"Việt Nam sẽ tiếp tục là điểm sáng về tiêu thụ bia của thế giới"
Người Việt Nam được xếp vào hàng uống bia nhiều trên thế giới. Theo số liệu mới nhất về sản lượng tiêu thụ bia theo từng quốc gia, tiêu thụ bia tại Việt Nam đứng thứ 11 thế giới và nằm trong top 3 của châu Á, chỉ sau Trung Quốc và Nhật Bản.
Uống đã nhiều là vậy, lượng bia người Việt uống dự kiến sẽ còn tăng mạnh mẽ trong những năm tới. Theo một báo cáo về ngành bia mang tên “Ngành Bia Việt Nam – Bữa nhậu cuối năm” của BSC, đến năm 2020, người Việt có thể uống số bia nhiều tới gấp rưỡi so với hiện tại. Chia trung bình, mỗi người Việt, trong độ tuổi trưởng thành từ 15-64 có thể uống tiệm cận đến con số 100 triệu lít bia.
Tại sao lại như vậy ? Để giải thích cho nhân định trong báo cáo “Việt Nam sẽ tiếp tục là điểm sáng về tiêu thụ bia của thế giới trong thời gian sắp tới”, báo cáo của BSC nhấn mạnh tới 3 điểm chính
Thứ nhất, sản lượng bia tiêu thụ trên đầu người của Việt Nam lớn nhưng mới ở mức vừa phải, vì thế còn có thể tăng mạnh mẽ.
Chia trên đầu người với tập dân số từ 15 -64 tuổi, Việt Nam mới chỉ tiêu thụ 59,05 lít bia/người (số liệu 2015). Con số này vẫn thấp hơn nhiều mức trung bình 92,07 lít/người năm 2014 của nhóm 25 nước tiêu thụ bia nhiều nhất thế giới (chiếm đến hơn 83% tổng tiêu thụ bia toàn cầu). Cho đến năm 2020, lượng uống của người Việt dự kiến sẽ bắt kịp con số trung bình của 25 nước hàng đầu, nghĩa là sẽ tăng ít nhất gấp rưỡi sau 4 năm nữa.
Thứ hai, Việt Nam vẫn đang trong thời kỳ dân số vàng.
Mặc dù dân số Việt Nam đang bị già hóa theo nhận định của Ngân hàng Thế giới nhưng tỷ lệ tập dân số uống bia nhiều nhất – từ 15 đến 64 tuổi – vẫn tăng, nếu có năm nào giảm thì sự giảm chỉ rất nhẹ. Có thể nói, tháp tuổi lý tưởng như dưới đây chính là nguyên nhân tại sao có ngày càng nhiều hãng bia nước ngoài chọn Việt Nam trở thành nơi đổ bộ.
Thứ ba, tầng lớp trung lưu đông đảo, với số lương được dự đoán tăng gấp đôi năm 2020. Mặt bằng thu nhập cũng được cải thiện.
Theo Trung tâm Nghiên cứu Người tiêu dùng và Khách hàng của Tập đoàn tư vấn Boston (Mỹ), năm 2020, tầng lớp trung lưu của Việt Nam sẽ tăng gấp đôi lên 33 triệu người, tương đương với 1/3 dân số đất nước, đạt mức tăng nhanh nhất tại khu vực Đông Nam Á.
Không chỉ gia tăng về số lượng, thu nhập cũng tầng lớp này cũng sẽ tăng lên mạnh mẽ. Trong giai đoạn 2010 – 2015, GDP bình quân trên đầu người tại Việt Nam đã tăng hàng năm ở mức 9.61%, một mức tương đối cao. Đến năm 2020, mức tăng hằng năm được dự đoán còn có thể cao hơn nữa, khiến cho túi tiền người dân cũng rủng rỉnh hơn.
Trong một xã hội mà tầng lớp trung lưu nhiều lên, cùng với việc mặt bằng thu nhập cao lên, không chỉ bia mà các mặt hàng tiêu dùng nói chung sẽ đều được lợi.
Vượng Lê
Nguồn Trí thức trẻ