Microsoft đặt cược vào trí tuệ nhân tạo

Microsoft, tập đoàn phần mềm lớn nhất thế giới, đã đối diện với hàng loạt mối đe dọa trong vòng 2 thập niên qua.

Internet, smartphone, rồi sau đó là điện toán đám mây đã mang đến những cơ hội lớn cho ngành công nghệ nhưng cũng đồng thời làm suy giảm quyền năng của Microsoft, một tập đoàn từng là đối thủ đáng sợ nhất trong ngành nhờ vào sự độc quyền phần mềm máy tính cá nhân (PC).

Vì thế, khi Satya Nadella trở thành CEO Microsoft cách đây 3 năm, một số ý kiến hoài nghi về khả năng Tập đoàn có thể trụ vững trong một thế giới hậu PC. Giờ đây, những hoài nghi này đã tan biến. Giá cổ phiếu Microsoft đã tăng 2/3, góp thêm gần 200 tỉ USD vào giá trị vốn hóa thị trường của tập đoàn này. Giá cổ phiếu cũng đã vượt qua mức đỉnh của thời kỳ dotcom, chốt ở mức 59,20 USD/cổ phiếu vào ngày 1.12.2016.

Năm ngoái Microsoft đã bỏ ra 12 tỉ USD vào nghiên cứu và phát triển, cao hơn 1/3 so với Google.

Nadella giờ tin rằng Tập đoàn sẽ tạo bước đột phá mới bằng cách trở thành doanh nghiệp tiên phong trong công nghệ phá bĩnh tiếp theo của thời đại: trí tuệ nhân tạo (AI). Cũng giống như PC hay điện thoại di động, internet, “AI sẽ là điều vĩ đại kế tiếp... Đó là một công nghệ mang tính lột xác, không chỉ thay đổi toàn ngành máy tính mà còn thay đổi mọi mặt cuộc sống, mọi ngành và mọi quy trình kinh doanh”, ông nói. Nadella tin rằng AI sẽ có mặt trên mọi thiết bị: “Mọi sản phẩm chúng ta thiết kế và cách mỗi người sử dụng tương tác với môi trường xung quanh đều sẽ dựa vào AI trước tiên”.

Đầu năm nay, ông tuyên bố “máy tính hội thoại” - khả năng nói chuyện với máy tính - sẽ là đột phá tiếp theo với các “trợ lý” thông minh được kích hoạt bằng giọng nói như Cortana của Microsoft.

Nhưng đến nay vẫn còn một khoảng cách lớn giữa tiềm năng và thực tế. Chatbot mang tên Tay của Microsoft là bằng chứng cho thấy học máy, công nghệ đứng đằng sau AI, không hề đơn giản chút nào khi những người mà chatbot này nói chuyện qua Twitter dạy nó nói những câu phân biệt chủng tộc. Chatbot Tay đã bị Microsoft cho “offline” hồi tháng 3 vừa qua.

Tim Tuttle, CEO của MindMeld, công ty nghiên cứu ngành máy tính hội thoại, cho biết chatbot là một trong những nỗi thất vọng của năm 2016. Ông thừa nhận Microsoft đã có những bước tiến vững chắc, nhưng cho rằng sẽ phải mất nhiều năm để công nghệ của tập đoàn này cải tiến đến mức cho phép khách hàng dễ dàng xây dựng “bot tiên tiến” của riêng mình.

Các khách hàng doanh nghiệp (tức những người mua là doanh nghiệp lớn và chính phủ chiếm phần lớn chi tiêu công nghệ thông tin) cũng sẽ “không vội” chọn giải pháp AI như nhiều người trông đợi. “Sẽ mất thời gian để các doanh nghiệp đặt câu hỏi điều đó có nghĩa là gì đối với họ. Đó là cuộc chuyển giao chậm chạp”, Rob Sanfilippo, cựu nhà quản lý chương trình Microsoft, nhận xét. Tuy nhiên, với những động thái ráo riết của Nadella, “nhiều tỉ USD đã được đầu tư vào khoa học máy tính và ngành này vẫn sẽ tiếp tục tiến lên phía trước”.

Satya Nadella

Satya Nadella, CEO của hãng phần mềm Microsoft. Ảnh: GeekWire.

Năm ngoái Microsoft đã bỏ ra 12 tỉ USD vào nghiên cứu và phát triển (R&D), cao hơn 1/3 so với Google. Một phần lớn ngân sách này giờ đang đổ vào AI. 1/3 công việc đang được triển khai tại Microsoft Research cũng đã được dành cho các dự án liên quan đến AI, theo Microsoft. Nadella cũng tìm cách tăng cường cho mảng AI vào tháng 9 bằng cách giao cho Harry Shum, một trong những chuyên gia AI hàng đầu của Microsoft, phụ trách một nhóm mới bao gồm hơn 1.000 nhà nghiên cứu của Công ty cùng với 5.000 kỹ sư đang làm việc trong lĩnh vực này.

Nadella không hề “đơn độc” trong công cuộc đưa học máy trở thành trung tâm trong các kế hoạch của mình. Sundar Pichai, CEO Google Inc., cho biết công nghệ này đang được sử dụng để làm mới tất cả các dịch vụ của Công ty. Trong khi đó, IBM đặt cược tương lai vào “bộ sưu tập” AI và các phân tích dữ liệu mà Tập đoàn bán dưới thương hiệu Watson. Amazon, Facebook và Apple cũng ra sức gia tăng năng lực AI của mình; còn công ty tìm kiếm Trung Quốc Baidu đã có những bước tiến ấn tượng, đặc biệt trong lĩnh vực nhận dạng hình ảnh và lời nói.

