Với 60 triệu người dùng, Zalo đang có lãi hay lỗ?
Để đạt được 60 triệu người dùng, VNG phải đầu tư một số tiền không nhỏ nhưng với doanh thu chủ yếu từ quảng cáo, có vẻ như Zalo chưa thể là “con gà để trứng vàng” cho doanh nghiệp này trong ngắn hạn.
Doanh thu Zalo sẽ đến từ đâu?
Ứng dụng OTT chat là những ứng dụng có hàng triệu người dùng và có các hình thức thu phí rất đa dạng từ dịch vụ gọi điện đến những máy không cài ứng dụng (Viber Out), thu phí sticker (Viber, Line, KakaoTalk), thương mại điện tử (Kakao Talk, Line) cho đến thu phí tải ứng dụng (WhatsApp trước khi được Facebook mua lại). Ở Việt Nam, Zalo đã đầu tư một số tiền không hề nhỏ để có được 60 triệu người dùng như hiện nay và câu chuyện “thu hồi vốn” như thế nào đang là câu hỏi được rất nhiều người quan tâm.
Giữa năm 2014, trong ngày công nghệ FPT, ông Vương Quang Khải, Phó Tổng Giám đốc VNG đã từng chia sẻ rằng OTT này sẽ không đi theo con đường của các đối thủ ngoại (thu phí, bán sticker,...) mà sẽ hướng đến thương mại điện tử trên thiết bị di động. Khi được hỏi về lý do tại sao VNG lại tin tưởng vào khả năng tham gia thương mại điện tử của Zalo, ông Khải cho rằng, ứng dụng OTT như Zalo có hai điểm lợi thế là trao đổi trực tiếp và địa điểm. Điều này giúp người có nhu cầu mua sản phẩm có thể tra cứu rất nhanh địa điểm nơi muốn mua món hàng và chat trực tiếp với chủ tiệm. Theo quan sát, thương mại điện tử trên Zalo đang đi theo mô hình C2C, tức là Zalo tạo ra môi trường cho các chủ shop tạo ra các trang Zalo Official Account để kinh doanh các mặt hàng trên đó. Trong số Zalo Official Account, ngoài các shop còn có các nhãn hàng, trang tin tức…
Ngoài thương mại điện tử và game, Zalo còn được sử dụng như một công cụ cho các dịch vụ công như hợp tác với EVN để người dân có tra cứu tiền điện, với Bộ Y Tế để theo dõi sổ tiêm chủng cho các em bé, tìm điểm tiêm chủng gần nhất hay cẩm nang phòng chống virus Zika, chống đuối nước, phòng bệnh sốt xuất huyết…
Ngày 30/6, tại buổi báo cáo trước đại hội cổ đông Công ty VNG, ông Tom Herron - Giám đốc phát triển của VNG cho biết doanh thu từ quảng cáo và game di động của VNG đang tăng mạnh, trong đó doanh thu từ quảng cáo chiếm 12% tổng doanh thu trong năm 2015, đạt khoảng 250 tỷ đồng. Các sản phẩm có thể đem lại doanh thu quảng cáo cho VNG gồm Zalo và Zing MP3… Chưa kể đến, cuối năm 2015, Zalo cũng nhận giải thưởng công cụ truyền thông của năm của Hiệp hội marketing toàn cầu khi thực hiện chiến dịch quảng bá cho một số nhãn hàng. Như vậy, có thể nói, phần doanh thu lớn nhất của Zalo đang đến từ quảng cáo. Tuy nhiên, khi mà doanh thu quảng cáo trong năm 2015 phần lớn nằm trong tay 2 gã khổng lồ nước ngoài là Facebook và Google thì miếng bánh còn lại của Zalo chưa chắc đủ bù đắp lại chi phí đã đầu tư nhằm đánh bại các đối thủ nước ngoài như Viber, Line, Kakao Talk… để lấy 60 triệu người dùng như hiện nay.
Doanh thu ban đầu đủ tốt để VNG tiếp tục đầu tư vào Zalo
Trao đổi với phóng viên, đội ngũ phát triển Zalo khẳng định lõi của sản phẩm này là dịch vụ trò chuyện tin nhắn (chat), trên nền đó sẽ cung cấp các công cụ cho các doanh nghiệp, tổ chức, đơn vị phi lợi nhuận liên hệ với tập người dùng quan tâm của mình. Sau thời gian đầu chỉ là công cụ chat giữa bạn bè, Zalo đã dần phát triển trở thành công cụ tương tác cho các tổ chức, cá nhân có nhu cầu. “Zalo nhắm đến các đơn vị, tổ chức cần sự tương tác 2 chiều, đồng thời có các tính năng đặc thù như tìm vị trí. Ví dụ như tính năng tìm vị trí tiêm vắc xin mà Bộ Y Tế đang triển khai trên Zalo”, ông Khải cho biết
Bên cạnh đó, để phát triển các dịch vụ giá trị gia tăng dựa trên tính năng chính là chat, team phát triển Zalo được chia thành nhiều nhóm, mỗi nhóm phát triển một dịch vụ “cộng thêm” khác như Zalo Ads, Zalo Shop…
Khi được hỏi về một số lo ngại Zalo sẽ bị “loãng” khi phát triển quá nhiều dịch vụ, ông Khải cho rằng, do định vị là một công cụ chat và các dịch vụ như Zalo Shop, dịch vụ công là các dịch vụ giá trị gia tăng nên Zalo không sợ mình “loãng” và đi xa khỏi định hướng ban đầu của mình.
Về kế hoạch trong thời gian tới, Zalo sẽ chạy song song 2 nhóm, nhóm sản phẩm sẽ liên tục phát triển tính năng, đảm bảo dịch vụ “lõi” (dịch vụ chat) phải tốt để người dùng không bỏ mình. Ngoài dịch vụ chat video đã được ra mắt, Zalo sẽ phát triển thêm các dịch vụ liên quan đến video khác như live streaming hay nội dung video và liên tục thay đổi, cập nhật các tính năng mới.
Về câu chuyện thu hồi vốn đầu tư, ông Khải khẳng định, ứng dụng Zalo là sản phẩm đầu tư chiến lược của VNG. Sau gần 4 năm phát triển sản phẩm, VNG cũng thấy rằng những doanh thu, lợi nhuận ban đầu của Zalo đủ tốt để công ty tiếp tục đầu tư phát triển sản phẩm này. “Không phải ngẫu nhiên mà Facebook đang dồn lực để đầu tư phát triển cả Facebook Messenger và Whatsapp vì Facebook tin rằng các ứng dụng OTT chat sẽ thay thế mạng xã hội trong tương lai”, ông Khải nhấn mạnh.
Cũng tại buổi báo cáo trước đại hội cổ đông công ty VNG cuối tháng 6/2016, ông Tom Herron chia sẻ, Zalo đang được tập trung để phát triển sản phẩm này có thể thu hút được nhiều người dùng hơn như thêm các tính năng, tiện ích làm cho người dùng có thể gắn bó lâu dài hơn với sản phẩm. “Tuy hiện tại Zalo đã có được lượng người dùng tương đối, nhưng vẫn phải tập trung vào phát triển về giao diện sao cho thân thiện với người dùng và có chất lượng ngang bằng với các sản phẩm quốc tế”, ông Tom Herron cho biết thêm.
Thế Phương
Nguồn ICT News