Bia ngoại - bia nội: Cuộc chiến "đường vòng" để thâu tóm, "cá lớn nuốt cá bé"
Một loạt các hãng bia danh tiếng của thế giới đã âm thầm đổ bộ vào thị trường Việt trong những năm qua với một kịch bản chung là liên doanh sau đó thâm tóm. Vậy đâu là nguyên nhân khiến họ phải đi đường vòng?
Theo các chuyên gia trong ngành, Giấy phép sản xuất có thể là trở ngại chính đối với các doanh nghiệp bia mới gia nhập thị trường, không chỉ với doanh nghiệp bia ngoại. Để mở nhà máy sản xuất bia tại Việt Nam, doanh nghiệp phải được Bộ Công thương cấp giấy phép. Mặc dù các quy định khá rõ ràng, việc thực thi có thể vẫn gặp khó khăn, ngay cả khi các tỉnh thành đều sẵn sàng trải thảm để thu hút đầu tư, việc cấp phép còn tùy thuộc vào quy hoạch bia và đồ uống của Bộ Công thương có thể đã được ký trước đó nhiều năm.
Chẳng hạn như trường hợp của Masan Group, để có thể đầu tư một nhà máy bia tại tỉnh Hậu Giang, tập đoàn này đã phải đi đường vòng bằng cách mua lại giấy phép sản xuất của một công ty khác được cấp trước đó nhưng không sử dụng. Trong khi đó, có thể có một số ngoại lệ đối với các công ty nước ngoài với lý thỏa thuận hợp tác giữa Chính phủ các nước. Dù vậy, muốn xin được giấy phép, doanh nghiệp phải có thừa kinh nghiệm về các quy trình. Cũng chính vì lý do này, các công ty bia ngoại thường hợp tác với một đối tác trong nước khi xin giấy phép sản xuất nếu muốn thâm nhập thị trường Việt Nam. Đây cũng là một trong những lý do khiến cả Heineken và Carlsberg đều thèm khát tăng tỷ lệ sở hữu tại Sabeco và Habeco.
Carlsberg – Huda - Halida
Tiêu biểu cho việc thâm nhập thị trường Việt thông qua việc liên doanh rồi thâu tóm là hoạt động của Carlsberg, một tập đoàn đến từ Đan Mạch. Tuy thương hiệu của chính Carlsberg còn chưa đạt kết quả cao nhưng hoạt động của tập đoàn này Việt Nam đến nay có thể được xem là thành công, chủ yếu nhờ việc thâu tóm Công ty Bia Huế (Hue Brewery) với thương hiệu chính là bia Huda và Huda Gold. Carlsberg đã khôn khéo tránh cạnh tranh gay gắt tại thị trường miền Nam, một thị trường lớn chiếm 59% tổng lượng bia tiêu thụ của cả nước. Thay vào đó, Carlsberg chọn cách thống lĩnh thị trường miền Trung, một thị trường nhỏ chỉ chiếm 6% tổng lượng tiêu thụ bia của cả nước. Cùng với đó, Carlsberg thâm nhập thị trường miền Bắc, nơi chiếm 35% tổng lượng tiêu thụ bia của cả nước, bằng việc mua lại 17,30% cổ phần của Habeco.
Để có được ngày hôm nay, năm 1994 Carlsberg liên doanh với chính quyền thành phố Huế tại Hue Brewery theo tỷ lệ góp vốn là 50-50. Năm 2011, Carlsberg đã chi 1.880 tỷ đồng để mua lại 50% cổ phần còn lại và sở hữu hoàn toàn nhà máy bia này.
Cũng với phương thức như trên, Carlsberg đã dần sở hữu 100% cổ phần tại Nhà máy bia Đông Nam Á. Nhà máy bia Đông Nam Á cũng được hình thành từ năm 1994 là kết quả của liên doanh giữa Carlsberg và Công ty Bia Việt Hà. Năm 2014, Carlsberg hoàn tất quá trình thâu tóm bằng việc mua lại toàn bộ cổ phần của Việt Hà. Thương hiệu chính của Nhà máy bia Đông Nam Á là Halida, một thương hiệu trung cấp ở miền Bắc và có doanh thu không đáng kể.
Sapporo - Vinataba
Một thương hiệu bia mới chỉ được biết đến vài năm gần đây là Sapporo, nhưng mới đầu, người tiêu dùng Việt Nam chỉ biết đến cái tên này dưới danh nghĩa một CLB bóng đá của Nhật Bản ký hợp đồng với cầu thủ Việt Nam là Lê Công Vinh vào năm 2013. Nhưng thực tế Sapporo thâm nhập thị trường Việt Nam bằng cách liên doanh với công ty thuốc là Vinataba, thuộc sở hữu nhà nước và khai trương nhà máy vào tháng 11/2011. Không lâu sau, Sapporo đã tăng cổ phần lên 100% tại nhà máy này, đánh dấu sự rút lui của một “tay chơi” ngoài ngành như Vinataba. Nhà máy bia Sapporo Việt Nam đặt tại tỉnh Long An, có công suất tối đa là 150 triệu lít/năm. Hiện tại, nhà máy đang hoạt động ở giai đoạn 1 với công suất thiết kế 40 triệu lít/năm.
