FPT tìm tiền từ Cloud và IoT

Khối viễn thông đang đóng góp lợi nhuận quan trọng cho Tập đoàn, nhưng dường như các nhà lãnh đạo của FPT vẫn tìm kiếm thêm mảng kinh doanh mới trong thời gian tới.

Các báo cáo của FPT từ năm 2007 đến nay cho thấy, dù chỉ đóng góp khoảng 10% doanh thu nhưng mảng dịch vụ viễn thông (bao gồm dịch vụ internet băng thông rộng, voice, trung tâm dữ liệu, dịch vụ truyền hình, kênh thuê riêng và dịch vụ chia sẻ trực tuyến) luôn đóng góp từ 20-25% lợi nhuận của Tập đoàn.

Bắt đầu từ năm 2013, FPT quy hoạch nhóm nội dung số và viễn thông về khối viễn thông. Khối này góp doanh số khiêm tốn so với khối công nghệ và phân phối, chỉ chiếm từ 8-14% qua các năm nhưng luôn dẫn đầu về lợi nhuận, với tỉ lệ đóng góp từ 25-30%. Trong đó, tỉ trọng đóng góp từ nhóm dịch vụ viễn thông luôn chiếm trên 80%. Cũng chính vì sự đóng góp mạnh mẽ và bền bỉ của khối viễn thông trong một khoảng thời gian khá dài nên giới đầu tư đã gán cho FPT biệt danh “tập đoàn kéo cáp”.

Tăng trưởng doanh thu 20-25% mỗi năm nhưng mảng công nghệ của FPT vẫn ít giá trị gia tăng.

Bên cạnh đó, tiềm năng của khối viễn thông được cho là vẫn còn dư địa tốt để phát triển, khi internet Việt Nam chỉ mới phủ hơn 30% dân số. Nhưng giới lãnh đạo FPT không nhận định như vậy. Theo một giám đốc không muốn nêu tên của Tập đoàn tiềm năng tăng trưởng vẫn còn nhưng cần thời gian. Tăng trưởng internet băng rộng nhờ vào lượng thuê bao mới sẽ là tiền đề tốt cho tăng trưởng dài hạn của FPT khi chi phí khấu hao cũng như quá trình quang hóa hoàn tất. Tuy nhiên, việc phủ sóng hiện nay vẫn tập trung chủ yếu ở các khu đô thị, khu vực đông dân cư là chính. Ở các vùng xa vẫn cần thời gian và chi phí cũng không nhỏ.

Thực tế cho thấy lợi nhuận trước thuế của mảng viễn thông trong 2 năm 2014, 2015 đi ngang, chỉ đạt 840 và 878 tỉ đồng do tác động bởi việc chuyển đổi hạ tầng từ cáp đồng sang cáp quang. Bên cạnh đó, việc mở rộng sang các nước trong khu vực không dễ dàng. Mặc dù khối viễn thông FPT đã triển khai dịch vụ ở thị trường Campuchia từ năm 2013 và gần đây nhất là Myanmar, nhưng con số này khá khiêm tốn so với Viettel. Trong 5 năm qua, Viettel rất tích cực đầu tư ở 10 nước ở châu Phi, châu Á và châu Mỹ. “Khả năng gia nhập các thị trường cao hơn Việt Nam là rất khó, vì chi phí đầu tư ban đầu tương đối cao. Còn với các thị trường cấp thấp cũng vướng phải các doanh nghiệp trong nước đã đi trước”, vị này nói.

Đây cũng là điều tương tự với nhóm bán lẻ của FPT. Doanh thu của mảng bán lẻ của Tập đoàn dù cao nhất nhưng lợi nhuận đem về luôn xếp thứ ba. Thậm chí, tỉ trọng lợi nhuận không cao nhiều khả năng tạo sức ép lên quá trình thoái vốn tại FPT Trading. Đây có thể là lý do FPT Retail có thương vụ hợp tác bất ngờ với Vinamilk, qua đó có thể có thể tìm cơ hội khác cho FPT Retail và FPT Trading, không loại trừ cơ hội mua bán và sáp nhập mảng kinh doanh này trong thời gian tới.

