Cổ đông chiến lược cho Sabeco: Hãy đợi đấy!

Nhiều nhà đầu tư nước ngoài mong muốn sở hữu cổ phần của một doanh nghiệp độc quyền hay nắm phần lớn thị phần trên thị trường. Nhưng để biến mong muốn thành hiện thực là cả chặng đường dài.

“Ngoài việc thị trường đi xuống, còn lý do nào khác mà cơ quan thẩm quyền cứ trì hoãn việc bán cổ phần doanh nghiệp Nhà nước”, Giám đốc một công ty Nhật tại Tokyo chuyên tư vấn cho các doanh nghiệp nước này mua cổ phần công ty Việt Nam phàn nàn.

Dài cổ đợi Sabeco

Vị Giám đốc này cũng đặt câu hỏi khi nào sẽ hoàn tất việc giảm cổ phần của Bộ Công Thương tại Tổng Công ty Cổ phần Bia - Rượu - Nước Giải Khát Sài Gòn (Sabeco) xuống mức 51%, chọn đối tác chiến lược và niêm yết cổ phiếu. Ông cho biết một số khách hàng tiềm năng của ông đã quá ngán ngẩm với trường hợp phức tạp này.

Cổ đông chiến lược cho Sabeco: Hãy đợi đấy!Gần đây, một nguồn tin từ Công ty Chứng khoán TP.HCM cho hay các hãng bia Sabmiller, Kirin Brewery, Asahi Breweries và Asia Pacific Breweries muốn trở thành đối tác chiến lược của Sabeco. Hai bên đều muốn làm đối tác của nhau, tại sao chuyện lại chưa ngã ngũ?

Cần nhắc lại, câu chuyện bán phần vốn Nhà nước cho đối tác chiến lược của Sabeco đã được bàn suốt hơn 4 năm qua. Sabeco đấu giá cổ phần lần đầu ra công chúng (IPO) hồi đầu năm 2008 nhưng sau đó Bộ Công Thương vẫn giữ gần 90% vốn. Kế hoạch bán 20% cho đối tác chiến lược, sau đó niêm yết và bán tiếp 20% qua sàn, đã được phê duyệt nhưng đến nay vẫn chưa thực hiện được bởi nhiều lý do.

Một trong những lý do được đề cập nhiều nhất là giá cổ phần. Giá IPO của Sabeco đạt 70.000 đồng/cổ phần, gần gấp đôi so với giá trên thị trường tự do (OTC) hiện nay (khoảng 37.000 đồng/cổ phần). Nếu bán cho cổ đông chiến lược với giá này, Nhà nước sẽ thất thu.

Nhưng nếu bán với giá IPO, liệu nhà đầu tư chiến lược có chấp nhận? Mới đây, Ngân hàng Mizuho (Nhật) đã mua cổ phần của Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) với giá 34.000 đồng/cổ phần, cao hơn giá niêm yết song thấp hơn hẳn giá IPO là 100.000 đồng/cổ phần. Theo ý kiến của đại diện một số doanh nghiệp cùng ngành, nhà đầu tư chiến lược của Sabeco sẽ chỉ xem xét mức giá 40.000-60.000 đồng/cổ phần.

Một rào cản khác làm chậm quá trình chọn cổ đông chiến lược của Sabeco là minh bạch thông tin. Tại Đại hội Cổ đông năm 2011, nhiều cổ đông đã chất vấn việc trì hoãn công bố báo cáo tài chính đầy đủ đã được kiểm toán. Tuy nhiên, Hội đồng Quản trị Sabeco cho rằng công bố báo cáo tài chính đã qua kiểm toán sẽ không có lợi và việc này cần phải được cân nhắc.

Trước đó vài tháng, các thông tin về những thương vụ liên quan đến việc cung cấp nguyên liệu sản xuất bia và hợp đồng mua vỏ lon bia tại Sabeco từ năm 2006-2008 đã làm thất thoát hàng trăm tỉ đồng cũng lan truyền khá nhanh. Cho đến nay, việc xử lý sai phạm vẫn chưa xong, ảnh hưởng đến niềm tin của các cổ đông. 4 tập đoàn nước ngoài cũng sẽ theo dõi kỹ thông tin này trước khi bước vào cuộc đua để có thể trở thành cổ đông chiến lược của Sabeco.

Chừng nào thông?

Trong khi đó, hoạt động sản xuất kinh doanh của Sabeco đã bắt đầu bộc lộ những điểm bất lợi.

Tăng trưởng doanh thu của Công ty tại các thành phố lớn đã tụt xuống thấp hơn mức chung của ngành (chỉ 8% so với 9,5%), theo báo cáo tổng kết năm 2011 của Hội đồng Quản trị Sabeco. Nguyên nhân của sự sụt giảm này là do hoạt động tiếp thị và hệ thống phân phối chưa được chú trọng đúng mức, nên không thể phát huy được hiệu quả kinh doanh. Đồng thời, tỉ suất lợi nhuận sau thuế năm 2011 của Sabeco chỉ đạt 8%, thấp hơn nhiều so với các doanh nghiệp cùng ngành.

Cổ đông chiến lược cho Sabeco: Hãy đợi đấy!Mới đây, bà Trịnh Tuyết Minh, Phó Tổng Giám đốc Sabeco, cho biết kế hoạch bán cổ phần cho cổ đông chiến lược là khá quan trọng của Công ty trong năm 2012. Đó là một cơ sở giúp Công ty đảm bảo mục tiêu đứng đầu Việt Nam, thứ ba Đông Nam Á về sản lượng và duy trì mức trả cổ tức không dưới 30%.

Tuy nhiên, cứ đà này, liệu các nhà đầu tư nước ngoài có đủ kiên nhẫn để tiếp tục theo đuổi chiến lược thâm nhập thị trường Việt Nam? Phát biểu trên báo Yomiuri (Nhật), ông Nobutada Saji, Chủ tịch Tập đoàn Suntory cho biết sẽ đầu tư khoảng 2,5 tỉ USD cho các vụ mua bán và sáp nhập tại Đông Nam Á, đặc biệt là Việt Nam, Thái Lan và Indonesia. Tương tự, các công ty bia rượu khác như Kirin, Sapporo và Asahi cũng đang tích cực đẩy mạnh hoạt động tại châu Á nhằm tăng doanh thu và phát triển thương hiệu.

“Tôi e rằng Sabeco sẽ lỡ cuộc đua này vì khách hàng của tôi đã có ý định chuyển vốn sang Thái Lan và Indonesia do quy định về cơ chế thu hút đầu tư của họ rất thoáng và làm thủ tục rất nhanh”, một Giám đốc Công ty tư vấn của Nhật, cho biết.

Nguồn Nhịp cầu Đầu tư