Cuộc chiến giành và giữ người tiêu dùng

Các nhà bán lẻ trong và ngoài nước đang làm mọi cách để giành và giữ người tiêu dùng Việt Nam. Người tiêu dùng hiện được hưởng lợi nhưng những nhà sản xuất thì... ngộp thở.

Đủ mặt anh tài

Cuối tuần rồi, chị Hồng cất công vượt hơn 20 cây số từ xã Phú Xuân, huyện Nhà Bè sang quận Gò Vấp (TPHCM) để đi mua sắm tại siêu thị Emart trên đường Phan Văn Trị. Chị đọc được quảng cáo ở đây có chương trình “Lễ hội hàng tiêu dùng Hàn Quốc 2016”. Vốn mê hàng Hàn Quốc lại ghiền săn hàng khuyến mãi, giảm giá nên chị Hồng mang về túi lớn túi nhỏ. “Hàng nhập Hàn Quốc mà giá tốt ghê. Dân tình mua quá trời”, chị Hồng hồ hởi.

Sự kiện chị Hồng nhắc đến, trước đó đã được công bố rộng rãi với nhiều thông tin hấp dẫn người tiêu dùng như hàng Hàn Quốc giá phải chăng, khuyến mãi, tặng quà đầy tay cùng nhiều hoạt động giải trí bên lề cho người mua sắm. Đặc biệt, đây là sự kiện được Thương vụ Hàn Quốc tại TPHCM (KOTRA) cùng nhiều cơ quan khác bảo trợ.

Emart Gò Vấp hiện là siêu thị đầu tiên hoạt động tại Việt Nam tính đến thời điểm này của nhà đầu tư - nhà bán lẻ Emart, một công ty được tách ra từ tập đoàn Shinsegae của Hàn Quốc. Dù chỉ mới đi vào hoạt động từ cuối tháng 12-2015 nhưng cái tên này được khá nhiều người tiêu dùng Việt Nam chú ý. Thậm chí, có nhiều người còn có tâm lý “phải đi một lần cho biết”.

Cuộc chiến giành và giữ người tiêu dùng

Những gì diễn ra ở khu vực Gò Vấp, TPHCM cũng chính là bức tranh chung của thị trường bán lẻ Việt Nam. Ảnh: Quốc Hùng.

Cách Emart không xa, nằm trên đường Nguyễn Văn Lượng, quận Gò Vấp có một siêu thị Hàn Quốc khác cũng khá nhộn nhịp. Đó là Lotte Mart Gò Vấp của tập đoàn Lotte. Siêu thị này được khai trương hồi cuối tháng 4 vừa qua, chậm hơn kế hoạch công bố trước đó hơn một năm. Ở thời điểm khai trương, ông Hong Won Sik, Tổng giám đốc của Lotte Mart Việt Nam, cho biết Lotte Mart Gò Vấp có tổng vốn đầu tư 45 triệu đô la Mỹ, được áp dụng mô hình mới nhất từ Hàn Quốc, từ những trang thiết bị hiện đại đến những dịch vụ mới. Tại đây, ngoài khu mua sắm tự chọn còn có các khu vực riêng biệt như khu chăm sóc tóc, chăm sóc thú cưng... nhằm đáp ứng những nhu cầu đa dạng của khách hàng, đem đến nhiều trải nghiệm mới lạ. Đây là lần đầu tiên, Lotte Mart Việt Nam phải “bê” mô hình mới nhất từ Hàn Quốc vào Việt Nam, khác hẳn với những gì đã làm với 11 trung tâm thương mại đã khai thác. Nguyên nhân là do thị trường ở khu vực Gò Vấp rất cạnh tranh khi có rất nhiều doanh nghiệp tham gia khai thác.

Đúng như ông Hong chia sẻ, trên tuyến đường Phan Văn Trị đã gần như “đủ mặt anh tài” các nhà bán lẻ hiện có ở Việt Nam. Đó là Co.opmart của Saigon Co.op; Vincom Plaza của Vingroup, Emart của Tập đoàn Emart. Cách đó không xa thì có Big C Gò Vấp ở đầu đường Nguyễn Oanh. Và nếu tính cả nhà bán lẻ điện máy thì còn có Nguyễn Kim.

Để cạnh tranh với các nhà bán lẻ khác, Lotte Mart Gò Vấp đã phải thực hiện nhiều việc “đầu tiên”. Mới nhất, siêu thị này là một trong những điểm bán lẻ được chọn trong chuỗi Lotte Mart tại Việt Nam triển khai dự án “Lotte Art”. Tại đây, khách hàng đến mua sắm còn được tham gia nhiều hoạt động văn hóa, giải trí như xem biểu diễn nghệ thuật đường phố, thi vẽ tranh 3D, chụp hình miễn phí... có sự tương tác hai chiều. Đại diện Lotte Mart Việt Nam chia sẻ, Lotte Art được coi là dự án chiến lược đầu tư nhằm gia tăng vị thế trên thị trường bán lẻ thông qua việc đem đến nhiều trải nghiệm mới lạ, độc đáo hơn cho khách mua sắm.

