Reetech đang chờ một “phù thủy”

Ðối đầu với các thương hiệu hàng gia dụng, điện lạnh hùng mạnh của Nhật, Hàn… Reetech chọn cách làm thương hiệu riêng, chậm rãi nhưng chắc chắn.

Không quảng cáo rầm rộ vì chưa có một “phù thủy” cho marketing sản phẩm, Reetech – một thương hiệu con của REE – vẫn âm thầm củng cố thị trường nội địa và từng bước tiến thẳng ra nước ngoài. Liệu đến đầu năm 2017, câu chuyện của thương hiệu này sẽ rõ ràng hơn?

Nói ít nhưng làm “khủng”

Từ lâu, nhiều người biết đến cái tên REE, do một loạt các hoạt động mạnh mẽ trên thị trường chứng khoán và các vụ mua bán, sáp nhập rầm rộ của thương hiệu này. Nhưng Reetech – một thương hiệu con của REE, chuyên sản xuất các loại máy lạnh gia dụng, công nghiệp, tủ điện… thì ngược lại, ít khi “nổi sóng” trên thị trường.

Sự “âm thầm” của Reetech có những lý do riêng, nhưng từ năm 1996 khi mới ra đời, Reetech đã sớm có hàng xuất khẩu vào thị trường Nhật Bản với khoảng 35 triệu sản phẩm. Sau đó đến năm 2008, Reetech tiếp tục có đơn hàng xuất đi Mỹ (sản phẩm Wall Mounted packaged AC). Và liên tục từ đó đến nay, đối tác Nhật và Mỹ vẫn đều đặn đặt hàng cho Reetech. Trong lĩnh vực điện lạnh, Reetech khiến cho nhiều người phải bất ngờ khi có những khách đặt mua toàn đơn hàng “khủng”.

REE kỳ vọng doanh thu mảng điện lạnh của Reetech sẽ tăng trưởng 29% vào năm 2017-2018.

Nói về lĩnh vực này, ông Nguyễn Bảo Châu, Phó giám đốc Reetech kể lại: “Một khách hàng của Mỹ gửi bản vẽ phác thảo và hỏi chúng tôi có làm được không? Reetech bắt tay thiết kế dàn máy lạnh công nghiệp, gửi cho khách hàng đánh giá. Họ hài lòng và từ đó Reetech đảm nhận vai trò sản xuất dàn máy lạnh công nghiệp này theo đơn đặt hàng từ Mỹ”.

Nói về xuất khẩu, Nhật hay Mỹ đều là những thị trường khó tính, nhưng Reetech vượt qua được rất nhiều khâu kiểm tra về chất lượng, an toàn, giữ vững tính ổn định trong việc thực hiện các đơn hàng khiến khách càng tin tưởng hơn. Tự tin với những thành công tại những thị trường lớn, Reetech đặt tham vọng: mở rộng thị trường xuất khẩu sang các nước như Cuba, Myamar… Nhờ những thực tế đó, REE kỳ vọng doanh thu mảng điện lạnh của Reetech sẽ tăng trưởng mức 29% vào năm 2017-2018.

Tự tin về chất lượng

Ngay từ khi ra đời vào năm 1996, cái tên Reetech đã được chú ý bởi những ông lớn trong ngành điện lạnh. Carrier, thương hiệu máy lạnh đến từ Mỹ khi đó đã đặt vấn đề hợp tác liên doanh với Reetech để xây nhà máy sản xuất. Dù tuổi đời non trẻ, nhưng Reteech khi đó đã tính tận dụng lợi thế “đứng trên vai người khổng lồ” để cùng với Carrier định hướng phát triển trong tương lai. Tuy nhiên, có một điều khoản trong hợp đồng buộc Reetech phải cân nhắc thấu đáo, đó là liên doanh thành lập sẽ được ước tính lỗ trong 3 năm đầu. Đó là thời điểm năm 1998 – 1999 – giai đoạn đầu cổ phần hóa và cũng là giai đoạn khủng hoảng tài chính thế giới. Reetech đã nhìn thấy bài học thất bại nhãn tiền từ liên doanh Chương Dương – Coca Cola. Hơn thế nữa, Reetech phải cân nhắc giữa hai vế của phương án liên doanh: kinh doanh có lãi và phải lãi nhiều thì nhà đầu tư nước ngoài sẽ chấp nhận có ít cổ phần, còn nếu lỗ thì nhà đầu tư nước ngoài sẽ dần chiếm nhiều cổ phần hơn. Chính vì đứng trước “khe cửa hẹp” như thế, Reetech quyết định tự mình làm nhà máy, không tính đến phương án liên doanh nữa. Nhà máy Reetech được thành lập năm 1999 và đã có ngay những sản phẩm máy giặt, tủ lạnh, máy điều hòa không khí Reetech – trở thành niềm tự hào của Việt Nam lúc bấy giờ, sản xuất hàng điện lạnh, gia dụng “made in Vietnam”.

Reetech đang chờ một “phù thủy”

Thị trường hàng gia dụng, điện lạnh là thị trường nhiều cạnh tranh với những thương hiệu lớn từ Nhật Bản, Hàn Quốc. Ngành hàng này còn gặp trở ngại là tâm lý chuộng hàng ngoại của người tiêu dùng. Tuy nhiên, Reetech kiên định giữ vững chất lượng và cạnh tranh lành mạnh. Vẫn chưa hết khó khăn, Reetech còn gặp trở ngại lớn khác là phải sống chung với hàng lậu.

