Tìm hướng đi cho sàn thương mại điện tử Việt Nam: cần học tập Facebook, Instagram, YouTube, Zalo…
43% lựa chọn mua sắm trên Facebook vì dễ dàng đặt hàng, 36% thích vì giá rẻ và có thể mặc cả, 29% vì thường xuyên update thông tin, 21% vì quen thuộc với người bán. Đây là mục tiêu mà các sàn thương mại điện tử VN cần đặt ra trong giai đoạn này.
Ông Nguyễn Thanh Hưng - chủ tịch Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM) cho rằng, việc nhiều sàn cạnh tranh buộc phải rời khỏi thị trường không thể hiện thương mại điện tử (TMĐT) Việt Nam đang yếu đi.
Nói chính xác, TMĐT Việt Nam đang phát triển tốt nhưng hình thức sàn dường như chưa phù hợp với mô hình kinh doanh trực tuyến ở nước ta.
Cuộc đua của các ông lớn bắt đầu
2015-2016 có thể nói là giai đoạn đánh dấu sự biến động lớn về tên tuổi các DN (doanh nghiệp) tham gia TMĐT. Một loạt các sàn TMĐT đã tuyên bố đóng cửa như Cdiscount của BigC, Lingo, Deca; hay trước đó là beyeu, Foodpanda…
Sau những kẻ ra đi, thị trường ngay lập tức đã có những tên tuổi mới, đặc biệt là tên tuổi của những ông lớn trong ngành bán lẻ online.
Tháng 4/2016, Alibaba bước vào Việt Nam thông qua việc mua lại Lazada với số vốn đầu tư lên tới 1 tỷ USD. Shopee – Sàn thương mại điện tử đã có mặt tại 6 quốc gia châu Á chính thức ra mắt tại Việt Nam vào tháng 8/2016. Lotte cũng công bố trang website TMĐT của mình vào tháng 10 vừa rồi.
Ở phía doanh nghiệp nội, Thegioididong (Thế Giới Di Động) cũng đã vào cuộc chơi với trang Vuivui.com.
Tất cả những ông lớn này đều có tiềm lực lớn về tài chính với tham vọng cạnh tranh vị trí số một tại thị trường TMĐT Việt Nam.
Shopee nhận nguồn đầu tư lớn từ Garena Singapore và hoàn toàn không thu bất kỳ khoản phí nào từ người dùng Việt Nam, gồm cả người mua và người bán, thậm chí tiến hành hỗ trợ chi phí vận chuyển khi giao hàng.
Lotte tuyên bố sẽ giành 20% thị phần e-commerce. Thế Giới Di Động còn mạnh miệng tuyên bố sẽ trở thành trang TMĐT số 1 tại Việt Nam.
Thế nhưng, đây mới chỉ là bước đầu và người ta vẫn chờ đợi những cái tên chính thức đánh dấu sự thành công khi bước chân vào con đường đầy khó khăn này.
Vì sao mô hình sàn TMĐT vẫn loay hoay?
Nếu như tại nước ngoài, hình thức sàn TMĐT (Maketplace) phát triển và trở thành mô hình đặc trưng cho ngành TMĐT thì tại Việt Nam, điều này dường như vẫn chưa đạt được.
Với dân số sử dụng Internet của Việt Nam xấp xỉ 50 triệu người, trong đó khoảng 3/4 người đã từng mua sắm trực tuyến cho thấy đây là thị trường đầy tiềm năng.
Mặc dù mô hình này đã hình thành và phát triển tại nước ta từ thời kỳ đầu của TMĐT nhưng các đơn vị vẫn đang loay hoay giải bài toán “làm thế nào để phát triển tại Việt Nam?”. Thậm chí, nhiều DN lớn muốn tham gia vẫn đang ngập ngừng, chờ đợi, lo lắng về một tương lai nối gót các đơn vị đã đóng cửa.
Tuy nhiên, khảo sát của Bộ Công Thương với dân số sử dụng Internet của Việt Nam xấp xỉ 50 triệu người, trong đó khoảng 3/4 người đã từng mua sắm trực tuyến cho thấy đây là thị trường đầy tiềm năng.