Chia sẻ với chúng tôi mới đây, đại diện Lotte cho biết, trong thời gian tới nhà bán lẻ này cũng sẽ liên kết với KOTRA để triển khai những đợt quảng bá, bán hàng Hàn Quốc như đã được tổ chức tại Emart.

Cuộc cạnh tranh gay gắt giữa các nhà bán lẻ, không chỉ là giữa trong nước với nước ngoài mà còn là giữa các nhà bán lẻ cùng quốc tịch hoặc giữa các nhà đầu tư nước ngoài.

Những gì diễn ra ở khu vực Gò Vấp, TPHCM cũng chính là bức tranh chung của thị trường bán lẻ Việt Nam. Đó là cuộc cạnh tranh gay gắt giữa các nhà bán lẻ, không chỉ là giữa trong nước với nước ngoài mà còn giữa các nhà bán lẻ cùng quốc tịch hoặc giữa các nhà đầu tư nước ngoài. Cuộc lật đổ của BJC của Thái Lan với Family Mart của Nhật Bản trong liên doanh với Phú Thái hay cuộc tranh mua hệ thống Big C Việt Nam giữa nhiều nhà đầu tư trong thời gian vừa qua là những ví dụ sinh động. Điều đó cũng dễ hiểu khi ai cũng khẳng định thị trường hơn 93 triệu dân Việt Nam là rất tiềm năng, rất hấp dẫn. Người tiêu dùng không chỉ đông mà còn trẻ, đồng nghĩa với việc rất thích, rất dễ tiếp nhận cái mới, cái lạ.

Hàng nhãn riêng nhập ngoại, khuyến mãi... đè nhà sản xuất Việt

Sự kiện “Lễ hội hàng tiêu dùng Hàn Quốc” hay trước đó là Lễ hội ẩm thực Nhật Bản chỉ là hai trong số hàng loạt những hoạt động xúc tiến đưa hàng Hàn, hàng Nhật hay hàng Thái vào Việt Nam. Hàng nhập từ các quốc gia châu Á này đã tràn vào từ rất lâu trước đó nhờ có được sự ưa thích của người tiêu dùng. Đặc biệt, từ khi các ông chủ Thái, Nhật, Hàn hoạt động mạnh mẽ trên thị trường bán lẻ Việt Nam với những hoạt động đầu tư, mua bán, sáp nhập... sôi động thì dòng thác hàng nhập càng rõ rệt.

Tại các siêu thị Emart, Lotte hiện nay, khách hàng không chỉ tìm thấy đủ các sản phẩm của các nhà sản xuất Hàn Quốc mà còn được phục vụ hàng loạt mặt hàng của chính hai nhà bán lẻ này. Xu hướng hàng nhãn riêng (hàng mang nhãn hiệu siêu thị) không mới nhưng điểm khác biệt ở đây là hàng được nhập khẩu nguyên từ nước ngoài và giá vẫn rẻ hơn hàng nội địa. Chị Hồng đã từng mua một hộp bánh quy 400 gam với giá hơn 50.000 đồng của chính nhà sản xuất Emart. Hay tại siêu thị Lotte, khá nhiều sản phẩm nhãn “choice L” được nhập nguyên từ Hàn Quốc (do Lotte sản xuất hoặc doanh nghiệp khác gia công). Một thùng đồ chơi lắp ghép vài trăm miếng được bán với giá 540.000 đồng, ba hộp giấy lụa giá 54.000 đồng... Lâu nay, các nhà bán lẻ như Saigon Co.op hay Big C thường gia công hàng nhãn riêng tại một nhà sản xuất trong nước, đề tên đồng thời hai pháp nhân để cùng chịu trách nhiệm hàng hóa với khách hàng. Hiếm có hàng nhãn riêng nhập khẩu (như Big C nhập nhãn Casino từ tập đoàn mẹ ở Pháp khi còn chưa bán sang Central).

Không chỉ vậy, các nhà bán lẻ cũng đang tích cực tranh giành người tiêu dùng bằng chính sách giá. Những chương trình khuyến mãi liên tục diễn ra với nhiều hình thức: giảm giá trên từng sản phẩm, tặng quà hay mua hàng giá sốc theo hóa đơn... Chiêu thức giá không mới này luôn phát huy được hiệu quả khi người tiêu dùng Việt Nam vốn được đánh giá là luôn nhạy cảm với chuyện giá, thích hàng khuyến mãi...

