Slack trong “giông tố” từ Microsoft và Facebook
Slack Technologies Inc. đang gồng mình chống đỡ trước sự tấn công của các đối thủ lớn Microsoft và Facebook.
Slack từng là một start-up “hot” trong ngành công nghệ nhờ thu hút được hàng triệu nhân viên văn phòng đổ xô dùng ứng dụng nhắn tin nhóm của mình. Nhưng giờ gã “hạt tiêu” này đang cảm thấy ngộp thở khi các ông lớn công nghệ cũng muốn nhảy vào chiếm lĩnh thị phần.
Bị dòm ngó
Tháng 11/2016, Microsoft đã công bố ứng dụng không gian làm việc Teams, cho phép nhân viên tạo ra phòng chat riêng và tại đó họ có thể bàn luận công việc một cách tiện lợi. Trước đó chỉ 1 tháng, Facebook, mạng xã hội lớn nhất thế giới, cũng cho ra mắt ứng dụng Workplace nhằm cạnh tranh với Slack và Microsoft.
Động thái của hai gã khổng lồ công nghệ nói trên đã gây sức ép lên Slack, một start-up mà nếu xét về lượng người sử dụng thì vẫn còn rất khiêm tốn so với họ. “Tôi đã lo ngại điều này từ lâu”, Stewart Butterfield, Tổng giám đốc Slack trả lời trong một cuộc phỏng vấn ngay sau tuyên bố ra mắt dịch vụ Teams của Microsoft. Slack đã sớm chuẩn bị cho cuộc tấn công này. Đó là lý do hồi tháng 10/2016, Slack đã ký thỏa thuận hợp tác với IBM trong việc sử dụng các dịch vụ trí thông minh nhân tạo Watson nhằm nâng cao hiệu quả ứng dụng của Slack.
Cuộc chiến leo thang cũng phản ánh sự kỳ vọng và niềm phấn khích trước triển vọng ra đời một loại hình thay thế cho hình thức trao đổi qua email hiện nay, giúp quá trình trao đổi công việc giữa các nhóm, bộ phận trong doanh nghiệp được hiệu quả hơn và thuận tiện hơn.
Các hãng công nghệ mường tượng ứng dụng nhắn tin giống như một cánh cổng giúp họ “bước chân” vào phần mềm doanh nghiệp của các hãng khác. Chẳng hạn, một nhân viên có thể gõ vào phòng chat nhóm để đăng ký các ngày nghỉ trong một chương trình về nguồn nhân lực hoặc thực hiện một giao dịch trong một chương trình báo cáo chi phí. Doanh nghiệp nào cung cấp được giao diện đó sẽ sở hữu trong tay sức mạnh phi thường trên thị trường phần mềm doanh nghiệp. Slack cũng đã cho phép người sử dụng làm mạnh các tin nhắn bằng cách “gắn” thêm thông tin từ các đối tác như các dòng tweet từ Twitter Inc. hoặc thông tin khách hàng từ Salesforce.com Inc., cũng như có thể cho thêm các dòng nhận xét vào các tệp tin và chia sẻ chúng với người khác. Ứng dụng nhắn tin này có phiên bản miễn phí, nhưng có 2 gói dịch vụ trả tiền, một gói 6,67 USD/người sử dụng/tháng và gói kia 12,50 USD/người sử dụng/tháng.
Thực ra, ngoài Facebook và Microsoft, bấy lâu nay Slack đã phải chống đỡ với nhiều đối thủ lớn nhỏ khác nhau. Có thể kể đến HipChat của Atlassian Corp., Google Spaces của Alphabet và Symphony Communication Services LLC, một start-up được sự hậu thuẫn của các nhà đầu tư Phố Wall. Microsoft Teams, dự kiến sẽ chính thức có mặt trên thị trường vào đầu năm 2017, cho phép nhân viên chat với các đồng nghiệp trong nhóm ở những nơi rất xa và có thể tìm kiếm thông qua các mẫu đối thoại với nhau. Teams được thiết kế để làm việc hòa hợp với các dịch vụ hiệu suất của Microsoft. Nhờ thế, người sử dụng, chẳng hạn, có thể “gắn” thêm các cuộc hội thoại bằng video Skype trong các dòng tin nhắn. Microsoft cho biết, sẽ “tặng” miễn phí ứng dụng Teams khi đồng bộ ứng dụng này trong phiên bản thương mại của phần mềm hiệu suất Office 365 trực tuyến, vốn có tới 85 triệu người sử dụng.