“Tôi từng thấy những thương hiệu lớn vào Việt Nam. Họ cử người ra Bắc vào Nam, khảo sát hệ thống phân phối. Và khi nhìn thấy hàng nhập lậu được vận chuyển từ Trung Quốc sang Việt Nam mà không có biện pháp hữu hiệu nào ngăn chặn, hầu như các thương hiệu lớn đều lắc đầu ngán ngẩm và lặng lẽ thoái lui khỏi thị trường”, ông Nguyễn Bảo Châu chia sẻ.

Ông Châu cho biết thêm, trước đây nhiều thương hiệu điện lạnh khác tìm cách phân định xem lỗi hỏng hóc sản phẩm thuộc về người tiêu dùng hay nhà sản xuất, chỉ sau khi xác định lỗi do nhà sản xuất thì họ mới chấp nhận bảo hành sản phẩm. Còn với Reetech, chúng tôi biết rất rõ chất lượng sản phẩm của mình, cho nên khi nhận được khiếu nại, thắc mắc nào của người tiêu dùng, Reetech không bao giờ “làm khó” mà tìm hiểu và lựa chọn phương án bảo hành, sửa chữa tốt nhất, đảm bảo để cả đại lý lẫn người tiêu dùng cảm thấy thoải mái, yên tâm hơn.

Chờ một “phù thủy”…

Dù có những trở ngại trên đường phát triển thương hiệu, nhưng Reetech không bao giờ chùn bước mà dường như trong những hoàn cảnh khó khăn, Reetech vẫn luôn tự tin đi theo lựa chọn của mình. Chưa có điều kiện để marketing với người tiêu dùng về thương hiệu của mình, nhưng Reetech có một “bảo chứng” khác: sự tin cậy của những khách hàng khó tính nhất. Ở những bệnh viện như: Chợ Rẫy, Vạn Hạnh, Anh Đức Tiền Giang, An Bình Kiên Giang… Reetech tự hào là nhà cung cấp máy điều hòa không khí tốt, mang lại môi trường trong sạch, bảo vệ sức khỏe cho người sử dụng.

Reetech đang chờ một “phù thủy”

Không phải Reetech không nghĩ đến việc đầu tư cho tiếp thị, nhưng băn khoăn của Reetech cũng là băn khoăn của nhiều nhà sản xuất, tiếp thị Việt Nam: nói với người tiêu dùng câu chuyện gì? Kể câu chuyện gì cho thật hấp dẫn và đầu tư cho marketing bao nhiêu thì đủ?

“Có thể chúng tôi chưa có một “phù thủy” cho marketing sản phẩm, nhưng chúng tôi đã nghĩ tới và đang chuẩn bị để thực hiện”, ông Châu thừa nhận.

“Mỗi năm chúng tôi vẫn dành 2- 4% ngân sách cho tiếp thị. Tuy nhiên làm sao cho hiệu quả thì vẫn là bài toán khó”. Doanh nghiệp nước ngoài có thể bỏ ra rất nhiều tiền để quảng cáo, tiếp thị để giành thị phần. Còn doanh nghiệp Việt thì phải biết “liệu cơm gắp mắm”. Một chiến lược marketing đang được Reetech ấp ủ và có thể đến đầu năm 2017 câu chuyện của thương hiệu này sẽ rõ ràng hơn, đại diện của Reetech cho biết.

Nói gì thì nói, Reetech cũng là thương hiệu con của REE, vốn là một tập đoàn hùng mạnh, nằm trong tốp 30 công ty hàng đầu có vốn hóa lớn trên thị trường chứng khoán Việt Nam (khoảng 6.604 tỷ đồng). Nếu REE được nhắc đến với tần suất cao thì Reetech vẫn chỉ là một “đứa trẻ” chấp nhận yên ổn dưới bóng cây đại thụ. Trong các mảng kinh doanh của REE thì Reetech đóng góp khoảng 20,4% doanh thu. Do vậy, “nếu ban giám đốc Reetech quan tâm phát triển thương hiệu Reetech để cạnh tranh tốt hơn trên thị trường thì Reetech phải gia tăng doanh thu, chứng tỏ cho hội đồng quản trị thấy được sự đầu tư cho thương hiệu là đúng đắn và hiệu quả. Mặt khác, nếu REE tính chuyện bán Reetech thì bài toán đầu tư cho thương hiệu lại là câu chuyện khác”, một chuyên gia tiếp thị nhận định.

Dù sao, với những gì Reetech đã và đang làm, người ta cũng mong thương hiệu này sẽ tiếp tục phát triển và tạo nên một hình ảnh mạnh mẽ đủ để Reetech cảm thấy tự hào đứng vững trước các thương hiệu nước ngoài và đồng thời nếu sự đầu tư cho thương hiệu Reetech được hoạch định mạnh mẽ, có thể thương hiệu này sẽ còn tạo ra một giá trị lớn hơn cho REE và cổ đông.

Tài sản lớn nhất và có giá trị nhất của Reetech

  • Là thương hiệu con của REE.
  • Chuyên sâu trong sản xuất các loại máy lạnh gia dụng, công nghiệp, tủ điện…
  • Xuất khẩu được vào các thị trường khó tính và có tính cạnh tranh cao như Nhật, Mỹ.
  • Xây dựng được uy tín với khách hàng và nhà phân phối.

Thiên Thủy
Nguồn Doanh Nhân Online