Trong những năm đầu hoạt động tại Việt Nam, Sapporo đạt tăng trưởng doanh thu rất cao nhờ đầu tư mạnh vào kênh nhà hàng tại TP. HCM và các thành phố lớn khác, đồng thời hưởng lợi nhờ tâm lý ưa chuộng hàng Nhật của người Việt. Tuy nhiên, do cạnh tranh gay gắt, tăng trưởng doanh thu của Sapporo giảm mạnh trong năm 2015 và công ty đã không hoạt động với công suất tối đa. Chi phí tiếp thị mạnh khiến Sapporo liên tục thua lỗ tại Việt Nam với mức lỗ từ hoạt động kinh doanh là 1 tỷ yên (10 triệu USD) trong quý 2/2016, xấp xỉ cùng kỳ năm ngoái.
Heineken - Satra
Mặc dù vậy, trong số các tên tuổi bia hàng đầu thế giới tại Việt Nam, Heineken NV mới xứng là “anh cả” khi đang thống lĩnh phân khúc bia cao cấp. Heineken NV hoạt động tại Việt Nam thông qua hai công ty con là Heineken Vietnam Brewery Ltd phụ trách thị trường miền Trung và miền Nam và APB Hanoi phụ trách thị trường miền Bắc. Heineken NV nắm giữ 60% cổ phần tại Heineken Vietnam Brewery, một doanh nghiệp nhà nước là Tổng Công ty Thương mại Sài Gòn (Satra) nắm giữ 40% còn lại.
Heineken NV có thị phần 67% tại phân khúc cao cấp tại Việt Nam, trong đó 40% thuộc về thương hiệu Tiger và 27% thuộc về thương hiệu Heineken. Heineken Vietnam Brewery sở hữu 5 nhà máy tại Việt Nam, trong đó ba nhà máy tại miền Nam và hai nhà máy tại miền Trung, hai thị trường trọng điểm.
Hiện nay Heineken NV cũng đang sở hữu 5% cổ phần tại Sabeco và trở thành cổ đông lớn thứ hai sau Bộ Công thương tại doanh nghiệp bia lớn nhất Việt Nam với thị phần lên đến 60%.
AB InBev - SAB Miller
Tuy nhiên, đại gia mới nhất tham gia thị trường là Aneuser-Busch Inbev (AB InBev), một tập đoàn đa quốc gia với hai thương hiệu bia Budweiser và Beck’s tại thị trường Việt Nam. Tháng 05/2015, “tân binh” AB InBev bắt đầu hoạt động với nhà máy đặt tại tỉnh Bình Dương có công suất 100 triệu lít/năm. Công ty cho biết nhà máy này trong tương lai dự kiến sẽ không chỉ phục vụ thị trường Việt Nam, và còn các thị trường Châu Á khác như Ấn Độ, Lào, và Campuchia.
Với các thương hiệu Budweiser (cao cấp) và Beck’s (cao cấp vừa túi tiền), AB InBev nhắm vào thị trường TP. HCM, chủ yếu thông qua kênh hiện đại. Việc có mặt tại Việt Nam là kết quả của việc hãng bia lớn nhất thế giới này mua lại SAB Miller. Tuy nhiên, việc mua lại SAB Miller sẽ không lập tức thay đổi vị thế của công ty tại Việt Nam vì đến nay hiện diện của SAB Miller tại Việt Nam vẫn chưa đáng kể.
Masan Brewery - Singha Asia
Ngoài các “ông lớn” kể trên, một tay chơi mới gia nhập thị trường chưa lâu là Masan Brewery, công ty con của Masan Group (MSN). MSN thành lập Masan Brewery năm 2013 thông qua việc mua lại Nhà máy bia Phú Yên và tung ra thương hiệu Sư Tử Trắng, một sản phẩm được định vị ở phân khúc trung cấp. Hiện Masan Brewery có hai nhà máy sản xuất, một nhà máy đặt tại tỉnh Phú Yên công suất 50 triệu lít/năm, và nhà máy còn lại đặt tại tỉnh Hậu Giang với công suất 100 triệu lít/năm.
Năm 2015, Masan Brewery đã tiêu thụ được 45 triệu lít bia và thu về 706 tỷ đồng doanh thu. Năm 2016, công ty dự kiến tăng gấp đôi sản lượng bán ra bằng cách tăng cường hiện diện tại khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long cũng như mở rộng sang miền Đông Nam Bộ.
Mặc dù vốn được coi là doanh nghiệp Việt Nam, nhưng kể từ cuôi năm 2015, tập đoàn Singha Asia (Thái Lan) đã mua lại 33,3% cổ phần của Masan Brewery từ MSN. Masan Consumer Holdings sẽ sở hữu 66,7% cổ phần còn lại Masan Brewery. Như vậy, việc Singha Asia mua lại cổ phần của Masan Brewery cũng được xem là một cách để thương hiệu bia của người Thái dần có mặt ở Việt Nam.
Nguyễn Tuân
Nguồn Infonet