Cuộc chiến giành và giữ người tiêu dùng

Các nhà bán lẻ cũng đang tích cực tranh giành người tiêu dùng bằng chính sách giá. Chiêu thức giá không mới này luôn phát huy được hiệu quả khi người tiêu dùng Việt Nam vốn được đánh giá là luôn nhạy cảm với chuyện giá, thích hàng khuyến mãi... Ảnh: Quốc Hùng.

Như tại siêu thị Big C nằm trên đường Nguyễn Thị Thập, vào cuối tuần vừa rồi, khách quây kín quầy cam sành khi giá bán chỉ còn 14.900 đồng/ki lô gam, bằng gần phân nửa so với giá ngoài thị trường với mặt hàng cùng chất lượng. Siêu thị này còn bán trứng gà công nghiệp với giá 16.500 đồng/hộp và phải hạn chế số lượng mua mỗi ngày với khách, tương tự như lần bán cà chua giá chưa tới 15.000 đồng/ki lô gam khi thị trường đang bán trên 30.000 đồng/ki lô gam... cách đây chưa lâu.

Với tất cả những diễn biến trên, đương nhiên người tiêu dùng được lợi nhưng doanh nghiệp sản xuất thì khó khăn. Giám đốc marketing của một doanh nghiệp chuyên hàng gia dụng khá có tiếng chia sẻ, ngay việc họ mở thêm nhiều siêu thị cũng mệt mỏi. Siêu thị nào khai trương cũng yêu cầu giảm giá, “làm ông này thì chắc chắn phải làm với ông kia”. Vậy nhưng, từng nhà bán lẻ lại bỏ ngân sách, giảm sâu hơn mức giảm của nhà cung cấp để hút khách. Kết quả là nhà sản xuất bị nghi ngờ thiên vị. Nhưng đó chỉ là bề nổi của vấn đề. Siêu thị “ép” càng nhiều thì lợi nhuận của nhà sản xuất càng teo tóp. “Đến mức, nhiều khi bán vào siêu thị còn lỗ và phải chấp nhận để giữ chân ở kênh bán lẻ hiện đại”, vị giám đốc than thở.

Cuộc cạnh tranh để giữ được một vị trí trên quầy, kệ siêu thị ngay ở đất nước mình, vì thế, nói như giám đốc một doanh nghiệp chuyên sản xuất các mặt hàng hóa phẩm dành cho phụ nữ, không chỉ có mồ hôi mà nhiều khi còn cả máu và nước mắt!

Doanh nghiệp Nhật Bản tăng cường đầu tư vào Việt Nam

Theo ông Koji Takimoto, Trưởng đại diện Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản (JETRO) tại TPHCM, hiện ở khu vực phía Nam Việt Nam, sức mua của người dân đang tăng, do đó các công ty Nhật Bản cảm thấy đây là một thị trường tiêu thụ hấp dẫn. Thêm vào đó, người tiêu dùng Việt Nam khá yêu chuộng sản phẩm Nhật Bản. Điều này khác biệt so với thị trường các nước khác.

Khi được hỏi về việc nếu Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) không được thực hiện thì có ảnh hưởng đến luồng đầu tư của Nhật Bản vào Việt Nam hay không, ông Koji Takimoto cho biết, tại Nhật Bản không có những điều kiện tốt để phát triển các ngành cần tập trung nhiều lao động như may mặc, giày dép... vì dân số Nhật Bản đang giảm và già hóa. Do đó, dù TPP không được thực hiện thì cũng sẽ không làm thay đổi xu hướng đầu tư của Nhật Bản vào Việt Nam và dòng đầu tư này sẽ thích hợp, ý nghĩa, và có giá trị cho cả Việt Nam và Nhật Bản.

Trưởng đại diện của JETRO tại TPHCM cũng cho biết thêm, hiện JETRO có hai ưu tiên trong việc xúc tiến thương mại và đầu tư tại Việt Nam. Đó là hợp tác với Việt Nam trong ngành công nghiệp hỗ trợ và nông nghiệp. Trong năm nay, cơ quan này tập trung xúc tiến đầu tư tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu trong ngành công nghiệp nặng và sản xuất nguyên liệu. Ngoài ra, JETRO cũng tiếp tục thúc đẩy hợp tác trong lĩnh vực nông nghiệp.

Trong tháng 1-2017, sẽ có một nhóm các nhà đầu tư Nhật Bản đến các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai và Bà Rịa - Vũng Tàu. JETRO đã thông báo để doanh nghiệp tham gia và hiện đã có hơn 30 nhà điều hành doanh nghiệp đăng ký tham gia đoàn này, nhằm thúc đẩy hợp tác trong ngành công nghiệp hỗ trợ ở Việt Nam.

Thu Nguyệt

Minh Tâm
Nguồn The Saigon Times