Theo ông Shum, việc cung cấp AI như một dịch vụ đám mây cho khách hàng trên khắp thế giới đòi hỏi trình độ chuyên môn cao về công nghệ cũng như hạ tầng máy tính tương xứng. Vì thế, ông dự đoán cuộc đua công nghệ này sẽ chỉ có một vài người chiến thắng, “có thể là 5, cùng với một vài công ty Trung Quốc”.

Theo Nadella, thời đại AI đang buộc Microsoft phải nghĩ sâu hơn về tác động đối với thế giới của công nghệ do Công ty phát triển.

Dù rằng Microsoft đã có những bước tiến lớn trong lĩnh vực AI, nhưng khi nói đến khả năng thu hút ánh đèn sân khấu về phía mình, không phải Microsoft mà là Google. Bộ phận Deep Mind của Google trong năm nay đã đánh bại người chơi xuất sắc nhất trong Go, được xem là trò chơi thách thức nhất đối với cả bộ óc con người lẫn máy tính. Trong khi đó, thành công marketing của IBM với Watson đã củng cố được tiếng tăm AI của tập đoàn này trong mắt khách hàng doanh nghiệp.

Microsoft cũng không có nền tảng di động đưa AI đến với số đông khách hàng tiêu dùng, như Apple đã làm với Siri, hay Google giờ hy vọng sẽ làm được với trợ lý thông minh mới của mình. Thậm chí Echo của Amazon, một “chiếc loa thông minh” phản hồi các mệnh lệnh giọng nói, đã tạo nên cơn sốt trong ngành còn hơn cả Cortana của Microsoft.

Chính Nadella cũng thừa nhận Microsoft gần như không hiện diện ở lĩnh vực trí tuệ nhân tạo trong điện thoại di động hay loa. Nhưng với 105 triệu người mỗi ngày đều sử dụng Cortana (được cài đặt vào phiên bản mới nhất của Windows), Nadella cho rằng Công ty sống tốt hơn trên các thiết bị có màn hình lớn hơn.

Microsoft đang trông cậy vào mạng lưới các trung tâm dữ liệu của mình và cả nền tảng điện toán đám mây Azure để đưa công nghệ AI của hãng đến với khách hàng doanh nghiệp một cách rộng rãi hơn. Lấy ví dụ về một hệ thống các dịch vụ mà doanh nghiệp có thể rót dữ liệu của mình vào đó, như một giao diện cảm xúc kiểm tra hình ảnh của khuôn mặt, qua đó dò cảm xúc của một người.

Các công cụ như vậy, vốn dĩ có mặt trên đám mây, là một phần trong cách tiếp cận mới, hoàn toàn khác với một Microsoft dưới thời của người tiền nhiệm Bill Gates và Steve Ballmer, theo Sanfilippo, hiện là chuyên gia phân tích tại Directions on Microsoft (tổ chức nghiên cứu chuyên theo dõi Microsoft). Đó là “một ví dụ về thời đại của Nadella, một thời đại cởi mở hơn và hướng đến cộng đồng”, ông nói.

Cách làm việc ngày trước của Microsoft - xây dựng và bán sản phẩm phần mềm theo lịch trình lên sẵn, làm việc trong các bộ phận độc lập - không còn phù hợp với những thách thức ở phía trước. Theo Nadella, thời đại AI đang buộc Microsoft phải nghĩ sâu hơn về tác động đối với thế giới của công nghệ do Công ty phát triển. AI, theo ông, sẽ tác động đến cuộc sống của con người. “Nó có thể định nghĩa “xe hơi của tôi an toàn như thế nào? Sức khỏe của tôi sẽ ra sao?”, ông nói.

Satya Nadella

Thời đại của Nadella là một thời đại cởi mở hơn và hướng đến cộng đồng. Ảnh: windowscentral.com.

Không chỉ vậy, AI cũng đòi hỏi doanh nghiệp bước ra khỏi cách làm xoay quanh sản phẩm trước đây, để phát triển cái mà ông nói rằng là cách tiếp cận “tập trung vào con người” hơn. Điều đó sẽ khiến cho AI trở thành phép thử lớn nhất cho những nỗ lực của Nadella trong việc thay đổi văn hóa doanh nghiệp của Microsoft.

Dưới thời của Ballmer, Công ty thường bị chỉ trích là quá rối rắm do tính quan liêu và cuộc chiến giữa các bộ phận trong Công ty, vốn tự xây những tháp ngà xung quanh mình. Thường bộ phận đầy quyền lực Windows chiếm thế thượng phong do khi đó là con gà đẻ trứng vàng cho Microsoft. Vì thế, nhà lãnh đạo các bộ phận khác bị buộc phải thay đổi kế hoạch của họ xoay quanh Windows. Sự “bằng mặt chứ không bằng lòng” đã dẫn đến những trì trệ trong nỗ lực cải tiến tại Tập đoàn.

Nadella đang cố gắng bắc cây cầu “giao hảo” giữa các bộ phận trong doanh nghiệp. Cuộc sắp xếp quản lý gần đây - tạo ra một nhóm nghiên cứu và AI mới dưới sự dẫn dắt của ông Shum - là một dấu hiệu cho thấy nỗ lực xóa bỏ hàng rào đã dựng lên từ nhiều năm trong Công ty. Theo Nadella, “không phải là tái tổ chức, mà cần phải thực hiện một cuộc thay đổi văn hóa doanh nghiệp” nhằm giúp cho Công ty trở nên linh động và nhanh nhạy hơn. Chính sự thay đổi văn hóa này sẽ quyết định số phận của Microsoft trong cuộc chơi AI.

Ngô Ngọc Châu / FT
Nguồn Nhịp cầu Đầu tư