Slack Technologies Inc. đã khiến cho thị trường start-up dậy sóng khi được định giá lên tới 3,8 tỷ USD.
Workplace của Facebook thì được đồng bộ với dịch vụ tin nhắn, dịch vụ newsfeed, các sự kiện và các đặc tính khác của mạng xã hội này để giúp các doanh nghiệp dễ dàng trao đổi công việc trong nội bộ công ty.
Tăng tốc cho đường chạy mới
Sự góp mặt của các đối thủ mới như Microsoft cũng là điều dễ hiểu trước tiềm năng lớn của thị trường. Theo IDC, doanh thu từ các ứng dụng nhắn tin nhóm làm việc (bao gồm cả các ứng dụng cộng tác như Google Docs và video truyền hình Skype) đã lên tới 4,4 tỷ USD vào năm ngoái. Con số này dự kiến sẽ đạt tới 6,7 tỷ USD vào năm 2020.
Tuy nhiên, Butterfield vẫn cho rằng, thị trường tin nhắn nhóm đủ chỗ cho nhiều nhà cung cấp. Microsoft cũng đồng tình. “Mục đích của chúng tôi không phải là lấy đi thành công mà những người khác đã đạt được”, một phát ngôn viên của Microsoft nói.
Thế nhưng, một số chuyên gia phân tích cho rằng, kẻ mất trên thị trường này chính là Slack. “Microsoft Teams đã đặt ra một lộ trình rõ ràng và họ sẽ xây dựng, phát triển nhiều thỏa thuận hợp tác kinh doanh. Hiện tại thì Slack vẫn chưa mất gì, nhưng tương lai là điều khó nói”, Mike Gotta, Phó chủ tịch nghiên cứu của Công ty Nghiên cứu thị trường Gartner, nhận xét.
Slack đã vươn lên từ một công ty video game gọi là Tiny Speck do ông Butterfield đồng sáng lập vào năm 2009. Công ty game này không phải là một cú hích trên thị trường khi đó, nhưng phần mềm mà công ty xây dựng được để giúp các nhân viên tại Mỹ giao tiếp với các đồng nghiệp tại Canada đã chứng tỏ sự hữu dụng của mình. Vì thế, ông Butterfield cùng với các đối tác đã tung ra Slack vào năm 2014. Công ty đã huy động được 539,95 triệu USD từ các nhà đầu tư mạo hiểm rất nổi tiếng, trong đó có Andreessen Horowitz và Kleiner Perkins Caulfield & Byers.
Lượng người sử dụng của Slack đã tăng rất nhanh, đạt tới 4 triệu người sử dụng hàng tháng vào tháng 10, tăng từ mức 3 triệu người của tháng 5. Các khách hàng của Slack có thể kể đến hãng điện tử Hàn Quốc Samsung Electronics và Urban Outfitters, nhưng nó đặc biệt được ưa chuộng bởi các nhóm phát triển phần mềm. Sapho Inc., một start-up phần mềm có 53 nhân viên có trụ sở đặt ở California đang sử dụng Slack để giao tiếp với hầu hết nhân viên của mình tại Cộng hòa Séc. Sapho cũng chỉ ra những điểm “chưa được” của Slack. Tổng giám đốc Sapho Fouad ElNaggar cho biết, các thông tin quan trọng nằm rải rác trong các mẫu tin nhắn Slack có thể khó mà lấy lại được và các nhân viên Sapho đôi khi cũng gặp khó khăn trong việc tìm kiếm các tập tin được chia sẻ qua hệ thống nhóm làm việc.
Ông cho biết, nhu cầu giao tiếp hiệu quả giữa các thành viên trong nhóm làm việc là một nhu cầu bức thiết và công ty đang tìm cách giải quyết tình trạng thông tin quá tải. Chẳng hạn, công ty đang nghiên cứu các chatbot trí tuệ nhân tạo có thể “đánh dấu” các thông tin liên quan đến một người sử dụng cụ thể để họ dễ nhận biết. Hồi tháng 7, Slack đã đầu tư 1,97 triệu USD vào 14 nhà sản xuất chatbot, trong đó có Abacus, một chương trình báo cáo chi phí. Có lẽ để cạnh tranh hiệu quả với các đối thủ lớn như Microsoft và Facebook, Slack cần phải tăng tốc hơn nữa.
Thành Lợi
Nguồn Doanh Nhân Online