôi khó khăn vô cùng”. Ông bảo, “Thị trường thức ăn nhanh nói không biết ai là Đức Phát, ai là ABC, chỉ biết Kao Siêu Lực. Tôi có thương hiệu riêng, trở thành một người có uy tín trên thị trường. Áp lực chung buộc tôi phải đứng lên, biến áp lực trở thành động lực”, ông nhớ lại.
Ông kể, mình nhận được sự giúp đỡ rất lớn của ông Trần Kim Thành công ty Kinh Đô, dù hai người cùng làm trong nghề bánh, xét theo nghĩa thị trường thì là đối thủ, nhưng theo cộng đồng thì cùng là người Hoa. Ông kể, trong một lần ăn sáng với ông Thành của Kinh Đô, ông tâm sự chuyện gia đình. Ông Thành khuyên ông Lực phải đấu tranh, giành lại thương hiệu Đức Phát, nhưng ông “đấu tranh không lại, nên rất đau lòng”. Vậy nhưng, “Tôi nghĩ thương hiệu Đức Phát cũng một tay tôi dựng lên, tại sao mình không tạo dựng được ABC”?
Khó nhất với ông lúc đó là xoay xở dòng vốn, nhất là tiền bột mì. Khách mua nguyên liệu thì không trả tiền ngay, còn bán bánh thì giao ngay mà không lấy được tiền liền. Hai năm đằng đẵng như thế, ông thấy bí quá. Cũng may, nhà máy bột mì cũng gia hạn thời gian, rồi ông thế chấp nhà cửa, xoay xở đủ thứ. Vậy mà, giữa sự tưởng là bí rị đó, ông vẫn phát triển thêm xưởng mới, nhập thêm máy móc thiết bị vì “thấy được tương lai”.
Thành công của ông được mổ xẻ là xuất phát từ đôi bàn tay vàng và khối óc sáng tạo, cũng như trái tim nhiệt huyết.
Và thế là, khi hàng loạt các thương hiệu bánh nước ngoài đổ bộ vô thị trường nội địa, ông Lực không nao núng. Lúc này, ông lại đi một nước cờ khác người: không đối đầu mà trở thành đối tác. Thế là ABC trở thành nhà cung cấp cho các thương hiệu nổi tiếng như chuỗi thức ăn nhanh quốc tế McDonald’s, Carl’s Jr., Burger King, các chuỗi càphê như Starbucks, và cả những siêu thị, cửa hàng tiện lợi có tiếng, rồi gia công cho các khách sạn 5 sao… Nhờ đó, 98% thị phần thức ăn nhanh tại Việt Nam là khách hàng của ABC.
Thành công của ông được mổ xẻ là xuất phát từ đôi bàn tay vàng và khối óc sáng tạo, cũng như trái tim nhiệt huyết. Ông ẵm về đủ thứ huy chương quốc tế, mỗi lần nhận giải thưởng quốc tế là đều đưa các con đi chung để chia sẻ niềm vui gia đình.
Ông tự hào kể ba người con tính cách khác nhau, nhưng ai nấy giỏi giang. Christine học chuyên gia thực phẩm, từng đoạt huy chương vàng, rất nổi tiếng ở Singapore, “là người bản lĩnh, giỏi đối ngoại, khách hàng nào gặp rồi bỏ đi cũng khó”. Angiela lại giỏi đối nội, mạnh dạn cải cách. Còn Bruch cũng đang nối gót các chị để tiếp tục theo nghiệp của ba. Nói đến đây, ông cười, nụ cười đầy mãn nguyện, chuẩn bị cho cuộc chuyển giao êm đềm.
Nói vậy, nhưng cuộc chuyển giao cũng phải được chuẩn bị kỹ lưỡng. Ông bảo, mình thường xuyên kể lại bốn kinh nghiệm kinh doanh cho con nghe: “Thứ nhất, làm gì cũng lấy lương tâm làm đầu, dứt khoát không cho hoá chất vào bánh. Thứ hai, làm việc phải biết người biết ta, đừng coi lao động là công nhân, nên coi là anh em đồng lòng hơn, dễ nói chuyện hơn, để tạo đoàn kết nội bộ. Thứ ba, trong làm ăn phải đối mặt với hiện thực, thận trọng, đối với khách hàng phải khiêm tốn, giữ uy tín chung. Thứ tư, cố gắng thu xếp phần sản xuất, hạn chế tiêu hao, chi phí thấp nhất. Trước khi bàn giao cho các con, tôi phải hoàn thiện mọi quy trình để ai dòm vô cũng biết. Trồng cái cây lớn khoẻ, các con cứ theo đó chăm sóc để hái quả thành lẽ tự nhiên rồi”.
Kim Yến
Nguồn Tiếp Thị Thế Giới