Cuộc thanh trừng của các nhà bán lẻ di động
Được thì ở không được thì đi chỗ khác chơi, đó là quy luật của nhà bán lẻ đối với các nhãn hàng điện thoại di động “ma mới”.
Nếu tính đúng, tính đủ, trên kênh Lazada bày bán có đến hàng trăm thương hiệu, từ quen thuộc như Samsung, Oppo, Sony, HTC, Mobiistar… cho đến những tên tuổi lạ hoắc như ArbutuS, Lvmobile, Kechaoda, Mobile, Zono… Lazada là sàn giao dịch, vả lại, trên môi trường web, bao nhiêu cũng không đủ, nên sẵn sàng “mở cửa” cho những ai có nhu cầu mua bán.
“Sàn diễn” chỉ rộng vừa
Nhưng với những cửa hàng trực tiếp lại khác, vì diện tích có hạn, dao động từ 50 – 200m2, nên các nhà bán lẻ phải tính toán cân nhắc số lượng thương hiệu xuất hiện, kèm theo diện tích trưng bày hàng cho từng hãng.
Nhưng quan trọng hơn cả, thương hiệu nào bán đạt doanh số theo yêu cầu của nhà bán lẻ trong khoảng thời gian 2 – 3 tháng, thực hiện gói “tiếp thị” theo quy định của nhà bán lẻ… sẽ được “ghi danh” trên “bảng vàng trưng bày” của nhà bán lẻ.
Về doanh số, tuỳ theo quy mô và uy tín của từng nhà bán lẻ mà doanh số có khác nhau. Đại diện FPT Shop cho biết, doanh số của những thương hiệu mới phải đạt ít nhất là 5 tỉ đồng/tháng trong vòng ba tháng.
Ông Đoàn Văn Hiểu Em, giám đốc ngành hàng di động của thegioididong.com chia sẻ, công ty ông không đặt nặng vấn đề doanh số, vì “nếu không tạo cơ hội cho họ thì làm sao biết họ bán được hay không”, nhưng lại ràng buộc về giá cả, chất lượng sản phẩm, mức độ cam kết đầu tư với thị trường, thực hiện chính sách hậu mãi, chính sách với nhà bán lẻ…
Quan sát trên hệ thống của FPT Shop và thegioididong.com có thể thấy có sự khác biệt. Ở FPT Shop, nếu các hãng đáp ứng những yêu cầu của nhà bán lẻ, hàng hoá sẽ xuất hiện đầy đủ tại các cửa hàng.
Trong khi đó, ở thegioididong.com, những sản phẩm của các nhãn hàng mới, tuỳ theo giá trị của các sản phẩm đó mà sắp xếp địa bàn.
Trên trang web thegioididong.com, vào mục sản phẩm thường thấy xuất hiện thông tin “chỉ xuất hiện ở một vài cửa hàng” ở một vài sản phẩm mới.
Theo ông Hiểu Em, công ty phân vùng trong thời gian tối đa ba tháng, nếu nhãn hàng đó không thoả mãn các điều hai bên đã cam kết, nhà sản xuất khắc biết phải làm gì! Biết phải làm gì, tức là đưa hàng ra khỏi tiệm!
Đi chỗ khác chơi là chuyện bình thường
Một số nhà bán lẻ (đề nghị không nêu tên) đang trong tiến trình loại khỏi kênh một số nhãn hàng như Lenovo, Obi, Wiko, Q…, trong đó có cả những thương hiệu đã thành danh trên toàn cầu như HTC, Asus…
Chủ một chuỗi cửa hàng ở vùng Tây Nguyên cho TGTT biết, hiện chuỗi này đang “đạp giá” sản phẩm của hai nhãn hàng Obi và Wiko lên tới 40%.
“Khi nào bán hết hàng tồn sẽ không cho hai nhãn hàng này xuất hiện ở kênh nữa. Hàng đã khó bán, còn nhà nhập khẩu chẳng quan tâm gì tới kênh bán lẻ”, chủ cửa hàng này nói.
Obi và Wiko là hai nhãn hàng do công ty DigiWorld nhập khẩu. Vậy mà, cách đây vài tháng, giám đốc ngành hàng di động của DigiWorld đã khẳng định với TGTT: hai nhãn hàng Wiko và Obi đang “ăn nên làm ra” tại thị trường Việt Nam, đang từ thị trường nông thôn tiến về thị trường đô thị!
Theo một nguồn tin riêng, FPT Shop cũng đang xem xét lại một số nhãn hàng không có hiệu quả trong thời gian qua để loại ra khỏi hệ thống bán lẻ này trên toàn quốc. Nguồn tin này không tiết lộ sẽ loại nhãn hàng nào vì đang trong quá trình theo dõi ở “giai đoạn cuối”!
Cùng với các kênh bán lẻ lớn, FPT Shop nhận được nhiều lời “thỉnh cầu” của các hãng mới đến từ Trung Quốc, Nhật Bản… như Vivo, Freetel… nhưng nhà bán lẻ này chưa chịu gật đầu!
“Chúng tôi chỉ bán những nhãn hàng nào vừa bán được hàng vừa thực hiện nghiêm túc những chính sách hậu mãi, tiếp thị, truyền thông… Có một vài thương hiệu mới xuất hiện trên thị trường, cần có thời gian để quan sát”, bà Nguyễn Bạch Điệp, tổng giám đốc FPT Shop, nói.
Theo ông Xà Quế Nguyên, cố vấn truyền thông cho kênh bán lẻ Hnamobile, việc các nhà bán lẻ cho các nhãn hàng rời kênh, hay đón về là chuyện bình thường trong kinh doanh bán lẻ, không quá nặng nề như nhiều hãng sản xuất và nhà bán lẻ đã nghĩ.
“Khi sản phẩm bán không được thì không nhập hàng, còn bán được thì tiếp tục kinh doanh. Khi các hãng có sản phẩm mới, chương trình tiếp thị hấp dẫn…, nếu hai bên còn nghĩ về nhau, cùng ngồi lại để tiếp tục bán hàng”, ông Nguyên nói.
Giám đốc một nhãn hàng bình dân có mặt tại thị trường Việt Nam hơn bảy năm nói rằng, việc các kênh bán lẻ “thanh trừng” các nhãn hàng là chuyện bình thường trong kinh doanh!
Vị giám đốc này cho biết, có những kênh như Mai Nguyên, Tech One, Cellphone S… chuyên bán những sản phẩm cao cấp, không phù hợp với những sản phẩm thấp thì có xuất hiện ở những kênh này cũng chẳng có giá trị gì.
“Điều đáng lo là khi những kênh có độ phủ rộng từ chối hàng của mình. Trước khi trách họ, hãy coi lại mình”, vị giám đốc nói.
Hoàng Triều
Nguồn Tiếp Thị Thế Giới