Ông Nguyễn Thanh Hưng cho rằng, nguyên nhân chưa có đơn vị nào thực sự thành công theo mô hình sàn tại Việt Nam bởi người bán không trực tiếp sản xuất và nắm rõ thông tin về sản phẩm và dịch vụ.
Sàn là nơi trung gian, người mua kẻ bán khó kiểm soát, dù có nguyên tắc hay quy chế pháp luật song vẫn chưa thực sự giải quyết được vấn đề này. Bên cạnh đó, năng lực của chủ sàn còn hạn chế, chưa sáng tạo; ý thức cộng đồng công dân chưa cao nên sàn kém quá hay nghiêm túc quá cũng dở.
Sinh sau đẻ muộn nhưng mạng xã hội có thứ mà sàn cần học tập
Mô hình marketplace tại Việt Nam hiện tại vẫn đang được hiểu là nơi tập trung sản phẩm, dịch vụ được cung cấp bởi bên thứ ba, mọi hoạt động giao dịch, mua bán được hỗ trợ bởi đơn vị quản lý sàn giao dịch. Định nghĩa này đang giới hạn lại tính phù hợp của mô hình đối với văn hóa Việt Nam.
Truyền thống mua sắm của người Việt tập trung vào tính tương tác cá nhân. Trước khi quyết định trả tiền, người mua muốn được biết mình đang mua của ai, nói chuyện trực tiếp với người bán, nhờ tư vấn, thậm chí mặc cả.
Từ kinh nghiệm cung cấp dịch vụ cho hơn 23.000 DN vừa và nhỏ, ông Trần Trọng Tuyến – CEO DKT, Tổng thư ký VECOM cho rằng, mạng xã hội mang nhiều ưu thế trong mua bán online tại Việt Nam mà các đơn vị cần học tập.
43% lựa chọn mua sắm trên Facebook vì dễ dàng đặt hàng, 36% thích vì giá rẻ và có thể mặc cả, 29% vì thường xuyên update thông tin, 21% vì quen thuộc với người bán.
Với ưu thế nhanh và rộng, mạng xã hội có thể giúp người mua tương tác trực tiếp với người bán một cách nhanh chóng và hiệu quả nhất – điều mà TMĐT chưa làm được.
Theo một khảo sát do tổ chức nghiên cứu thị trường QandMe thực hiện về lý do mua hàng trên Facebook, 43% lựa chọn mua sắm trên Facebook vì dễ dàng đặt hàng, 36% thích vì giá rẻ và có thể mặc cả, 29% vì thường xuyên update thông tin, 21% vì quen thuộc với người bán.
Ông Trần Tuấn Anh, Giám đốc tài chính và vận hành của Shopee cho biết, trước khi vào Việt Nam, công ty đã tìm hiểu và nhận thấy một thách thức đồng thời cũng là cơ hội cho các sàn TMĐT là tính cộng đồng trong mua sắm của người Việt. Điều này mạng xã hội đang làm rất tốt, đặc biệt ở Việt Nam.
Xây dựng sàn TMĐT với các tính năng tập trung vào tương tác trực tiếp giữa người mua, bán; tối ưu hóa khoảng cách trong việc mua bán là cách mà cách đi riêng biệt của Shopee so với các đơn vị hiện tại.
Theo số liệu của Shopee, có đến 71% khách hàng sử dụng tính năng chat với người bán khi mua sắm trên sàn TMĐT này. Điều đó cho thấy người tiêu dùng rất ưa thích các tính năng có thể giúp tương tác trực tiếp với người bán. Đây cũng chính là các tính năng được đánh giá mang lại hiệu quả nhất khi bán hàng qua mạng xã hội Facebook.
Tuy nhiên, ngoài học tập các tính năng của mạng xã hội thì những chiến lược mới, sáng tạo, đúng đắn và lối đi khác biệt cũng được các chuyên gia kỳ vọng là giải pháp hiện thời cho các DN đang theo đuổi con đường này.
Hồng Minh
Nguồn Trí thức trẻ