Zalo sẽ cạnh tranh với Viber ra sao để đạt 9 triệu người dùng ở Myanmar?

Muốn cạnh tranh với Viber đang có khoảng hơn 10 triệu người sử dụng, Zalo phải liên tục thay đổi điểu chỉnh sản phẩm cho phù hợp với người dùng bản địa như thêm gói ngôn ngữ và bộ gõ riêng, thiết lập máy chủ tại Myanmar... Để từ đó có thể đạt được mục tiêu khoảng 9 triệu người dùng ở quốc gia này.

Khát vọng đem Zalo xuất ngoại giúp vượt qua những khó khăn

Ông Vương Quang Khải, Phó Tổng Giám đốc VNG cho biết, Zalo đã gặp rất nhiều khó khăn trong lần đầu bước chân ra nước ngoài vì không có nhiều kinh nghiệm và tất cả mọi thứ đều mới mẻ. Vì thế, Zalo phải mất 5 tháng để tìm hiểu thị trường trước khi chính thức ra mắt tại Myanmar vào tháng 6/2016.

Cũng theo ông Khải, điều duy nhất giúp Zalo vượt qua khó khăn ban đầu là khát vọng và niềm tin giống như quãng thời gian Zalo phát triển ở Việt Nam vì “người Việt có thể làm được sản phẩm đạt đẳng cấp quốc tế”.

Zalo sẽ cạnh tranh với Viber ra sao để đạt 9 triệu người dùng ở Myanmar?

Theo ông Khải, Zalo là ứng dụng chat duy nhất ở Myanmar có đặt máy chủ riêng để giúp người dùng ở quốc gia này có trải nghiệm tốt nhất.

Chúng ta có thể nhìn những công ty như Grab Taxi hay Garena, ngay từ khi xuất phát điểm họ đã có suy nghĩ sẽ làm sản phẩm phục vụ thị trường thế giới thay vì một thị trường duy nhất. Trước giờ, đa số các công ty Việt Nam ít khi suy nghĩ sẽ phát triển sản phẩm ra thế giới nên thường không có nhiều cơ hội chiến đấu và cọ xát cho đến khi Nguyễn Hà Đông - “cha đẻ” của trò chơi nổi tiếng Flappy Bird chứng minh điều ngược lại là các sản phẩm của Việt Nam cũng có thể chiến đấu “sòng phẳng” với các ứng dụng trên thế giới. “Chính vì thế, mong muốn đem sản phẩm ra nước ngoài đã tạo động lực giúp Zalo vượt qua những khó khăn ban đầu ở Myanmar”, ông Khải nhấn mạnh.

Tối ưu sản phẩm để đáp ứng nhu cầu người dùng ở Myanmar

Ông Khải cho rằng, do không phải công ty bản địa nên Zalo phải liên tục khảo sát người sử dụng Myanmar xem họ mong muốn những tính năng gì, quan tâm điều gì để có thể điều chỉnh lại sản phẩm cho phù hợp. Sau khi đã hiểu được nhu cầu của người dùng Myamar, Zalo bắt đầu có những bước đi “địa phương hóa” sản phẩm như bắt đầu thêm vào gói ngôn ngữ Myanmar hay sử dụng bộ gõ riêng, thậm chí công nghệ bên trong ứng dụng cũng phải hiểu được tiếng Myanmar.

So với Viber, Zalo không nghĩ quá nhiều vì đã từng vượt qua họ ở Việt Nam thì tại sao ở thị trường ngước ngoài không thể lặp lại.

Khi được hỏi về việc Zalo sẽ cạnh tranh với những ứng dụng chat khác ở thị trường Myanmar như thế nào khi mà Viber đã có khoảng hơn 10 triệu người dùng, ông Khải cho rằng, điều tự hào và khác biệt nhất của Zalo so với các ứng dụng tương tự ở Việt Nam hay Myanmar là chất lượng sản phẩm nhanh và ổn định. Để làm được điều đó, đội ngũ tại Myanmar đã thiết lập máy chủ riêng nhằm phục vụ tốt nhất cho thị trường này. Zalo là đơn vị duy nhất ở Myanmar đầu tư rất nhiều chi phí cho máy chủ, ngay cả những công ty chỉ phục vụ thị trường Myanmar như ứng dụng Mychat cũng đặt máy chủ ở nước ngoài. “Zalo sẽ liên tục tối ưu giúp ứng dụng chạy nhanh nhất có thể dù chỉ 1/10 giây để người dùng Myanmar cảm thấy hài lòng với sản phẩm”, ông Khải cho biết thêm.

Ngoài ra, thuận lợi của Zalo so với ứng dụng khác là thị trường Myanmar có nhiều điểm giống với Việt Nam và đều là những thị trường đang phát triển. So với Viber, Zalo không nghĩ quá nhiều vì đã từng vượt qua họ ở Việt Nam thì tại sao ở thị trường ngước ngoài không thể lặp lại. “Điều duy nhất Zalo nghĩ đến là mình có thể phục vụ tốt người dùng ở Myanmar hay không thay vì nghĩ đến đối thủ, chưa kể mỗi sản phẩm có một định vị thị trường khác nhau”, ông Khải nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, dù đã có nhiều kinh nghiệm trong việc giải quyết bài toán về kỹ thuật, hạ tầng ở Việt Nam nhưng các kỹ sư của Zalo vẫn rất thận trọng bởi đây là lần đầu tiên họ bước ra thế giới. Bất cứ một sự bổ sung nào vào sản phẩm cũng được cân nhắc kỹ càng, dựa trên những phân tích số liệu phức tạp và các cuộc thảo luận kéo dài.

Thị trường ứng dụng di động Việt Nam ở nước ngoài thường chia làm 2 loại, một là các sản phẩm đã phục vụ tốt một lượng người dùng nhất định ở Việt Nam sau đó mới tìm cách xuất ngoại, có thể kể đến như Zalo, Appota… Mô hình thứ hai phát triển nhắm đến thị trường quốc tế ngay từ đầu như Money Lover, Piano+( rubycell), GotIt! … Lý giải cho việc nhắm sản phẩm đến thị trường thế giới thay vì thị trường trong nước, ông Đinh Văn Hưng, Phó chủ tịch rubycell cho biết nhận thấy người dùng Việt Nam thường không bỏ tiền mua ứng dụng nên đã viết các phần mềm hướng tới thị trường nước ngoài. “Người dùng Việt vẫn thích chơi, nhưng khi đụng đến trả tiền thì họ không trả", ông Hưng nói.

Thế Phương
Nguồn ICT News