Twitter đấu Facebook - Chiến lược tập trung đấu với sự đa dạng
Trong cuộc đua với Facebook, Twitter đang có dấu hiệu hụt hơi.
Cụ thể, vào giai đoạn cuối tháng 10/2016, trang mạng xã hội này liên tục công bố những thông tin không mấy khả quan, như việc Twitter sẽ khai tử ứng dụng video Vine, ứng dụng từng được chính Twitter mua lại hồi cuối năm 2012 với cái giá khoảng 30 triệu USD. Kèm theo việc khai tử “ngôi sao sáng” Vine (miêu tả của Dick Costolo – CEO Twitter khi vừa mua Vine) này, Twitter cũng lên kế hoạch sa thải khoảng 350 nhân viên, tương ứng với 9% tổng số nhân viên toàn cầu của hãng.
“Tốc độ tăng trưởng lượng người sử dụng ì ạch cho thấy những sáng kiến của Jack (Jack Dorsey - đồng sáng lập và hiện là CEO của Twitter) đến giờ vẫn không hiệu quả. Nếu ngay cả Jack cũng không vực dậy được Twitter, thì làm sao Twitter có thể tăng trưởng được?”, Robert S. Peck – chuyên gia phân tích người Mỹ, hiện đang làm việc tại tập đoàn đầu tư SunTrust Robinson Humphrey Inc., nhận xét.
Cũng trong thời gian “nhạy cảm” này, nhiều nguồn tin khác nhau về một thương vụ thâu tóm Twitter của Google, Apple, Walt Disney… liên tục được đưa ra. Tuy chưa biết kết cục của Twitter sẽ ra sao trong thời gian tới, nhưng chúng ta có thể thấy, những khó khăn hiện tại mà Twitter đang phải đối mặt, lại bắt nguồn từ chính điều đã làm Twitter thành công.
Twitter "tập trung" đấu lại chiến lược "đa dạng" của Facebook
Facebook và Twitter đi theo hai hướng trái ngược và ban đầu, cả hai chiến lược này đều mang lại thành công.
Ở Facebook, một trong những phương châm chính từ những ngày đầu tiên thành lập là “Hành động nhanh và phá vỡ mọi thứ”, bởi nếu bạn không phá vỡ gì đó thì bạn đang không hành động đủ tốt để phát triển. Facebook chính vì thế liên tục đưa ra những ứng dụng, những cải tiến để “phá vỡ mọi thứ”.
Facebook phát triển công cụ Search để cạnh tranh với Google, phát triển Live stream video để cạnh tranh với YouTube, phát triển ứng dụng Hashtag (gom nhóm các chủ đề) để cạnh tranh với Twitter và sắp tới là phát triển chức năng tin nhắn tự hủy cho Facebook Messenger để “đấu” với Snapchat.
Còn Twitter thì khác. Ngay từ đầu, họ đã muốn nhân viên của mình tập trung vào công việc một cách “chuyên sâu”. “Cân bằng những ham muốn của bạn để thực hiện tốt công việc một cách có tâm nhất”.
Twitter tập trung khai thác sự hoàn hảo trong tính cách của nhân viên, chứ không phải tốc độ. Họ cho rằng sự vội vàng và hấp tấp là một điểm yếu mà những lập trình viên nên tránh.
Và cũng chính vì thế, Twitter không tạo ra thứ “cho tất cả mọi người” như Facebook. “Vấn đề của Twitter là không tạo được một cộng đồng nơi tất cả mọi người cảm thấy họ có thể tham dự”, Josh Elman – cựu quản lý sản phẩm tại Twitter từng nhận định.
Đơn cử, trong khi Facebook khuyến khích người dùng viết càng nhiều càng tốt, thì Twitter thường xuyên giới hạn người dùng, như chỉ cho phép người sử dụng đăng một mẩu tin chứa tối đa là 140 ký tự hay được gọi là “tweet” (đây cũng là tính năng nổi bật nhất của Twitter). Trong khi người dùng Facebook có thể thoải mái chia sẻ, từ hình ảnh, trò chơi, video, đến địa điểm họ đang ở (check-in)… thì Twitter ban đầu chỉ cho người dùng đăng tải ảnh bằng cách tải ảnh lên từ một bên thứ ba, sau đó dẫn ngược link về tweet cá nhân của họ, còn việc check-in cập nhật địa điểm thì rất hạn chế.
Chiến lược tập của Twitter gặp khó trước "cơn lốc" điện thoại di động
Twitter (năm 2006) được thành lập sau Facebook (năm 2004) 2 năm và trước Instagram (ứng dụng chia sẻ video và hình ảnh, thành lập năm 2010) tới 4 năm, thế nhưng tính đến năm 2016, trong khi Facebook có thể cán mốc 2 tỉ người dùng vào cuối năm, Instagram có khoảng 500 triệu người dùng, thì Twitter chỉ có trung bình hơn 320 triệu người dùng trên toàn thế giới.
Đáng nói hơn, số người dùng Twitter đang “đứng yên” trong khi các đối thủ vẫn đều đều tăng trưởng. Thậm chí Weibo, mạng xã hội của Trung Quốc ra đời năm 2009 cũng có tốc độ tăng trưởng người dùng năm 2015 lên đến 30% và đã nhận được sự đánh giá cao của giới đầu tư (trên thị trường chứng khoán New York, tổng giá trị cổ phiếu Weibo ước tính là 10,8 tỉ USD, còn Twitter là 12,5 tỉ USD).
Theo trang Stratechery.com, chính sự phổ biến của những chiếc điện thoại di động đã khiến Twitter “bị Facebook bỏ lại quá xa”. Vừa nhỏ gọn, vừa có thể tích hợp được tất cả chức năng của một chiếc tivi, một chiếc máy ảnh, một chiếc máy tính, chiếc điện thoại di động ngày nay gần như lấp hết mọi khoảng trống trong thời gian biểu hằng ngày của người dùng. Họ có thể làm mọi thứ với chiếc điện thoại di động của mình. Và khi mà sự cá nhân hóa của người dùng ngày càng lên cao như vậy, thì mạng xã hội nào mang lại cho người dùng một thế giới càng lớn, càng nhiều thông tin, càng giúp họ thể hiện được “cái tôi” của mình, sẽ càng được ưa chuộng.
Facebook gần như có “đủ thứ giúp cá nhân hóa người dùng”. Từ việc live stream video, upload hình ảnh, bình luận, thể hiện cảm xúc với các thông tin thế giới, thông tin cộng đồng, thông tin người thân… đến việc người dùng có thể chat, nghe nhạc, xem phim, gọi điện, làm video, chơi game, làm khảo sát, bán hàng… Trong khi Twitter chỉ đáp ứng được một số nhu cầu hạn chế như gửi tin nhắn, tweet dòng cảm xúc, follow (theo dõi) người nổi tiếng, theo dõi các chủ đề hot… Thậm chí Instagram, một ứng dụng ban đầu chỉ tập trung vào việc đáp ứng nhu cầu đăng ảnh và đăng video cho người dùng, nay cũng phổ biến và được yêu thích hơn so với Twitter. Tất cả cho thấy, chiến lược tập trung của Twitter đang gặp rất nhiều khó khăn…
Phạm Tú
Nguồn Doanh Nhân Sài Gòn