FPT tìm tiền từ Cloud và IoT

FPT tìm kiếm động lực tăng trưởng từ những lĩnh vực công nghệ mới. Ảnh: Sơn Phạm.

Vì thế, đảm nhiệm việc đóng góp lợi nhuận chính trong tương lai đang được kỳ vọng vào khối công nghệ (gồm xuất khẩu phần mềm, tích hợp hệ thống, dịch vụ công nghệ thông tin và giải pháp phần mềm), nhóm luôn đứng thứ nhì về doanh số và lợi nhuận đóng góp cho Tập đoàn kể từ khi lên sàn chứng khoán.

Cho đến nay, đóng góp nhiều nhất cho khối công nghệ của FPT vẫn là gia công phần mềm nhờ vào lợi thế giá rẻ nhân công giá rẻ. FPT Software đã chạm mốc doanh thu 200 triệu USD. Thị trường Nhật dẫn đầu về doanh thu với thị phần đóng góp gần 50%, đứng thứ hai là Mỹ (27%), châu Âu (16%) và châu Á - Thái Bình Dương (12%). Toàn cầu hóa đang trở thành động lực tăng trưởng quan trọng của FPT khi sau 8 tháng; doanh thu từ thị trường nước ngoài của FPT tăng 29% so với cùng kỳ năm 2015, đạt mức 3.625 tỉ đồng. Lợi nhuận trước thuế cũng tăng tương ứng 29%, đạt 509 tỉ đồng.

Tăng trưởng doanh thu của mảng công nghệ vào khoảng 20-25% mỗi năm nhưng FPT vẫn đang tham gia vào các công đoạn đơn giản, ít giá trị gia tăng. Trong khi đó, việc mua lại RWE IT Slovakia hồi năm 2014 vẫn chưa có đóng góp cho doanh thu của FPT. Hiện Tập đoàn vẫn đang cơ cấu lại nguồn nhân lực của công ty này để tham gia vào mảng cung cấp giải pháp cho ngành năng lượng trong thời gian tới.

Để tạo đột biến trong thời gian tới, theo ông Nguyễn Đức Quỳnh, Giám đốc FPT Software HCM, Công ty đang đặt kỳ vọng vào hai xu hướng công nghệ trên thế giới là điện toán đám mây (cloud) và IOT-Internet of Things (vạn vật kết nối internet). IBM dự đoán thị trường điện toán đám mây sẽ đạt giá trị 200 tỉ USD vào năm 2020, còn Gartner dự báo thị trường IOT sẽ đạt mốc 3.000 tỉ USD.

FPT tìm tiền từ Cloud và IoT

Điện toán đám mây và IOT-Internet of Things là hai xu hướng công nghệ FPT đang kỳ vọng. Ảnh: FPT.

Chiến lược của FPT là đi theo người dẫn đầu. Như trong lĩnh vực IOT, FPT đã đồng hành với Tập đoàn GE từ lúc tập đoàn này phát triển Prefix, một nền tảng công nghệ giúp kết nối các thiết bị IOT của nhiều hãng sản xuất khác nhau. Còn trong lĩnh vực điện toán đám mây, FPT hợp tác với các đơn vị như Google, Amazon hay Microsoft.

Theo đó, FPT sẽ đóng vai trò là đơn vị tư vấn giải pháp cho các doanh nghiệp đang có nhu cầu chuyển dần hệ thống hiện tại lên điện toán đám mây hoặc tham gia vào xu hướng IOT. Đây là thị trường có các đối tác như GE, Google, Amazon hay Microsoft trên toàn cầu. Ông Quỳnh cho biết, lợi nhuận của 2 lĩnh vực này vào khoảng 20-30% trên tổng doanh thu. Hiện doanh thu từ mảng điện toán đám mây chiếm khoảng 10%, còn mảng IOT vẫn đang trong giai đoạn khai phá thị trường.

“Đi theo hướng gia công phần mềm, cơ hội của FPT Software khi thâm nhập vào thị trường cao như Mỹ hay châu Âu là rất thấp, nhưng việc đón đầu các xu hướng mới thì lại khác. Chúng tôi có nhiều cơ hội hơn”, ông Quỳnh nói.

Đông Sang
Nguồn Nhịp cầu Đầu tư