Truyền hình trả tiền: Cựu binh lấn tới, lính mới ngã ngựa!

Đầu năm 2016, dịch vụ quốc tế xem video theo yêu cầu - Netflix công bố sẽ thâm nhập thị trường Việt Nam. Ai cũng nghĩ thời kỳ mới của truyền hình OTT (cung cấp qua giao thức IPTV) đã đến và các phương thức truyền hình truyền thống khác như truyền hình số vệ tinh, cáp… sẽ đến hồi “khai tử”.

Tuy nhiên, cùng với việc hạ tầng kỹ thuật chưa đồng đều và các rào cản khác, thì mức phí cao cũng là một nguyên nhân khiến dịch vụ này chưa có nhiều người dùng. Được biết, Netflix cung cấp 3 gói thuê bao với mức phí từ 180.000- 260.000 đồng.

Ở một gam màu trái chiều khác, từ đầu năm 2016, sau khi “tiếp quản” Truyền hình An Viên (AVG), truyền hình Mobi TV đã có sự bứt phá ngoạn mục. Bằng việc huy động thế mạnh của MobiFone từ hệ thống bán hàng, chăm sóc khách hàng và áp dụng công nghệ mới, MobiTV đã tăng thêm gần 200.000 khách hàng mới, chính thức bước vào “CLB 1 triệu thuê bao” truyền hình trả tiền, đạt mục tiêu 1 triệu khách hàng vào năm 2016 trước 3 tháng.

Vì sao “lính mới OTT” như Netflix lại không được đón nhận, trong khi “cựu binh” như Mobi TV, K+, VTV Cab lại được khách hàng chào đón?

Vì sao “lính mới” OTT ngã ngựa…!

Nguyên nhân đầu tiên được chỉ ra là do phương thức truyền dẫn. Phải nói rằng, không chỉ Netflix, mà các Truyền hình OTT tại Việt Nam như Next TV của Viettel, MyTV của VNPT, FPT Play của FPT đều hoạt động khó khăn sau một thời gian đi vào hoạt động.

Truyền hình trả tiền: Cựu binh lấn tới, lính mới ngã ngựa!

MyTV của VNPT đã đặt mục tiêu đạt 1 triệu thuê bao vào cuối năm 2015 nhưng bất thành. Thậm chí, 9 tháng đầu năm 2016, tốc độ phát triển thuê bao chỉ đạt 40% kế hoạch.

NextTV của Viettel cũng được cấp phép cung cấp dịch vụ truyền hình giao thức IPTV như VNPT, nhưng nhưng tốc độ phát triển thuê bao rất chật vật, sau 5 năm chỉ đạt chưa đến 100.000 thuê bao. Thất bại với truyền hình OTT, Viettel xin được cấp phép cung cấp dịch vụ truyền hình cáp trên toàn quốc từ tháng 4/2013 và đến 2 năm sau, Viettel mới chính thức cung cấp dịch vụ truyền hình cáp tới khách hàng. Ngoài ra, nhiều ứng dụng truyền hình OTT như VTV Plus, VTC Play, FPT Play, Thể Thao 24/7… cũng hoạt động chật vật và không được khách hàng ưa chuộng.

Theo thống kê của Bộ Thông tin và Truyền thông, đến hết năm 2015, tổng số thuê bao truyền hình trả tiền là khoảng 10 triệu thuê bao, nhưng chỉ có hơn 1 triệu thuê bao trên giao thức IPTV, số còn lại là thuê bao thuộc truyền hình số, cáp, vệ tinh.

Truyền hình OTT có ưu điểm là đảm bảo dịch vụ truyền hình kết nối với khách hàng không chỉ qua màn hình tivi mà còn qua các thiết bị khác như: máy tính bàn, máy tính bảng và điện thoại thông minh. Tuy nhiên, xu hướng xem truyền hình trên đa màn hình cũng đòi hỏi khác biệt về mặt nội dung so với truyền hình truyền thống. Người xem truyền hình không còn đơn thuần chỉ là xem các chương trình sẵn có trên truyền hình nữa, mà họ còn muốn tương tác nhiều hơn với nội dung được yêu thích.

Mặt khác, truyền hình OTT không giải quyết được bài toán về các chương trình trực tiếp, hay việc tiếp cận với các khách hàng thuộc các khu vực sâu xa trở nên khó khăn do hạn chế về thiết bị. Nói cách khác, Truyền hình OTT ngoài ưu điểm “tua lại để xem”, thì thua xa phương thức truyền hình số vệ tinh, mặt đất, cáp.

Cựu binh “tung chiêu” mới!

Theo thống kê của Bộ Thông tin và Truyền thông, đến hết năm 2015, tổng số thuê bao truyền hình trả tiền là khoảng 10 triệu thuê bao, nhưng chỉ có hơn 1 triệu thuê bao trên giao thức IPTV, số còn lại là thuê bao thuộc truyền hình số, cáp, vệ tinh.

Trong khi đó, theo các chuyên gia, truyền hình số mặt đất, vệ tinh, với các ưu thế về lắp đặt nhanh chóng, âm thanh hình ảnh sắc nét, nhiều kênh và chương trình hấp dẫn đa dạng và giá rẻ, đặc biệt là phù hợp với lộ trình số hóa truyền hình mà Chính phủ đang áp dụng tại Việt Nam và giá rẻ (chỉ từ 30.000 đồng/tháng) đã khiến phương thức truyền hình số được đông đảo người dân ưa chuộng.

Đặc biệt là, truyền hình số kết hợp với viễn thông đang là xu hướng “hót”. Theo đó, phương thức đặc biệt này không chỉ cung cấp các chương trình truyền hình đặc sắc qua hệ thống đầu thu kỹ thuật số mà còn được cung cấp qua thuê bao Internet. Các thuê bao truyền hình và thuê bao di động được hưởng nhiều chính sách ưu đãi khuyến mại và giá đặc biệt từ nhà cung cấp. Đó cũng chính là cách thức mà MobiFone đã áp dụng thành công, phát triển thuê bao “thần tốc” từ đầu năm 2016 đến nay.

Theo nhận định của ông Jan Wassenius, Tổng giám đốc Ericsson Việt Nam và Myanmar, việc các nhà khai thác viễn thông di động tích hợp truyền hình và viễn thông, mang lại sự cạnh tranh đối với các nhà cung cấp OTT. Nhưng quan trọng hơn, nó sẽ hình thành một hệ sinh thái hoạt động hiệu quả cho nhà mạng.

“Với MobiFone, chúng tôi hiểu là họ muốn hiện thực hóa sự phát triển của truyền hình bằng cách mang lại những giải pháp hài hòa, giúp các nhà cung cấp nội dung, các đài truyền hình và nhà phát triển ứng dụng, đều có sự chủ động để sáng tạo, quản lý và kinh doanh từ sự phổ biến của truyền hình với đại chúng”, ông Jan Wassenius nhận định.

Có thể rồi tới đây, thị trường sẽ chứng kiến cuộc đua của các nhà cung cấp dịch vụ truyền hình trả tiền kết hợp viễn thông với các nhà cung cấp truyền hình trả tiền truyền thống. Điều này sẽ mang lại lợi ích lớn cho khách hàng khi sẽ được xem những kênh truyền hình giá rẻ, nội dung đa dạng, hấp dẫn và mới lạ.

Hữu Tuấn
Nguồn Báo Đầu Tư